Tuesday 1 September 2015

Tự do Đại học, Chìa khóa của cải tổ Đại học Việt nam (Kính Hòa - RFA)





Kính Hòa, phóng viên RFA
2015-08-31

Thí sinh xếp thành hàng dọc theo từng phòng thi đã được sắp xếp từ trước. Ảnh: Tuổi Trẻ.

Kỳ thi đại học được tổ chức theo cách mới vừa qua được xem là một thất bại, tuy nhiên nó cũng là một bước đi nữa trong câu chuyện cải tổ Đại học Việt nam lâu nay. Sau đây là ghi nhận của Kính Hòa ý kiến một số nhà giáo dục và trí thức người Việt từng hoạt động ở các nước có nền giáo dục Đại học hàng đầu thế giới, về những gì cần làm để cải tổ nền đại học Việt nam hiện tại.

Cải cách thi cử trong cải tổ đại học

Giáo sư Tạ Văn Tài, hiện sống ở Mỹ, và Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng, hiện sống ở Việt nam đều có nhận xét rằng kỳ thi tuyển sinh đại học vừa qua, về mặt quan điểm là một sự tiến bộ trên con đường cải cách đại học Việt nam. Sự thất bại của nó là vấn đề tổ chức. Giáo sư Hưng nói:

“Khi mà các ông ấy đưa một qui chế, một hình thức thi cử thoáng như vậy, thì đó là một điều tích cực. Nhưng mà lại không nghĩ tới cái chuyện thoáng như thế phải đồng đều. Họ vẫn chưa cho các trường đại học quyền tự trị đại học để họ có thể đưa ra tiêu chí của họ, đưa ra các quyền của họ về tuyển sinh, về xét tuyển, cũng như thi tuyển. Họ không có quyền tổ chức theo các nhu cầu của họ, cái khả năng của họ, theo cái quan niệm của họ. Các trường đại học vẫn bị kềm chế bởi các qui luật cũ của Bộ. Cho nên nó có sự mất thăng bằng giữa một khoảng trời tự do mở ra trong một kỳ thi tuyển sinh cũng như xét tuyển vào các trường, nó lại bị khó khăn.”

Cải cách đại học Việt nam đã được nêu lên từ lâu, và việc cải cách thi cử là một trong những việc mà giới quản lý đại học ở Việt nam tiến hành bấy lâu nay.

Đánh giá về những khiếm khuyết của Đại học Việt nam hiện nay, Giáo sư Tạ Văn Tài, từng giảng dạy tại Đại học Harvard ở Mỹ nói rằng có bốn vấn đề cần quan tâm:

“Điểm thứ nhất là cơ cấu quản trị. Điểm thứ hai là cái tính cách hãy còn nặng về chính trị trong nền giáo dục. Thứ ba là không đủ thì giờ, hay tài trợ cho các giáo viên có thì giờ nghiên cứu đẩy mạnh biên giới kiến thức, mà cứ nhai đi nhai lại những bài giảng năm này sang năm khác. Thứ tư là sinh viên không được khuyến khích học tập có sự trao đổi, bàn luận mà giống như học vẹt, tức là thầy giảng trên bục, rồi cuối năm trả bài trong kỳ thi.”

Chìa khóa của cuộc cải tổ đại học là sự tự do

Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng, người từng giảng dạy tại đại học Liege ở Bỉ, nhận xét chung về sự sai lầm của nền giáo dục đại học Việt nam và những bước chập chững để cải cách nó bấy lâu nay:

Nói chung các tổ chức đại học Việt nam đã khá lâu đi lạc đường. Nó tổ chức theo cái mô hình xã hội chủ nghĩa, mà ta thấy rằng nó càng ngày càng xơ cứng, không đáp ứng xu thế phát triển kinh tế, nhất là xu thế hội nhập.”
Các ông ấy đổi mới nhưng mà mò mẩm không dứt khoát. Các ông ấy không có một cái triết lý nhân sinh, nhân bản về đào tạo, mà vẫn còn cái quan điểm định hướng xã hội chủ nghĩa, có nghĩa là, theo tôi và tôi vẫn thường nói là đại học ở Việt nam người ta lẫn lộn giữa giáo dục và tuyên truyền.”

Vấn đề lẫn lộn giữa giáo dục và tuyên truyền mà Giáo sư Hưng nói đến cũng chính là vấn đề để cho chính trị thống trị nền học thuật đại học mà giáo sư Tài đề cập, và theo ông đó là một điều rất bất lợi:

“Chính trị còn xen vô đại học nên nó không có tự do học thuật ở mức tối cao như trong các đại học tân tiến của các nước. Tức là tự do nghiên cứu theo đuổi kiến thức, không bị quản chế hay kiềm hãm lại. Đó là một trong những khuyết điểm kiến cho các học giả tại Việt nam không dám đưa ra các đề tài hay là nghiên cứu những lĩnh vực nhạy cảm.”

