Phạm
Thị Hoài - Báo Trẻ Online
SEPTEMBER 10, 2015 10:03 CT
Một phụ nữ trong bộ áo dài màu vàng và đỏ cầm một vật
dụng hình cây đuốc có tua rua vàng đến châm vào ngọn lửa không khói đặt tại
gian đền thờ Hồ Chí Minh trong Bảo tàng Hồ Chí Minh, nơi hai gam chủ đạo vàng
và đỏ cũng tràn ngập như ở mọi không gian quyền lực khác của cách mạng Việt
Nam.
Một vận động viên nam mặc áo thể thao đỏ ba sọc trắng
và quần thể thao trắng ba sọc đỏ nhưng không có logo của Adidas nhận ngọn lửa
truyền thống từ tay chị trước bức tượng Hồ Chí Minh đang vẫy tay chào đúng kiểu
kinh điển của tất cả các lãnh tụ cộng sản (trừ Tito).
TT Nguyễn Tấn Dũng
trên lễ đài.
Ông Hồ, sau lưng có mặt trời và đám mây mọc trên một
cây đa, trông như một món đồ lưu niệm quá cỡ.
Mọi thứ đều đẫm sắc thái phông màn và đạo cụ, sơn thếp
và rẻ tiền. Chiếc đài lửa ở Quảng trường Ba Đình cũng đượm mầu hàng mã. Lễ đài
thắt rất nhiều nơ đỏ. Hoa hồng môn cũng đỏ trên những mâm hoa muôn thuở. Chỉ
thiếu trước mặt mỗi vị khách một chai nước La Vie, đều như phân phối theo đầu
người, là đầy đủ một sự kiện long trọng kiểu Việt Nam. Những người cộng sản,
khét tiếng bởi phong cách khổ hạnh và nghiêm trang nguyên thủy, đã say đắm thẩm
mỹ vàng son từ lúc nào và vui vẻ pha trộn cả các thủ pháp sân khấu cải lương lẫn
ngôn ngữ của thể thao đại chúng và Disneyland vào những biểu tượng quyền lực của
mình. Chào mừng bạn đến với tiệc
sinh nhật 70 năm, tuổi nay không hiếm, của chủ nghĩa cộng sản ở Việt
Nam!
Màn kính thưa và trân trọng giới thiệu cố hữu, vốn
dĩ đã tra tấn, từ lúc nào định hình quái gở như hiện tại, đó xứng đáng là câu hỏi
số 15 của chương trình "Ai là triệu phú". Đầu tiên là các vị Tổng Bí
thư và nguyên Tổng Bí thư, rồi Chủ tịch nước và nguyên Chủ tịch nước, Thủ tướng
và nguyên Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội và nguyên Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Mặt
trận Tổ quốc và nguyên Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc..., cứ thế từ cao nhất và
nguyên cao nhất đến thấp nhất và nguyên thấp nhất trên lễ đài, lần lượt từng
người được gọi đúng tên, chức vụ và nguyên chức vụ đứng dậy như trong giờ điểm
danh. Riêng thao tác này đã phiền hà, vì trước hết họ phải trèo từ những chiếc
ghế hay bệ ngồi xuống chỗ đứng thấp hơn một chút bên dưới, trông rất lích kích,
trừ ông Lê Đức Anh được đặc cách, một cảnh binh khuất phía sau thò tay giữ để
ông không đổ trong cả tư thế ngồi. Rồi từng người một, giống hệt nhau, họ rập
khuôn một động tác khó tả, mới thịnh hành từ chưa đầy một thập niên đổ lại: Họ
bặp hai bàn tay vào nhau. Không ra chắp. Không ra chụm. Không ra lồng. Không ra
nắm. Không ra bắt. Không ra kiểu nhà Phật. Không ra kiểu nhà võ. Không ra hiện
đại. Không ra truyền thống. Không ra chào. Không ra vái. Không ra lạy. Không ra
cầu nguyện. Không ra trịnh trọng. Không ra xuề xòa. Một cái vỗ tay ngưng giữa
chừng? Một cái bắt tay tượng trưng? Một biến thái của biểu tượng chiến thắng,
như thỉnh thoảng có thể bắt gặp ở các chính khách phương Tây sau những chiến dịch
tranh cử? Tôi đã tìm mãi mà không thấy kiểu bặp tay chào này nằm ở quy định nào
trong nghi lễ của các nước cộng sản. Cũng như không ở đâu có quy định khiến họ
phải nhuộm tóc đen nhánh và rẽ ngôi cùng một phía. Khiến họ mặc áo cộc tay trắng
giắt trong quần mầu ghi, túi áo gài bút bi. Song muốn thế nào, khi giới lãnh đạo
tối thượng đồng loạt bặp tay như vậy, trước quốc dân và quốc tế, thì ngôn ngữ
giao tiếp mới mẻ này của các nhà cộng sản Việt Nam nên được nghiên cứu và phân
tích. Họ bặp tay, giơ lên ngang mặt, đầu gật gật rung rung, mắt nhìn lung tung,
một hình ảnh khá lạ lùng. Ngoài ông Lê Khả Phiêu giơ tay chào nửa kiểu nhà
binh, nửa kiểu cháu ngoan Bác Hồ và ông Nguyễn Văn An đàng hoàng vỗ tay hoan hô
mình, ngoại lệ thực sự là ông Nguyễn Tấn Dũng, người duy nhất giơ tay vẫy theo
phong cách lãnh tụ như đã nói ở trên và thần thái toát lên một vẻ oai vệ nhất định
giữa các vĩ nhân tỉnh lẻ, trông như những hình nhân tồn kho từ thế kỷ trước.
