Jane Perlez, Neil MaFarquhar
The
New York Times - 3/9/2015
Cập nhật: 8/09/2015
Họ đã từng gặp nhau hơn chục lần và đứng sát cánh với
nhau trong cuộc diễn binh tại Bắc Kinh hồi thứ Năm vừa rồi. Nhưng mối quan hệ một
thời được tán dương giữa chủ tịch nhà nước Trung Quốc Tập Cận Bình và tổng thống
Nga Vladimir V. Putin đã trở nên căng thẳng khi nền kinh tế của hai quốc gia mất
đà và đi xuống.
Hai thỏa thuận
về năng lượng ký kết vào năm ngoái để Trung Quốc mua khí đốt của Nga không tiến
triển và cũng không được nhắc gì đến khi hai người gặp nhau sau cuộc diễn binh. Mối giao dịch song phương dự phóng là hơn 100 tỉ đô-la năm nay chỉ mới
có khoảng 30 tỉ trong sáu tháng đầu năm, phần lớn vì nhu cầu dầu hỏa của Trung
Quốc giảm xuống.
Putin khoái trá khi dựa hơi họ Tập, lãnh tụ của một
nền kinh tế lớn nhất trên thế giới. Nhưng với biến động trong thị trường chứng
khoán của Trung Quốc và tăng trưởng kinh tế chậm nhất trong suốt một phần tư thế
kỹ nay, Bắc Kinh không còn là chỗ dựa vững chắc mà Putin mong đợi để cưỡng lại
sự cấm vận kinh tế của Âu Châu và Hoa Kỳ sau khi Nga sáp nhập vùng Crimea, chưa
kể là giá dầu tụt dốc trên toàn thế giới.
Theo Fiona Hill, chuyên gia về nước Nga tại Học viện
Brookings, Washington DC, “Nga phụ thuộc
vào sự tăng trưởng kinh tế tại Trung Quốc và thúc đẩy tiêu thụ các loại hàng: dầu,
khí đốt và khoáng sản. Trung Quốc là phương án thay thế cho Âu Châu.”
Mấu chốt quan trọng trong mối quan hệ giữa họ Tập và
Putin là hiệp ước tháng Năm 2014 để Trung Quốc mua khí đốt trong 30 năm từ miền
Đông Siberia, với trị giá 400 tỉ đô-la, mà đợt giao hàng đầu tiên vào giữa 2019
và 2021. Lúc ký kết tại Thượng Hải, Putin khoe là thoả thuận này là một “sự kiện
lịch sử” và thở phào nhẹ nhỏm vì Nga có thể bán khí đốt, tránh được cấm vận của
Âu Châu.
Nhưng giá mua bán chưa chính thức được thông báo và
rất có thể là với giá năng lượng đang rơi, thỏa thuận này sẽ phải điều đình lại.
Một thỏa thuận khác mua khí đốt từ vùng Tây Siberia
được khởi động bởi hai vị nguyên thủ quốc gia hồi tháng Mười Một tại Bắc Kinh,
nhưng giao kèo chính thức dự tính là được ký kết khi Putin đến Bắc Kinh dự cuộc
diễn binh có vẻ như bị quên lãng. Lý do là nhu cầu khí đốt của Trung Quốc không
còn cao như lúc trước.
Thỏa thuận này còn có điểm rắc rối là Nga không có
tiền xây đường ống dẫn khí đốt, và câu hỏi đặt ra là liệu Trung Quốc có cần khí
đốt của Nga đến độ để chi tiền ra xây đường ống dẫn. Chưa kể đến vấn đề giá cả
thỏa thuận trước tình huống khí đốt đang tụt giá.
Tại Moscow sự lạc quan về Trung Quốc giúp đưa Nga ra
khỏi vũng lầy kinh tế đã phai nhạt. Niềm hy vọng đặt vào Trung Quốc như một cái
phao cứu vãn kinh tế Nga ra khỏi cấm vận và giá dầu tụt dốc không còn gì nữa.
Nhu cầu của Nga mua hàng hóa Trung Quốc giảm 40 phần trăm, quần áo giảm 50 phần
trăm so với năm ngoái. Đồng ruble không ổn định khiến giới đầu tư Trung Quốc lo
ngại, và nỗ lực hợp tác giữa hai ngành ngân hàng Trung Quốc và Nga không đi đến
đâu.
