Saturday, 5 September 2015

Cái dở của “lực lượng thứ ba” (Phạm Hồng Sơn)





Phạm Hồng Sơn
Posted by adminbasam on 06/09/2015

Đôi lời: Hôm qua, GS Nguyễn Ngọc Giao có gửi tới trang BS một bài viết và chúng tôi đã đăng tại đây: Tiếc thương Trần Hạnh (1954-2015). Hôm nay có một độc giả gửi tới bài viết của ông Phạm Hồng Sơn, phản bác lại một chi tiết trong bài mà chúng tôi đã đăng. Để rộng đường dư luận, chúng tôi xin đăng lại toàn bộ bài viết này.
_____

6-9-2015

Ông Nguyễn Ngọc Giao, một trí thức miền Nam ủng hộ miền Bắc cộng sản, tức thuộc “lực lượng thứ ba” thời Việt Nam Cộng Hòa, vừa kể lại một chi tiết nhỏ liên quan tới chuyện đi “học tập cải tạo” của một viên chức Việt Nam Cộng Hòa sau ngày 30/4. Ông Giao thuật rằng người tù khi trở về đã trả lời người con về chuyện đối xử trong tù cộng sản thế này: 

“Bỏ qua đi. Nếu bên mình thắng, có lẽ đối xử với bên kia còn tệ hơn”.

Về mặt sự thật, chúng ta không thể xác định câu trả lời này chính xác đến đâu. Trường hợp đây thực là lời nói của nhân vật chăng nữa, tôi cho rằng khả năng “có lẽ” đó quá nhỏ so với khả năng Việt Nam Cộng Hòa sẽ đối xử nhân bản (hơn) với miền Bắc, nếu Việt Nam Cộng Hòa thắng. Tại sao? Ở đây tôi chỉ dẫn lại hai trong số rất nhiều cứ liệu:

  1. Con gái của một bộ trưởng “Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam” – tổ chức do miền Bắc lập ra để đối kháng bạo lực với Việt Nam Cộng Hòa – vẫn quan hệ thân tình với con Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu và vẫn được Tổng thống quí mến, giúp đỡ.

  1. Vợ của một thứ trưởng của “Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam” vẫn sinh sống đàng hoàng tại Sài Gòn và còn làm việc trong nghành tòa án của Việt Nam Cộng Hòa.

Cứ liệu 1 có thể kiểm chứng trong hồi ký A Vietcong Memoir của ông Trương Như Tảng. Cứ liệu 2, hồi ký Những chuyến ra đi hoặc liên hệ ngay với tác giả/nhân chứng hiện còn sống: nhà nghiên cứu Lữ Phương.

Người như ông Nguyễn Ngọc Giao chắc chắn phải biết và trực nghiệm nhiều hơn các sự kiện, đặc tính khoan dung, đa nguyên, nhân bản của Việt Nam Cộng Hòa như vừa kể. Vì vậy, nếu thực sự nhân vật đã có đánh giá như ông Giao viết, thì một người trí thức hiểu biết về Việt Nam Cộng Hòa và lại thường bày tỏ yêu mến tự do, dân chủ như ông Giao lẽ nào có thể thuật lại một cách vô tâm đến vậy? Nhất là trong tình trạng đất nước hiện nay?

Nghiên cứu, phê bình về “lực lượng thứ ba” đã có nhiều bài viết công phu, như của tác giả
Nguyễn Văn Lục. Nhưng theo tôi, cái dở của họ không phải họ là người được sống trong thể chế văn minh (hơn) của miền Nam lại đi ủng hộ miền Bắc cộng sản. Bởi, sai lầm này dẫu quá đớn đau cho dân tộc cũng thường thôi nếu nhìn kỹ hơn về bản tính dân tộc và về bản thể con người. Cái dở của họ không phải là các hoạt động xã hội hiện nay của họ quá rụt rè so với thời Sài Gòn dẫu cái Ác hiện nay ác gấp nhiều lần trước. Bởi ai cũng chỉ có một thời sung sức nhất định. Cái dở của họ cũng không phải chuyện chưa xin lỗi dân tộc vì đã vô tình tiếp tay phá bỏ một chế độ văn minh hơn. Bởi Elton John đã viết: “Xin lỗi” hình như là từ khó nói nhất

Cái dở, cái tồi của “lực lượng thứ ba” là đến tận hôm nay vẫn có người cố tình biện bạch cho sai lầm của bản thân bằng những cách tinh vi, nhưng thiếu lý tính.

