Saturday, 12 September 2015

VIỆT NAM XUẤT KHẨU GIÁO SƯ, TIẾN SĨ ? (FB Nguyễn Tuấn)






Nhiều khi đọc báo trong nước, tôi không chắc là tác giả muốn nói chơi hay nói thật. Chẳng hạn như bài này, đọc tựa đề “Việt Nam hãy học Ấn Độ xuất khẩu Thạc sĩ, Tiến sĩ” (1) giống như là một câu đùa cho vui, nhưng đọc kĩ thì có vẻ nói thật, vì tác giả khẳng định một cách tự tin rằng “Với năng lực, trình độ của các GS.TS VN thì chúng ta hoàn toàn có khả năng xuất khẩu sang nước ngoài, để nâng cao hiệu quả lao động.”

Thú thật, tôi không biết rằng Ấn Độ xuất khẩu tiến sĩ và thạc sĩ. Khái niệm “xuất khẩu” mấy vị này thật là mới đối với tôi. Tôi biết rằng trong thực tế có rất nhiều người Ấn Độ tìm một vị trí tiến sĩ hoặc hậu tiến sĩ ở nước ngoài. Hầu như tuần nào tôi cũng nhận được một email từ Ấn Độ và đặc biệt là Tàu xin một vị trí nghiên cứu. Mà, chẳng riêng gì tôi, các đồng nghiệp khác cũng thế, cũng nhận email từ hai nước này rất nhiều. Dĩ nhiên, họ chỉ gửi hàng loạt email đến nhiều nơi như là “câu cá” và cầu may, chứ khả năng xin được một vị trí nghiên cứu ở các nước phương Tây là rất thấp.

Khả năng thấp là vì các nước phương Tây đang trải qua một giai đoạn khủng hoảng về đào tạo tiến sĩ. Khủng hoảng do đào tạo ra nhiều tiến sĩ mà không có công việc cho họ. Chỉ tính riêng ngành y sinh, mỗi năm các đại học Mĩ ghi danh 16000 nghiên cứu sinh tiến sĩ; trong số này, khoảng 9000 người tốt nghiệp sau 6-7 năm miệt mài nghiên cứu. Trong số 9000 tốt nghiệp, khoảng 5800 có vị trí postdoc, và 30% không làm postdoc. Tính trung bình, mỗi tiến sĩ tiêu ra 4 năm làm nghiên cứu postdoc, trước khi trở thành độc lập (xuống núi hành hiệp). Hiện nay, chỉ tính riêng ngành y sinh học, có khoảng 37000 đến 68000 postdoc, và họ phải cạnh tranh tìm việc làm.

Tuy chẳng ai biết Mĩ hiện đang có bao nhiêu postdoc cho tất cả các bộ môn khoa học, nhưng con số ước tính có thể lên đến 90000, và phân nửa số này là người nước ngoài. Theo một chuyên gia kinh tế, trong thời gian 2005-2009, các đại học Mĩ chỉ có 16,000 vị trí giáo sư còn trống. Số còn lại phải lây lất tìm việc hoặc làm việc ngoài ngành nghề. Nên nhớ là những postdoc ở phương Tây ai cũng có một lí lịch khá, thậm chí rất khá, với hàng chục bài báo khoa học dưới dây lưng. Vậy mà họ còn phải cạnh tranh vất vả với nhau cho một vị trí assistant professor hay lecturer. Tôi còn nhớ lúc tôi còn ở UCSD, khi bộ môn có một vị trí assistant professor, quảng cáo trên Nature chưa đầy 1 tuần, có hơn 200 ứng viên xin! Đọc CV nhiều ứng viên, tôi còn thấy choáng váng vì thành tích khoa học xuất sắc và đến từ những địa chỉ danh tiếng.

Còn các giáo sư và tiến sĩ VN thì rất khó so sánh cả về kiến thức lẫn kĩ năng với các đồng môn ở các nước phương Tây. Chưa chắc là họ dở, nhưng vì khác “bộ lạc” và khác cách đào tạo, nên các giáo sư / tiến sĩ VN rất khó thích ứng với môi trường ở nước ngoài nếu không qua một thời gian tái huấn luyện. Có rất nhiều người mang danh GS và PGS (chưa nói đến tiến sĩ) ở bên nhà, mà lí lịch khoa học còn kém hơn một postdoc ở bên này. Với một lí lịch toàn những công bố trên các tập san trong nước, hay các tập san làng nhàng ở nước ngoài, thì làm sao cạnh tranh nổi với đồng môn phương Tây.

Do đó, nói chuyện xuất khẩu GS, TS Việt Nam sang nước ngoài chắc chỉ là mua vui. Nếu không mua vui thì người viết chẳng hiểu gì về tình trạng cạnh tranh trong khoa học ở nước ngoài. Do đó, báo Lao Động (2) đặt câu hỏi chính đáng là nếu xuất khẩu thì có ai nhận hay không? Câu trả lời là “không”.
____








No comments:

Post a Comment

View My Stats