Monday, 14 September 2015

Vì sao không thể can thiệp quân sự vào Syria ? (Minh Anh - RFI)





RFI ĐIỂM BÁO :
Minh Anh  -  RFI
Đăng ngày 14-09-2015 Sửa đổi ngày 14-09-2015 17:30

Khói mù bốc từ một vị trí quân đội Syria sau trận chiến với quân thánh chiến ở vùng núi Qalamoun. Ảnh 13/09/2015.REUTERS/Bassam Khabieh

Những ngày gần đây, nhiều tiếng nói cho rằng để giải quyết tận gốc vấn đề người tị nạn, cần phải can thiệp quân sự vào Syria. Nhất là để cho cuộc chiến chống quân khủng bố thánh chiến tổ chức Nhà nước Hồi giáo được hiệu quả, cần phải đưa quân đánh trên bộ. Thế nhưng, theo quan điểm của ông Dominique Moisi trên tờ nhật báo kinh tế Les Echos (14/09/2015) « Không thể can thiệp quân sự vào Syria được ». Chuyên gia này đưa ra bốn điểm để giải thích vì sao.

Đầu tiên hết, để hiểu được tấn bi kịch Syria, ông Moisi trích dẫn lời của Stefan Zweig nói về « lẫn lộn tình cảm ». Sự lẫn lộn này vừa là chính trị và chiến lược vừa ngoại giao và văn hóa. Điều đó được bắt đầu từ vị thế của chế độ Damas hiện nay. Không như những gì mọi người nói, ông Assad không là một phần của giải pháp mà đúng hơn là một phần của vấn đề.

Việc hàng ngàn người dân Syria ồ ạt bỏ xứ ra đi không chỉ để trốn chạy sự tàn sát của quân khủng bố cực đoan Daesh, mà còn vì các vụ dội bom của chế độ Assad chống lại chính người dân của ông. Các vụ dội bom này tiếp nối chính sách đàn áp vô nhân đạo và tàn bạo của chế độ và đã gây ra cuộc nội chiến. Từ điểm này, và trên bình diện đạo đức : « Daesh – Assad : cùng một chiến tuyến ». Cả hai phía đều chủ ý khủng bố và phá hủy. Do đó chúng ta cũng đừng nên mơ tưởng đến việc dựa vào một bên để kháng cự và làm suy yếu bên kia.
Sự nhầm lẫn thứ hai bắt nguồn từ sự lẫn lộn đầu tiên. Can thiệp quân sự vào Syria không giải quyết được vấn đề người tị nạn, những người đã bỏ xứ mà đi và cũng không có ý định trở về. Nếu như các cuộc không kích hiện tại chỉ có thể giúp chặn đà tiến của quân khủng bố tổ chức Nhà nước Hồi giáo, một sự can thiệp bộ binh là điều chưa thể nhắm tới. Những quốc gia đang hô hào cho chiến lược này nhằm biện minh cho việc từ chối mở cửa biên giới là họ đang dối gạt bàn dân thiên hạ và cũng đang tự dối gạt mình.

Bởi vì, Hoa Kỳ sẽ không gởi quân can thiệp vào Syria, cho dù là có những ứng viên đảng Cộng hòa đang trong chiến dịch vận động bầu cử sơ bộ cho chức ứng viên tranh cử Tổng thống cũng có nói đến. Do đó, nếu không có Hoa Kỳ, không thể nào có một cuộc can thiệp quân sự trên bộ.

Về phần Anh và Pháp, hai cường quốc quân sự duy nhất tại Châu Âu, vốn dĩ vẫn còn truyền thống chủ nghĩa can thiệp, cũng sẽ không đi xa hơn ngoài việc chỉ có thể gởi các máy bay không người lái để tiêu diệt có chọn lọc các mục tiêu. Bởi lẽ, cả hai nước này không có thiện chí lẫn phương tiện để thực hiện. Còn đối với Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia Nam Âu Hồi giáo, mối bận tâm chính hiện nay là sự leo thang bạo lực với người Kurrdistan ngay trên chính lãnh thổ của mình.

