Với tư
cách là “sử gia” nổi tiếng nhất của chế độ, ông Dương Trung Quốc không thể
không thấy sự hấp hối của môn sử và thậm chí ông có thể thấy tại sao môn “sử
dân tộc” bị ám sát để thay thế bằng “sử chế độ”. Ông thừa nhận rằng “bối cảnh tình hình đất nước, láng giềng, khu
vực và quốc tế như hiện nay cho thấy vấn đề chủ quyền, hội nhập là rất hệ trọng.
Vì thế, hơn bao giờ hết, không thể lãng quên lịch sử, đánh mất mình. Do vậy, nếu
muốn thay đổi thì cần làm hết sức cẩn trọng, không thể làm đơn giản”.
Ông cũng
“băn khoăn” rằng “Bộ GD-ĐT luôn lập luận không bỏ môn lịch sử nhưng theo tôi,
đó chỉ là cách nói và chúng tôi rất nghi ngờ”, rằng “vấn đề dạy và học lịch sử
đã được báo động cách đây hai thập kỷ, ở thời điểm năm 1996”. Nói cách khác,
ông đã thấy, từ lâu, về cái chết lâm sàng thổ ra huyết của môn sử cũng như ông
thấy phương pháp dạy sử như bao lâu nay là “có vấn đề”; nhưng điều duy nhất mà ông, một “sử gia lừng lẫy”,
là chỉ “nghi ngờ” và “băn khoăn”! Hai thập niên “trăn trở” với “băn khoăn”,
trong bất lực, là có quá lâu không?
Điều
này không khỏi khiến người ta không đặt câu hỏi rằng với cương vị đại biểu Quốc
hội, với tư cách tổng thư ký Hội khoa học lịch sử Việt Nam, ông đã làm gì và
không làm gì, trách nhiệm của ông như thế nào, trong cái chết bi thảm của môn sử?
Ông có
công trình nghiên cứu nào, một cách tử tế, về sự tắt thở lần hồi của môn sử và
đưa ra giải pháp cứu môn sử?
Một quốc
gia không có sử là một người không có khuôn mặt. Một quốc gia ám sát môn sử là
một quốc gia tình nguyện làm nô dịch văn hóa. Một quốc gia nô dịch văn hóa là một
quốc gia không có chủ quyền. Những điều này ai, không chỉ giới sử học tinh hoa
như ông Dương Trung Quốc, cũng có thể nhận thấy.
Tại sao
Hoàng Sa-Trường Sa không được đề cập trong sách giáo khoa? Tại sao cuộc chiến
giữ gìn biên cương chống ngoại xâm Nam Hán chỉ có thể dám viết là “chống giặc
phương Bắc”! Ai ra lệnh và chủ trương biên soạn sách giáo khoa kiểu như vậy?
Ông Dương Trung Quốc không biết? Câu hỏi này nằm “ngoài tầm” nghiên cứu và lĩnh
vực của ông? Với vị trí và uy tín của mình, tại sao ông không làm một cuộc cách
mạng thật sự thay đổi quan điểm dạy sử bằng cách vận động gây sức ép với Bộ
giáo dục? Ông xuất hiện luôn đĩnh đạc và đàng hoàng. Sự đàng hoàng đó sẽ cần và
có ý nghĩa hơn nếu ông có hành động, cùng hành động với hội sử gia của ông,
trong việc chặn đứng cái chết môn sử.
Trên
báo Tuổi Trẻ 4-2-2013, trên chuyên mục “Quyển sách thay đổi cuộc đời”, ông
Dương Trung Quốc kể rằng quyển sách “thay đổi cuộc đời” ông là “Những mẩu chuyện
về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch” của tác giả Trần Dân Tiên. Ông thuật rằng “cuốn
sách nhỏ mà tôi nhắc đến trong bài viết này thật sự đã “dẫn tôi vào đời” nghề
nghiệp để hướng tới cái khao khát muốn tìm ra những gương mặt thật đã tạo nên một
lịch sử thật”. Thật mong rằng ông vẫn còn “khao khát muốn tìm ra những gương mặt
thật đã tạo nên một lịch sử thật” cho những gì đang xảy ra cho môn sử nước nhà.
No comments:
Post a Comment