Tuesday, 10 November 2015

Đến bao giờ lá phiếu trong tay là lá phiếu trách nhiệm? (Hiền Nghi - Việt Nam Thời Báo)





Hiền Nghi  -  Việt Nam Thời Báo

(VNTB) Myanmar đã tổ chức cuộc bầu cử lịch sử vào hôm Chủ nhật. Cái không khí bầu cử được phác họa bằng chữ “công bằng, an ninh, tự do bỏ phiếu, hân hoan”. Bởi đây là lần đầu tiên, kể từ sau 3 thập kỷ, Myanma mới có được ngày hôm vui như thế! Khi báo chí Việt Nam đưa tin về kết quả chiến thắng của đảng bà bà Suu Kyi (đảng NLD), những phản hồi của từ độc giả các trang báo lớn như Tuổi Trẻ, Thanh Niên… đều hân hoan. Hân hoan bởi đây là cuộc bỏ phiếu dân chủ; và hân hoan bởi không có ai là kẻ thua cuộc trong cuộc bỏ phiếu lần này.

“Chúng tôi chờ đợi ngày này đã lâu”

Hàng tin Reuters trích dẫn cảm xúc của nhiều cử tri Myanmar, trong đó họ “hạnh phúc, tự hào, hãnh diện, hân hoan” khi cầm lá phiếu đến điểm bỏ phiếu.

Sau 25 năm, kể từ cuộc tổng tuyển cử ở Yangon, và họ đã chờ đợi được. Họ chờ đợi để làm được cái điều mà họ cho là trách nhiệm cao cả của người công dân, trong ngày vui trọng đại của quốc gia, mở bước ngoặt cho Myanmar thay đổi từ trên xuống. Thậm chí, có một chi tiết của hang tin Reuters đã ghi nhận được, cho thấy cái tinh thần cử tri của người dân Myanmar đối với ngày hội thực sự của họ là, một kế toán người Myamar làm việc tại Singapore đã đã bay về nhà chỉ để bỏ phiếu.

Quả thực, khi người dân làm chủ được lá phiếu cử tri và quyết định được người mình thực sự mong muốn trở thành “lãnh đạo”, họ đã thực sự nắm trọn vẹn lá phiếu. 


Ai kể chiến thắng, người nào là chiến bại?

Cuộc bầu cử diễn ra, nổi bật bởi 2 người anh hùng của Myanmar. Đầu tiên là bà Suu Kyi – cánh chim đầu đàn trong đấu tranh giành quyền tự do, dân chủ cho người dân Myanmar; người thứ hai là ông Thein Sein – người có tư tưởng ôn hòa và cải cách, mặc dù ông xuất thân từ quân đội.

Một diễn biến đáng ghi nhận khác cũng liên quan đến lực lượng quân đội Myanmar, là Tướng Min Aung Hlaing người đã chia sẻ với các phóng viên vào ngày Chủ nhật rằng, kết quả của cuộc bầu cử sẽ được tôn trọng, thậm chí nếu – đảng NLD của bà Suu Kyi giành chiến thắng. Và sự thú nhận của ông Htay Oo, quyền Chủ tịch Đảng Phát triển và Liên hiệp Đoàn kết (USDP) Myanmar sau khi kết quả cuộc bầu cử bước đầu được công bố: "Chúng tôi đã thua.” Nhưng có một chi tiết quan trọng hơn mà ông Htay Oo nhấn mạnh là, là “dù thế nào, chúng tôi sẵn sàng chấp nhận kết quả.”

“Tôn trọng kết quả; chấp nhận thua cuộc”, đảng USDP và các tướng lãnh quân đội Myanmar đã thực sự ghi điểm “chiến thắng” trong lòng người dân Myanmar và quốc tế, khi họ chấp nhận sự công bằng của một luật chơi bầu cử và cạnh tranh. Và rõ ràng, khi họ đã chấp nhận “thua cuộc”, họ đã cho thấy một sự bầu cử tự do, dân chủ đến mức nào; tôn trọng cử tri ra sao; và rằng, họ đi vào lịch sử với những người “thua cuộc” trong tư thế ngẩng cao đầu. Những con người chịu lui trước quyền lực cá nhân, nhóm để trao lại quyền lực cho nhân dân.

Do vậy, sự hoan hô nền dân chủ thực sự của Myanma, trước hết là hoan hô những con người đã làm nên dân chủ đâm chồi ở Myanmar, trong đó có bà Suu Kyi và các tướng lãnh (đại diện là Tổng thống Thein Sein).

