Fri, 09/11/2015 - 18:45 —
nguyenthituhuy
Hôm qua, vì nhận được
email từ một người bạn của Đỗ Hùng nên tôi viết bài « Nhà báo và sự nô lệ
tự nguyện ». Hôm nay, vì bài báo ấy mà một người bạn của tôi trách cứ tôi
đã lảng tránh vụ việc Lê Diễn Đức và RFA.
Thực ra, tôi không có ý định
lảng tránh, nên nhân tiện bị trách cứ tôi đưa ra đây quan điểm của mình về hai
vụ việc nhìn qua tưởng như là giống nhau. Những điểm giống nhau giữa hai vụ việc
nhiều người đã nói. Những điểm khác nhau cũng đã được đề cập đến.
Ở đây tôi chỉ phân tích một
điểm khác biệt mang tính chất cơ bản giữa hai vụ này.
Trước khi phân tích tôi
phải nói rõ rằng, cũng như mọi độc giả khác, tôi không được biết gì chính thức
từ RFA, không có liên lạc với bất kỳ nhân vật nào của đài Á Châu Tự Do. Và tôi
chỉ sử dụng những thông tin do chính blogger Lê Diễn Đức truyền đạt trong bài
phỏng vấn trên BBC, một hãng truyền thông có uy tín quốc tế. Tôi không sử dụng
các thông tin trên các phương tiện cá nhân, dù là trên chính blog của ông Lê Diễn
Đức. Vì theo quan niệm của tôi, khi trả lời phỏng vấn trên các hãng thông tấn
người ta buộc phải thận trọng và có trách nhiệm với phát ngôn của mình, do đó
các phát ngôn ấy có thể tin cậy được.
Đồng thời, do không nắm
được các chi tiết của vụ việc, tôi không bình luận về việc cắt hợp đồng giữa
RFA và ông Lê Diễn Đức, và tôi cũng không hề có ý bênh vực RFA, dù rằng tôi là
một cộng tác viên của RFA.
Xin nói rõ tôi là cộng
tác viên thời vụ, không phải là nhân viên chính thức của RFA. Tôi chịu hoàn
toàn trách nhiệm về bài vở của mình. Tôi viết theo thúc đẩy của cá nhân và
không tuân theo bất kỳ một định hướng hay đòi hỏi nào của RFA, trừ các nguyên tắc
theo quy định chung về đạo đức và chuẩn mực nghề nghiệp. Tôi không hưởng bất kỳ
đãi ngộ nào của RFA ngoài nhuận bút cho từng bài viết, nếu tôi không viết bài
thì không có nhuận bút, giống như cương vị của bất kỳ cộng tác viên tự do của bất
kỳ tờ báo nào trên thế giới.
Tất cả những điều này để
nói rằng tôi hoàn toàn độc lập về quan điểm và về vị thế đối với RFA. Đồng thời
cũng là cơ hội để nói với các anh chị an ninh Việt Nam rằng các anh chị yên tâm
vì tôi chẳng nhận tiền của thế lực nào cả. Nhuận bút là thù lao cho lao động của
tôi. Nếu tôi chọn cộng tác với bất kỳ tờ báo nào thì tờ báo ấy cũng phải trả
thù lao cho lao động của tôi, đấy là nguyên tắc tối thiểu về lao động. Hoàn
toàn giống như việc các báo ở Việt Nam trả nhuận bút cho tôi khi tôi gửi bài
cho họ. Vậy thôi.
Tôi viết bài này trong mục
đích trả lời sự trách cứ của một người bạn mà tôi quý mến. Do vậy, một cách
khách quan, tôi cho rằng nếu RFA giải quyết không thỏa đáng với ông Lê Diễn Đức,
ông ấy có thể sử dụng quyền lao động để đòi RFA xem xét lại và quyết định lại
trường hợp của mình, nếu vẫn không cảm thấy thỏa đáng ông có thể nhờ pháp luật
của nước Mỹ giải quyết. RFA và ông Lê Diễn Đức, mỗi bên phải chịu trách nhiệm về
hành động của mình, và mỗi bên phải tự bảo vệ quyền lợi của mình. Tôi không
bình luận khi chưa có đủ thông tin cần thiết. Tôi cũng không biết hợp đồng của
ông Đức với RFA thuộc dạng nào để có thể bình luận.
