Friday, 11 September 2015

Trao đổi và góp ý về bản dự thảo "Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể" (Giang Nam - Việt Nam thời báo)





Giang Nam  -  Việt Nam thời báo

(VNTB) - Bộ GD công bố Chương trình tổng thể (dự thảo) trong tháng 8.2015 và kêu gọi toàn xã hội góp ý. Chúng tôi là nhà giáo, đọc văn bản thấy có số điều tâm đắc và băn khoăn, nay nhờ trang báo VNTB trao đổi cùng bạn đọc và gửi tới Bộ GDĐT tham khảo.

Trước hết, chúng tôi quan tâm nhiều đến phần mở đầu và phần quan điểm soạn chương trình, sách giáo khoa (cũng gọi là triết lý giáo dục), vì đây là điều kiện tiên quyết cho sự thành công của cuộc cải cách giáo dục phổ thông lần này.

Phần mở đầu:
Để xây dựng Chương trình tổng thể (dự thảo), Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tiến hành hàng loạt công việc như:
    Tiến hành tổng kết, đánh giá chương trình (CT) và sách giáo khoa (SGK) hiện hành để xác định rõ những ưu điểm cần kế thừa, phát huy và các hạn chế, bất cập cần khắc phục.
    Nghiên cứu bối cảnh kinh tế, xã hội, chính trị và văn hóa trong nước và quốc tế nhằm nhận thức rõ những đặc điểm và yêu cầu cần chú ý trong việc xây dựng CT, biên soạn SGK mới.
    Nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế nhằm rút ra được xu thế chung về xây dựng CT, SGK, nhất là kinh nghiệm của các nước có nền giáo dục phát triển và có  quan hệ, ảnh hưởng nhiều tới Việt Nam.
    Tham khảo và học tập CT và SGK của nhiều nước tiêu biểu cho các khu vực khác nhau (Đông Nam Á, châu Á, châu Âu và châu Mỹ, châu Úc)
    Cử các đoàn cán bộ sang một số nước học tập và thông qua các tổ chức quốc tế mời các chuyên gia giáo dục các nước (Anh, Mỹ, Hàn Quốc, Bỉ, Đức, Hồng kông...) sang Việt Nam tập huấn về xây dựng CT, biên soạn SGK(người viết gạch chân).
      Tổ chức nhiều hội thảo, tập huấn trong nước và quốc tế về kinh nghiệm xây dựng CT giáo dục phổ thông, định hướng vận dụng vào Việt Nam với sự tham gia đông đảo của đội ngũ các nhà khoa học trong và ngoài nước”.

Ưu điểm
Bộ GDĐT không mời tư vấn từ Trung Quốc (bất chấp văn hóa tương đồng và 3 tương nữa), Bắc Triều Tiên và Cu ba (cùng ý thức hệ) và cũng không cử cán bộ đến nước họ học tập, nghiên cứu (hoặc, có thể mời, và đến tham quan nhưng tạm giấu vì nhạy cảm chăng?).

Dưới đây là phần Quan điểm

Mục II. QUAN ĐIỂM XÂY DỰNG CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC PHỔ THÔNG

Nội dung giáo dục phổ thông bảo đảm tinh giản, hiện đại, thiết thực, thực hành, vận dụng kiến thức vào thực tiễn, phù hợp với đặc điểm tâm - sinh lý lứa tuổi học sinh; giáo dục nhân cách, đạo đức, văn hoá pháp luật và ý thức công dân; tập trung vào những giá trị cơ bản của văn hoá, truyền thống và đạo lý dân tộc, tinh hoa văn hoá nhân loại, giá trị cốt lõi và nhân văn của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh; dạy ngoại ngữ và tin học theo hướng chuẩn hoá, thiết thực, bảo đảm năng lực sử dụng của học sinh; giáo dục nghệ thuật và giáo dục thể chất coi trọng việc định hướng thẩm mỹ và bồi dưỡng hứng thú rèn luyện sức khoẻ, hoạt động nghệ thuật.

Trên đây là những quan điểm cơ bản định hướng cho CT và SGK, nên chúng tôi xin bàn kỹ hơn.

