Thursday, 17 September 2015

Bia, rượu, thuốc lá…và người Viêt Nam (Thạch Đạt Lang - Đàn Chim Việt)





10:34:am 17/09/15

Trăm năm bia đá thời mòn
Ngàn năm bia rượu vẫn còn trơ trơ…

Chiều theo ý một người ( bạn ) chưa biết mặt, tên tuổi, giới tính, quen trên Net, tôi viết bài này để cùng bạn nói chuyên nhậu nhẹt ( đào sâu, đào xa ) cuối tuần cho vui.

Chữ cuối tuần tôi dùng ở đây là cho ( ai đó ) những người còn đi làm mà người miến Nam nói là còn mần việc, riêng tôi thì ngày nào cũng là ngày thứ bẩy cuối tuần, vì ( may mắn hay xui xẻo? ) đã về hưu non.

Nghỉ hưu sớm cũng khỏe, đêm nằm ngủ, thức dậy giữa giấc, đi tiểu, không phải liếc nhìn cái đồng hồ digital có radio để biết mấy giờ rồi. Nhưng cũng có cái bất tiện, tiền hưu bớt đi cũng khá, nói theo ngôn ngữ thời thượng là tiền hưu hơi ( bị ) hẻo.

Bạn giống tôi, không phải là dân nhậu nhưng bạn thích phong cách nho sinh của các tiền bối, thường khề khà một hai ly mào đầu rồi mới vào chuyện, tôi ngược lại, thích xong chuyện rồi mới làm một ly nhỏ Cognac Remy Martin XO hay Whisky Johnny Walker Blue Label, xong…đi ngủ.

Ngồi vào bàn nhậu thì tôi là chuyên viên phá mồi, không cho phá mồi là tôi…không nhậu, bởi tôi không phải là nho sinh mà là dân cổ xanh, chặt to, kho mặn, lông nách một nạm, trà tàu một hơi.

Nhưng uống trước hay sau thì cũng là uống, chất alcohol vẫn thấm vào máu, ở một lượng nào đó ( ít nhiều ) tùy theo cơ thể, người ta sẽ thấy máu chẩy mạnh, đầu óc lâng lâng, thích thú…

Uống thêm nữa thì chưa biết sẽ ra sao khi gan không còn hấp thụ nổi lượng alcohol đang được nạp liên tục vào trong máu và ( cũng ) tùy theo bô đì ( body ) mà mỗi người sẽ phản ứng khác nhau khi xỉn.

Thông thường thì rượu vào, lời ra ( tửu nhập, ngôn xuất ). Nói thông thường bởi vì có người càng uống càng nói nhiều, nhưng cũng có người càng uống càng ít nói. Có người mới làm một ngụm rượu, một ly bia ( chai ) 33cl mặt đã đỏ ửng như gà chọi nhưng có người càng uống nhiều mặt càng tái đi.

Nói chung, chất alcohol đi vào trong máu làm thay đổi phản ứng sinh lý của con người, nhiều, ít, như thế nào tùy cơ thể và tùy sự tập luyện.

Dùng chữ tập luyện ở đây không có gì là quá đáng, bởi bia, rượu có nhiều mùi vị, nồng độ khác nhau, có những thứ nên uống nóng, có thứ nên uống lạnh mới thưởng thức được hết cái tuyệt vời của từng loại.

Uống bia, rượu nốc ừng ực như hũ chìm thì không thể thưởng thức được cái ngon của bia rượu. Người biết thưởng thức cái ngon của bia, rượu phải tập cho cái lưỡi của mình quen với từng mùi vị từ fruity, exotic, herb…từ nhẹ tới nặng thì mới thưởng thức được hết hương vị của từng loại.

Người Việt Nam trong nước cũng như hải ngoại uống bia nhiều hơn uống rượu nhưng hỏi họ bia loại nào ngon và ngon như thế nào thì đa số trả lời trớt quớt. Họ chỉ phân biệt được độ nặng, nhẹ, đầm, gắt, ít người có khả năng ( kể cả người viết bài này ) nhận biết chính xác cái ngon của từng loại, mùi vị của bia, rượu đặc biệt ra sao.

