Nguyễn Xuân Nghĩa
Monday, September 14,
2015 3:06:40 PM
Những vận động chìm nổi quanh thượng đỉnh Mỹ-Hoa
năm nay
*
Trừ giới chuyên gia kinh tế còn đắn đo về việc Ngân
Hàng Trung Ương Hoa Kỳ sẽ nâng lãi suất ngắn hạn khỏi số không vào ngày 17
tháng này hay cuối tháng tới hoặc qua tháng 12, người Mỹ nói chung có lẽ để ý
hơn đến chuyến thăm viếng Hoa Kỳ của Chủ Tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Sở dĩ như
vậy vì trong lễ kỷ niệm 70 năm “Chiến thắng Phát Xít Nhật” vào mùng ba vừa qua,
Bắc Kinh tổ chức một cuộc duyệt binh huy hoàng với thông điệp gửi thẳng cho Hoa
Kỳ:
Á Châu đã có chủ, Mỹ đi
chỗ khác chơi!
Những ai quan tâm đến quan hệ giữa hai nền kinh tế nhất nhì thế giới thì tự hỏi rằng Chính Quyền Barack Obama có dám vỗ mặt Bắc Kinh mà ban hành quyết định trừng phạt một số doanh nghiệp hay cơ quan Trung Quốc về tội xâm nhập và đánh cắp bí mật trên không gian điện não của Mỹ hay chăng? Dù nhiều dân biểu nghị sĩ thuộc cả hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa tại Quốc Hội đã gây áp lực như vậy với Hành Pháp, điều ấy vẫn khó xảy ra.
Thứ nhất, một số báo chí
Mỹ đã nhanh nhẩu nói hộ Bắc Kinh, rằng nếu Hoa Kỳ mà có ác tâm như vậy thì Chủ
Tịch Tập Cận Bình có thể hủy chuyến thăm viếng. Eo ơi! Đại Sứ Bắc Kinh là Thôi
Thiên Khải còn phát biểu thêm rằng quyết định ấy “không có tính cách xây dựng.”
Với nhiều người Mỹ thì xây vẫn hơn xóa và quan hệ căng thẳng với Trung Quốc mới
là mối nguy!
Quả nhiên là nước Mỹ gây ấn
tượng lụn bại với thế giới bên ngoài nên càng khiến Bắc Kinh dễ lộng hành.
Huống hồ Bắc Kinh còn
khéo vận dụng tay trong để trước khi đặt chân tới Thủ đô Hoa Kỳ như thượng
khách, rồi đến New York đọc diễn văn tại Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc vào ngày
28, thì Tập Cận Bình đã có một diễn đàn thân quen để tranh thủ hậu thuẫn của một
thành phần cốt cán trong doanh trường Hoa Kỳ. Đó là “Diễn đàn Mỹ-Hoa về Kỹ Nghệ
Internet” (US-China Internet Industry Forum - UCIIF).
Được tổ chức lần đầu vào
năm 2007 tại Seattle, diễn đàn kín đáo này là nơi các doanh nghiệp cao kỹ Hoa Kỳ
như Apple, Microsoft, Cisco và các mũi nhọn vùng Silicon Valley tiếp xúc với Hiệp
Hội Internet của Trung Quốc và giới chức Bắc Kinh để thắt chặt mối hợp tác
trong một lãnh vực chiến lược cho Trung Quốc. Năm nay, diễn đàn UCIIF lại tái
nhóm tại Seattle để hôm 23 tháng này, họ Tập có dịp rỉ tai lãnh đạo các doanh
nghiệp Mỹ là nên tăng cường tinh thần hợp tác hơn đối nghịch!
Nhiều doanh nghiệp cao kỹ,
áp dụng kỹ thuật “hai tếch,” đã bị đặt trước bài toán nan giải. Muốn làm ăn tại
Trung Quốc thì phải chấp nhận nguyên tắc “chuyển giao công nghệ,” tức là “chia
sẻ” kiến năng kỹ thuật với cơ sở liên doanh tại Hoa lục và đồng thời phải vận động
chính quyền ở nhà đừng làm khó Trung Quốc - để chính họ khỏi bị Bắc Kinh làm
khó. Đấy cũng là một nguyên nhân khiến Tập Cận Bình gặp dàn trung phong vệ của
mình tại Seattle là các doanh nghiệp Mỹ trước khi đến thủ đô Hoa Kỳ gặp lãnh đạo
Mỹ.
Thật ra, Tập Cận Bình có
thể yên tâm.
Tháng 5 năm ngoái, sau
bài diễn văn tại trường Võ Bị Quốc Gia West Point có trọng tâm trình bày đối
sách ngoại giao của Hoa Kỳ là sẽ hợp tác với các nước để cùng giải quyết “thiên
hạ sự” theo kiểu đánh bùn sang ao, thì vào ngày 29, Tổng Thống Barack Obama có
cuộc phỏng vấn dài với đài phát thanh National Public Radio về cùng đề tài. Hiển
nhiên Bắc Kinh chú ý đến câu trả lời của Tổng Thống Mỹ về Trung Quốc, khi Obama
được hỏi về an ninh Đông Á. Đó là “quyền lợi chiến lược của nước Mỹ có thể bị
đe dọa nếu Trung Quốc tan ra từng mảng” và rằng “đấy là điều Hoa Kỳ không muốn.”
Đấy là điều Hoa Kỳ không
muốn!
