Friday, 20 November 2015

CHUYỆN LẠ CỦA CHẾ ĐỘ CSVN (Nguyễn Đình Cống)





Nguyễn Đình Cống
20/11/2015

Trên đời có nhiều chuyện lạ xẩy ra, theo thời gian một số trong đó trở thành thông thường đến mức không còn lạ nữa. Gần đây tôi biết một chuyện rất lạ, xin kể ra đây để chia sẻ cùng các bạn quan tâm.

Vừa rồi tôi được đọc một quyển sách, tác giả là Zhelyu Zhelev (Jeliu Jeliev). Ông viết xong năm 1967, lúc đang là đảng viên Đảng Cộng sản Bungaria, Tiến sĩ, Chủ nhiệm khoa Trường Đại học Văn hóa Sophia, nhưng năm 1982 mới được xuất bản lần đầu. Năm 1990 Zhelyu Zhelev được bầu làm Tổng thống dân cử đầu tiên của nước Cộng hòa Bungaria. Bản dịch tiếng Việt của Phạm Văn Viêm năm 1990, được công bố ở nước ngoài vào năm 1993. Tôi xin tóm tắt một số nội dung chính. Để thể hiện “chuyện lạ” tôi tạm ẩn một vài từ (được đặt trong ngoặc đơn). Xin các bạn đọc hết mới thấy được chuyện lạ ở chỗ nào. Tạm chưa nêu tên sách. Vì là tóm tắt, chủ yếu bằng cách trích dẫn từng câu của bản dịch nên có chỗ hơi bị lủng củng, mong được thông cảm. Để tránh quá dài, một số đoạn chỉ ghi đề mục.

PHẦN MỞ ĐẦU. Quyển sách trình bày và phân tích những sự thật của một phần xã hội loài người xẩy ra ở thế kỷ 20, đó là đảng (a), chủ nghĩa (a), nhà nước (a).

1 - Tính thời sự của chủ đề - Những gì xẩy ra hôm nay ngày mai đã trở thành lịch sử. Tính thời sự của chủ đề này được xác định từ một vấn đề: sự cần thiết phải diễn giải cấu trúc, quy luật, cơ cấu và đòn bẩy ẩn giấu trong nhà nước (a).

2 - Những định nghĩa về chủ nghĩa (a) –

3 - Khái niệm về nhà nước độc tài - + Thiết lập “chính quyền độc nhất” hay cơ cấu một đảng quyền. + Đảng (a) khống chế nhà nước, biến nhà nước thành công cụ của nó. + Thiết lập các tổ chức quần chúng quốc gia và thông qua chúng đảng (a) kiểm soát toàn bộ xã hội công chúng (tổ chức công đoàn, thanh niên, tổ chức Dopolavoro), v.v…

PHẦN 1 - CẤU TRÚC CỦA MỘT NHÀ NƯỚC (a)

1 - Thiết lập cơ chế một đảng quyền. Giới lãnh đạo chóp bu nhận thức được giá trị vô cùng quan trọng của cơ chế một đảng quyền. Vì vậy mọi ý đồ chống lại nguyên tắc này nhằm phục hồi nền dân chủ với cơ chế đa đảng bị xem là phá hoại nền an ninh quốc gia và bị trừng phạt dã man, tàn bạo .

2 - Sát nhập giữa đảng và nhà nước (a). Sự thống nhất toàn diện giữa đảng và nhà nước là bước đầu quan trọng thứ hai trong quá trình xây dựng chế độ. + Sát nhập giữa bộ máy lãnh đạo nhà nước và bộ máy lãnh đạo đảng. + Các đảng viên (a) chiếm giữ những trọng trách nhà nước. + Ban lãnh đạo đảng (a) trở thành chính phủ quốc gia. + Sự kiểm soát của đảng (a) đối với nhà nước… được luật hóa bởi nhà nước. + Chuyển giao những nhiệm vụ nhà nước cho các tổ chức đảng (a). + Nhà nước bảo vệ đảng (a). + Nhà nước trả lương cho bộ máy đảng (a). + Đảng (a) là “Nhà nước của nhà nước”, đứng trên pháp luật nhà nước. + Tư tưởng của đảng (a) trở thành hệ tư tưởng chính thức của nhà nước.

