Tuesday, 15 September 2015

Việt Nam: Những hạn chế về quyền tự do đi lại vi phạm luật quốc tế và luật quốc gia (Civil Rights Defenders)






Nhà cầm quyền Việt Nam đã ngăn chặn quyền tự do xuất ngoại hoặc đi lại trong nước trong sáu tháng vừa qua đối với ít nhất 33 nhà hoạt động nhân quyền và hoạt động xã hội, mặc dù pháp luật sở tại bảo vệ quyền tự do đi lại. Civil Rights Defenders (Tổ chức Bảo vệ những người hoạt động dân quyền) cho rằng những hạn chế này là tùy tiện, vi phạm Hiến pháp Việt Nam và Công ước Quốc tế về Các Quyền Dân sự và Chính trị (ICCPR).

Trong những năm gần đây, rất nhiều nhà hoạt động bảo vệ nhân quyền và hoạt động xã hội đã bị ngăn cản, và đe dọa đối với việc xuất ngoại hoặc đi lại trong nước với mục đích hoạt động nhân quyền ôn hòa, chẳng hạn như tham gia các khóa đào tạo, các cuộc biểu tình ôn hòa và hội thảo. Nhiều người bị tịch thu hộ chiếu hoặc hồ sơ xin cấp cấp hộ chiếu bị từ chối, trong khi đó một số người khác đã phải gặp phải sự thẩm vấn của cơ quan an ninh tại sân bay. Các tổ chức quan sát nhân quyền độc lập ước tính có khoảng 70 đến 100 nhà hoạt động hiện đang phải đối mặt với lệnh cấm xuất ngoại do chính phủ áp đặt. 

"Là một thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, Việt Nam được mong đợi sẽ duy trì và cải thiện các tiêu chuẩn trong việc bảo vệ quyền con người, nhưng quốc gia này lại đang làm điều ngược lại bằng cách từ chối không cho những người bảo vệ nhân quyền hoạt động xã hội có cơ hội xuất ngoại, liên kết với các nhà hoạt động khác, và biểu lộ chính kiến một cách tự do” - bà Brittis Edman, Giám đốc Chương trình Đông Nam Á của CRD nhận xét. 

Phiên họp thứ 30 của Hội đồng Nhân quyền bắt đầu ngày hôm nay tại Geneva, Thụy Sĩ. Theo điều 12 của ICCPR, mà Việt Nam là một nước thành viên, đảm bảo rằng mọi người đều có "quyền tự do đi lại, “tự do rời khỏi bất cứ nước nào”, và không bị "tước đoạt một cách tùy tiện" quyền nhập cảnh vào nước của mình. Điều 23 của Hiến pháp Việt Nam năm 2013 bảo đảm các công dân có quyền tự do đi lại. Tuy nhiên, Bộ Công an đã ban hành Nghị định số 136 năm 2007, tự thiết lập quyền cho phép cơ quan này ngăn cấm công dân Việt Nam xuất cảnh, nhập cảnh dựa vào các căn cứ để "bảo vệ an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội." Nghị định này không đưa ra định nghĩa rõ ràng và chính xác về những căn cứ hoặc các tiêu chí khách quan để đưa ra quyết định cấm xuất cảnh.

Luật pháp quốc tế chỉ cho phép một số hạn chế nhất định về quyền tự do đi lại nếu những hạn chế này được miêu tả rõ ràng bởi pháp luật và thực sự cần thiết để bảo vệ một mục tiêu hợp pháp theo quy định của ICCPR. Các quy định mơ hồ diễn đạt theo Nghị định số 136 (2007) của Việt Nam không tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế (xem phần Câu hỏi & Trả lời về Quyền Tự do đi lại ở Việt Nam).

