Friday, 25 September 2015

Diễn văn Ðức Giáo Hoàng đọc trước Quốc Hội Mỹ (Nhất Anh - Người Việt chuyển ngữ)





Nhất Anh/Người Việt (chuyển ngữ)
Friday, September 25, 2015 4:21:13 PM 
.
Ðức Giáo Hoàng Francis đọc diễn văn trước Quốc Hội Mỹ hôm 24 Tháng Chín. (Hình: Mark Wilson/Getty Images)

Tôi cảm kích trước lời mời của quý vị khi được vinh dự đứng trên “vùng đất của tự do và anh hùng” để có bài phát biểu trước Quốc Hội và toàn thể người dân nước Mỹ. Mỗi người con của một quốc gia đều mang bên mình trách nhiệm đối với cá nhân và xã hội. Trách nhiệm của quý vị, với tư cách là thành viên của Quốc Hội, là điều hành đất nước thông qua các hoạt động lập pháp và để xây dựng một quốc gia hùng mạnh. Quốc Hội là đại diện cho người dân, là đấu tranh công lý, bảo vệ và gìn giữ phẩm giá cho đồng bào và theo đuổi không ngừng công ích của xã hội. Ðó mới chính là mục tiêu của chính trị. Nền chính trị phải nhẫn nại, kiên trì để đáp ứng cho mọi nhu cầu của mỗi cá thể trong xã hội, đặc biệt là những cá thể bị tổn thương, bần cùng. Hoạt động lập pháp có thành công hay không phụ thuộc rất lớn vào chữ “tâm” đối với người dân - những người tin tưởng và bầu cho quý vị.

Trách nhiệm của quý vị là sự phản ảnh hai mặt hình ảnh của Ðấng Tiên Tri. Một mặt, Giáo Chủ và người ban luật của người dân Do Thái tượng trưng cho nhu cầu của mỗi dân tộc trong việc gìn giữ sự hợp nhất thông qua phương tiện pháp luật. Mặt khác, Ðấng Tiên Tri dẫn dắt chúng ta đến với Thiên Chúa, đến với những phẩm giá siêu việt của con người. Ðấng Tiên Tri mang lại cho chúng ta một hình ảnh tổng thể chung, đó là trách nhiệm của quý vị trong việc bảo vệ hình ảnh của Thiên Chúa trên mỗi cá thể.

Hôm nay, tôi đến đây không chỉ phát biểu trước quý vị mà còn với toàn thể mọi người dân trên nước Mỹ. Tôi muốn nhân cơ hội này đối thoại với hàng ngàn người đàn ông và phụ nữ, những người đang phấn đấu, nỗ lực chăm chỉ làm việc hằng ngày để kiếm miếng cơm manh áo, và từng bước xây dựng một cuộc sống tốt hơn cho gia đình của mình. Họ là những người không chỉ đơn giản là quan tâm đến việc trả thuế, mà chính họ, là những người thầm lặng duy trì cuộc sống của xã hội. Chính họ tạo ra sự đoàn kết giữa người với người trong một nước và sẵn sàng ra tay giúp đỡ những người gặp khó khăn hơn mình.

Tôi cũng muốn đối thoại với những người cao niên; họ là kho tàng sống thông thái với nhiều kinh nghiệm, và thông qua các thành tựu của họ, là những câu chuyện hiểu biết đáng giá. Tôi biết rằng có rất nhiều người, mặc dù về hưu, vẫn luôn tích cực tham gia các hoạt động để xây dựng một đất nước tốt đẹp hơn. Tôi muốn đối thoại với những người trẻ, những người đang cật lực làm việc để thực hiện nguyện vọng lớn lao và cao cả của mình, những người không bị các thế lực xấu lôi kéo, những người dám đối diện với sai lầm của mình và khắc phục nó. Tôi mong muốn được đối thoại với tất cả mọi người, thông qua quá khứ, lịch sử của chính các bạn.