Nhiều độc giả trên báo Tuổi Trẻ đã phản hồi về kết quả bầu cử với sự hân hoan lớn như thể chính kỳ vọng của họ về sự thay đổi nền dân chủ thực sự ở Việt Nam. Một bạn đọc nguyensa cho biết, “Chúc mừng nền dân chủ Myanma dù còn rất non trẻ. Thừa nhận thất bại của đảng cầm quyền là biểu hiện của sự văn minh.”

Đều đó cho thế, người dân Myanmar càng có thể tin tưởng chắc chắn về một sự cởi mở rộng hơn đối với tương lai đất nước; một sự thay đổi đi từ trên xuống dưới…

Bao giờ cho đến Việt Nam

Việt Nam cũng từng có thời kỳ bầu cử với không khí hân hoan như thế, trong sách giáo khoa và hệ thống truyền thông chính thống, đã có ghi nhận về cuộc bầu cử Chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa cuối những năm 1945 – đầu 1946, khi đó 90% dân mù chữ lần đầu tiên được tham gia ngày hội về quyền con người: bầu cử.

Giáo sư Văn Tạo, nguyên viện trưởng Viện Sử học trong loạt bài trên báo Tuổi Trẻ [1] đã kể về những ngày bầu cử ở quê mình rằng, “Bà con làng xóm lúc đó hân hoan vì lâu lắm làng quê mới có một ngày hội rộn rã như thế.” 

Kết quả, cả nước đã bầu được 333 đại biểu, trong đó, có 57% số đại biểu thuộc các đảng phái khác nhau, 43% không đảng phái, 87% số đại biểu là công nhân, nông dân, chiến sĩ… Và đó là “ngày hội”.

Nhưng đến nay, sau 70 năm kể từ ngày hội đó, và 40 năm “giải phóng”. Việt Nam vẫn luẩn quẩn trong cái gọi là “đảng cử dân bầu”. Cái gọi là “Quyền của công dân không tách rời nghĩa vụ của công dân” trở thành một khuôn khổ gò ép, buộc người dân phải bầu những người mình không muốn và chưa hề nhận biết họ sẽ và đã làm gì cho chính mảnh đất mà mình đang sống; cái nghĩa vụ bắt buộc “đảng cử dân bầu” đó nó lấn át đi phần trách nhiệm và sự tự hào của một ngày làm chủ của những người cầm trên tay lá phiếu cử tri.

Cờ hoa và lòng rộn ràng đi bầu cử vẫn chỉ là câu hát trên hệ thống loa phát thanh; là “cảm xúc” của các cụ Giàng A Dếnh nào đó,… Người dân chán cái kiểu bầu cử áp đặt, ngán ngẩm cái kiểu bầu cử mà “đại diện cho quyền và lợi ích” lại chưa một lần gặp mặt - tiếp xúc. Dân bức xúc những Nghị gật - kết quả từ nguyên tắc bầu cử của Đảng; khinh bỉ những lãnh đạo chỉ giỏi diễn văn mà không giỏi điều hành thực tiễn - kết quả của thỏa thuận lợi ích nhóm tinh hoa chính trị và cả đất nước trở thành một bàn cờ đổi chác lợi ích - vun vén cá nhân - gia đình trên mảnh đất dân tộc... 

Và thế họ càng có lý do để đặt câu hỏi: “Bao giờ cho đến Việt Nam”?

Sự thay đổi của Việt Nam sẽ là từ dưới lên (xã hội dân sự) hay từ trên xuống (giới tinh hoa chính trị)? Không ai biết, không ai dám chắc chắn với nền chính trị mà mảng trắng – đen lẫn lộn, kể cả khi ĐH Đảng bộ tỉnh thành vừa qua đem lại những gương mặt trẻ - nhưng dân sớm nhận ra, gương mặt trẻ đó là những “giống” của lãnh đạo đương nhiệm hoặc trước đó. 

Việt Nam sẽ tiếp tục bị kiềm hãm trong một thể chế với lối bầu cử một đường thẳng và nghệ thuật sắp đặt chính trị? Bởi sự ngạo nghễ về chiến thắng quân sự của 40 năm về trước của lớp lãnh đạo và con cháu lãnh đạo? Bởi sự tự tin về một hệ thống chính trị chi phối của Đảng, giám sát người dân đến tận cơ sở qua chi bộ với sự đồng thuận cao? Hay bởi tầng lớp đặc quyền đặc lợi để nắm thóp hết của nhau và không ai có thể động đậy để thay đổi?

Đến bao giờ lá phiếu trong tay người dân mới được những người chiến thắng năm 1975 trao cho là lá phiếu trách nhiệm?

Lẽ nào, “Myanmar đi trước về sau”?

Chú thích:







No comments:

Post a Comment

View My Stats