Nhầm lẫn thứ ba là về ngoại giao. Trong ngắn và trung hạn sẽ không có một giải pháp nào cho xung đột được đàm phán. Bởi vì Nga và Iran theo đuổi những mục tiêu riêng của mình. Những mục tiêu đó, không và sẽ không bao giờ là của Châu Âu cả. Matxcơva có ý định tận dụng sự không hồ hởi của Hoa Kỳ trong việc sử dụng vũ lực và sự chia rẽ của Liên Hiệp Châu Âu trên hồ sơ người tị nạn. Về phương diện ngoại giao và chiến lược, điều này sẽ giúp cho Nga thu hồi lại những gì mà họ đang bị mất trên bình diện kinh tế do sự sụt giảm thê thảm của giá dầu thô và khí đốt trên thế giới.

Trong khi đó, chính quyền Teheran lại có thái độ hai mặt, cứ như là nước này thể hiện tham vọng lớn trong khu vực để bù đắp cho việc có thái độ khiêm nhường của họ trong hồ sơ hạt nhân. Do đó, không vì việc vũ khí và quân đội, Nga và Shia (có liên quan trực tiếp đến Iran hay không) củng cố chế độ Damas mà Châu Âu phải liên kết với một chính sách dường như đang đi ngược lại với các giá trị và lợi ích của mình.

Sự lẫn lộn thứ tư là về nền tảng văn hóa. Nhóm thánh chiến Tổ chức Nhà nước Hồi giáo cực đoan Daesh được sản sinh từ sự giao thoa giữa cảm giác bị sỉ nhục của thế giới Hồi giáo - Ả Rập và cảm giác tuyệt vọng của những sĩ quan theo hệ phái sunni – hạt nhân chính của quân đội Saddam Hussein. Họ đã bị sa thải bất công ngay sau thất bại của nhà độc tài bởi chính sự bất cẩn, thiếu hiểu biết văn hóa của vị toàn quyền Hoa Kỳ.

Theo tác giả, Châu Âu cũng không thể đáp trả lại « vương quốc » khủng bố bằng những phản xạ theo kiểu đế chế vốn thiên về những khía cạnh đáng bị phản đối nhất trong lịch sử mà chúng ta kế thừa. Đấy không những lỗi thời mà còn phản tác dụng. Cần phải có một sự rõ ràng về vấn đề người tị nạn Syria : trên bình diện quân sự - gia tăng không kích quân thánh chiến ngay trên lãnh thổ Syria và Irak ; về mặt nhân đạo – gởi thêm người và phương tiện hỗ trợ cho các trại tị nạn đang bùng phát tại biên giới Syria và Irak và cuối cùng là tạo thuận lợi cho việc tiếp nhận và hội nhập người tị nạn ngay trên chính lãnh thổ của Châu Âu.

