Ngày đó hợp tác xã ra một chiến dịch thu gom phân bắc
(cứt người), mỗi gia đình một tháng phải đóng đủ mười cân, nếu không đóng đủ
thì bị cắt gạo. Thật là một chiến dịch có một không hai trong xã hội loài người.
Vậy nên, khi chiến dịch ra đời, cái cầu tiêu trở nên vô cùng quan trọng và cấp
thiết. Người người, nhà nhà mua xi măng mua gạch về xây cầu tiêu. Cầu tiêu phải
làm bằng xi măng thì cứt mới không bị phân huỷ, chứ ỉa xuống đất vài ngày là bọ
hung ăn hết, lấy gì mà đóng cho nhà nước. Vậy nên, cái cầu tiêu quan trọng hơn
cái nhà. Chuyện ỉa đái lúc này cũng cực kỳ quan trọng, dù ai đó có bị tào tháo
rượt ở đâu thì cũng phải nhanh nhanh ba chân bốn cẳng chạy thẳng về cầu tiêu
nhà mình mà giải quyết chứ để mất đi một cục là mất đi lon gạo chứ chẳng chơi.
Nhiều người đi làm ngoài đồng, ngày trước, khi mắc ỉa
thì chạy vô bờ, vô bụi làm đại cho xong, nhưng bây giờ, làm như vậy có mà đói
chết. Vậy nên, phải tìm cách, có người làm đại vào bao ni lông, có người cuộn
trong lá chuối, có người cẩn thận hơn đi vào trong cái càmèn đựng cơm để mang về
cho an toàn mà đổ xuống cầu.
Có nhiều chuyện dở khóc dở cười trong chiến dịch này
lắm, ai sống thời đó chắc biết. Khi chiến dịch ra đời thì cũng là lúc không biết
bao nhiêu con chó phải chết. Chó chết vì đói, cơm khoai đã không có ăn, đến cục
cứt cũng bị nhà nước giành mất thì lấy gì mà sống.
Nhà tôi có bốn người, một người lớn và ba đứa con
nít, cố gắng lắm không để thất thoát cục nào, vậy mà đến tháng vẫn không đủ cân
nộp, má tôi sai anh em chúng tôi đi tìm đá sỏi bỏ vào cho đủ. Khi mang lên cân
người ta kiểm tra và phát hiện nhà tôi gian lận nên lập biên bản và làm kiểm điểm.
Họ còn ghi rõ ràng trong biên bản gian lận như thế nào, có bao nhiêu cục cứt và
bao nhiêu cục đá sỏi. Quả đúng không sai, cái đời người nông dân u tối làm sao
mà lừa được mấy ông nhà nước, mấy ông tinh vi vô cùng. Kết quả là nhà tôi bị cấm
không cho nhận gạo một tháng.
Trong một buổi họp người ta đưa tên má tôi ra kiểm
điểm trước dân về việc gian lận lấy đá sỏi trộn với cứt để nộp cho nhà nước. Họ
không cho má tôi phân bua gì hết. Nhưng không đành lòng nhìn cảnh con đói, bà đứng
dậy thẳng thừng, dứt khoát. Bà nói: Việc tôi làm gian lận tôi chịu trách nhiệm
trước toàn thể mọi người, nhưng các người nhìn đi thì cũng phải nhìn lại, nhìn
ngược thì cũng phải nhìn xuôi, các người có nhìn vào nhà tôi không, nhà tôi có
bốn người, một người lớn và ba đứa con nít, tôi thì suốt ngày đi làm ngoài hợp
tác xã, có cục nào tôi đã ỉa ngoài hợp tác xã hết rồi, còn con tôi ở nhà, nó là
con nít nó ăn bao nhiêu, ỉa bao nhiêu, nó ỉa ra cục nào chó lủm cục đó thì lấy
đâu đủ cứt để mà nộp cho mấy ông. Vậy mà bây giờ mấy ông kiểm điểm tôi, cắt gạo
thì lấy gì tôi nuôi con, lấy gì ăn để mà ỉa mà đem cứt nộp cho mấy ông.
Nói gì thì nói, la gì thì la, nhà tôi vẫn bị cắt gạo
tháng đó. Không còn gì khốn nạn hơn thế. Nói thiệt, đến bây giờ trong hồ sơ giấy
tờ ở kho lưu trữ quốc gia thì nhà tôi vẫn còn một món nợ lớn với nhà nước mà
không thể nào trả nổi, đó là nợ cứt.
AUDIO
:
Published on Nov 7, 2013
No comments:
Post a Comment