Anh Vũ - RFI
Đăng ngày 24-09-2015 10:31
Cái
tên Volkswagen, hãng xe có mặt khắp thế giới, niềm tự hào của ngành công nghiệp
xe hơi cũng như cả nền kinh tế Đức, xuất hiện kín trên các báo Pháp ra hôm nay,
chỉ vì bị Cơ quan bảo vệ môi trường Mỹ phát giác gắn một phần mềm gian lận giám
định thông số phát thải ô nhiễm.
Vụ việc đã thực sự gây lên một cơn địa chấn lớn
trong ngành công nghiệp chế tạo xe hơi nói chung và sẽ để lại những hậu quả
nghiệm trọng không chỉ về mặt kinh tế riêng cho Volkswagen.
Nhật báo kinh tế Les Echos chạy tựa lớn trang nhất
: « Volkswagen, nước Đức trong cơn sốc ». Tờ báo ghi nhận : «
Ngôi nhà Volkswagen đang bị cháy. Hãng xe thừa nhận đã lắp phần mềm đánh lừa kiểm
tra phát thải ô nhiễm vào 11 triệu xe. Như thế cũng đủ gây nghi ngờ trên khắp
châu Âu và các nhà chế tạo xe khác ».
Xã luận báo Le Monde chạy tựa « Volkswagen
là một đòn đánh vào châu Âu ». Tờ báo đánh giá vụ bê bối này đã làm xấu đi
hình ảnh của các nước châu Âu, luôn tự tin cho mình là những người đi đầu trong
cuộc đấu tranh bảo vệ môi trường chống quá trình hâm nóng khí hậu toàn cầu, để
dạy dỗ người khác. Le Monde cho rằng « vụ việc (Volkswagen) không còn
là trường hợp cá biệt của nhà xản suất xe Đức. Chính vì thế mà vụ này không thể
dung thứ được ».
Le Figaro chạy tựa lớn trang nhất : «
Volkswagen : Đường xuống địa ngục ». Tờ báo cũng khẳng định vụ lắp phần
mềm gian lận là một cuộc « khủng hoảng mang tầm mức lớn chưa từng có.
Các cuộc điều tra được phát động khắp thế giới. Hãng Đức mất ngay 1/3 giá trị vốn
trong vòng hai ngày ».
Le Figaro nhận định, chưa thể nói vụ việc sẽ còn dẫn
đến hậu quả ra sao nhưng một công ty có quy mô và hình ảnh tỏa sáng khắp thế giới
mà sẵn sàng gian lận phi lý đến như vậy thì quả thực là điều không thể tin nổi.
Xã luận tờ báo nhấn thêm « không có gì có thể biện minh cho hành động
như vậy của Volkswagen, dù đó là vì sự cạnh tranh khốc liệt giữa các hãng xe
trên thế giới hay vì lợi nhuận ».
Theo Le Figaro thì « với việc gian lận thông
số phát thải ô nhiễm, Volkswagen đang từ là một tập đoàn đầy tiếng tăm, làm ăn
thịnh vượng bị đẩy đến bên bờ vực ». Trước tiên là trên phương diện
tài chính với viễn ảnh hãng sẽ phải mất hàng chục tỷ euro để chữa cháy. Tiếp đó
ở trên bình diện hình ảnh, chắc chắn cũng nghiêm trọng không kém.
Theo tờ báo, « người khổng lồ Đức đã xây dựng
được danh tiếng về chất lượng và độ tin cậy của các mẫu xe của họ, giờ họ bị bắt
quả tang là kẻ lừa dối trên thị trường vậy thì còn còn ai tin vào sản phẩm của
họ nữa ? Và liệu người ta có dám chắc là không còn những gian dối khác ? Không
ai biết nhưng rõ ràng là Volkswagen sẽ phải mất nhiều năm nữa mới hồi lại được
sau cú này ».
Hậu quả vụ Volkswagen đang bắt đầu gây hiệu ứng vết
dầu loang. Giá trị chứng khoán của hàng loạt các hãng xe lớn đều bị giảm mạnh
trong ngày hôm qua. Tại Paris, cổ phiếu của PSA (Peugeot) mất 8,7%, Renault mất
7,1%. Tại Đức BMW mất 6%, trong khi Daimler mất 7%.... Kéo theo đó là hàng loạt
các nhà sản xuất thiết bị phụ tùng cũng bị vạ lây.