Châu Âu lại lục đục trên hồ sơ người tị nạn
Như mở đầu ở trên, đề tài người tị nạn ngập các mặt báo Pháp. « Người tị nạn : Châu Âu bị chia rẽ » là tít lớn nhận định trên trang nhất của nhật báo thiên tả Libération.
« Dòng người tị nạn đổ vào Châu Âu không những làm lộ rõ sự chia rẽ đông – tây, mà cả sự đối lập ngay trong lòng mỗi nước, giờ không biết phải làm thế nào để đối phó với khủng hoảng ». Theo nhật báo, « sự chia rẽ hiển nhiên nhất là giữa các quốc gia thuộc khối cựu xã hội chủ nghĩa, gia nhập vào Liên Hiệp Châu Âu khoảng từ năm 2004-2007 với các nước phương Tây, những quốc gia sáng lập Liên Hiệp Châu Âu.
Từ Luân Đôn, Paris, Berlin và Madrid, hàng ngàn người xuống đường kêu gọi trợ giúp người tị nạn hồi cuối tuần qua. Cùng lúc đó, tại Praha và nhất là tại Vacxava, người biểu tình thân phe cực hữu theo chủ nghĩa dân tộc lại kêu gào gọi người tị nạn là những thành phần khủng bố ».
Như ghi nhận của nhật báo công giáo La Croix trên trang nhất : « Người tị nạn, một thách thức cho Châu Âu ». Châu Âu phải làm gì ? Theo nhật báo, thì ngày hôm nay, « Các bộ trưởng Nội vụ và Tư pháp của 28 nước thành viên họp tại Bruxelles. Chương trình phiên họp : kiểm soát đường biên giới tại Liên Hiệp Châu Âu và quản lý dòng người nhập cư và tị nạn… 
Lãnh đạo Châu Âu, dưới sự hỗ trợ của các chính quyền Paris, Berlin, Roma muốn thiết lập một hệ thống hạn ngạch. Một biện pháp như thế sẽ giúp phân bổ một cách cân đối nỗ lực của từng nước thành viên, và nhất là chỉ riêng năm nước Anh, Pháp, Đức, Ý và Thụy Điển không thôi đã nhận đến 75% số người xin tị nạn.
Vậy mà, nhiều nước – Cộng hòa Sec, Ba Lan, Slovakia và Hungary lại lên tiếng phản đối với một giải pháp như thế, bỏ ngoài tai mọi lời kêu gọi một sự đoàn kết lớn nhất tại Châu Âu nhất là đến từ Đức, vốn dĩ đã bị quá tải bởi làn sóng người tị nạn ». Cuối cùng La Croix lưu ý là « không phải việc núp đàng sau biên giới mà chúng ta có thể đối mặt được với trách nhiệm lịch sử này ».
Sự quá tải đó buộc nước Đức tạm phải gác lại một bên một trong những giá trị lớn của Liên HIệp Châu Âu : sự tự do lưu thông. « Nước Đức tái lập kiểm soát ở biên giới », Le Figaro loan báo. Berlin quyết định đóng cửa tạm thời đường biên giới với Áo và tạm ngừng tuyến lưu thông đường sắt. « Biện pháp khẩn cấp đã được đưa ra vào chiều tối Chủ Nhật 13/09 để đối phó với dòng người tị nạn lớn chưa từng có ». Tờ báo cho rằng « Khi đưa ra thông báo trên ngay trước ngày diễn ra cuộc họp các Bộ trưởng Nội vụ Châu Âu, Berlin đang gia tăng áp lực. lãnh đạo hai nước Pháp – Đức đã lên kế hoạch chung cho cuộc hẹn. Họ đã cùng nhau phân tích tình hình. Do đó, quyết định này của Đức nhấn mạnh đến « tính khẩn cấp » của kế hoạch mà Ủy ban Châu Âu đã đề ra trong khi có nhiều nước như Slovakia hay Hungary cho đến giờ vẫn kiên quyết phản đối ».

Singapore : Đảng cầm quyền củng cố quyền lực
Cũng như các đồng nghiệp khác, chủ đề tị nạn cũng là phần tin chính trên Le Monde. Dù vậy, nhật báo cũng dành ra một góc báo nhỏ để bàn về kết quả bầu cử tại Singapore. Với thắng lợi của đảng cầm quyền, thông tín viên Bruno Philip tại Đông Nam Á khẳng định « Đảng cầm quyền củng cố quyền lực trên đảo quốc Singapore ».
Thắng lợi lớn của đảng Hành động Nhân dânc PAP của Thủ tướng Lý Hiển Long là không gì ngạc nhiên, nhưng chính tầm mức của sự thành công mới là điều bất ngờ. Do bởi rất nhiều nhà phân tích đã dự đoán là đảng PAP tiếp tục đà suy thoái.
Phân tích sự thành công lần này của đảng cầm quyền, tác giả cho rằng đảng của Thủ tướng hiện nay đã tận dụng được hai sự kiện quan trọng trong năm nay : kỷ niệm 50 năm ngày giành độc lập và sự ra đi của nhà lập quốc Lý Quang Diệu. Tuyệt đại đa số người dân (80% số người được hỏi theo một thăm dò của viện BlackBox) đều tỏ ra hài lòng với hiệu quả điều hành đất nước của chính phủ.
Kế đến là đảng cầm quyền đã rút tỉa được bài học kinh nghiệm trong đợt bầu cử lần trước. Người dân Singapore ngày càng tỏ ra lo ngại về người nhập cư tại đây, chiếm đến 1/3 dân số, lo sợ bị chia sẻ việc làm, giá nhà thuê tăng và việc cạnh tranh để vào các trường học lớn.
Do đó, từ nhiều tháng nay, chính phủ đã đề ra nhiều biện pháp nhằm hạn chế dòng người nhập cư, cải thiện chế độ an sinh như bảo hiểm y tế cho tầng lớp trung lưu và tạo điều kiện sở hữu bất động sản.
Thế nhưng, thành công của đảng PAP còn phản ảnh một thực tế xác thực, theo nhận định của ông Michael Barr, giáo sư ngành khoa học chính trị tại Úc thì « người dân Singapore không mấy bận tâm đến vấn đề tự do ngôn luận và dân chủ ».
Kết quả bầu cử là kết quả sự chọn lựa của cử tri được dựa trên niềm tin vào hiệu quả kinh tế và cải thiện chất lượng điều kiện sống hơn là triển vọng dân chủ hóa của hệ thống chính trị.