Dù trên thế giới có cả ngàn thứ bia, hầu hết dân VN trong nước hiện nay chỉ uống bia Tiger, Sài Gòn, Heineken, Tsingtao…bên Mỹ thì thêm Corona, Budweiser, Beck´ s, Bud Light…Đi ăn, nhậu với bạn bè, thường chỉ thấy các loại này trong nhà hàng Việt Nam, tò mò gọi những thứ khác như Sculpin IPA của California trong các nhà hàng ở San Jose hay Top Cutter của Washington ở Seattle thì hầu như không nhà hàng Việt Nam nào có. Muốn uống các thứ này phải tới nhà hàng Mỹ ( may ra ) mới có.

Về rượu cũng thế, dân trong nước thì chơi các loại đế, nếp than…sản xuất trong nước, sang hơn thì có Whisky, Cognac, Bourbon…một số thích uống rượu ngâm cắc kè, rắn, toa Minh Mạng… nhưng đa số uống để chứng tỏ đẳng cấp, bàn chuyện làm ăn, trao đổi, áp phe, tham nhũng… hơn là thưởng thức cái ngon, cái đẹp, cái hay của rượu mà bạn tôi gọi là cái thú của nho sinh.

Người Tây phương ( thường ) uống rượu wine trước và trong khi ăn, rượu mạnh chỉ uống sau khi ăn hoặc uống chơi trong bar khi gặp bạn bè…và ít khi uống như hũ chìm, trừ kẻ thất tình, chán đời hay có tâm sự muốn tìm quên…

Khi ăn, họ cũng chọn đúng thứ rượu cho hợp với thức ăn. Ăn thịt bò steak họ uống wine đỏ như Merlot của Chile, Cabernet Sauvignon…, các món Ý như Spaghetti, Lasagne, Pizza…uống với Chianti hoặc Barbera, Brolo…, tôm cua, đồ biển uống wine trắng như Riesling, Sauvignon blanc…, tráng miệng, ăn bánh ngọt dùng rượu trái cây, liquor…tức những loại có cùng độ ngọt với món tráng miệng. Họ không uống bừa, uống tá lả, thứ nào cũng có thể đi với nhau như đa số Việt Nam ta. Một bữa ăn tối, người Âu Mỹ thay đổi 3-4 thứ rượu cho hợp khẩu vị từng món ăn là chuyện bình thường.

Bia thì người Âu, Mỹ uống bất cứ lúc nào ( dĩ nhiên ) trừ lúc làm việc, đa số uống như một thứ giải khát thay cho nước, họ uống không cần mồi. Buổi chiều tan sở, trên đường về ghé vào một cái quán, bar nào đó làm một chai 0,5l rồi mới về nhà ăn cơm, buổi tối sau bữa cơm, ra cái Pub gần nhà làm một ly bia, tán láo với hàng xóm một lúc rồi về ngủ là chuyện bình thường. Ở những nơi đó, ngưới Tây phương thường không trao đổi làm ăn, không chứng tỏ đẳng cấp, bàn chuyện áp phe…, họ chỉ nói chuyện trên trời, dưới biển, chuyện mưa nắng, học hành của con cái, chuyện kỳ này bầu cho đảng nào, cho ai…

Bia, rượu, nhất là rượu wine, uống đều đặn, chừng mực một số lượng nào đó vào bữa ăn tối, tùy theo cơ thể mỗi người từ 10-20 cl rất có lợi cho sức khỏe, làm tăng sự tuần hoàn, lưu thông của máu, tiêu hóa thức ăn, giúp ăn, ngủ ngon, tăng sức đề kháng bệnh tật của cơ thể.

Người Đức vào dịp lễ Weihnachten ( Christmas ) thường hay uống Glühwein, một loại rượu Wine hâm nóng. Mùa đông, trời lạnh, nhiệt độ -5, -10° C, đi ra các khu chợ Giáng Sinh ( Weihnachtsmarkt ) người đang run vì lạnh, uống một ly Glühwein thấy người ấm hẳn lên.
Nói chuyện bia, rượu mà không nói tới thuốc lá cũng giống như ăn bánh xèo có nước mắm pha thiệt ngon nhưng không có rau sống.

Đối với người nghiện thuốc lá, các bar rượu, pub… là những nơi họ thoải mái nhả khói mà không sợ bị phiền trách hay phạt vạ.

Thường đi với bia, rượu nhưng hoàn toàn khác với bia, rượu. Thuốc lá là thứ gây nhiều bệnh nguy hiểm cho cơ thể, từ tăng cholesterol trong máu, tăng huyết áp đến tiểu đường loại 2, ung thư, nhất là ung thư phổi, Alzheimer và vô số các bệnh khác.