Theo tôi, điểm
khác biệt căn bản giữa vụ việc Đỗ Hùng và Lê Diễn Đức cho thấy Lê Diễn Đức làm
việc trong một xã hội dân chủ và Đỗ Hùng làm việc trong một chế độ độc tài. Điểm khác biệt đó là : Báo Thanh niên chịu
áp lực từ trên xuống, áp lực của lãnh đạo. RFA chịu áp lực từ dưới lên của người
dân, áp lực của độc giả.
Đến đây phải đi vòng một
chút để giải thích rõ hơn. Trong các xã hội dân chủ, quyền lực thuộc về nhân
dân. Trong các xã hội « của dân, do dân, vì dân » thực sự, người dân
có quyền quyết định các vấn đề liên quan đến đời sống xã hội. Và luật pháp quy
định các quyền về việc người dân ủy quyền cho Quốc Hội và Chính phủ giải quyết
các vấn đề chung. Nhưng đồng thời luật pháp cũng quy định các quyền cho phép người
dân, trong những trường hợp cần thiết, bày tỏ sự phản đối các quyết định của Quốc
hội và Chính phủ, nếu họ thấy các quyết định ấy đi ngược lại với lợi ích của họ.
Vì thế, khi người dân gây
áp lực lên chính phủ, và áp lực ấy đủ mạnh thì chính phủ phải nhượng bộ. Tương
tự, ở các cấp độ thấp hơn, khi người lao động gây áp lực lên giới chủ hay lên bộ
máy điều hành, và khi áp lực này đủ lớn thì giới chủ hoặc những người quản lý
phải nhượng bộ.
Ở đây tôi đưa ra hai ví dụ
(trong vô vàn ví dụ) :
Ngày 31 tháng 3 năm 2006,
Nghị viện Pháp thông qua đạo luật về Hợp đồng tuyển dụng đầu tiên [Contrat
première embauche –CPE]. Đạo luật này gây ra những phản ứng dữ dội, công đoàn,
sinh viên, học sinh trung học tổ chức những cuộc biểu tình kéo dài (cá nhân tôi
đã chứng kiến và từng tham gia vào thời điểm đó). Kết quả là ngày 10 tháng 4
năm đó, chính phủ đã phải tuyên bố hủy bỏ đạo luật về CPE, sau hai tháng thông
qua và sau mười ngày ban hành.
Mới gần đây, bức ảnh của
cậu bé Alan Kurdi đã làm thức tỉnh lương tri của người dân châu Âu, áp lực của
báo chí và các cuộc biểu tình của người dân đã khiến các chính phủ châu Âu phải
họp nhau lại để giải quyết vấn đề di dân, vốn đã là một hiện tượng nhức nhối từ
lâu.
Chúng ta thấy rằng, những
người dân hay các hiệp hội tư nhân không thể có giải pháp cho hiện tượng di
dân, với một số lượng lớn như vậy chỉ có các chính phủ mới có thể giải
quyết được. Áp lực của dư luận xã hội cuối cùng đã khiến cho châu Âu phải nhận
trách nhiệm.
Trong các xã hội độc tài, và nhất là các xã hội
toàn trị, kể cả khi các khẩu hiệu « của dân, vì dân, do dân » chăng đầy
đường phố, thì người dân, trên thực tế, chẳng có quyền gì. Mọi thứ đều bị áp từ trên xuống, và luật pháp
cũng trở nên vô nghĩa. Áp lực của người dân chẳng có bất kỳ tác động nào đối với
chính quyền.
Có thể lấy một ví dụ, giờ
đây đã trở nên quá nổi tiếng : Hiến pháp 2013. Bất chấp phản đối của một số
lượng đông đảo trí thức và nhân dân đòi hủy bỏ điều 4 và một số điều khác,
chính quyền vẫn giữ nguyên quyết định, đồng thời Quốc hội cương quyết không
thông qua quyền trưng cầu dân ý, quyền lập hội, lập báo chí tư nhân… dù tất cả
đều đã có quy định trong Hiến pháp.