-------------------------

Nguyễn Ngọc Giao
Posted by adminbasam on 05/09/2015

Nguồn : Diễn Đàn

Nguyên trưởng Ban Việt ngữ ABC, BBC, nguyên giám đốc điều hành Radio Australia đã đột ngột từ trần ngày 3.9.2015, ở tuổi 61.

Trần Hạnh (1954-2015)

Trần Hạnh được biết như người Việt Nam đầu tiên được cử làm trưởng ban Việt ngữ của đài BBC (1997-2001), người “da màu” đầu tiên làm giám đốc điều hành của đài Radio Australia (2007-2010). Giới truyền thông biết rõ vai trò của anh trong sự đổi mới nội dung và ngôn ngữ của ban Việt ngữ BBC, ABC và Radio Australia, đoạn tuyệt với thời kỳ “chiến tranh lạnh”. Các đồng nghiệp của anh còn nhấn mạnh tới quan tâm –  phải nói là say mê – về những công nghệ truyền thông mới (kỹ thuật số, video...) cũng như về công tác đào tạo (xem hai bản tin của BBC : Nhà báo Trần Hạnh vừa qua đờivà Trần Hạnh: 'Người đem lại thay đổi'). Con người của Trần Hạnh cũng được nhận xét chính xác : 

– “Bà Sarah Prunell, vợ cũ của ông, cho biết ông Hạnh là một người cha rất tận tụy, hết lòng vì các con, và với ông vườn tược, nhiếp ảnh và nấu ăn là những niềm vui không thể thiếu” ; 

– “ Ông là một người rất nhạy cảm. Tôi có thể hiểu những người cưỡng lại thay đổi thường cảm thấy khó ở gần ông và nhận thấy ông là người không bỏ cuộc. Nếu ông thấy có điều gì đó cần phải thực hiện thì ông sẽ đảm bảo rằng việc đó được thực hiện và sẽ thúc đẩy để thực hiện nó. Nhưng ông luôn giải thích rất rõ ràng điều mà ông muốn thực hiện.” (Chris Greene, nguyên trưởng ban Việt ngữ BBC) ; 

– “ Sự ra đi đột ngột của anh sẽ giúp nhắc chúng tôi không chỉ biết quý cái đẹp quanh mình mà còn biết đón chào và dành thời gian cho tình bạn và cho những mối quan hệ với những người thân yêu của mình, mà sau cùng thì có lẽ đó chính là điều quan trọng nhất trong cuộc đời con người.” (Jonathan London, giáo sư đại hoc Hồng Kông)

– “ Khi có những đổi mới thì tất nhiên sẽ có những mâu thuẫn giữa hai cách làm việc và hai thế hệ khác nhau. Nhưng anh Hạnh là người luôn cố gắng hòa hợp hai cách làm việc khác nhau đó. Tất nhiên có những người phản đối và những người ủng hộ. Và kết quả cuối cùng là anh đã đạt được kết quả tốt và được mọi người công nhận đó là một thay đổi đúng.


    “ Lần cuối tôi nói chuyện với anh Hạnh, anh cho biết anh cảm thấy hài lòng vì giờ đây anh có thời gian để làm những gì anh muốn, còn về sự nghiệp và công việc thì anh đã đạt được những điều anh ấy thấy là đáng làm.” (Kim Anh, nguyên thành viên Ban Việt ngữ Đài phát thanh Úc ABC)

Con người Trần Hạnh còn thể hiện trong những hoạt động của anh từ ngày về hưu : chỉ cần lướt qua những trang FaceBook của anh (Trần Hạnh còn “post” một bài chót vài giờ trước khi mất) là đủ. Trong phần tự bạch trên FB, Trần Hạnh viết : “ Mơ có ngày thức dậy không thấy những tin tức nhức tim. Và mong quê hương được thực sự dân chủ khi mình còn sống”. Xin thêm : ngày ngày, anh tự nguyện lái xe buýt chở học sinh trong khu phố tới trường trung học. 

Tôi được gặp Trần Hạnh lần đầu tiên vào cuối năm 1994 tại Canberra, khi được mời tham gia cuộc hội thảo Vietnam Update tại Trường đại học Quốc gia Úc (ANU). Anh tới dự hội thảo với tư cách phóng viên Ban Việt ngữ của đài ABC. Khi tôi xin miễn trả lời phỏng vấn, thì quan hệ giữa chúng tôi bỗng trở thành quan hệ bạn bè bình đẳng, từ đó đến nay, hơn 20 năm qua, không có gì thay đổi. Tôi nhớ ngay từ lúc ấy, Trần Hạnh  gặp cho biết ông Chris Greene (cháu nhà văn Graham Greene) đã sang gặp anh, đề nghị anh sang London làm việc cho đài BBC, vì BBC muốn đổi mới, cử một người Việt Nam làm trưởng ban Việt ngữ. 