Việt Nam đang chuẩn bị bản báo cáo chính thức cấp nhà nước lần thứ ba của họ cho Liên Hợp Quốc về quá trình thực thi công ước ICCPR, báo cáo định kỳ lần ba này của Việt Nam đã trễ hạn từ năm 2004. "Nhà cầm quyền Việt Nam nên bãi bỏ ngay lập tức các hạn chế về quyền tự do đi lại, và cộng đồng quốc tế cần lưu tâm đến việc Việt Nam thực hiện các cam kết và nghĩa vụ công khai của họ để áp dụng luật pháp quốc gia và các cam kết thực tiễn để phù hợp với luật nhân quyền quốc tế nhằm thúc đẩy và tạo môi trường an toàn cho xã hội dân sự," bà Brittis Edman nhấn mạnh.

Thông tin căn cứ để xem xét

Công ước Quốc tế về Các Quyền Dân sự và Chính trị đòi hỏi rằng nếu có bất kỳ sự hạn chế về quyền phải được quy định rõ ràng bởi bộ luật, phù hợp với luật pháp quốc tế, và nếu thấy cần thiết và tương thích nhằm thực thi một trong những mục tiêu chính đáng được nêu trong Điều 12 - "an ninh quốc gia, trật tự công cộng, sức khỏe cộng đồng, đạo đức, hay những quyền và quyền tự do của người khác". Trách nhiệm chứng minh tính hợp pháp, sự hợp lệ, sự cần thiết và sự thích đáng của các hạn chế ban hành đó phải được nhà nước đó thực thi. Những hạn chế có tính hợp lệ cũng không vì thế mà ảnh hưởng đến các quyền con người khác, và phải đảm bảo không có phân biệt đối xử, kể cả đối với chính kiến hay khác quan điểm. 

Khi hồ sơ nhân quyền của Việt Nam được xem xét dưới dạng Kiểm điểm định kỳ phổ quát (UPR) tại Hội đồng Nhân quyền vào năm 2014, Việt Nam đã chấp thuận thực thi các khuyến nghị từ các quốc gia thành viên khác để "gia tăng hợp tác quốc tế trong lĩnh vực quyền con người" và cam kết tham gia "một cách tích cực trong các chương trình của quốc tế về hỗ trợ kỹ thuật và kiến tạo năng lực trong lĩnh vực nhân quyền". Việt Nam cũng đã chấp nhận một đề nghị quan trọng để phát triển “một môi trường an toàn và thuận lợi cho tất cả các diễn đàn xã hội dân sự được tự do liên kết và bày tỏ quan điểm của họ bằng cách đảm bảo rằng các quy định pháp luật quốc gia không được viện dẫn để làm căn cứ pháp lý nhằm đàn áp các nhà hoạt động bất đồng chính kiến ôn hòa."

Việt Nam hiện đang tham gia một số đối thoại nhân quyền song phương với các đối tác bao gồm Australia, Liên minh châu Âu và Hoa Kỳ. Liên hợp quốc và cơ quan phát triển quốc tế có trụ sở tại Việt Nam cũng cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho các cơ quan ban ngành trong chính phủ sở tại nhằm bảo vệ và gia tăng nhân quyền.

Việc chấp thuận của phía Việt Nam đối với những đề xuất của UPR và sự tham gia của họ trong các khung đối thoại song phương và đa phương chỉ ra rằng Hà Nội thừa nhận tầm quan trọng trong các quan hệ hợp tác quốc tế ở lĩnh vực nhân quyền. Một không gian an toàn và thuận lợi dành cho những nhà hoạt động bảo vệ nhân quyền ở Việt Nam phải đảm bảo để họ có thể tự do xuất ngoại để tìm kiếm, tiếp nhận thông tin và hợp tác với những nhà hoạt động nhân quyền khác trong khu vực và quốc tế để nâng cao hoạt động của họ. Các hạn chế của chính quyền Việt Nam đối với tự do đi lại của những nhà hoạt động bảo vệ nhân quyền nên được xem xét như bị phân biệt đối xử, và trực tiếp ảnh hưởng tiêu cực đến các cam kết của họ trong hợp tác quốc tế, trong thực thi các khuyến nghị của UPR và trong việc tuân thủ các quy tắc về quyền con người theo công ước về nhân quyền

Các trường hợp bị hạn chế quyền tự do đi lại tại Việt Nam trong năm 2015

Ngày 31 tháng Ba

Công an đã ngăn chặn nữ hoạt động nhân quyền Trần Thị Nga cùng hai con nhỏ khi chị đang trên đường đi Hà Nội để gặp gỡ với một số nghị sỹ nước ngoài trong dịp IPU 132 (Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới lần thứ 132). Công an đã buộc chị cùng các con trở về nơi cư trú ở Hà Nam.