Chuyến thăm của tôi diễn ra tại thời điểm mà tất cả mọi người đang đánh dấu kỷ niệm cho những người Mỹ vĩ đại. Mặc dù sự phức tạp của quá khứ và thực trạng yếu đuối ở con người vẫn còn hiện diện với nhiều khác biệt và hạn chế, những người Mỹ vĩ đại đó - những người đàn ông và phụ nữ sẵn sàng hy sinh và cố gắng chăm chỉ làm việc hết mình chỉ với một hy vọng xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn. Họ tạo nên giá trị cơ bản thiết thực và quý báu mà mãi mãi trường tồn trong tinh thần của người Mỹ. Một dân tộc khi có tinh thần như thế sẽ luôn đứng vững trong mọi khủng hoảng, căng thẳng và xung đột, và tiếp tục tiến lên phát triển, và làm với tất cả lòng tự trọng của mình. Họ cho chúng ta một cái nhìn và giải thích về thực tế. Tất cả chúng ta được truyền cảm hứng từ những việc họ làm, và mặc cho một số hoàn cảnh diễn ra trong xung đột, chúng ta vinh danh họ bằng tất cả lòng ngưỡng mộ và tự hào của một cá thể trong một dân tộc.

Tôi muốn nhắc đến bốn nhân vật vĩ đại của nước Mỹ: Cố Tổng Thống Abraham Lincoln, nhà cách mạng Martin Luther King Jr, nhà báo và nhà hoạt động xã hội chuyên bênh vực người nghèo Dorothy Day, và nhà thơ và hoạt động xã hội Thomas Merton.

Năm nay đánh dấu 150 năm vụ ám sát Tổng Thống Abraham Lincoln, vị tổng thống được mệnh danh là người bảo vệ cho tự do dân chủ, là người đã làm việc không ngừng nghỉ vì một “đất nước có ơn Chúa, sinh sản ra nền tự do.” Xây dựng một tương lai tự do đòi hỏi tình yêu thương và sự hợp tác trong tinh thần hỗ trợ và đoàn kết với nhau.

Tất cả chúng ta ai nấy đều lo lắng sâu sắc về tình hình chính trị xã hội đáng lo ngại của thế giới hiện nay. Thế giới chúng ta đang trở thành một nơi xung đột bạo lực, thù hận và tội ác tàn bạo, thậm chí phạm tội vượt qua khỏi giới hạn của Chúa và các tôn giáo khác. Chúng ta biết rằng không có tôn giáo nào là không có một số người ảo tưởng tôn thờ chủ nghĩa cực đoan. Ðiều này có nghĩa rằng chúng ta phải đặc biệt chú ý đến mọi hình thức của sự cực đoan, từ vấn đề tôn giáo cho đến các vấn đề khác. Sự cân bằng tinh tế là điều cần thiết để chống lại bạo lực của những thế lực mượn danh tôn giáo, tư tưởng hay hệ thống kinh tế, trong khi vẫn phải bảo vệ quyền tự do tôn giáo, tự do tư tưởng và tự do cá nhân. Nhưng có một điều chúng ta phải đặc biệt chống lại: Ðó chính là sự suy nghĩ quá đơn giản, khi mà chỉ biết chỉ có cái tốt và cái xấu hay chỉ có người đạo đức và người tội lỗi.

Thế giới đương đại, với rất nhiều vết thương trên mình, đòi hỏi chúng ta phải đương đầu với hình thức phân cực chia thành hai phe. Trong nỗ lực giải thoát khỏi kẻ thù bên ngoài, chúng ta còn phải bản lĩnh, tỉnh táo, không để kẻ thù trong chính bản thân mình thoát ra. Bản thân mình bị ảnh hưởng vì hận thù và bạo lực của thế lực xấu là dọn đường cho kẻ xấu chiến thắng mình. Ðó là điều mà chúng ta phải chống lại.

Phản ứng của chúng ta đối với những điều xấu là niềm hy vọng, sự chữa lành, hòa bình và công lý. Chúng ta đã và đang dùng hết sự dũng cảm và trí thông minh của mình để giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị, kinh tế và xã hội hiện nay. Ngay cả những nước đang phát triển, ảnh hưởng từ sự bất công là điều rõ ràng. Nỗ lực của chúng ta là nhằm mục đích khôi phục lại niềm hy vọng, duy trì cam kết và thúc đẩy cuộc sống của mỗi con người trong tất cả các dân tộc. Chúng ta cần phải tiến về phía trước cùng nhau, trong một tinh thần anh em đoàn kết, hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau vì lợi ích chung của nhân loại.