Phải đến năm 1997, việc này mới trở thành hiện thực. Không biết về phía “bà già” BBC có những vấn đề gì phải giải quyết không, nhưng tôi biết về phần mình, Trần Hạnh phải tìm lời giải cho một bài toán khó. Hạnh đã kết hôn với Sarah, hai người quen nhau khi học cùng khoa truyền thông ở ANU. Tốt nghiệp xuất sắc, cả hai đều bắt đầu con đường sự nghiệp truyền thông ở Úc. Bây giờ sang Anh sống, Hạnh thì có vị trí ở BBC, còn Sarah sẽ khó tìm ra một việc làm tương xứng với sự nghiệp mà chị đã bắt đầu ở Úc. Cuối cùng thì họ đã tìm ra một giải pháp “hậu hiện đại” hi hữu : Sarah sẽ ở nhà chăm sóc ba đứa con (hai trai một gái) trong “nhiệm kì” 4 năm của Hạnh ở đài BBC, sau đó hai vợ chồng sẽ trở về Melbourne, Hạnh sẽ luân phiên ở nhà với các con, để Sarah tiếp tục sự nghiệp ở ngoài đời. Họ đã làm đúng như thế : trở về Úc năm 2001, bốn năm sau Hạnh mới làm việc trở lại, và năm 2007 được cử làm giám đốc điều hành Radio Australia. Tôi chỉ gặp Hạnh, Sarah và các cháu trong thời kỳ họ ở Anh – gặp nhau ở London hay Paris. Từ năm 2001 trở đi, chỉ qua thư từ. Được biết hai người đã chia tay, nhưng vẫn giữ quan hệ tốt, nhất là trong nhiệm vụ làm cha mẹ.

Những gì tôi ghi nhận về Trần Hạnh hoàn toàn khớp với những đánh giá trích dẫn ở trên, nên xin phép không dài dòng. Tiễn biệt Trần Hạnh, tôi chỉ xin kể lại một câu chuyện được anh tâm sự. Những năm qua, tôi nhiều lần muốn viết, nhưng vẫn ngừng tay vì muốn đợi chính anh viết ra. Nay anh đột nhiên ra đi, tôi xin vắn tắt kể lại. Cha anh là một sĩ quan cấp tá Việt Nam cộng hoà, thuộc ngành quân pháp. Trần Hanh kể lại năm 1972, khi anh sang Úc du học (học bổng Colombo), cha anh chỉ dặn một câu : cố gắng học hành, không tham gia chính trị. Sau năm 1975, ông bị đưa đi “học tập cải tạo”, tôi không nhớ bao nhiêu năm, chỉ mang máng khá lâu. Khi ông trở về, cha con gặp nhạu, Hạnh hỏi ông ở tù ra sao, ông không chịu kể, chỉ nói : Bỏ qua đi. Nếu bên mình thắng, có lẽ đối xử với bên kia còn tệ hơn”. Mấy năm sau, ông qua Mỹ theo diện HO. Hạnh kể lại cái tết đầu tiên, họp mặt đầy đủ toàn thể gia đình ở California. Ông mang ra cái áo cũ, còn thấy vết máu. Đó là cái áo của cụ thân sinh bị giết tết Mậu Thân ở Huế, mà một người chú của Trần Hạnh đã gìn giữ cho con cháu dòng họ. Không một lời, ông đã đốt cái áo ấy, như người ta đốt vàng mã trong ngày tết gia đình sum họp tưởng nhớ tổ tiên.

Về Trần Hạnh, Chris Greene, người đã “tam cố Melbourne” mời Trần Hạnh sang làm việc ở BBC, còn kể : “ Có lần tôi ngồi trên xe hơi với ông tại Úc và ông kể nhiều về cha mình. Tôi có thể thấy hình ảnh ông trong đó ”. Nhận xét thật tinh tế. Chính nhận xét này thúc giục tôi chép lại câu chuyện về thân sinh Trần Hạnh. Đó là bài học, là món quà quý mà con người đáng quý ấy đã để lại cho tôi.
Nguyễn Ngọc Giao






No comments:

Post a Comment

View My Stats