Một số nhược điểm

Nhìn chung phần “quan điểm” quá đầy đủ tới mức hơi…dư thừa. Mặt khác quan điểm lại chưa thể xác định rõ ràng về nội dung.
“tập trung vào những giá trị cơ bản của văn hoá, truyền thống và đạo lý dân tộc, tinh hoa văn hoá nhân loại, giá trị cốt lõi và nhân văn của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh;

Nội dung cụm từ “giá trị cốt lõi và nhân văn của chủ nghĩa Mác – Lênin”  chưa rõ ràng.
Thứ nhất:  Xác định phạm vi học tập chưa rõ:
- Câu trên (phần gạch chân) có nghĩa: ngoài giá trị “cốt lõi” thì còn giá trị ngoại vi, ngoại biên rườm rà, gọi chung là “ngoài cốt lõi”, sẽ lược bỏ đi chăng? Nghị quyết và đường lối của Đảng là “kiên định chủ nghĩa Mác Lê nin” không ngoại trừ cái chi. Bộ GD dự định sẽ loại trừ cái gì? (Hay là, Bộ cứ tạm viết cụm từ “chủ nghĩa…” vào đây cho có đủ, dễ thông qua, rồi tính sau ?).
- Chỉ chọn “Nhân văn”, nghĩa là sẽ bỏ phần “thế giới quan” (tức Thiên văn theo quan niệm cổ truyền phương Đông), được hiểu rằng, nói chung sẽ bỏ phần “phi nhân văn” của chủ nghĩa Mác Lê nin.

Thứ hai: Quan điểm triết học này thiếu cơ sở thực tiễn.
Căn cứ vào thực tiễn 85 năm nước ta thực hiện “chủ nghĩa Mác – Lênin” đã cho kết quả như thế nào?
- Chủ nghĩa duy ý chí, dẫn đến nhiều sai lầm và tổn thất nghiêm trọng (chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục.v.v.…) mà các Nghị quyết của Đảng đã nhiều lần nhận thức rõ.
- Thuyết đấu tranh giai cấp, vai trò giai cấp công nhân tiên phong ngày nay được hiểu và xác định ra sao ?

Thứ 3: Về giá trị cốt lõi và nhân văn của Tư tưởng Hồ Chí Minh
         Trong đoạn văn trên, Bộ xác định Tư tưởng HCM (tương tự như nói về chủ nghĩa Mác Lê nin) cũng có hai phần: cốt lõi và ngoài cốt lõi, nhân văn và phi nhân văn. Theo đó Bộ yêu cầu bỏ bớt phần “ngoài cốt lõi” và “phi nhân văn”.
       Khi thực hiện, ắt sẽ gặp bối rối:
Văn bản chưa thể xác định nội dung tư tưởng nào là “cốt lõi”, là “nhân văn” trong hệ Tư tưởng HCM, phần nào là “ngoài cốt lõi”, “phi nhân văn”? (chỗ này sẽ khá phức tạp và tranh cãi khó xử từ khâu biên soạn đến khâu phản biện nghiệm thu và thực hiện đại trà)

Thứ tư: về mỹ học (còn gọi thẩm mỹ học), văn bản viết: giáo dục nghệ thuật và giáo dục thể chất coi trọng việc định hướng thẩm mỹ và bồi dưỡng hứng thú rèn luyện sức khoẻ, hoạt động nghệ thuật.

 Bộ GD vẫn duy ý chí ngay cả với quan điểm định hướng thẩm mỹ.  Mục đích của mỹ học là trang bị kiến thức cơ bản cho người học, từ đó họ sẽ tự định hướng/lựa chọn cho bản thân phù hợp thực tiễn cuộc sống của mỗi người.

Đề nghị Bộ bỏ chữ “định hướng” vì dư thừa, nếu chưa nói là phản khoa học. Ai đã từng nghiên cứu bộ môn mỹ học đều biết rằng đó là kiến thức nền, kiến thức công cụ. Người học hoàn toàn tự vận dụng vào thực tiễn. Đó chính là đặc trưng của mỹ học (khoa học về cái Đẹp và các giá trị thẩm mỹ cơ bản khác). Ai có thể tham vọng định hướng (tức là chỉ trỏ cụ thể) về mọi sở thích cho con người ngày nay? (chọn nghề, lao động, ăn, mặc, ở, làm nhà, yêu đương, kết bạn, ứng xử xã hội, gia đình, giải trí, sáng tạo nghệ thuật. v.v…vốn đều chịu sự chỉ đạo ngầm của quan niệm thẩm mỹ).

Điều cuối cùng, đề nghị chính phủ cho mời Hội đồng phản biện độc lập (ngoài Bộ GDĐT) như Liên hiệp Hội KHKT, các Học viện KHXH-NV, cơ quan văn hóa, những nhân sĩ trí thức nổi tiếng tham gia phản biện nghiệm thu độc lập Chương trình và Sách giáo khoa.

GN

* Xem toàn bộ văn bản tại báo Dân Trí điện tử:






No comments:

Post a Comment

View My Stats