Những thử thách mà chúng ta đối mặt ngày nay là hồi chuông kêu gọi sự hợp tác toàn diện, mà điều này nước Mỹ đã và đang làm trong suốt thời gian qua. Sự phức tạp, mức độ nghiêm trọng, và tính cấp bách của các thử thách này đòi hỏi nguồn lực và khả năng của chúng ta trong sự tôn trọng sự khác biệt và lòng tin về lương tâm.

Trong vùng đất này, các tôn giáo khác nhau góp phần rất lớn trong việc xây dựng và củng cố xã hội. Ðiều quan trọng của ngày hôm nay, và cũng là của quá khứ, chính là tiếng nói của đức tin tiếp tục được lắng nghe, vì đó là tiếng nói của tình anh em và tình yêu thương giữa mọi người, mà ở đó, tiếng nói ấy đem lại điều tốt nhất cho mỗi con người và trong mỗi xã hội. Sự hợp tác là một nguồn lực mạnh mẽ trong cuộc chiến loại bỏ các hình thức toàn cầu mới của chế độ nô lệ, chế độ bất công, thông qua chính sách mới và sự đồng thuận xã hội.

Chính trị là thể hiện nhu cầu sống cùng với nhau, mà trong đó cần được xây dựng thành những điều tốt nhất: Ðó là một xã hội sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân để đem lại công lý, hòa bình, và đời sống an lành. Tôi không đánh giá thấp những khó khăn đang xảy ra. Tôi mong muốn chúng ta cùng nhau đấu tranh. Tôi nhớ đến cuộc hành trình của Martin Luther King dẫn hàng ngàn người biểu tình từ Selma đến Montgomery 50 năm trước, trong cuộc đấu tranh để thực hiện giấc mơ của mình về một xã hội công bằng cho người Mỹ gốc Châu Phi. Giấc mơ ấy truyền cảm hứng cho chúng ta đến ngày nay. Và tôi cảm thấy hạnh phúc khi nước Mỹ vẫn tiếp tục giấc mơ ấy, tạo ra “một vùng đất giấc mơ.” Giấc mơ ấy dẫn đến hành động, sự tham gia và lòng cam kết. Giấc mơ ấy đánh thức những gì sâu sắc nhất và chân thật nhất trong cuộc đời của mỗi con người.

Trải qua mấy thế kỷ, hàng triệu người đã đến “vùng đất giấc mơ” này để đeo đuổi giấc mơ của họ về việc xây dựng một tương lai tự do. Các bạn - những công dân của châu lục này - không nên sợ sệt trước người ngoại quốc, vì chính chúng ta cũng từng là người ngoại quốc. Buồn thay, quyền lợi của những người đã ở đây rất lâu trước chúng ta lại không được tôn trọng. Ðối với những người đó, từ trái tim của nền dân chủ Mỹ, tôi muốn tái khẳng định sự tôn trọng và niềm cảm kích của mình. Những gì xảy ra ở quá khứ là bạo lực và hỗn loạn, nhưng chúng ta không thể đánh giá quá khứ bằng thước đo hiện tại. Tuy nhiên, khi một người lạ lạc vào trong xã hội chúng ta, chúng ta không thể lặp lại những tội ác và sai lầm của quá khứ. Chúng ta phải sống cao thượng và một cách công bằng nhất có thể, như chúng ta được giáo dục là không “quay lưng” với hàng xóm và những điều xảy ra xung quanh mình. Xây dựng một quốc gia đòi hỏi chúng ta phải nhận ra rằng chúng ta phải đặt mình vào người khác, loại bỏ tư duy thù địch để mà cùng nhau hỗ trợ lẫn nhau. Tôi tin rằng tất cả chúng ta làm được điều này.

