21.09.2015
Đại sứ đầu tiên của Việt Nam tại Mỹ vào thời điểm
1995 khi bắt đầu bình thường hóa quan hệ giữa hai quốc gia cựu thù - ông Lê Văn
Bàng, một nhân vật nhiệt thành với tiếng tăm lẫn lợi ích của đảng Cộng sản - một
lần nữa trong năm 2015 đã đưa ra những lý do mà theo ông “chắc chắn sẽ thúc đẩy
Tổng thống Barack Obama tới thăm Việt Nam vào cuối năm nay.”
‘Cơ
hội thăm Việt Nam của ông Obama đang thu hẹp’
Ông Obama sắp hết nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ sẽ đồng
nghĩa với việc cơ hội thăm Việt Nam trên cương vị là người đứng đầu nước Mỹ của
ông Obama cũng đang thu hẹp lại - lý do thứ nhất mà ông Lê Văn Bàng nêu.
Theo tiết lộ của Tiến sĩ Murray Hiebert - phó giám đốc
Tổ chức nghiên cứu Đông Nam Á thuộc Trung tâm Nghiên cứu quốc tế và nghiên cứu
chiến lược (CSIS) của Mỹ gần đây cho biết, ông Obama sẽ tham dự Hội nghị Thượng
đỉnh Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) tại Philippines, và Hội
nghị Thượng đỉnh Đông Á tại Malaysia vào tháng 11 tới. Ông Obama chắc chắn sẽ
không bỏ qua cơ hội ghé thăm Việt Nam khi có mặt ở Đông Nam Á.
Được dẫn lời bởi một tờ báo nhà nước, ông Bàng thuyết
minh thêm: bản thân ông Obama cũng rất muốn để lại những dấu ấn mạnh mẽ trong
quan hệ Việt-Mỹ mà ông đã dành rất nhiều công sức để thúc đẩy trong suốt nhiệm
kỳ vừa qua của mình.
Chính phủ Việt Nam cũng đã nhiều lần gửi lời mời
chính thức và đặc biệt sau chuyến thăm Washington vừa qua của Tổng Bí thư Nguyễn
Phú Trọng là một động lực lớn thúc đẩy ông Obama không thể trì hoãn thêm nữa.
Như ông Hiebert cũng nhận định, chuyến thăm Việt Nam
sẽ là cơ hội để Obama tăng cường quyền lực mềm trong chính sách ngoại giao của
Mỹ tại Đông Nam Á.
Chuyến thăm Việt Nam của ông Obama cũng sẽ là một dấu
mốc quan trọng trong bối cảnh cả Hà Nội và Washington đang rất nỗ lực để hoàn tất
Hiệp định Thương mại Xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Theo cựu đại sứ Lê Văn Bàng, cũng giống như khả năng
Tổng thống Obama sang thăm Việt Nam, TPP có rất nhiều khả năng sẽ được ký kết
vào cuối năm nay.
Hiện kim ngạch thương mại song phương Việt-Mỹ mới chỉ
đạt 30 tỷ đô la, còn những nước khác đã lên đến 50, 60 tỷ đô la. Muốn đạt được
mục tiêu trở thành "đối tác thương mại số 1 của Việt Nam" như tuyên bố,
Mỹ cần phải thúc đẩy các quan hệ thương mại song phương hơn nữa, trong đó TPP
là một cánh cửa lớn để giúp đạt được điều đó.
Việt
Nam làm được gì so với Miến Điện?
Nếu quả thực Obama sẽ công du VN như dự đoán và tính
toán đầy tính khẳng định của cựu đại sứ Lê Văn Bàng, vị tổng thống với khẩu hiệu
tranh cử “We need a change” sẽ tìm ra được một sự thay đổi tối thiểu nào ở VN,
tính từ buổi đón tiếp bị khá nhiều nghị sĩ Mỹ xem là “trang trọng quá mức cần
thiết” dành cho TBT Trọng tại Phòng Bầu dục vào tháng 7/2015, lời hứa hẹn “Việt
Nam luôn quan tâm và bảo đảm các quyền con người” của ông Trọng tại Viện nghiên
cứu chiến lược Hoa Kỳ, để sau đó là biệt tích bóng dáng tù nhân chính trị nào
trong đợt đặc xá đến hơn 18.000 người nhân dịp lễ quốc khánh VN 2/9/2015?