Cuba đại xá tù nhân làm quà tặng Đức Giáo Hoàng
Trên lãnh vực xã hội, La Croix chú ý đến sự kiện « Hơn 3500 tù nhân được ân xá tại Cuba trước chuyến thăm của Đức Giáo Hoàng ».
La Croix nhận định đây là lần thứ ba chính quyền La Habana đại xá tù nhân nhân các chuyến thăm đảo quốc của các Giáo Hoàng. Lần thứ nhất vào tháng Giêng năm 1998, sau chuyến thăm của ngài Joan Phaolo đệ II, 300 tù nhân đã được trả tự do. Và lần thứ hai vào tháng Ba năm 2012, gần 3000 tù nhân đã được phóng thích trước khi Ngài Benedicto XVI đến thăm đảo.
Kể từ năm 2010, tiếp theo thỏa thuận lịch sử ký kết giữa Raul Castro và Tổng Giám mục giáo phận La Habana Jaime Ortega, 130 tù nhân chính trị đã được trả tự do, trong đó phần đông là những người thuộc nhóm « Tháng chín đen tối ». Những người này phần lớn theo công giáo, đã bị bắt vào tháng 9/2003 vì đã tham gia vào một « dự án Varela » (tên của một linh mục Felix Varela, người đã đấu tranh giành độc lập cho Cuba vào thế kỷ XIX).
Phong trào này do nhà ly khai Oswaldo Paya khởi xướng vào năm 1998, dự định yêu cầu tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về cải cách hiến pháp, đòi hỏi nhiều quyền tự do hơn cho cá nhân, chính trị và cả kinh tế. Phần lớn những tù nhân chính trị được thả vào năm 2010 buộc phải đi tị nạn tại Tây Ban Nha. Những ai từ chối ra đi vẫn bị giam giữ hay bị quản thúc tại gia, cấm mọi tiếp xúc trong và ngoài.
Theo khẳng định của bà Berta Soler có lẽ vẫn còn « ít nhất một trăm » tù nhân chính trị. Ủy ban Nhân quyền Cuba (vốn bị cấm nhưng chính quyền làm ngơ) ước tín chừng 60 người. Về phần Hồng y Ortega, ông khẳng định vào tháng Sáu này là « Nếu vẫn còn tù nhân chính trị tại Cuba, đề nghị phải cung cấp cho chúng tôi danh sách, bởi vì chúng tôi nhận được hàng trăm thư xin ân xá nhưng không có lá thư nào có ghi tội danh chính trị ».

Cách tân nhưng quá đắt…
Cuối cùng để kết thúc mục điểm báo là phần tin khoa học công nghệ. Tờ Le Parisien thông báo một hãng xe Nhật công bố chế tạo thành công một loại xe ô tô mới công nghệ sạch chạy bằng hydrogene. Xe sẽ được trưng bày nhân kỳ triển lãm xe ô tô tại Frankfurt. Tác giả bài viết cho hay đã có dịp thử loại xe này và nhìn nhận tính năng của xe chạy bằng năng lượng hydrogen cũng ngang ngửa với xe chạy bằng xăng và diesel. Chỉ cần hai phút để nạp năng lượng, chạy được tới 500 km.
Vấn đề là, để có thể nạp hydrogen tại Pháp chỉ có 5 điểm, và giá của một chiếc xe « vượt quá tầm tay » 80.000 euro. Cái giá cho sự mới lạ, nhật báo Paris kết luận.





No comments:

Post a Comment

View My Stats