Hút nhiều bệnh nhiều, hút ít bệnh ít, hút nhiều chết sớm, hút ít chết trễ hơn một chút, không hút mà hít thở không khí có khói thuốc người hút thở ra cũng bị nguy hiểm không kém…( passive smoking ).

Trong khói thuốc không chỉ có chất Nicotin là độc, con số hóa chất có trong khói thuốc lá thật khủng khiếp, không tưởng tượng nổi là 4.800 loại, với khoảng 250 chất độc, trong đó 90 thứ đã được chứng minh là gây ung thư, đặc biệt là Arsen, Blei, Cadmium, Formaldehyd, Benzol, Nitrosamine…những chất có thể làm hư hại sự sinh sản của tế bào, gây bệnh ung thư và bệnh hoại huyết ( leukemia ).

Các thành phần khác của khói thuốc lá làm tăng tác dụng gây ung thư. Chất Amoniac làm xáo trộn đường hô hấp ngay cả ở nồng độ thấp, còn acetaldehyd làm tê liệt các lông mao có nhiệm vụ lọc các chất ô nhiễm trong đường phế quản khiến các hóa chất độc hại này không bị đẩy ra ngoài mà sẽ bám chặt vào các mô.

Không kể những hóa chất gây ung thư, trong số 250 chất độc nói trên có những chất tối độc như hydrogen cyanide, chỉ với một lượng rất nhỏ thải ra trong không khí đủ gây chết người. Hydrogen cyanide gây chóng mặt, ói mửa, nhức đầu…

Hiện khoa học chưa thể xác định được mức độ nguy hiểm của từng hơi thuốc hit vào phổi, hút bao nhiêu điếu môt ngày thì không nguy hại đến sức khỏe. Chỉ có một điều chắc chắn rằng mỗi khi hút điếu thuốc, cơ thể sẽ nhận một số lượng chất độc với những hậu quả không thể ước lượng được. Như một nghiên cứu mới đây cho biết, chỉ cần 3 điếu thuốc một ngày thì nguy cơ bị đứng tim ( heart attack ) sẽ tăng 2/3 so với người không hút.

Xin liệt kê những chất nguy hiểm chính:

1. Nicotin.
Đây là chất gây nghiện. Càng nhiều chất nicotin thấm vào máu khi hút thuốc, cơ thể càng cảm thấy hưng phấn, nguy cơ nghiện thuốc lá càng tăng.

2. Tar.
Khi thuốc lá cháy, sẽ xuất hiện một chất dẻo, nhớt như nhựa đường ( Asphalt ) gọi là Tar, chất này kế tủa trong đường hô hấp và từ từ nhuộm đen 2 lá phổi của người hút theo năm tháng.
Người nào mỗi ngày hút một gói thuốc ( 20 điếu ) sẽ nhận khoảng một tách Tar để nhuộm đen đường hô hấp. Khí quản qua đó sẽ mất dần những rào cản cần thiết để ngăn chặn các chất dơ bẩn, độc hại, và tác nhân gây bệnh.

3. Carbon monoxide.
Đây là chất khí độc, không mùi vị, không thể nhìn thấy. Vào trong máu chất Carbon monxide chiếm chỗ, thay thế oxy trong hồng cầu khiến các cơ quan trong cơ thể thiếu oxy, để trung hòa tình trạng này máu phải được bơm nhiều hơn, do đó tim phải đập nhanh hơn, dẫn đến tình trang tăng áp huyết và các bệnh tim, mạch.

4. Hương liệu và chất phụ gia.
Các hãng chế tạo thuốc lá trộn thêm hương liệu cùng hàng trăm chất khác vào thuốc lá thô khi chế biến, tạo điều kiện cho điếu thuốc cháy dẽ dàng, không bị tắt, có mùi vị đặc biệt cho nhiều sở thích khác nhau. Có những chất vô hại nhưng khi bị đốt lên trong điếu thuốc sẽ biến đổi thành những chất độc hại. Thí dụ như Đường, dùng che phủ các mùi vị bị cấm, khi cháy trong thuốc lá sẽ trở thành Acetaldehyde rất độc hại.

Tóm lại, thuốc lá là một tác nhân gây nhiều căn bệnh nguy hiểm, trầm trọng nhất cho người hút. Chính vì thế mà ở bên ngoài các bao thuốc được bán trên toàn thế giới, luôn luôn phải có lời cảnh cáo.