3 - Đồng hóa toàn bộ đời sống xã hội . + Vai trò của đảng (…). + Cấu trúc của đảng (…) được xác định từ mục tiêu chiến lược của nó là lãnh đạo nhà nước và nhân dân, đứng đầu làThống lĩnh, nguyện vọng của Thống lĩnh là pháp luật trong đảng. Cấp dưới phục tùng vô điều kiện cấp trên. + Thâu tóm toàn bộ dân chúng vào các tổ chức quốc gia (các đoàn thể quần chúng theo lứa tuổi, theo giới tính, theo nghề nghiệp, tất cả đặt dưới sự lãnh đạo của đảng). + Đồng hóa cuộc sống tinh thần, thâu tóm tổng thể giới trí thức vào các hiệp hội, nghệ thuật và văn học phải phục tùng đảng (a). Chấn chỉnh khoa học và đội ngũ cán bộ khoa học. + Mâu thuẩn giữa đảng (a) và giới trí thức chân chính.

4 - Tư duy uy tín và sự sùng bái lãnh tụ dân tộc. + Uy tín và sùng bái. Có một số lượng khổng lồ những bài thơ ca ngợi (thống lĩnh, lãnh tụ) ví ông ta như ngọn cờ, như vì sao, như mặt trời… Chúng tôi xin dịch một số khổ thơ như thế:

Chúng con yêu Người như yêu nước (b). Chiến đấu cho Người cho nước (b) thân yêu. Và sẵn sàng hy sinh vì Người. Bởi có Người nước (b) thành vĩ đại. …; Giờ đây chúng con càng yêu thêm nước (b) và yêu Người-lãnh tụ kính yêu. Trong áo vải giản đơn, ánh hào quang vẫn tỏa…; Đêm thanh bình, đêm trong sáng. Tất cả ngủ yên rồi. Riêng Người vẫn thức. Người trăn trở nỗi niềm hạnh phúc. Cho chúng con, cho đất nước thân yêu… Dẫn chúng con đến vinh quang, bình yên và hạnh phúc. Cho chúng con niềm tin… Thống lĩnh nói! Lời nói thành sự nghiệp, và những câu từ bình dị bỗng trở nên có sức mạnh siêu phàm. Thống lĩnh nói, lời Người thành pháp luật…; Chúng con trao cho Người tất cả mọi trái tim, Luôn đứng bên Người trong niềm vui và đau khổ….

Tất nhiên những khổ thơ như trên, (trích từ một số bài của các tác giả khác nhau), chỉ là một phần không đáng kể trong số khổng lồ các bài thơ ca ngợi (H).

+ Biến nhân dân thành quần thể không tính cách. + Tôn thờ các lãnh tụ đảng và nhà nước khác của chế độ (a). + Sùng bái đảng. Nhà nước nói nhiều về trách nhiệm nhưng một khi đã nắm trong tay toàn bộ quyền hành và số phận nhà nước thì đảng (a) không còn phải chịu trách nhiệm trước bất cứ ai ngoài bản thân mình.

5 - Trại tập trung cải huấn. + Ý nghĩa và mục đích các trại cải huấn. Chính phủ (a) giam giữ tất cả các đối thủ chính trị của mình trong trại tập trung, không phụ thuộc vào đảng phái, dân tộc, thế giới quan, tuổi tác và giới tính. + Thực chất của trại tập trung cải huấn. Quảng cáo các trại tập trung cải huấn như những trại cải tạo lao động, nhưng thực chất là nhằm hủy diệt thể chất và tinh thần những kẻ thù của mình, là sự chà đạp thô bạo và tội lỗi nhất đối với nhân cách con người.

6 - Mối liên quan giữa các cơ cấu trong cấu trúc nhà nước (…). + Tính cần thiết của mối liên quan. + Cấu trúc và chức năng. Hy vọng nhà nước (a) dân chủ hóa chỉ là ảo tưởng. Nhà nước không cho phép cả giới chóp bu có quyền tự do, cả những kẻ áp bức cũng không có quyền tự do. Để có một hệ thống có thể đàn áp , trước hết nó cần phải được tổ chức như một hệ thống đàn áp.

PHẦN 2 - NHỮNG CHỨC NĂNG ĐẶC BIỆT CỦA NHÀ NƯỚC (a)

1 - Do thám tổng thể - (Ngoài lực lượng công an, cảnh sát) cần thiết phải có thứ vũ khí mới để bảo vệ chế độ, đó là do thám quần chúng, do thám tổng thế. Ai cũng có thể trở thành do thám, ai cũng phải trở thành do thám.

2 - Tuyên truyền trắng trợn. Tuyên truyền trở thành chủ soái tuyệt đối của nhà nước, đưa tin tức và phân tích sự kiện theo một chiều duy nhất.