Gần tương tự như TBT Trọng, Tổng thống Obama sắp kết
thúc vai trò tối cao của ông. Nhưng liệu điều đó có đồng nghĩa với nhận định
“cơ hội thăm Việt Nam trên cương vị là người đứng đầu nước Mỹ của ông Obama
cũng đang thu hẹp lại” của ông Lê Văn Bàng? Hoa Kỳ và Obama cần VN đến thế sao?
Hay chuyến đi và cách đi Mỹ của TBT Trọng đã được chính Bộ Ngoại giao và các cơ
quan đảng của VN nôn nóng “lobby” từ năm 2013?
Nếu có thể, hãy khơi gợi đôi chút về dĩ vãng cách
đây không quá lâu. Sau chuyến công du của Chủ tịch nước VN Trương Tấn Sang gặp
Tổng thống Obama tại Washington vào tháng 7/2013, trong giới ngoại giao VN đã rộ
lên thông tin về khả năng và “cơ hội” của/cho ông Obama đến VN vào cuối năm đó.
Thế nhưng vào tháng 11/2013, đã chỉ có Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đến Hà Nội.
Vào thời điểm ấy, TPP vẫn chưa đâu vào đâu, còn VN vẫn “bảo đảm quyền con người”
khi tiếp tục đàn áp những tiếng nói bất đồng chính kiến trong nước.
Còn có một cách so sánh mang tính “biện chứng” hơn:
VN với Miến Điện. Tháng 11/2012, Obama lần đầu tiên thực hiện công du đất nước
chìm trong bóng tối quân phiệt suốt hơn nửa thế kỷ. Nhưng điều kỳ lạ là trước
đó không lâu, viên tướng quân đội đắc cử tổng thống Miến Điện là Thein Sein -
người bị coi là thuộc hạ trung thành của “Thái thượng hoàng” sắt máu Than Shwe
- lại chủ động phóng thích cho nữ lãnh tụ đối lập Aung San Suu Kyi, ban hành
các luật biểu tình, tự do báo chí và bắt đầu lộ trình thả số đông tù nhân chính
trị.
Có cảm giác cả Obama lẫn Thein Sein đều bay bổng
trên trường quốc tế vào cuối năm 2012. Chuyến công du chính trị của tổng thống
Mỹ đã tức thời tạo ra hiệu ứng kinh tế và xã hội: Đức, Nhật Bản, Na Uy, Câu lạc
bộ Paris… mở lòng xóa số nợ đến 6 tỷ USD cho Miến Điện.
Sang năm 2013, Miến Điện vụt trở thành quốc gia tiềm
năng bậc nhất Đông Nam Á về thu hút đầu tư nước ngoài. Cho đến cuối năm đó,
Thein Sein đã giữ lời hứa khi phóng thích vô điều kiện cho hơn 300 tù nhân
chính trị, trong đó có người bị kết án hơn 100 năm tù.
Những
người bên đảng sẽ thủ lợi ra sao?
Còn VN thì sao? Con số tù nhân chính trị VN được
công bố bởi Tổ chức Ân xá quốc tế thực ra không quá lớn - khoảng 150 người. Thế
nhưng ngoại trừ 12 tù nhân chính trị được chính thể Hà Nội trả tự do vào năm
2014 như một cử chỉ nhằm len sâu hơn nữa vào Hiệp định TPP, số tù nhân lương
tâm còn lại vẫn tiếp tục bị giam cầm như một món hàng “có giá” để đổi chác vào
một thời điểm thích hợp nào đó, nếu quá trình thương thảo TPP trở nên khó khăn
hoặc bế tắc cho VN.
