Nguyễn Đình Ấm
14/09/2015
Vừa qua nhà báo Đỗ Hùng
phó tổng thư ký tòa soạn báo Thanh Niên bị bộ 4T cách chức và thu thẻ nhà báo
do có bài viết dùng từ toàn dấu sắc mang tính “tếu táo” vui nhộn nhắc đến ông Hồ
Chí Minh và ông Võ Nguyên Giáp trên mạng xã hội.
So với những bài viết, những
trang sách công khai nói lên những thông tin ngược với ca ngợi về hai ông này
thì status của nhà báo Đỗ Hùng không là gì cả. Thế nhưng có lẽ do Đỗ Hùng “có
tóc” nằm trong bộ máy do đảng CS cai quản nên mọi quyền uy trấn áp được thực
thi chóng vánh. Theo đồn đại trong làng báo thì đây là hành vi ông thứ trưởng
4T chớp cơ hội “ghi điểm” với cấp trên trước đại hội 12 để ngoi lên bộ trưởng.
Nhận định này có vẻ đúng khi Đỗ Hùng không hề vi phạm điều luật nào.
Đồng thời với hai quyết định
kỷ luật, nhà báo Đỗ Hùng còn bị tờ báo “Năng lượng mới” của đại tá Như Phong mà
dân gian đặt cho cái tên: “Bên B của quan chức, đại gia” quy cho “núi tội” đến
nực cười như: Đi biểu tình chống TQ xâm phạm biển đảo, “xúc phạm thiêng liêng”
ông Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp “trong khi hàng chục triệu người thương tiếc,
kính trọng…”. Không biết trong làng báo VN có bao nhiêu nhà báo cảm thấy xấu hổ
với sự thảm hại về nhận thức, đạo đức của người viết, đăng bài báo này? Yêu ai,
ghét ai, không kính trọng ai, coi ai là thần tượng, là thiêng liêng hay không…
là quyền của mỗi con người chứ! Hãy xem Lênin là bậc thầy của ông Hồ Chí Minh,
Võ Nguyên Giáp, của đảng CSVN, một thời là thần tượng thiêng liêng, vĩ đại của
hàng trăm triệu người nhưng nay người ta đi đập phá tượng ông vui như hội…
Dù chưa bị sa thải nhưng
sự nghiệp phụng sự đảng CSVN của nhà báo Đỗ Hùng coi như chấm hết dù nhiều CB,
phóng viên, đồng nghiệp báo Thanh Niên quý mến năng lực làm báo của anh. Tuy nhiên, với đảng CS, cái họ cần
trước hết là sự trung thành, làm theo chỉ thị, ý muốn của đảng như một con rô bốt.
Hơn nữa, nếu trấn áp Đỗ Hùng mạnh tay, ngay tức khắc để một kẻ nào đó lên chức
quan to thì việc mất chức, mất thẻ của anh cũng “không uổng”. Bởi vì, quyền lợi
của một cán bộ tép riu không thể so với lợi ích chiến lược của quan lớn, hơn nữa
cái chức tước trong các tòa soạn báo quốc doanh dù có bổng lộc nhưng cũng chẳng
danh giá gì nếu không nói là “cái túi nhục”, luôn phải làm vừa lòng các tầng nấc
cấp trên để tồn tại, ngoi lên.