Với cách suy luận của
mình, Tập Cận Bình tin rằng xứ nào mà sợ rủi ro thì sẽ thua trong cuộc đấu trí,
và Hoa Kỳ lại sợ rủi ro hơn Trung Quốc cho nên ta càng lấn là nó càng lùi!
Có thể lắm, Hoa Kỳ của
Obama không muốn lãnh thêm một vụ khủng hoảng tại Đông Á khi chưa kịp tháo chạy
khỏi Trung Đông. Nhưng tổng thống Mỹ dựa trên sự kiện gì để nói về nguy cơ tan
rã của Trung Quốc khi thế giới đang e ngại sức mạnh quân sự của nền kinh tế hạng
nhì thế giới?
Người ta không quên rằng
năm 2013, tại phiên họp cấp cao lần thứ năm giữa hai quốc gia, gọi là “Diễn đàn
đối thoại về An Ninh Chiến Lược và Kinh Tế,” lần đầu tiên mà tổng trưởng ngân
khố Mỹ lại khuyến cáo Trung Quốc ngay tại thủ đô Hoa Kỳ, rằng kinh tế Mỹ đã chấn
chỉnh nền móng và có 40 tháng tăng trưởng, còn Trung Quốc phải tiến hành chuyển
hướng để duy trì tăng trưởng bền vững hơn trong tương lai, qua nhiều cải thiện
căn bản về cấu trúc và chính sách.
Từ một giác độ khác, giới
quan sát kinh tế nói đến nhu cầu tái cân bằng lại chiến lược phát triển Trung
Quốc khi một thế hệ mới lên lãnh đạo xứ này từ Đại Hội Đảng khóa 18 vào cuối
tháng 11 năm 2012. Một năm sau đại hội, cấp lãnh đạo mới là Tập Cận Bình đề ra
hướng cải cách qua nghị quyết ba của Hội Nghị Ban Chấp Hành Trung Ương khóa 18
vào cuối tháng 11 năm 2013, và Thủ Tướng Lý Khắc Cường qua bản báo cáo tại khóa
họp Quốc Hội vào đầu năm 2014.
Nhưng từ đó đến nay, thế
giới vẫn phân vân vì Bắc Kinh chưa chuyển hướng như đề ra. Ngược lại, họ tiếp tục
nhiều biện pháp kích thích kinh tế để duy trì đà tăng trưởng theo thói cũ và vì
vậy kinh tế xứ này khó thoát một vụ khủng hoảng, mà theo nhiều nhà quan sát
kinh tế, sẽ nghiêm trọng gấp bội so với vụ khủng hoảng tài chính tại Hoa Kỳ vào
năm 2008.
Sau đó, từ tháng 6 vừa
qua, Bắc Kinh thi thố tài điều tiết thị trường: cổ phiếu tuột giá, đồng bạc phá
giá và công quỹ phải vét dự trữ ngoại tệ lẫn ngân sách các tỉnh để cấp cứu mà
không xong. Cho nên dù có được Barack Obama nhượng bộ hoặc còn được nhiều doanh
nghiệp Mỹ kín đáo giúp đỡ, Tập Cận Bình không thể giải quyết nổi những thách đố
xuất phát từ bên trong chế độ.
Đấy mới là bối cảnh u ám
của thượng đỉnh Mỹ-Hoa năm nay.
Nhưng mà nhìn từ bên
ngoài thì Hoa Kỳ không chỉ có người vái tứ phương là Barack Obama.
Bên trong hành pháp, các
cơ chế chuyên môn về an ninh hay kinh tế đều có nhiệm vụ vừa thi hành chánh
sách của thượng cấp vừa theo dõi, cập nhật vừa lượng định tình hình với giải
pháp khác. Rồi... để đó. Khi chính sách thay đổi với lãnh đạo mới được đưa lên
sau một cuộc bầu cử thì nước Mỹ vẫn có nhiều chọn lựa.
Bên ngoài hành pháp, giới
dân cử của lập pháp và các thành phần kinh tế và xã hội khác cũng có quyền tự
do suy luận, và làm khác. Họ thường xuyên giám sát hành động của chính quyền để
khuyến cáo hay đề nghị đối sách với Trung Quốc. Và trong khi Obama chỉ còn một
mùa, bài toán của Tập Cận Bình là những thách đố đa niên!
Nền dân chủ khiến cho mọi
thành phần đều có cẩm nang xử trí, chứ một chế độ độc tài thì trút hết quyền
hành và hiểu biết cho một thiểu số ở trên. Thiếu số ấy có nhiều quyền mà ít giải
pháp!
Chuyện chỉ có ở nước Mỹ
Ty cảnh sát hạt Arvana của
tiểu bang Ohio vừa đưa tấm hình trên FaceBook làm chúng ta suy nghĩ: Một phụ nữ
vào trụ Sở Cảnh Sát để ôm hôn một viên chức công quyền với lời cám ơn, rồi về.
Hôm Thứ Hai tuần trước, một bà vào ty cảnh sát để chỉ để xin ôm hôn một cảnh
sát viên. Bà có cử chỉ đó nhằm cảm tạ các viên chức bảo vệ trật tự khi việc bắn
hạ cảnh sát đang là thú tiêu khiển của nhiều người. Chỉ có tại nước Mỹ mà 14
năm sau vụ khủng bố 9-11, người cảnh sát anh hùng năm xưa lại bị coi là kẻ đáng
chết. May là Hoa Kỳ cũng còn nhiều người dân như bà Mỹ này.
No comments:
Post a Comment