Nguyễn Ân
- Viet Nam Thoi Bao
(VNTB) Luật về Hội – cơ sở xây dựng nền tảng
xã hội dân sự vững mạnh tại Việt Nam đã đi đâu và về đâu sau khi kết thúc thời
hạn góp ý vào ngày 9/8 vừa qua?
Dự thảo Luật về Hội cần được sự quan tâm lâu dài và ổn
định. Ảnh: bìa sách Hội & Tự do hiệp hội (Nxb Hồng Đức)
Dự thảo Luật về Hội dự kiến
sẽ được thảo luận trong kỳ họp thứ 10, Khóa XIII – tức là ngày 20/10/2015 và nếu
không có gì thay đổi sẽ thông qua tại kỳ họp thứ 2, khóa XIV.
Luật về Hội đã đi đến đâu
Bài viết không đề cập đến
sự quan tâm theo dạng lấy ý kiến dự thảo luật ở các cơ quan nhà nước, do đa phần,
các ý kiến này đều rập khuôn theo một mẫu chung nhất dưới lớp màn, “chủ trương
lớn của Đảng và nhà nước”. Mà đề cập đến hình thức lấy ý kiến online trên các
chuyên trang liên quan và sự đóng góp của giới dân sự xã hội, nhất là ở các hội
đoàn dân sự độc lập.
Đầu tiên là tìm hiểu sự
thu hút của dự luật về Hội này đến người dân ra sao, thông qua trang đăng tải của
Bộ Nội Vụ và trang Dự thảo Online (thuộc quyền sở hữu của Quốc Hội). Trong khi
Bộ Nội Vụ đăng tải khá nhiều ý kiến đóng góp, thì ngược lại trang Dự thảo lại
không có bất kỳ một ý kiến đóng góp nào cả, số lượt xem của Luật về Hội tính đến
thời điểm này chỉ có 442 lượt xem, quá ít so với vai trò của nó trong xã hội,
và càng nhỏ bé hơn khi đứng bên Bộ luật Hình sự (sửa đổi)với 30811 lượt xem.
Như vậy, hoặc là các
trang lấy ý kiến dự thảo online không chịu khó PR – nhằm đưa các sự biến đổi và
hình thành của Luật đến tận đời sống nhân dân, nên dẫn đến người dân không hề
nhận thấy sự hiện diện của các trang này; hoặc là người dân quá thờ ơ đối với vấn
đề đóng góp dự thảo về luật (luật mới, hoặc sửa đổi).
Điều thứ hai, mà bài viết
muốn hướng đến là các hội đoàn xã hội dân sự nói chung và hội đoàn dân sự độc lập
nói riêng. Cho đến thời điểm này, điều mà người viết mong muốn là một sự kiến
nghị mạnh mẽ và tổng hợp thu hút các cá nhân và tổ chức liên quan đến Luật về Hội
vẫn chưa có, các thông tin trao đổi về dự luật này cũng khá hiếm hoi, không hề
có một cuộc hội thảo hay tọa đàm nào, dù quy mô nhỏ được tổ chức để đóng góp ý
kiến, bàn luận… ở cả phía các tổ chức dân sự được nhà nước công nhận, đến các tổ
chức dân sự "bên ngoài" khác. Một "Tuyên bố" về dự luật về
Hội của các hội đoàn dân sự độc lập nổi lên rồi chìm lặng lẽ như chính cái cách
Luật về Hội gây xôn xao khi nó xuất hiện trên báo chí nhà nước và giờ là tình
trạng lặng lẽ chìm. Tình trạng này khác xa với thời điểm trước đó, khi các tổ
chức dân sự "xông xáo" góp ý sửa đổi Hiến pháp 2013 hay Điều 258...
