Như một thói quen, buổi sáng 15 tháng 9, tôi vào mạng
CNN, lướt qua một vòng tin nước Mỹ, tin thế giới và dừng lại ở các tin Đông Nam
Á. Sáng hôm đó CNN loan tin Trung Cộng đang xây phi đạo thứ ba trong vùng đảo
Trường Sa đang tranh chấp. Theo CNN, các hình ảnh do vệ tinh Mỹ chụp được vào
ngày 8 tháng 9 cho thấy Trung Cộng đang xây một phi đạo mới dài 3 ngàn mét dọc
theo Mischief Reef. Trước đó Trung Cộng đã xây dựng xong hai phi đạo trên Fiery
Cross Reef và Subi Reef cũng có chiều dài tương tự.
Greg Poling, Giám Đốc Trung Tâm Quốc Tế Nghiên Cứu
Chiến Lược đặt tại Washington DC cho biết nếu quả thật đúng là phi đạo, Trung Cộng
sẽ có ba phi đạo để dùng cho bất cứ loại phi cơ chiến đấu nào của Không quân
Trung Cộng.
Phi
đạo dùng cho phi cơ chiến đấu Trung Cộng J-11
Trong 18 tháng qua, theo giới chức Mỹ, Trung Cộng đã
chiếm thêm 2 ngàn mẫu thuộc khu vực quần đảo Trường Sa đang tranh chấp. Các nước
tranh chấp như Việt Nam, Philippines cũng có phi đạo nhưng không phi đạo nào
thích hợp cho chiến đấu cơ thuộc thế hệ thứ tư, tức những chiến đấu cơ sản xuất
khoảng từ 1980 tới nay.
Trước đó, theo phân tích “China's J-11
fighter jet 'may find new role in South China Sea” đăng trên tờ South
China Morning Posts phát hành 21 tháng 6, 2015, cũng nhấn mạnh những phi đạo dài
này có thể được xây dựng với ý định để các J-11 có tầm bay xa 1500 kilomet sử dụng.
Loại chiến đấu cơ này, được nâng cấp từ Sukhoi Su-27SK, sản xuất lần đầu 1998
không phải là chiến đấu cơ tốt nhất của Trung Cộng và dĩ nhiên không phải là đối
thủ của những chiến đấu cơ thuộc các nhóm F-18, F-22, F-35 của Mỹ nhưng là một
đe dọa trực tiếp đối với an ninh của các quốc gia đang tranh chấp chủ quyền Trường
Sa.
Lãnh
đạo CSVN im lặng
Lãnh đạo CSVN, lẽ ra, dù nói không ai nghe cũng phải
nói, dù la không ai nghe cũng phải la, dù kiện chưa chắc đi tới đâu cũng phải
kiện. Biển Việt Nam, đảo Việt Nam, không một nước nào có quyền xây dựng phi đạo
quân sự trên vùng đảo chỉ cách Cam Ranh 470 kilomet và cách Sài Gòn chưa đến
600 kilomet đường chim bay. Nhưng ngoài một số báo chí Việt Nam dịch lại các bản
tin quốc tế, cho đến nay lãnh đạo đảng đã chọn thái độ “im lặng là vàng”. Không
một lời phản đối, không tuyên ngôn, tuyên cáo, không đưa vấn đề ra trước dư luận
quốc tế.
Chuyến đi Mỹ của Nguyễn Phú Trọng mà các báo chí đảng
đánh bóng như là “bước đột phá lịch sử” hay “một mốc lịch sử trong quan hệ Việt
– Mỹ” v.v. thực tế chỉ là những khẩu hiệu tuyên truyền.
Như đã trình bày trong bài Lãnh đạo CSVN trong quan
hệ Mỹ Trung, chuyến đi của Nguyễn Phú Trọng rồi cũng như bao nhiêu chuyến đi
trước của các lãnh đạo CS, sẽ không có gì thay đổi. Ngoài Biển Đông, máu của
ngư dân Việt Nam đã đổ và sẽ tiếp tục đổ. Trong lòng biển, nguồn dầu khí Việt
Nam ngày càng bị vét cạn. Trên đất liền, tài nguyên thiên nhiên bị Trung Cộng
khai thác sẽ còn tiếp tục bị khai thác.
Chính sách của Trung Cộng tại Biển Đông cũng không
vì áp lực cua Mỹ trong thời gian qua mà thay đổi. Chúng biết ngoài việc gia
tăng sự hiện diện của hải quân hay vài chuyến bay thấp trong vùng, Mỹ không có
chọn lựa nào khác. Những ai cho rằng Mỹ sẽ đem các chiến đấu cơ tối tân để can
thiệp một khi Việt Nam bị không quân Trung Cộng tấn công chớp nhoáng có lẽ là
những nhận định quá lạc quan. Mỹ can thiệp hay không còn tùy thuộc vào nhiều yếu
tố an ninh và quyền lợi trực tiếp. Các mâu thuẫn Mỹ-Trung có đó nhưng còn quá sớm
cho một cuộc xung đột quân sự giữa hai nước này có thể xảy ra trong vùng Biển
Đông.