Tháng Tư

Blogger hoạt động nhân quyền Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (Mẹ Nấm) không thể đến Stockholm để nhận giải thưởng Người bảo vệ nhân quyền năm 2015 do bị cấm xuất cảnh. Giải thưởng dành cho cô được đặt lên một ghế trống của buổi lễ.

Chiếc ghế trống tượng trưng cho tất cả những người bảo vệ quyền con người không thể tham gia với chúng tôi tại Defenders Days bao gồm cả người đoạt giải Người bảo vệ Dân quyền năm 2015 - cô Nguyễn Ngọc Như Quỳnh

Tháng Năm

- Ngày 6/05: Nhân viên an ninh khắp toàn quốc đã bắt giữ, đe dọa và ngăn chặn ít nhất chục người hoạt động không cho họ rời khỏi nhà trước phiên đối thoại nhân quyền lần thứ 19 giữa Mỹ và Việt Nam được tổ chức vào ngày 7 tháng Năm. Nhiều nhà hoạt động đã được mời tham dự cuộc họp cùng với phái đoàn Mỹ tại Hà Nội.

- Ngày 7/05: Công an đã cấm xuất ngoại bốn nhà hoạt động nhân quyền, ông Lê Bá Huy Hào, bà Nguyễn Thị Nhung, ông Lê Anh Hùng, và bà Nguyễn Thị Thúy tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Công an đã tịch thu hộ chiếu của ông Hùng và bà Thúy.

- Ngày 18/05: Cơ quan công an tại sân bay Tân Sơn Nhất đã tịch thu hộ chiếu của Tiến sĩ Nguyễn Huệ Chi, khi ông có kế hoạch đi thăm gia đình ở Mỹ. Giáo sư Chi là người đồng sáng lập của một trang web chỉ trích chính sách của chính phủ. Các nhà chức trách đã trả lại hộ chiếu của ông và cho phép ông đi ra nước ngoài sau khi hơn 100 trí thức đã đưa ra một bản kiến nghị chung phản đối việc đối xử ngược đãi đối với giáo sư Chi.

Tháng Sáu

- Vào đầu tháng Sáu, ông Phạm Bá Hải, người hoạt động nhân quyền ở thành phố Hồ Chí Minh, bị ngăn chặn không cho tham dự cuộc gặp ông Christophe Strasser, Ủy viên của Đức về chính sách nhân quyền và viện trợ nhân đạo, đang thăm chính thức Việt Nam. Cảnh sát ở thành phố Huế cũng đã chặn anh Lê Công Cầu, lãnh đạo của Phong trào Thanh niên Phật giáo và Tổng thư ký của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN), khi anh đang trên đường tới thành phố Hồ Chí Minh để gặp mặt ông Strasser và các nhà ngoại giao Đức khác. Hòa thượngThích Quảng Độ của GHPGVNTN thì bị quản thúc tại gia ở Thanh Minh Thiền Viện, thành phố HCM.

- Ngày 23/06 : Nữ hoạt động nhân quyền Trần Thị Nga đã đến văn phòng di trú tỉnh Hà Nam để gia hạn hộ chiếu. Vào ngày 30/06, sĩ quan công an đã gọi điện cho Nga và thông báo đơn của cô đã bị từ chối với lý do Bộ Công an cấm xuất ngoại. Ngày 2 tháng Bảy, Nga đã đến văn phòng quản lý xuất nhập cảnh Hà Nam để yêu cầu văn bản giải thích về quyết định cấm xuất cảnh nhưng họ từ chối cung cấp. Họ nói rằng Nga đã bị cấm từ ngày 31 tháng 12 năm 2012 và có hiệu lực đến hết 2015.