Lời cảnh cáo nguy cơ hút thuốc hầu hết được in lớn, đậm, rõ ràng và dán 2 mặt bên ngoài bao, nội dung thay đổi tùy theo ngôn ngữ, nơi sản xuất, tiêu thụ,.. nhưng tựu chung:- Hút thuốc có thể gây chết người, hút thuốc gây bệnh ung thư, gây liệt dương…, ngoài ra còn phải có một ghi chú về số lượng chất nicotin, tar… chứa đựng trong mỗi điếu thuốc.

Người hút, khi mở bao thuốc cầm trong tay, không thể không thấy những dòng chữ cảnh cáo này.

Người ngoại quốc, dân Âu Mỹ, phần lớn ý thức được nguy hại tiềm tàng của việc hút thuốc nên không những người lớn tuổi, giới trẻ cũng đã bỏ hút rất nhiều.

Dân Á Châu, nhất là Việt Nam thì ngược lại, rất coi thường sự độc hại, nguy hiểm của thuốc lá. Hầu hết sống với phương châm:- Cứ hút đi! Nhà mày đã chết ngay đấy à?

Về Việt Nam sẽ thấy ngay việc bia, rượu, thuốc lá đi với nhau ồn ào khắp mọi nơi. Từ nhà hàng, quán nhậu, quán cóc, đến tiệm cà phê, ngoài đường phố…chỗ nào cũng có thể nhậu được, hút thuốc được.

Cứ khoảng chừng 5-6 giờ chiều trở đi, ngày thường cũng như ngày thứ bẩy, chủ nhật, ở các thành phố lớn như Sài Gòn, Hà Nội, Đà Nẵng… là các quán nhậu, nhà hàng khắp nơi, trên từng cây số bắt đầu tấp nập. Tiếng ồn ào, kêu gọi, cười nói râm ran, xe gắn máy, xe hơi đậu, chen lấn khắp nơi. Nhiều tiền thì vô nhà hàng lớn, sang, có máy điều hòa không khí các em tiếp viên chân dài, xinh như mộng, ăn các món đặc sản, ít thì vào quán trung bình với các món nhậu bình dân, giá phải chăng, ít hơn nữa thì ra quán cóc với một cái bàn bằng gỗ hay nhựa, dăm ba cái ghế đẩu, một xị đế quốc… lủi với đĩa đậu phụng, con mực nướng…
Người nghèo, người có suy nghĩ, ưu tư cho đất nước, dân tộc… đi qua, nhìn cảnh ăn nhậu thở dài chán nản, tiếp tục đi.

Zdô! Zdô!…Uống cạn ly đầy rồi ta rót đầy ly cạn, hãy thả hết ưu phiền, lo lắng theo khói thuốc bay ra, tản đi khắp nơi, ai hít nhằm, ráng chịu…cho quen. Đời sống ngày mai chưa biết ra sao, ai chẳng chết một lần, suy nghĩ làm quái gì cho… mệt óc? Hãy tận hưởng hơi men và khói thuốc cho đời thêm hứng thú, ý nghĩa.

Người ngoại quốc đến Việt Nam hiện nay sẽ thấy người dân sống thật vô tư và vô cảm. Đất nước, dân tộc Việt Nam sẽ đi về đâu với chế độ ăn, nhậu, hút hàng ngày và khắp nơi như thế này?

Trước đây, khi người Pháp đô hộ Việt Nam, họ tìm cách dùng rượu và thuốc phiện để ru ngủ, đầu độc người dân, thanh thiếu niên Việt Nam cho dễ bề cai trị.

Ngày hôm nay cộng sản VN lại dùng kế sách này. Người dân tiêu thụ bia, rượu, thuốc lá càng nhiều chừng nào càng dễ quên thực tế hiện tại, quên đi tương lai đất nước, dân tộc, quên đi cuộc sống bấp bênh, quên đi cái họa xâm lăng phương Bắc càng ngày càng rõ rệt…, như thế càng tốt cho chính sách cai trị của chế độ CSVN chừng đó.

© Thạch Đạt Lang
© Đàn Chim Việt

THEO DÒNG SỰ KIỆN:
  1. Người Việt đang ăn uống kiểu “trêu ngươi” thần chết
  2. Người Việt sản xuất rượu lậu gây chết người tại Séc?
  3. Nguyễn Đăng Điệp- Thiên tài biến nước lã thành rượu








No comments:

Post a Comment

View My Stats