Bị sa thải hoặc coi như bị
sa thải có thể là cú sốc lớn đối với mỗi phóng viên quốc doanh. Bởi vì khi còn
chiếc thẻ, mang danh tờ báo nọ, kia đi cơ sở hầu hết được cưng chiều, ngoài mức
lương, nhuận bút đều đặn hàng tháng, đến ngày nọ, kia thường có bổng lộc. Với
những nhà báo có ảnh hưởng lớn ở tờ báo thường được cơ sở tạo mọi điều kiện
công tác, không thiếu lộc lá, quà cáp, phong bì lớn, nhỏ ở những dịp kỷ niệm nọ,
kia.…
Nay nhà báo Đỗ Hùng không
còn làm cán bộ ở báo TN thì mọi lợi ích cơ bản của một nhà báo quốc doanh không
còn, nếu viết bài phải đề tên khác…
Tuy nhiên, nếu nhận thức
việc phụng sự đảng CS, những ưu ái của cơ quan, xã hội, những lợi lộc mình nhận
được nhờ câm miệng, mắt mù trước những sai trái, bất công, dối trá, hại nước, mọt
dân là bất chính thì việc bị sa thải không có gì phải “lăn tăn”. Báo quốc doanh
là công cụ tuyên truyền, trước hết vì lợi ích của đảng CS trong khi những lợi
ích vật chất mà nhà báo nhận được là mồ hôi, nước mắt của nhân dân thì sự nghiệp
của anh chỉ đơn thuần là “kiếm cơm” bất chính. Bị mất sự nghiệp bất chính thiết
nghĩ cũng chẳng đáng tiếc dù kiếm cơm chân chính có thể vất vả hơn.Theo tôi,
làm một anh xe ôm, quét rác kiếm cơm còn chân chính, có lợi cho dân hơn một anh
nhà báo quốc doanh phụng sự đảng CS như con rô bốt, chuyên viết bài “một nửa sự
thật” lừa dối xã hội.
Những năm 1990 tôi làm việc
ở Tạp chí Hàng không VN. Phải nói so với các đồng nghiệp trong nước chúng tôi
có đời sống không đến nỗi nào: Thu nhập khá, đi nước ngoài dễ, đi đâu cũng bằng
máy bay, ăn, nghỉ khách sạn sang trọng… Thế nhưng tôi không cam tâm chỉ viết “nửa
sự thật” mà đã cản phá nhiều vụ tham nhũng ở ngành HKVN. Năm 1994 tôi bị truất
nghề, thu thẻ nhà báo, bị bắt làm tạp vụ, bán báo dạo, cắt gần hết lương, bị
công an khởi tố, điều tra, khám xét nhà cửa... Lúc đầu tôi bị shock nhưng ngẫm
lại nếu mình chỉ “hầu hạ” lãnh đạo ngành HKVN, ngoảnh mặt, câm miệng mặc họ đục
khoét, phá hoại ngành thì miếng ăn, bổng lộc của mình là bất chính, nên cũng
nguôi ngoai dần và chuyển sang nghề kiếm cơm bằng cách viết, biên tập thuê cho
các tờ báo, nhà xuất bản bên ngoài. Từ đây dù khó khăn, vất vả, thu nhập thấp
hơn nhiều khi còn làm báo ở tòa soạn nhưng tôi thấy mình tự do, đăng được những
bài mà ở tạp chí HKVN không bao giờ dám đăng. Từ đây tôi đã vượt qua được sự nể
nang, sợ hãi khi viết bài, và ngăn chặn, cản phá hầu hết những vụ vơ vét, khuất
tất ở ngành HKVN. Đến năm 1998, khi tôi đã quen với việc viết, làm việc tự do
và cảm thấy không còn tiếc nuối gì nữa với cái suất phóng viên quốc doanh thì
đúng lúc những kẻ trù dập tôi sụp đổ. Tôi trở lại cầm bút “quốc doanh” ở tạp
chí HKVN chỉ vì vấn đề danh dự và không bao giờ ân hận vì sự “dại dột” của
mình.
Ngày nay việc “kiếm cơm”
chân chính còn dễ hơn nhiều hồi những năm 1990-1998 do có nhiều thành phần kinh
tế, ngành, nghề, nhiều loại hình báo chí… Vì vậy, theo tôi, việc nhà báo Đỗ
Hùng hay bất cứ nhà báo quốc doanh nào vì không sống, không làm đúng yêu cầu của
đảng mà bị thu thẻ phải rời cái công việc kiếm cơm bất chính kia thì cũng chỉ
là chuyện nhỏ!
N.Đ.A.
Tác giả gửi BVN
Được đăng bởi bauxitevn vào
lúc 04:41
-----------------------
XEM THÊM :
Fri, 09/11/2015 - 18:45 —
nguyenthituhuy
No comments:
Post a Comment