Tháng Bảy

- Ngày 2/07 : Nữ hoạt động nhân quyền cô Tạ Minh Tú, em gái của blogger bị cầm tù Tạ Phong Tần, đến văn phòng di trú tỉnh Bạc Liêu để hỏi về tiến trình cấp hộ chiếu cho cô. Nhà chức trách đã thông báo cô bị từ chối cấp hộ chiếu do cô liên hệ chặt chẽ với Hội Phụ nữ Nhân quyền Việt Nam, một tổ chức bị chính phủ coi là bất hợp pháp.

- Ngày 12/07 : Nhân viên an ninh tại sân bay quốc tế Nội Bài chặn hai người hoạt động nhân quyền là ông Vũ Quốc Ngữ và bà Trần Thị Tô khi cả hai đang chuẩn bị bay đến Thái Lan để tham gia một khóa học về nhân quyền. Cơ quan công an đã đưa ra lý do an ninh quốc gia cho việc ngăn chặn này. Hai người khác là Huỳnh Thục Vy và Nguyễn Thị Hoàng cũng đã bị cấm lên máy bay tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất vào cùng một ngày, và công an đã tịch thu hộ chiếu của họ.

Tháng Tám

- Ngày 05/08: Công an thường phục và nhân viên an ninh đã ngăn chặn nhiều người hoạt động dân chủ và quyền con người tham dự cuộc gặp mặt với Trợ lý Ngoại trưởng về Dân chủ, Nhân quyền, và Lao động của Hoa Kỳ, ông Tom Malinowski. Các nhà hoạt động bao gồm bà Dương Thị Tân, bác sĩ Nguyễn Đan Quế, giáo sư Phạm Minh Hoàng, nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng, cựu tù nhân chính trị Nguyễn Bắc Truyển, và nhà hoạt động thanh thiếu niên Phật tử Lê Công Cầu.

- Ngày 23/08: Lần thứ ba trong năm, công an đã ngăn lãnh đạo Phong trào Thanh niên Phật giáo Lê Công Cầu rời khỏi thành phố Huế. Ông Cầu được Lãnh sự quán Đức tại thành phố HCM mời gặp Nghị sỹ Volker Kauder, trưởng đoàn nghị sỹ của Liên minh Dân chủ cầm quyền Thiên Chúa giáo và Liên minh xã hội Thiên Chúa giáo (CDU-CSU) của Quốc hội Đức.

- Ngày 29/08: Công an buộc anh Dương Văn Tuyên, con trai của dân oan Vũ Thị Hải, phải rời khỏi Hà Nội để trở về quê là tỉnh Ninh Bình trước lễ diễu hành nhân ngày Quốc khánh. Anh Tuyên đã trọ ở thủ đô để tìm công lý cho mẹ anh, là người đã bị bắt vào tháng Sáu và bị khép vào tội gây rối trật tự công cộng khi bà tham gia vào một cuộc biểu tình ôn hòa ở Hà Nội chống cướp đất bất hợp pháp.

Tháng Chín

- Ngày 01/09: Công an tại sân bay quốc tế Nội Bài tạm giữ nhà nghiên cứu kinh tế nổi tiếng và là một trong những người phê phán chính quyền nổi bật – TS Nguyễn Quang A – trong hơn 14 giờ trước khi trả tự do cho ông. TS A trở về nước sau chuyến công du châu Âu và Hoa Kỳ để tham dự các sự kiện liên quan đến tình hình nhân quyền và các chính sách kinh tế – xã hội của Việt Nam.

Nguồn: http://www.civilrightsdefenders.org/news/statements/vietnam-restrictions-on-human-rights-defenders-freedom-of-movement-violate-domestic-and-international-law/

Ngày 14/09/2015
Bao Thien, Như Quỳnh
danlambaovn.blogspot.com

________________________________________

Câu hỏi & Trả lời về Quyền Tự do đi lại ở Việt Nam:


*
BẢN TIẾNG ANH :









No comments:

Post a Comment

View My Stats