Thế giới chúng ta đang đối mặt với cuộc khủng hoảng tị nạn lớn nhất kể từ Thế Chiến 2. Nó đem đến cho chúng ta thách thức lớn và nhiều quyết định khó khăn. Trên lục địa này, ngày càng nhiều người di cư đến phía Bắc với hy vọng có một cuộc sống tốt hơn, cơ hội tốt hơn. Ðó chẳng phải là điều chúng ta mong muốn cho con cái mình hay sao? Thay vì nhìn họ dưới ánh mắt kỳ thị, hãy nhìn vào mắt họ, lắng nghe câu chuyện của họ, và hãy thử đặt mình vào hoàn cảnh của họ. Hãy cư xử với họ một cách nhân đạo, công bằng và đầy tình thương. Chúng ta phải tránh thực trạng hiện nay, đó là “loại bỏ hết những điều phiền hà.” Hãy nhớ lấy nguyên tắc vàng này: “Hãy đối xử với người khác như bạn muốn họ đối xử với bạn như vậy.” (Matthew 7:12)

Chúng ta hãy đối xử với người khác với lòng từ bi mà chúng ta muốn được đối xử. Hãy giúp đỡ người khác như chính chúng ta muốn được giúp đỡ. Nếu họ cần sự an toàn, chúng ta cho sự an toàn; nếu họ cần cuộc sống, chúng ta cho cuộc sống; nếu họ muốn cơ hội, chúng ta cho cơ hội. Nguyên tắc vàng nhắc nhở chúng ta về trách nhiệm bảo vệ cuộc sống của con người là bảo vệ cuộc sống của chính chúng ta.

Trong thời điểm mà mối quan tâm xã hội rất quan trọng, tôi không thể không nhắc tới Dorothy Day, người sáng lập Phong Trào Công Nhân Công Giáo (Catholic Worker Movement). Các hoạt động xã hội của bà và niềm tin vào công lý đấu tranh cho những người bị áp bức là xuất phát từ Gospel, niềm tin vào chính mình và các thánh.

Trải qua nhiều thế kỷ, thế giới chúng ta tiến bộ rất nhiều với những phát minh, sáng chế vĩ đại. Ðã có rất nhiều việc làm để đưa con người thoát khỏi nghèo đói. Tôi biết rằng các bạn sẽ nói với tôi rằng vẫn còn rất nhiều việc phải làm trong hoàn cảnh khủng hoảng này. Và tôi muốn các bạn hãy để ý xung quanh, những người đang trong đói nghèo. Họ cần có hy vọng. Cuộc chiến chống lại nghèo đói phải được thực hiện liên tục và trên nhiều mặt. Tôi biết rằng, có rất nhiều người Mỹ đang đấu tranh đối phó với vấn đề này.

Quyền sử dụng tài nguyên thiên nhiên, sự áp dụng công nghệ và tinh thần doanh nghiệp là các yếu tố thiết yếu của một nền kinh tế hiện đại, toàn diện và bền vững. “Kinh doanh là một ơn gọi cao quý, hướng đến sản xuất của cải và cải thiện thế giới. Nó là khởi đầu cho sự thịnh vượng, là tạo ra công ăn việc làm như một phần thiết yếu cho lợi ích chung.” (Laudato Si', 129)

Trong Laudato Si', tôi kêu gọi nỗ lực và sự chịu trách nhiệm để ngăn chặn những tác động nghiêm trọng của sự suy thoái môi trường do con người gây ra. Tôi tin rằng chúng ta có thể tạo ra sự khác biệt và nước Mỹ nói chung và Quốc Hội nói riêng, đóng một vai trò quan trọng. Bây giờ là thời điểm cho hành động và chiến lược nhằm đấu tranh chống đói nghèo, phục hồi nhân phẩm cho những người bị cho là “người ngoại quốc,” và đồng thời là bảo vệ thiên nhiên. Tôi tin rằng với các thành tựu mà nước Mỹ đạt được sẽ đóng góp rất nhiều cho sự thay đổi.

Một thế kỷ trước, vào lúc bắt đầu Thế Chiến 1, khi mà Ðức Giáo Hoàng Benedict XV bị coi là “tàn sát vô nghĩa,” thì có một người Mỹ vĩ đại ra đời: Tu sĩ Xitô Thomas Merton. Ông là nguồn cảm hứng cho tất cả mọi người. Merton hơn hết là người cầu nguyện, là một nhà tư tưởng mở ra chân trời mới cho các linh hồn và giáo hội. Ông là người giữ hòa bình giữa con người và tôn giáo.

