15.09.2015
Trong lịch sử thế giới đương đại, cuộc tấn công của
những người Hồi giáo cực đoan nhắm vào nước Mỹ vào ngày 11 tháng 9 năm 2001 có
thể được xem là biến cố quan trọng nhất làm thay đổi diện mạo của cả thế giới.
Chỉ cách đó đúng 10 năm,
cả thế giới vui mừng chứng kiến sự sụp đổ của khối xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô
và Đông Âu, đánh dấu sự cáo chung của cuộc chiến tranh lạnh vốn kéo dài gần nửa
thế kỷ. Trong cảm giác vui mừng ấy, mọi người đều nghĩ thế giới từ nay sẽ được
sống trong hoà bình, mỗi nước chỉ lo tập trung vào việc phát triển kinh tế và
hoàn thiện dần nền dân chủ trong nước mình để dân chúng được sống một cách êm ấm,
tự do và dân chủ. Biến cố 11 tháng 9 làm tan vỡ những ảo tưởng ấy. Mọi người giật
mình ngơ ngác nhận ra thế giới họ đang sống vẫn đầy những bất an. Người ta phát
hiện ra một kẻ thù mới lúc nào cũng tìm cách khủng bố họ: những người Hồi giáo
cực đoan.
Thật ra, không phải đến
năm 2001, những người Hồi giáo cực đoan mới tìm cách tấn công Mỹ. Trong bài viết
tưởng niệm 14 năm cuộc tấn công khủng bố nhắm vào Trung tâm Thương mại Quốc tế
tại New York, ông Rudolph W. Giuliani, cựu Thị trưởng thành phố New York nhắc:
những âm mưu khủng bố nhắm vào Mỹ của những lực lượng Hồi giáo đã bắt đầu từ
lâu, từ những năm cuối thập niên 1970 với việc chính quyền Hồi giáo Iran bắt giữ
người Mỹ làm con tin trong suốt 444 ngày, những vụ nổ bom nhắm vào toà Đại sứ Mỹ
ở Kenya và Tanzania năm 1998 (làm 213 người chết, trong đó có 12 người Mỹ) hay
ngay tại Trung tâm Thương mại Thế giới vào năm 1993 (làm 6 người chết và trên
1000 người bị thương). Có điều, tác hại của các cuộc khủng bố ấy được cho là
không quá nghiêm trọng khiến mọi người, một mặt, không quá lo sợ; mặt khác, chỉ
xem đó như những hành động quá khích của một số cá nhân điên khùng.
Cuộc tấn công ngày 11
tháng 9 năm 2001 khác hẳn. Khác ở quy mô: Nó khiến đến 3000 người bị thiệt mạng.
Khác ở biểu tượng: hai toà nhà cao ngất tượng trưng cho sự giàu có và sự tự do
của thế giới tư bản bị sụp đổ. Và khác ở tính chất: đằng sau vụ tấn công ấy là
một tổ chức gắn liền với một tôn giáo có tính toàn cầu.
Chính những sự khác biệt ấy
đã khiến chính phủ Mỹ phản ứng quyết liệt bằng hai cuộc chiến tranh họ khởi sự ở
Afghanistan và ở Iraq cho đến bây giờ vẫn chưa kết thúc. Ngoài ra, chính phủ Mỹ
cũng góp phần làm sụp đổ một chính quyền Hồi giáo cực đoan khác ở Libya. Song
song với các cuộc chiến tranh ấy là một làn sóng dân chủ ồ ạt nổi lên ở một số
nước Trung Đông và Bắc Phi, lật đổ bốn chính quyền độc tài ở Tunisia, Ai Cập,
Libya và Yemen và làm lung lay nhiều quốc gia khác, từ Bahran, Algeria đến Syria,
Jordan, Kuwait, Morocco và Sudan. Tuy nhiên, tất cả các biến động dữ dội ấy đều
không mang lại an bình cho thế giới. Hết nhóm Hồi giáo cực đoan này bị tiêu diệt
thì có một số nhóm cực đoan khác nổi dậy, có khi còn cực đoan và nguy hiểm hơn
cả các nhóm trước. Thành ra khủng bố và chiến tranh vẫn treo lơ lửng trên đầu mọi
người.
Chỉ có điều chiến tranh
hiện nay khác hẳn các cuốc chiến tranh trước đó. Trước, trong nửa đầu thế kỷ
20, chiến tranh chủ yếu xuất phát từ xung đột về lãnh thổ, kinh tế và quyền lực
giữa các quốc gia với hai đỉnh cao là chiến tranh thế giới lần thứ nhất và chiến
tranh thế giới lần thứ hai. Từ năm 1945 trở về sau, trong cuộc chiến tranh lạnh,
yếu tố chính gây ra xung đột là ý thức hệ với hai luồng chính: chủ nghĩa xã hội
và chủ nghĩa tư bản. Từ năm 1990 trở đi, theo Samuel P. Hungtington, trong cuốn
“Clash of Civilization” (1996), nguyên nhân chính gây ra chiến tranh trên thế
giới là các xung đột về văn hoá, trong đó, quan trọng nhất là tôn giáo.