Thế nhưng toàn bộ các vấn đề về tù nhân chính trị,
nhân quyền nói chung và tự do tôn giáo cho VN đã không được cựu đại sứ Lê Văn
Bàng đề cập, dù là một từ, cho phần thuyết minh những lý do mà theo ông “Obama
chắc chắn phải đến VN”.
Trên thực tế, nhân quyền lại là điều kiện then chốt
của Quốc hội Hoa Kỳ - địa chỉ tụ hợp đến 2/3 số nghị sĩ ủng hộ việc thúc đẩy
dân chủ hóa cho VN và mới có thẩm quyền quyết định cuối cùng để thông qua TPP
hay không đối với VN, cho dù hai chính phủ Mỹ - Việt “hoàn tất đàm phán”. Vậy Tổng
thống Obama phải sẽ ăn nói ra sao trước Lưỡng viện Quốc hội Mỹ khi từ đầu năm
2015 đến nay, Bộ Ngoại giao Mỹ đã không ít lần thúc đẩy chính quyền VN thực hiện
tối thiểu động tác thả tù chính trị, song dường như mọi việc vẫn chỉ như dã
tràng xe cát biển Đông?
Cứ cho rằng Biển Đông là một mấu chốt về mặt chiến
lược mà chính phủ Hoa Kỳ đã đặt một ngón chân lên quân cảng Cam Ranh ở quốc gia
hình chữ S và do đó bắt đầu thể hiện sứ mạng răn đe đối với hải quân Trung Nam
Hải, nhưng chẳng có gì bảo đảm là trong tương lai gần hoặc trong trung hạn, Hà
Nội sẽ không quay ngoắt - như họ đã từng làm thế nhiều lần trong quá khứ, thường
sau các kỳ đại hội đảng - trong chính sách đối ngoại với Hoa Kỳ, đặc biệt trong
tình huống giới lãnh đạo đu dây chủ nghĩa của VN hoặc phải run rẩy trước những
đe dọa đủ lớn từ Bắc Kinh, hoặc tiếp tục bị Trung Quốc mơn trớn đến mê muội.
Chưa kể đến gánh nặng nhập siêu trong song thương với
VN - lên tới 25 tỷ USD mỗi năm - và những ảnh hưởng tiêu cực đến lợi ích công
nhân Mỹ mà Obama sẽ bị không ít nghị sĩ Hoa Kỳ chất vấn nếu triển khai TPP cho
VN.
Trừ vấn đề cho hình thành công đoàn độc lập ở VN -
có thể đã được thỏa thuận kín nhưng cho tới nay vẫn chưa được cả hai bên Mỹ -
Việt công bố, nếu tổng hòa các chủ đề TPP, thương mại, hợp tác quốc phòng và
nhân quyền, hóa ra chuyến công du VN nếu xảy ra của Tổng thống Obama lại chẳng
đượm bao nhiêu ý nghĩa khi so sánh với chuyến viếng thăm được bảo đảm có qua có
lại của vị tổng thống này đến Miến Điện vào cuối năm 2012.
Trong khi chưa thể đoán định được người Mỹ sẽ giành
lợi thế gì nếu có chuyến thăm viếng trên, thì điều chắc chắn là ý nghĩa lớn nhất
từ chuyến công du VN của Obama lại dành cho giới đảng Cộng sản VN - những người
đang “tiến nhanh, tiến mạnh đến đại hội đảng lần thứ 12 vào đầu năm 2016”, những
người sẽ thủ lợi từ việc được nâng cao uy tín đáng kể trong mắt 200 ủy viên
trung ương chính thức và dự khuyết cùng hàng ngàn đại biểu về chuyện được tiếp
đón đích thân tổng thống Mỹ tại Hà Nội, để từ đó sẽ xuôi gió hơn trong chiến dịch
tiến chiếm chức vị tổng bí thư đảng cùng bộ khung nhân sự tại đại hội
12.
-------------------
* Blog của nhà báo
độc lập Phạm Chí Dũng là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với
sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính
phủ Hoa Kỳ.
No comments:
Post a Comment