Chính sách đối ngoại của Trung Cộng là chính sách
ngoại giao của những kẻ có đầu óc ti tiện. Chúng hành xử như cách loài chuột đồng
tàn phá mùa màng qua việc gặm nhấm từng bụi lúa. Một mặt chúng lớn tiếng với quốc
tế là luôn theo đuổi chính sách “hòa bình” và “ổn định” nhưng mặt khác lấn chiếm
từng thước đất, từng bãi san hô, từng hòn đảo nhỏ trên biển Đông, đặt những giàn
khoan trong thềm lục địa Việt Nam và hôm nay xây những phi đạo dài trên các
vùng biển Trường Sa đang tranh chấp. Những hành động nhỏ nhen này không đủ va
chạm quyền lợi nặng đến mức các cường quốc phải đặt vấn đề và các biến cố do
chúng gây ra không đủ tác hại an ninh khu vực đến mức quốc tế phải quan tâm nhất
là trong gia đoạn bất ổn kinh tế thế giới hiện nay.
Trong thời gian ngắn trước và sau chuyến đi Mỹ của
Nguyễn Phú Trọng, một số nhà phân tích cho rằng Việt Nam là một góc trong tam
giác cân về thế đứng trong tranh chấp Biển Đông. Nhận xét đó không đúng. Lịch sử
bang giao quốc tế cho thấy, muốn đứng thế chân vạc, một quốc gia trước hết phải
có vị trí độc lập trong tương quan về chính trị, kinh tế và quân sự quốc tế. Để
đương đầu với một kẻ thù mạnh hơn, một quốc gia nếu không có đủ lực, phải có đủ
thế.
Bài
học Lithuania và Ukraine khi đương đầu với Nga
Có ít nhất hai bài học về thế và lực hiện còn đang
là vấn đề thời sự quốc tế nóng bỏng cần được lưu ý: Cách hành xử của Lithuania
và của Ukraine đối với chính sách bành trướng của Nga.
Trường hợp Lithuania. Sau khi sáp nhập Crimea năm
ngoái, Nga đang nhắm đến các quốc gia nhỏ khác vùng Baltic. Cuối tháng 6, 2015,
Bộ Tư pháp Nga cho rằng việc ba quốc gia Baltic gồm Lithuania, Latvia và
Estonia tuyên bố độc lập khỏi Liên Bang Sô Viết có thể là không hợp pháp và đe
dọa sẽ điều tra về sự kiện này. Tổng thống Lithuania Dalia Grybauskaitė tức khắc
tuyên bố: “Nền độc lập của chúng tôi đã đạt được bằng máu và hy sinh của
nhân dân Lithuania. Không một ai có quyền đe dọa. Chỉ có chúng tôi, nhân dân
Lithuania mới có quyền quyết sinh vận mệnh của chúng tôi”.
Sở dĩ TT Dalia Grybauskaitė tuyên bố một cách cương
quyết và dứt khoát không có chuyện ngồi xuống bàn thảo luận phải trái với Nga
vì bà biết Nga chỉ dọa nhưng sẽ không bao giờ làm gì được Lithuania. Quốc gia
nhỏ bé này đã là một thành viên của Cộng đồng Châu Âu và hội viên của NATO hùng
mạnh. TT Dalia Grybauskaitė không chỉ tuyên bố cứng rắn mà còn là nước hội viên
NATO đầu tiên tình nguyện gởi vũ khí viện trợ Ukraine chống Nga và kêu gọi các
quốc gia hội viên NATO khác làm theo.
Các thế hệ lãnh đạo Lithuania nhìn xa thấy rộng. Từ
1990, các lãnh đạo Cộng Hòa Lithuania vừa được hồi sinh đã thẳng thắn từ chối đề
nghị của TT Nga Boris Yeltsin để tham gia vào Thịnh Vượng Chung của Các Quốc
Gia Độc Lập (Commonwealth of Independent States) trong vòng ảnh hưởng của Nga.
Các lãnh đạo Lithuania ngày đó, dĩ nhiên, cũng cảm thấy cay đắng nhìn lại giai
đoạn lịch sử đầy đau thương tang tóc khi quốc gia nhỏ bé này bị Anh, Mỹ bỏ rơi
sau Thế chiến Thứ hai, nhưng thay vì sống ray rức trong quá khứ, họ dứt khoát đứng
về phía Tây phương vì tương lai con cháu họ.