Và theo Giáo sư Hưng, vấn đề tự trị đại học ở Việt nam là mấu chốt cho công cuộc cải tổ hiện nay:

Có hai vấn đề, thứ nhất là phải giao cho các trường quyền tự trị đại học, mà phải giao dứt khoát. Bộ chỉ đưa ra những cái khung, luật lệ, điều kiện căn bản phải thực thi, nhưng mà cái quyền tự trị thì phải dứt khoát giao cho các trường đại học. Thứ hai là phải bảo đảm chế độ tự do học thuật cho các trường, tức là các trường có quyền tổ chức ngành nghề, các ngành mới, hay là con em có thể chọn các đề tài nghiên cứu, v.v…Tất cả những cái đó phải trên tinh thần tự do như đại đa số các trường đại học trên thế giới hiện nay.”

Chứng minh cho sự bất lợi vì không có tự chủ đại học, Giáo sư Tài có đưa ra trường hợp nhà thơ Nhã Thuyên. Nhà thơ này đã thực hiện một luận văn được nhà trường đánh giá là xuất sắc, sau đó lại bị rút lại, đồng thời bị cả hệ thống báo chí của đảng công kích. Giáo sư Tài cho rằng đó là điều không giống ai cả!

Khi đặt ra vấn đề tự trị đại học thì nảy sinh một câu hỏi là liệu chuyện này có thể được thực hiện trong một khung cảnh toàn trị do đảng cộng sản thiết lập hay không?

Theo Tiến sĩ Nguyễn Đình Nguyên, một chuyên gia y khoa hiện sống ở Úc nói rằng đó là một điều khó khăn vì một sự thay đổi của giáo dục đại học phải được đặt trong sự thay đổi của cả hệ thống. Ông nói rằng “Vấn đề tự chủ đại học ở Việt nam phải đặt trong một cái nền tảng, một môi trường trong sạch và minh bạch.”

Giáo sư Tạ Văn Tài thì cho rằng điều đó vẫn có thể là khả thi :
“Hãy để cho họ tự do bàn luận. Nếu nhà nước hay đảng có quan điểm ngược lại thì hãy để cho những ông giáo sư học giả có học trường ngược lại ra mà tranh luận. Càng bàn nát nước trong các cuộc tranh luận thì chân lý sẽ càng rõ chứ không có gì phải sợ. Mình nắm được chân lý thì phải mở ra mà bàn luận để cho thiên hạ thấy cái chân lý mà mình đã nắm.
Ví dụ như có một cuốn sách của đảng mà tôi có đọc mang tên Lẽ phải của chúng ta, trong đó có bài của ông Nguyễn Phú Trọng nói tại sao phải để đảng cầm quyền. Trong cái bài đó ông ấy biện minh tại sao đảng cầm quyền là chế độ nên duy trì ở Việt nam. Trong đó có những vấn đề mà tôi có thể phê bình. Tại sao không làm một cuộc tranh luận công khai minh bạch của tất cả mọi lập trường? Trong lịch sử phát triển của các nước, không phải chỉ có vấn đề kinh tế xã hội mà cả vấn đề văn hóa nữa, khi có sự tranh luận thì mới có sự tiến bộ được.”

Trở lại vấn đề cải cách thi cử trong cải tổ đại học, vào năm 2013, sau kỳ tuyển sinh, một người chịu trách nhiệm việc tuyển sinh ở một Đại học ở thành phố Hồ Chí Minh lúc đó nói với chúng tôi rằng:

“Sự tự chủ trong tuyển sinh là niềm mơ ước của chúng tôi, vì các trường mới biết sản phẩm mà mình muốn tạo ra rồi từ đó có cách tuyển sinh thích hợp.”

Năm nay, sau sự thất bại của kỳ thi đại học vừa qua, Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng nói rằng dù sao việc cải tổ thi cử đã đi đúng hướng, và nên tiếp tục hoàn thiện nó.

Trong những nổ lực cải tổ Đại học Việt nam, một hướng đi nữa là chủ trương xã hội hóa đại học Việt nam, tức là cho phép tư nhân được tham gia thành lập các trường Đại học. Từ đó nảy sinh một mô hình được gọi là giáo dục đại học phi lợi nhận đang được nói đến nhiều trong thời gian gần đây tại Việt nam. Trong chương trình phát thanh kế tiếp, mời quí vị theo dõi bài phỏng vấn Giáo sư Tạ Văn tài, từng là giảng viên Đại học Harvard hàng đầu của Hoa kỳ nói về mô hình này.

-------------------
Tin, bài liên quan








No comments:

Post a Comment

View My Stats