Hungtington chia thế giới ra thành nhiều nền văn minh khác nhau, tuy nhiên,
theo ông, mâu thuẫn gay gắt nhất là sự xung đột giữa văn minh Tây phương và văn
minh ngoài Tây phương. Trong cái gọi là văn minh ngoài Tây phương ấy, nổi bật
lên hẳn là văn minh Hồi giáo. Nói một cách tóm tắt, mâu thuẫn chính hiện nay
là mâu thuẫn giữa Tây phương và Hồi giáo.
Lý thuyết của Hungtington
bị nhiều người phê phán một cách gay gắt. Nhiều người cho Hungtington đơn giản
hoá vấn đề: Trên thế giới hiện nay không có các nền văn hoá thuần nhất, tất cả
đều tương tác, pha trộn và lai ghép lẫn nhau. Hầu hết các nền văn minh ngoài
Tây phương, với những mức độ khác nhau, đều Tây phương hoá. Nhiều người đi xa
hơn, cho đằng sau các luận điểm của Hungtington là chủ nghĩa kỳ thị chủng tộc,
không khác thời thực dân trước đó: Xem Tây phương như là phần văn minh nhất
trên thế giới, có nhiệm vụ khai sáng các nền văn minh phi-Tây phương khác.
Phê phán thì phê phán,
nhưng càng ngày người ta càng thấy Hungtington nói đúng: Mâu thuẫn chính của thế
giới hiện nay là mâu thuẫn giữa Tây phương và Hồi giáo, ít nhất là những thành
phần Hồi giáo cực đoan. Mà những người theo Hồi giáo cực đoan cũng không hề giấu
giếm điều đó: Họ tìm cách phá huỷ văn minh Tây phương càng nhiều càng tốt, giết
hại người Tây phương càng nhiều càng tốt. Với họ, Tây phương, tiêu biểu nhất là
Mỹ, là đối tượng chính để trả thù.
Cuộc chiến tranh dựa trên
tôn giáo ít nhiều giống với các cuộc chiến tranh dựa trên ý thức hệ: Cả hai đều
có tính cực đoan. Nhưng mức độ cực đoan trong tôn giáo sâu đậm hơn hẳn mức độ cực
đoan trong ý thức hệ. Hình thức nổ bom tự sát để giết hại chính mình và những
người chung quanh là hình ảnh tiêu biểu nhất của tính chất cực đoan ấy: Người
ta không sợ chết vì tin tưởng sẽ nhận được một phần thưởng lớn lao nào đó ở thế
giới bên kia.
Trong chiến tranh lạnh, kẻ
thù của Tây phương là những quốc gia có biên giới và có chính phủ hẳn hòi;
trong cuộc chiến hiện nay, phần lớn cái gọi là Hồi giáo cực đoan ấy không gắn
liền với lãnh thổ nào cả: Họ ở khắp nơi, ngay trong chính các nước Tây phương. Bởi
vậy, hầu như ở đâu cũng cảm nhận được sự đe doạ của họ. Mỹ bị đe doạ. Các quốc
gia Âu châu cũng bị đe doạ. Ngay ở Úc, xa khuất và chơi vơi giữa đại dương mênh
mông, cũng bị đe doạ.
Tuy nhiên, những đe doạ ấy
không đủ làm bùng nổ chiến tranh lớn. Hoạt động của các nhóm Hồi giáo cực đoan
chỉ tạo nên sự bất ổn trong xã hội Tây phương nhưng không đủ sức uy hiếp chủ
quyền của bất cứ quốc gia nào ở Tây phương. Bởi vậy, một số nhà bình luận cho
nguy cơ từ các lực lương Hồi giáo cực đoan ít nhiều bị phóng đại. Theo họ,
nguy cơ thực sự đối với Tây phương đến từ một đối tượng khác: chủ nghĩa dân tộc.
Trong cái gọi là chủ nghĩa dân tộc ấy, hai quốc gia tiềm ẩn nhiều nguy hiểm nhất
là Nga và Trung Quốc. Trong khi Nga chỉ nguy hiểm đối với châu Âu, những nguy
cơ đến từ Trung Quốc sẽ tác động, trước hết, đến Biển Đông, và ở Biển Đông, quốc
gia bị ảnh hưởng trực tiếp nhất chính là Việt Nam.
Nói cách khác, nếu chủ
nghĩa dân tộc tại Trung Quốc sẽ làm thay đổi bàn cờ chính trị trên thế giới, ít
nhất là ở châu Á, nó sẽ làm thay đổi, trước hết, đến sự an nguy của Việt Nam.
Bàn về chính trị thế giới cũng như Việt Nam trong hiện tại cũng như trong những
năm sắp tới, không thể không lưu ý đến điều đó.
--------------------------
* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân.
Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản
ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
No comments:
Post a Comment