Tôi xin ghi nhận những nỗ lực trong mấy tháng qua trong việc vượt qua những khác biệt lịch sử đau thương. Nhiệm vụ của tôi là cầu nối giúp đỡ tất cả mọi người. Một người lãnh đạo chính trị tốt là người đặt lợi ích xã hội lên hàng đầu và biết nắm bắt thời cơ.

Là người gìn giữ hòa bình còn có nghĩa là quyết tâm giảm thiểu và chấm dứt xung đột vũ trang trên toàn thế giới. Ở đây chúng ta tự hỏi rằng: Tại sao vũ khí chết người lại được bán cho những kẻ gây thương đau cho nhân loại? Ðáng buồn thay, câu trả lời là: Vì tiền; tiền chạy trên máu của những người vô tội. Ðối diện với vấn đề này, nhiệm vụ của chúng ta phải ngăn chặn buôn bán vũ khí. Ba người con trai và một người con gái trên vùng đất này, là bốn cá thể với bốn giấc mơ: Tổng Thống Abraham Lincoln là sự tự do; Martin Luther King là sự tự do không bị phân biệt, Dorothy Day là sự tự do công bằng xã hội và quyền lợi của con người; và Thomas Merton là năng lực cởi mở, mở lòng với Chúa. Bốn người đó là đại diện cho người dân nước Mỹ.

Tôi sẽ kết thúc chuyến thăm Mỹ ở Philadelphia, nơi mà tôi sẽ tham gia Ðại Hội Gia Ðình Thế Giới (World Meeting of Families). Ước mong của tôi là làm thế nào mỗi gia đình góp phần vào sự xây dựng quốc gia và làm sao để nó xứng đáng với những gì chúng ta nghĩ. Tuy nhiên, tôi không thể che giấu mối quan tâm của tôi về vấn đề gia đình, về mối đe dọa từ bên trong lẫn bên ngoài. Mối quan hệ là nền tảng của hôn nhân và gia đình. Và tôi muốn nhắc lại tầm quan trọng của gia đình, trong đó tôi muốn kêu gọi sự chú ý của những thành viên trong gia đình, những người dễ bị tổn thương nhất và những người trẻ.

Ðối với nhiều người trong số họ, tương lai là rộng mở. Nhưng có một số người dường như mất phương hướng và không có mục đích. Họ bị mắc kẹt trong mê cung vô vọng của bạo lực và sự tuyệt vọng. Vấn đề của họ là vấn đề của chúng ta. Chúng ta không thể tránh chúng. Chúng ta phải đối diện và tìm giải pháp hiệu quả hơn thay vì sa lầy trong các cuộc thảo luận. Chúng ta có thể nói rằng chúng ta đang sống trong một nền văn hóa mà áp lực là những người trẻ tuổi không muốn lập gia đình bởi vì họ thiếu khả năng cho tương lai. Và nền văn hóa đó cho họ quá nhiều sự lựa chọn để mà họ có thể không cần nghĩ đến việc gầy dựng một gia đình.

Một quốc gia được coi là vĩ đại khi nó bảo vệ sự tự do như Tổng Thống Lincoln đã làm; khi nó thúc đẩy một nền văn hóa cho phép con người mơ về giấc mơ bình đẳng quyền như Martin Luther King đã làm; khi nó đấu tranh công lý cho những người bị áp bức như Dorothy Day đã làm; và khi đức tin gieo trồng hòa bình như Thomas Merton đã làm.

Trong bài diễn văn này, tôi nói qua sự phong phú di sản văn hóa của các bạn, và tinh thần của người dân Mỹ. Tôi mong muốn rằng tinh thần này sẽ tiếp tục phát triển và lớn mạnh hơn để những người trẻ tuổi có thể kế thừa và được sống trong một vùng đất luôn truyền cảm hứng cho mọi người được mơ ước.

Xin Chúa phù hộ nước Mỹ!

-----------------------------








No comments:

Post a Comment

View My Stats