3 - Cần thiết phải cách ly đất nước

4 - Thường xuyên cần thiết mối đe dọa quân sự từ bên ngoài

5 - Sự khác biệt giữa chế độ (a) và nền dân chủ. + Cá nhân bị làm vật hy sinh cho cộng đồng (a) + Cơ quan hành luật được đặt trên cơ quan lập hiến. + Viện kiểm sát phục tùng cảnh sát. + Cương vị bù nhìn của Quốc hội. + Trò bầu cử hài hước. + Hủy diệt mọi quyền tự do công dân và tự do chính trị.

PHẦN 3 - ĐẶC THÙ TỔNG QUÁT CỦA NHÀ NƯỚC (a)

1 - Nhà nước (a) có thể bị lật đổ từ dưới không. 2 - Ba lực lượng vũ trang của nhà nước (a). 3 - Sự khác nhau giữa nhà nước (a) và nền chuyên chính quân sự. 4 - Sự khác nhau giữa nhà nước (a) và nhà nước uy tín. 5 - Nhà nước (a) bắt buộc thế giới cũng phải độc tài hóa. 6 - Những cơ sở kinh tế của nhà nước (a)

PHẦN 4 - SỰ TAN RÃ CỦA NHÀ NƯỚC (a)

CHUYỆN LẠ

Thưa các bạn. Đọc đến đây các bạn đã đoán ra ký hiệu (a) là để ẩn chỉ đảng, chế độ, nhà nước nào chưa. Xin thưa (a) là phát xít. Tên quyển sách là: CHẾ ĐỘ PHÁT XÍT. Ký hiệu (H) là Hitle, nước (b) là nước Đức. Quyển sách viết và phân tích chế độ phát xít ở các nước Đức, Ytali và Tây Ban Nha trong thời gian từ 1930 đến sau Chiến tranh Thế giới thứ 2. Thế thì lạ, lại còn rất lạ ở chỗ nào. Xin thưa, ở 2 điểm sau :

1 - Sự giống nhau kỳ cục giữa đảng phát xít, nhà nước phát xít với đảng CS và nhà nước XHCN mà chúng ta từng quen biết, suýt nữa nhầm nó là (a) trong ký hiệu ẩn ở trên. Mọi đảng CS đều lên án phát xít, cho phát xít là không thể đội trời chung, thế tại sao lại có sự giống nhau đến như vậy, ai học tập ai hoặc mỗi bên đều tự tìm ra con đường của mình và chúng giống nhau. Phải chăng là con sinh đôi từ một trứng của mẹ. Tuy tôi cũng đã có vài kiến giải nhưng chưa chắc chắn, nêu ra để các bạn suy nghĩ.

2 - Điều lạ thứ 2 liên quan đến số phận dịch giả Phạm Văn Viêm. Ông là Kỹ sư xây dựng, từng học đại học tại Bungaria và năm 1990 đang làm trong “Đội xuất khẩu lao động” tại Liên hiệp Xây dựng Varna. Viêm thấy quyển sách hay, vạch trần bản chất chế độ và đảng phát xít, có ý nghĩa thức tỉnh quần chúng nên định dịch ra để phổ biến. Ông dịch công khai, nhiều người biết. Ngày 23 tháng 10 năm 1990, khi vừa dịch xong thì bị người của Sứ quán đến bắt và tịch thu toàn bộ bản dịch . Lần đó Viêm trốn thoát được và sống chui rúc trong dân chúng Bungaria. Lúc này tác giả Zhelyu Zhelev đã là Tổng thống nước Bun. Trong khi trốn tránh Viêm tìm cách dịch lại và năm 1993 gửi in ở nước ngoài. Hà Nội đã cử thêm người để tìm bắt cho được, họ đã mật phục lâu dài và tóm được Viêm năm 1997, và cho đến nay những người thân của Viêm chưa biết anh sống chết như thế nào, đang ở đâu. Điều lạ là tại sao nhà nước CS VN lại căm ghét quyển sách phơi trần Chế độ phát xít đến thế, tại sao lại hận thù dịch giả Viêm đến thế. Bên trong có chứa uẩn khúc nào không. Tôi có đoán ra một phần, xin nêu lên để các bạn quan tâm bình luận.

Ghi chú : Bạn nào muốn đọc toàn văn “Chủ nghĩa phát xít” cũng dễ tìm thôi, sách đã in và trên mạng đang có, chưa bị xóa.

N.Đ.C.
Tác giả gửi BVN
Được đăng bởi bauxitevn vào lúc 08:24

-------------------------------------











No comments:

Post a Comment

View My Stats