Trường hợp Ukraine thì khác. Các lãnh đạo Ukraine
thiếu khôn ngoan và tầm nhìn nên vào ngày 8 tháng 12, 1991 đã tự đeo cái vòng
kim cô Nga lên đầu khi cùng với Nga và Cộng Hòa Belarus sáng lập nên tổ chức Thịnh
Vượng Chung của Các Quốc Gia Độc Lập. Vết thương do vòng kim cô Nga gây ra đến
nay vẫn chưa lành.
Nước Việt Nam Cộng Sản không so sánh với Lithuania về
cả thế lẫn lực. Lãnh đạo CSVN là một đám mù lòa theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa
bóng.
Thật vậy, giữa lúc số phận của đất nước như chỉ mành
treo chuông lãnh đạo đảng thay vì tập trung ngân sách vào việc tăng cường quốc
phòng lại lo đi xây những tượng đài tôn thờ lãnh tụ mà các quốc gia cựu CS đang
khổ sở không biết làm sao đập đổ cho hết.
Giữa một đất nước còn quá lạc hậu về mọi mặt, nghèo
đói, tụt hậu kỹ thuật so với các quốc gia tiên tiến hàng thế kỷ, lãnh đạo CSVN
chỉ biết ăn, biết tham nhũng, biết sống xa hoa trên máu xương đồng bào. So sánh
cảnh trang hoàng nội thất của cựu TBT CS gốc thợ rừng Nông Đức Mạnh và cảnh
hàng ngàn học sinh khắp ba miền phải lội sông đi học mỗi ngày để thấy các lãnh
đạo CSVN quả thật đui về thị giác và mù tận đáy lương tâm.
Nhưng chỉ nguyền rủa lãnh đạo CSVN không cứu được đất
nước. Để cứu nước phải tập trung tháo gỡ cơ chế độc tài đảng trị CS ra khỏi đời
sống chính trị đất nước từ đó xây dựng một Việt Nam tự do, dân chủ và phát triển
toàn diện phù hợp với thời đại văn minh dân chủ.
Chỉ có một Việt Nam đoàn kết dưới ngọn cờ dân chủ mới
thật sự tập trung được sức mạnh tổng hợp của dân tộc, trong và ngoài nước, để bảo
vệ đất nước và làm nền tảng cho một quốc gia dân chủ thịnh vượng lâu dài. Không
những thế, dân chủ phải đến sớm, không thể đợi đến khi chiến tranh Á Châu bùng
nổ, máu đổ, thây phơi mới đến.
Một trong những lý do Cộng Hòa Lithuania sớm trở
thành hội viên NATO dù với một quân đội hiện dịch chỉ vỏn vẹn 15 ngàn người bởi
vì quốc gia này cam kết xây dựng một chế độ dân chủ toàn diện. Lithuania có dân
chủ trước Nga và các quốc gia thuộc khối Liên Xô cũ nên tránh được vòng ảnh hưởng
của Nga và các biến động gây bất ổn trong vùng. Ngày nào Việt Nam còn nằm dưới
sự cai trị của đảng CS, ngày đó đừng hy vọng gì để trở thành một Lithuania ở
Đông Nam Á.
Phải
chăng lòng yêu nước đã tới hồi mệt mỏi?
Ba phi đạo quân sự của Trung Cộng, về lâu dài, có
tác hại trầm trọng hơn nhiều so với việc Trung Cộng bắn thủng tàu đánh cá của
ngư dân Việt Nam nhưng không phải người dân nào cũng biết, cũng hiểu, cũng
lo.
Lẽ ra, đây là cơ hội cho những tiếng nói có trách
nhiệm của người Việt quan tâm đến tiền đồ đất nước gióng lên một cách công
khai, thẳng thắn và rộng rãi trước hiểm họa bành trướng của Trung Cộng. Nhưng một
điều đáng buồn, không những lãnh đạo CS im lặng mà những tiếng nói yêu nước
cũng thưa thớt dần. Đừng nói chi các cuộc xuống đường phản đối Trung Cộng mà
ngay cả những bài báo, bài bình luận trong các mạng “lề dân” thảo luận về vấn đề
sinh tử này cũng rất ít. Phải chăng lòng yêu nước đã tới hồi mệt mỏi?
Có thể. Nhưng xin đừng bỏ cuộc. Vẫn biết, con đường
tranh đấu cho một Việt Nam dân chủ và cường thịnh đã khá dài và có thể còn dài,
nhưng phải kiên nhẫn và tiếp tục đấu tranh. Một trong nhiều đặc điểm của văn
hóa Việt là tính kiên nhẫn. Một ngàn năm trong bóng tối nô lệ của các triều đại
Tàu nhưng lòng yêu nước như ngọn đèn soi rọi tâm hồn, nuôi dưỡng niềm hy vọng
phục hưng để hôm nay trên bản đồ thế giới còn một Việt Nam.
22/9/2015
No comments:
Post a Comment