Nguyên Chủ tịch Lê
Đức Anh trên lễ đài. Nguyên TBT Nông Đức Mạnh trên lễ đài. ẢNH CHỤP TỪ CHƯƠNG
TRÌNH TRUYỀN
HÌNH TRỰC TIẾP CỦA VTV1
Thời gian quả là đóng băng từ thế kỷ trước. Từ Thức
ngày nay có đi đâu trở về sẽ thấy chốn xưa nhiều thay đổi, nhưng cứ vào sự kiện
lớn là tất cả đều nguyên nếp cũ, như bước ra từ bảo tàng. Vẫn là một bài diễn
văn chán ngấy như để giết mọi cảm giác, dài dằng dặc như để rèn lòng kiên nhẫn
không phải chỉ của nhân dân. Vẫn là kiểu cắm đầu vào giấy đọc chầm chậm, cốt
tròn vành rõ chữ, không một mảy may cảm xúc: trong 22 phút 22 giây, ông Chủ tịch
Trương Tấn Sang chỉ nhấc gương mặt bẩm sinh đã khá lạnh lẽo của mình lên khỏi mặt
giấy dăm bảy lần khi hết một đoạn lớn, chấm xuống hàng. Trên lễ đài, một vị tướng
ngủ gật. Bên dưới, các chàng cảnh binh mỗi người một vẻ, kẻ trừng mắt, người
lim dim, mũ đội không nghiêm, đai cài trễ nải. Ở khu vực các khối xếp hình, vài
ba người bỗng nhiên loanh quanh đi lại, như bao giờ cũng thế, bao giờ cũng có
những nhân vật hành tung bí ẩn đi lại loanh quanh. Ở khu vực đại biểu các tầng
lớp nhân dân, lố nhố kẻ đứng lên, người ngồi xuống.
Cảnh binh trên Quảng
trường Ba Đình
Vẫn là kịch bản vung tay đi đều bước, như trong mọi
giờ thể dục mà thế hệ tôi học ở trường, như quan niệm đã tuyệt đối lỗi thời về
sức mạnh của kỷ luật quân sự kiểu hàng lối tề chỉnh. Vẫn là gu văn công, môi đỏ
má hồng, militarism hồn nhiên sánh vai sexism đại chúng. Vẫn là tinh thần văn
nghệ phố huyện, lập lòe sặc sỡ, chỉ thiếu hát karaoke và nhảy cực xung là thành
đám cưới tân thời. Vẫn là những biên đạo đại trà áo dài nón rồng hoa sen tre nứa,
lần này xuất hiện thêm những người Việt cổ đóng khố, đầu cắm lông, trông không
khác người da đỏ trong phim Hollywood và những con gà lông xanh, lông hồng,
lông vàng, như hàng đặt thẳng từ Disneyland. Vẫn là những chiếc xe mô hình
không thể Kitsch hơn; xe của khối Trí thức Việt Nam trương biểu tượng nguyên tử,
trong khi khối nông dân hoan hỉ rước Hồ Chí Minh và rồng. Cuối cùng, rồng và Hồ
Chí Minh cũng kết thúc lễ hội hóa trang thời thượng mà nhầm thời đại này.
Khối nông dân Việt
Nam
Khối trí thức Việt
Nam
Cảnh kết thúc
Ngày hôm sau, tờ
New York Times chạy bản tin ngắn nhan đề "Vietnam's
Alternative Parade, Celebrating Independence". Chữ
"alternative" ở đó thật hiểm. Một cuộc diễu binh khác, so với cuộc
xưng hùng cực đại, oai phong, tối tân, hoàn hảo đến từng đường gân thớ thịt ở
Trung Quốc. Xem họ,
tôi bỗng thấy mừng. Mừng cho tất cả những luộm thuộm của cuộc phô trương lấy lệ
của một quốc gia nhược tiểu. Mừng cho những chàng cảnh binh tranh thủ chợp mắt
khi Chủ tịch đọc diễn văn. Mừng cho những cái chân giơ lên không đều. Mừng cho
những chiếc ghế nhựa gãy thanh chắn. Mừng cho những cái mũ đội chệch, những chiếc
đai không cài hết nấc. Và mừng nhất, nếu đó là cuộc diễu binh cuối cùng trên mảnh
đất này.
Lễ diễu binh Trung
Quốc: Không được chệch một ly. ẢNH TRUYỀN HÌNH TRUNG QUỐC
Lễ diễu binh Trung
Quốc: Người hay robot? ẢNH: KEVIN FRAYER/GETTY IMAGES
Lễ diễu binh Việt
Nam: Giải lao một chút trên chiếc ghế nhựa xanh đã gãy một thanh chắn. ẢNH
REUTERS
Lễ diễu binh Việt
Nam: Không nhất thiết phải đi đều lắm. ẢNH: INFONET
Lễ diễu binh Việt Nam: Không nhất thiết phải chỉnh tề
giơ gậy. ẢNH: REUTERS
Nhưng bạn đừng đòi tôi xoay ra có cảm tình với cái lễ
đài thắt nơ đỏ. Việc đó vượt quá sức người.
PTH
7/9/2015
No comments:
Post a Comment