Một ví dụ gần đây nhất :
Công trình tượng đài Hồ Chí Minh 1400 tỷ do đích thân phó Thủ tướng ký duyệt,
ngay khi đưa ra đã gặp phải cơn bão tố phản ứng của dư luận. Đến mức một người
vốn rất bình tĩnh và thận trọng trong phát ngôn như ông Ngô Bảo Châu cũng phải
thốt lên : « hoặc là khốn
nạn, hoặc là thần kinh ». Những người có lý trí bình thường đều đồng
tình với ông Châu, vì người ta không thể hiểu được tại sao lại chi một khoản tiền
khổng lồ như thế cho một việc vô bổ như thế, trong khi « trẻ con ăn không
đủ no, áo không đủ ấm, sinh hoạt như lũ thú hoang », như ông Châu nói. Dĩ
nhiên, đối với những đầu óc bình thường thì quả là thần kinh khi ký một cái quyết
định như thế trong điều kiện một đất nước nợ nần chồng chất, dân đói nghèo, ngoại
bang đe dọa không có phương tiện chống trả.
Tuy nhiên, cơn bão phẫn nộ
của người dân không mảy may tác động đến chính phủ Việt Nam. Mấy ngày
sau, công
trình 1400000000 được thông qua trong sự khốn cùng của dân chúng.
Điều cần phải so sánh ở
đây là : bức ảnh chụp cậu bé Alan Kurdi làm lay động trái tim của các
chính khách Châu Âu và quyết định của họ làm thay đổi số phận của những người
di cư. Trong vụ tượng đài, rất nhiều bức ảnh thương tâm về trẻ em Việt Nam
trong cảnh nghèo đói được lan truyền trên mạng, nhưng những người làm chính trị
ở Việt Nam không mảy may động lòng. Sống chết mặc bay, thái độ của chính phủ đối
với nhân dân của mình là như thế đấy. Có so sánh như vậy mới thấy được chính phủ
này độc ác và tàn nhẫn đến mức nào.
Hình ảnh cậu bé nằm trên bãi biển này đã khiến trái
tim của các chính trị gia Châu Âu rung động và làm thay đổi số phận của những
người di cư.
Hình ảnh hai em bé ngủ trên nền đất lạnh này không gợi
lên chút thương cảm nào trong lòng những người làm chính trị ở Việt Nam, trái lại
còn khiến họ sắt đá hơn. Bao giờ các em mới có một chỗ ngủ của con người ?
Đi vòng vèo mãi bây giờ mới
đến đích : RFA thôi hợp đồng với Lê Diễn Đức, theo đúng như lời ông
Đức cho biết trên BCC, là do "bị áp lực dư luận rất nặng nề". RFA
không bị áp lực từ chính phủ Mỹ hay từ Bộ Văn hóa Mỹ hay từ bất kỳ Bộ nào, cấp
nào từ bên trên.
Ông Đỗ Văn Hùng bị báo
Thanh niên thu hồi thẻ nhà báo theo quyết định của Thứ trưởng Bộ Thông
tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn. Một bên là do áp lực của người dân từ dưới
lên. Một bên là do quyết định của lãnh đạo đưa thẳng từ trên xuống.
Ông Lê Diễn Đức có thể
lên BBC phát biểu, có thể cộng tác với bất kỳ tờ báo nào ông muốn và nếu họ
cũng muốn cộng tác với ông, ông có thể lập ra một tờ báo của riêng ông, thậm
chí ông có thể nhờ pháp luật can thiệp nếu cần.
Ông Đỗ Văn Hùng im lặng.
Điều này có thể hiểu được, bởi chẳng có luật pháp nào bảo vệ ông. Ông chỉ có thể
lên tiếng khi có một số lượng lớn các đồng nghiệp ủng hộ ông. Nhưng ông không
có sự ủng hộ, ông chỉ nhận được sự lên án hoặc kết tội, một cái tội mà ông
không có. Ông có thể sẽ bị mất thẻ nhà báo và suốt đời không được hành nghề một
cách chính thức. Nếu muốn tiếp tục hành nghề, ông phải ngoan ngoãn « nhận
lỗi », cái lỗi mà ông không có. Còn đâu phẩm giá, còn đâu tự do cho
ông Hùng ?
Đây là một diễn giải mang
tính chất cá nhân, một quan điểm cá nhân mà tôi cảm thấy cần phải trình bày, lần
này là do « áp lực từ dưới lên » của một người bạn thân thiết.
Paris, 11/9/2015
Nguyễn Thị Từ Huy
----------------------------------
Wed, 09/09/2015 - 11:59 —
nguyenthituhuy
No comments:
Post a Comment