Trong khi đó nhật báo Libération nhận thấy, sau vụ
này, toàn bộ ngành công nghiệp xe hơi bị nghi ngờ đều lừa đảo. Tờ báo đặt câu hỏi
: « Liệu Volkswagen có phải là nhà chế tạo xe duy nhất gian lận thông số
phát thải ».
Libération cho biết, ngay sau vụ « Dieselgate » bung
bét, Hàn Quốc, Đức, Hoa Kỳ và Ý đã thông báo mở điều tra trên toàn quốc.
Tờ báo dẫn lời một chuyên gia về xe hơi nói : Vụ bê bối đã gây ngờ vực
lên toàn bộ ngành công nghiệp xe hơi ... các cuộc điều tra sắp diễn ra là rất
quan trọng để biết được liệu hiện tượng này chỉ dính đến một nhà xản xuất hay
không ?
Hiện tại, theo Liberation thì người ta không có bằng
chứng nào chính thức. Nhưng các chuyên gia quan sát thấy không chỉ có
Volkswagen mà nhiều hãng xe khác cũng áp dụng những cách lẩn tránh kiểm tra chỉ
số phát thải theo cách riêng của mình.
« Bí
mật nhỏ » về phần mềm gian lận ?
Cũng nhân vụ gian lận đang được bàn tán nhiều này,
trang kinh tế của le Figaro lộ vài chí tiết gọi là « bí mật nhỏ của phần mềm
gian lận ».
Tác giả bài viết khẳng định : « Có một điều
nghịch lý, nếu như Volkswagen đã đánh lừa quy định Mỹ về phát thải ô nhiễm, một
phần là để làm hài lòng chính khách hàng của họ. Chính sự khắt khe trong chuẩn
mực hạn chế cả việc tiêu thụ cũng như những phát thải gây ô nhiễm ». Đó là
một thực tế ở Mỹ cũng như châu Âu. Một loại xe cứ tuân thủ chặt chẽ các tiêu
chí kiểm định môi trường thì sẽ bán chậm và với phần mềm kiểu Volkswagen áp dụng
thì chỉ số tiêu thụ của xe đó sẽ tăng.
Hệ thống này xử lý các ô-xít ni tơ (NO) , một chất
gây ô nhiễm nhưng lại không thể thiếu trong hệ thống phun dầu động cơ diesel hoạt
động. Nếu ăn gian chỉ số này thì sẽ có thể tăng lượng tiêu thụ xe từ 2% đến 5%.
Việc gian lận trong kiểm tra này lại quá đơn giản :
Xe được đưa vào quy trình kiểm tra trong vòng 20 phút, trong thời gian đó xe được
cho chạy với tốc độ 33km/g trên băng chuyền tại chỗ, tức là đi được quãng đường
11km. Tiếp theo sau, một chiếc túi gắn vào ống xả sẽ thu được những thành phần
ô nhiễm để đem đi cân đong đo đếm. Các nhà chế tạo của Volkswagen chỉ việc thêm
một dòng vào chương trình tính toán là có thể điều chỉnh lượng cấp nhiên liệu
cho động cơ để chỉ số phát thải của xe giảm. Sau kiểm tra, động cơ lại được tự
hiệu chỉnh về như cũ. Theo Les Echos, nếu chỉ đơn giản vậy thì sẽ là ngạc nhiên
khi chỉ có Volkswagen là hãng duy nhất sử dụng cánh làm này.
Tác giả bài viết kết luận, cần phải nhanh chóng có
các biện pháp kiểm tra phù hợp với thực tế và không chỉ cho xe chạy diesel mà cả
xe chạy xăng. Cách làm hiện nay chỉ là hình thức không hiệu quả.
Thụy
Điển : Trung tâm đón tiếp tị nạn, một nghề kinh doanh béo bở
Cuộc khủng hoảng di dân tị nạn vẫn thu hút các báo
Pháp. Bên cạnh các bài viết thông tin về việc phân bổ 120 nghìn người tị nạn mà
cho đến hôm qua các nước trong Liên hiệp châu Âu mới ấn định được chỉ tiêu cho
các nước một cách gượng ép, trên nhật báo Le Monde có bài viết khá đặc biệt về
chủ đề nóng này mang tiêu đề : Tại Thụy Điển, kinh doanh béo bở từ các trung
tâm đón tiếp (người nhập cư). Le Monde cho biết, một cựu lãnh đạo một đảng phái
chính trị, quay sang kinh doanh nhà ở cho những người chờ xin tị nạn, trong khi
ông này từng là nhân vật chống nhập cư kịch liệt.