Do đó, khi Luật biểu tình
bị Quốc Hội Việt Nam "hoãn" khiến nhiều người thất vọng, thì Luật về
Hội dù được đệ trình như dự kiến, nhưng lại thiếu một sự quan tâm nhất định kéo
dài từ các cá nhân - tổ chức liên quan lại là điều đáng thất vọng hơn. Bởi nếu
không có sự đóng góp liên tục dưới các hình thức khác nhau thì dự Luật về Hội sẽ
rất dễ rơi vào tình trạng "không có gì thay đổi" so với bản do Bộ Nội
Vụ soạn thảo khi được Quốc Hội thông qua.
Và sẽ đi về đâu
Một dự luật bất kỳ được
đưa ra, bàn thảo, thông qua không theo một đường thẳng nhất định, trừ phi nó được
"bảo hộ" bởi quyền lực nhà nước. Nhưng vì Việt Nam không phải là một
Bắc Triều Tiên, nên tiếng nói của báo chí và các tổ chức dân sự, chính giới bắt
đầu có những tác động đáng kể tạo nên sự "sôi nổi, căng thẳng, nóng"
trong chu trình đưa dự luật vào đời sống thực tế, chứ không còn nằm trong quy
trình "Đảng phán quyết, Quốc Hội gật đầu, Nhân dân hứng chịu" nữa.
Không đâu xa, khi dự luật
Hình sự sửa đổi được bàn thảo, thì ngay cái vấn đề có tử hình tham ô, hay cho sử
dụng tiền đổi lấy mạng sống, nhằm khắc phục hệ quả kinh tế gây ra cũng đã làm
hao tốn biết bao nhiêu giấy mực, thu hút sự chú ý của công luận, và nó chính là
điều kiện cơ sở để đảm bảo dự luật này khi được thảo luận và thông qua, sẽ đảm
bảo tiệm cận nhất sự minh bạch và công bằng.
Tuy nhiên, với dự luật về
Hội, thì nó đã không được vậy, ngoài Tuyên bố của một số hội đoàn dân sự độc lập,
các bài viết trên trang Việt Nam Thời Báo ra, vẫn chưa có thêm bất kỳ một hoạt
động "bàn thảo" nào khác trong vòng 1 tháng trở lại đây (kể từ khi dự
thảo này đóng lại thời hạn góp ý kiến), nhằm tọa một "áp lực" đáng kể
để tránh việc dự thảo Luật được bản thảo một cách sơ sài và thông qua một cách
dễ dàng, với những điều bất lợi cho sự hình thành xã hội dân sự bền vững trong
tương lai.
Tôi rất mừng khi đọc
tuyên bố trước đó của các hội đoàn dân sự độc lập, khi văn bản đó nhấn mạnh
"Chúng tôi đưa quyết tâm không để mình bị loại ra khỏi tiến trình đóng góp
ý kiến cho bản Dự thảo Luật về Hội."
Nhưng giá như các tổ chức
này "theo đuổi" một cách lâu dài, để cho thấy một quyết tâm đến cùng
trong tập hợp ý kiến đóng góp liên quan đến dự thảo luật thì tốt biết bao
nhiêu. Bởi "giám sát" một dự luật liên quan trực tiếp đến vai trò và
vị trí của các tổ chức dân sự không đơn thuần chỉ là một Tuyên bố, mà nó phải
đi đến một sự đa dạng trong hình thức tổ chức góp ý kiến cũng như một sự quan
tâm kéo dài để nhận biết được "Luật về Hội" sẽ đi được đến đâu và về
đâu (kết quả góp ý, kết quả thông qua).
Ngược lại, thì rõ ràng
câu hỏi "Luật về Hội sẽ đi về đâu" trở thành một câu hỏi khó khăn, bởi
những tổ chức - cá nhân liên quan đã chưa chuẩn bị đầy đủ, và sẵn sàng để
"giám sát" lâu dài, có tổ chức đối với dự thảo luật này, từ khi
đưa lên cho ý kiến đến khi được bàn thảo và kể cả thông qua trong tương
lai.
No comments:
Post a Comment