Vì mục tiêu 100 tỉ đô-la giao dịch với Trung Quốc
không thể đạt được trong năm 2015, dự phóng 200 tỉ giao dịch tới năm 2020 cũng
chỉ là lạc quan quá đáng.
Các thỏa thuận về năng lượng không phải là nạn nhân
duy nhất của sự suy thoái kinh tế.
Đường xe lửa tốc hành mà Trung Quốc tuyên bố là sẽ
xây từ Bắc Kinh đến Moscow đang gặp trở ngại vì Trung Quốc là người xây đòi Nga
phải chi tiền. Đoạn đường đầu tiên dài 800 cây số từ Moscow đến Kazan dự tính
là sẽ khai mạc trước khi giải World Cup 2018 bắt đầu tại Nga. Hiện tại chưa có
gì khởi động và nhiều phần không nhúc nhích. Nga không có tiền để chi và Trung
Quốc thì không thể xây miễn phí.
Tình hữu nghị giữa Putin và Tập nổi bật và thu hút sự
chú ý của cả hai quốc gia vì cả hai thích tạo ấn tượng quyền lực và táo bạo. Ở
những cuộc gặp gỡ quốc tế, họ luôn vênh váo đi lên sân khấu chung với nhau. Sự
hâm mộ qua lại của hai người là điều đáng chú ý hơn đối với bối cảnh quan hệ gập
ghềnh trong thời chiến tranh lạnh giữa Liên Sô và Trung Quốc. Cả hai trên
nguyên tắc là cùng phe nhưng lại xém đụng độ nhau bằng vũ khí hạt nhân vì tranh
chấp biên giới vào năm 1969. Nhiệm kỳ của Gorbachev trong giai đoạn cuối đời của
Liên Sô vẫn làm đảng Cộng Sản Trung Quốc rùng mình cho đến nay.
Hai bên chưa bao giờ gần với nhau cho đến nay. Sự
thành công của Trung Quốc gây nhiều thích thú tại Nga. Ngay cả khi kinh tế
Trung Quốc chậm lại, Trung Quốc vẫn có vẻ “sáng sủa” hơn đối với Nga so với
tình cảnh giảm sút tại Âu Châu và Ukraine và khó khăn kinh tế của chính Nga. Vụ
cấm vận Nga vì sáp nhập Crimea và vì hậu thuẫn cho nhóm ly khai tại Ukraine khiến
cho Nga gần lại với Trung Quốc hơn.
Lãnh đạo hai nước khoe là họ đã nâng mối liên hệ giữa
đôi bên lên hàng quan hệ chiến lược; Nga và Trung Quốc gần đây cùng tập trận
chung trong vùng biển Địa Trung Hải và vùng biển Nhật Bản. Họ liên kết tại Liên
Hiệp Quốc để chống đối các đề xướng của Hoa Kỳ cho Libya và Syria, và họ có
cùng quan điểm về Iran.
Tuy nhiên có giới hạn trong các lợi ích chiến lược của
cả hai. Trung Quốc lo ngại về động thái của Nga tại Crimea và đặc biệt là tại
Ukraine, nơi mà Bắc Kinh có đầu tư thương mại và quân sự. Trung Quốc cũng lo ngại
việc Crimea ly khai khỏi Ukraine sẽ là tiền lệ cho các lãnh thổ của Trung Quốc
như Tây Tạng, Tân Cương hoặc thế giới sẽ công nhận sự độc lập trên thực tế của
Đài Loan.
Trong vùng Trung Á, Nga và Trung Quốc là đối thủ cạnh
tranh hơn là bạn hợp tác, nhất là khi Trung Quốc mua năng lượng từ các quốc gia
đàn em của Nga mà đáng lẽ ra, nếu muốn, Trung Quốc mua từ Nga.
Phản ứng của chính quyền Obama đối với tình hữu nghị
Trung-Nga là một sự dững dưng, cho rằng rồi cuối cùng Nga chỉ là gánh nợ cho
Trung Quốc, nhất là khi kinh tế khó khăn.
Nguồn: The
New York Times
No comments:
Post a Comment