Nhân vật này tên là Bert Karlsson. Theo Le Monde,
thì ở Thụy Điển không mấy ai mà không biết đến Bert Karlsson. Ông ta là một nhà
sản xuất âm nhạc có tên tuổi lớn hàng đầu của Thụy Điển trong suốt ba chục năm.
Đầu những năm 1990 ông quay sang hoạt động chính trị, lập ra một đảng dân túy
chủ trương chống di dân tị nạn. Cũng ở Thụy Điển chắc cũng ít người biết được
ông Karlsson còn là chủ một công ty chuyên kinh doanh nhà ở cho người nhập cư
chờ xin quy chế tị nạn.
Lãnh địa làm ăn của ông là Skara, một thành phố 10
nghìn dân, cách thủ đô Stockholm 350 km. Tại đây ông đã qua đủ nghề kinh doanh
từ mở cửa hàng khô, công viên giải trí, hộp đêm và còn người sáng lập một trường
âm nhạc....
Nghề mới nhất của ông là kinh doanh trại đón tiếp
cho người nhập cư. Hiện ông Bert Karlsson sở hữu 200 trung tâm đón tiếp và ông
còn cho biết cứ cái đà như hiện nay của người nhập cư xin tị nạn thì ông sẽ phải
mở tới 500 trung tâm mới đủ. Các cộng sự của ông ta cũng rất đặc biệt : Một người
Congo, một người Irak mà quy chế định cư vẫn chưa rõ ràng.
Bái báo cho biết, kinh doanh trại tị nạn của ông
Karlsson quả là nghề dễ kiếm tiền. Năm 2014, ông thu về từ cơ quan di trú Thụy
Điển 12 triệu euro. Điều ngạc nhiên là nhân vật này từng lãnh đạo một đảng
chính trị bài nhập cư và bị tố cáo có liên hệ với những thành phần phát xít mới.
Mặc dù vậy công việc kinh doanh của dựa trên thân phận của nhưng người nhập cư
xin tị nạn vẫn ngày thêm phát đạt.
Ukraina
: Cộng hòa tự xưng bắt đầu vỡ mộng
Chuyển qua báo Le Figaro. Trang Quốc tế của tờ báo
dành cho hồ sơ Ukraina với lời thú nhận của một lãnh đạo ly khai về những gì
đang diễn ra ở vùng miền đông Ukraina.
Theo le Figaro, một trong nhưng lãnh đạo của vùng
Donbass đã thừa nhận tình trạng kinh tế của vùng này đang ngày càng suy sụp,
cho dù được Nga viện trợ toàn bộ.
Nhân vật đó là Alexandre Khodakovsky, 42 tuổi, Tổng
thư ký Hội đồng an ninh của của nước Cộng hòa tự xưng Donetsk. Ông này thừa nhận
là ngân sách của nước cộng hòa tự xưng này lệ thuộc toàn bộ vào nguồn tiền tài
trợ của Nga. Mỗi tháng nước Nga có thể đã bơm cho ngân sách của nước cộng hòa
ly khai này khoảng 4 tỷ rúp (54 triệu euro), riêng chỉ để trả tiền hưu trí, trợ
cấp xã hội và lương cho viên chức chính quyền.
Thế nhưng chừng đấy không thể đủ để cho vùng đất này
duy trì tồn tại. Nền kinh tế đã bị tàn phá tan tành bởi cuộc nội chiến đang
ngày thêm suy sụp. Người dân bỏ ra đi ngày càng đông. Nước Nga cũng không thể cứ
mãi bơm tiền để nuôi sống nước cộng hòa ly khai này.
Trả lời phỏng vấn phóng viên Le Figaro, ông
Alexandre Khodakovsky đã tỏ ra ngán ngẩm, phác thảo một bức tranh đen tối cho
vùng và bắt đầu cảm thấy gắn số phận của vùng đất này vào với Nga đang là một ảo
tưởng.
No comments:
Post a Comment