Friday, 4 September 2015

Ba nhà thơ tại Úc: từ lưu vong đến xuyên quốc gia (Nguyễn Hưng Quốc)





04.09.2015

Lê Văn Tài, Nguyễn Tôn Hiệt và Phan Quỳnh Trâm có lẽ là ba trong số những gương mặt tiêu biểu nhất trong nền văn học lưu vong và/hoặc xuyên quốc gia Việt Nam tại Úc.

Sinh năm 1943, Lê Văn Tài đến Úc với tư cách một thuyền nhân vào năm 1984. Trước, ở Việt Nam, anh đã là một hoạ sĩ nổi tiếng, có những khám phá về kỹ thuật độc đáo, từng ảnh hưởng lên một số hoạ sĩ cùng thời. Sang Úc, anh tiếp tục vẽ tranh và có nhiều cuộc triển lãm, một mình hoặc với các đồng nghiệp khác, được xem như một tài năng hiếm có, người đã tổng hợp nhiều văn hoá và phong cách khác nhau, từ Trung Hoa, Khmer, Ấn Độ đến Pháp, Nga và Mỹ, từ dân gian đến siêu thực, từ truyền thống đến hiện đại và hậu hiện đại (1). Ở Úc, ngoài việc vẽ tranh, Lê Văn Tài bắt đầu làm thơ. Điều thú vị là những bài thơ đầu tay của anh lại được viết bằng tiếng Anh, thứ ngôn ngữ anh chỉ thực sự học từ lúc rời khỏi Việt Nam vào năm 1981. Thú vị hơn nữa, những bài thơ bằng tiếng Anh ấy lại được giới phê bình Úc đánh giá rất cao. Có thể nói, Lê Văn Tài là nhà thơ thuộc thế hệ thứ nhất trong cộng đồng Việt Nam tại Úc có tác phẩm được đăng tải trên những tạp chí và tuyển tập có uy tín nhất tại Úc. Tuy nhiên, kể từ cuối thập niên 1990, khi Việt, tạp chí văn học đầu tiên tại Úc ra đời, và đặc biệt, từ đầu thập niên 2000, khi Tiền Vệ, tạp chí văn học trên mạng được ra mắt, anh chuyển hẳn từ tiếng Anh sang tiếng Việt. Với quá trình sáng tác như vậy, Lê Văn Tài là nhà thơ đầu tiên, và có lẽ cũng là nhà thơ song ngữ thành công nhất trong cộng đồng Việt Nam tại Úc.

Thơ Lê Văn Tài có hai đặc điểm nổi bật:

Thứ nhất, với tư cách một nghệ sĩ tạo hình, anh làm những bài thơ có những hình tượng đặc sắc và ấn tượng như “bầu trời đẫm máu của buổi chiều” hay “mặt trời tròn vú căng sữa mẹ”. Đặc điểm này có thể được thấy rõ hơn trong những bài thơ cụ thể (concrete poetry) của anh. Có thể nói Lê Văn Tài là người đi xa nhất và tài năng nhất trong thể loại thơ cụ thể này trong lịch sử văn học Việt Nam. Thơ cụ thể của anh không những đẹp trong hình thể mà còn sâu sắc trong ý tưởng, hay nói theo lời Tiến sĩ Mark Stevenson, “làm thay đổi cách nhìn và cách đọc của chúng ta” (2).

Thứ hai, Lê Văn Tài có thể được xem là nhà thơ tiêu biểu nhất, về tài năng cũng như về phong cách, trong cộng đồng lưu vong Việt Nam kể từ năm 1975. Nếu qua hội hoạ của anh, nói theo Arnold Zable, “ranh giới giữa thực và mộng, giữa cái biết và cái không biết, giữa quá khứ Việt Nam và tương lai Úc biến mất” (3), hay nói theo Merrill Findlay, “đưa chúng ta vượt qua khỏi lưỡng cực vốn phân chia “chúng ta” và “họ”, Đông và Tây, Bắc và Nam, tâm trí và vấn đề” (4), thơ của anh, cũng tương tự, nói theo John McLaren, “thách thức các phạm trù quốc gia. Nó là bài hoan ca đối với vùng đất mới nhưng đồng thời nó cũng cắm rễ trong khung cảnh và lao động của quê cũ và luôn luôn nhuốm một vị cay đắng của cảnh lưu đày.” (5) Thơ Lê Văn Tài, dù bằng tiếng Anh hay tiếng Việt, lúc nào cũng chông chênh giữa Việt Nam và Úc, giữa quê gốc và quê mới, giữa quá khứ và hiện tại, giữa hoài niệm và hoài bão, giữa truyền thống và cách tân. Nói theo ngôn ngữ của Homi K. Bhabha, đó là không gian ở giữa hay không gian thứ ba. Lê Văn Tài gọi đó là cõi vô trú xứ, ở đó, anh không ngớt trăn trở về vấn đề bản sắc, một trong những ám ảnh lớn nhất của anh. Anh viết nhiều về bản sắc hơn bất cứ một nhà thơ Việt Nam nào khác. Giống với các nhà thơ Việt Nam lưu vong khác, cái gọi là bản sắc trong thơ Lê Văn Tài gắn liền với quá khứ và truyền thống, nhưng khác các nhà thơ khác, Lê Văn Tài có cái nhìn phê phán hơn là hoài niệm. Giống hầu hết các nhà thơ lưu vong khác, bản sắc của Lê Văn Tài là một sự lai ghép, và giống các nhà thơ hậu hiện đại khác, cái bản sắc này không có sẵn và cũng không cố định như một sản phẩm (product) mà như một sự sản xuất (production) vốn luôn luôn trong tiến trình hình thành nhưng không bao giờ hoàn tất. Nói cách khác, đối với Lê Văn Tài, bản sắc là một sự trình diễn chứ không phải là một bản chất.

Giống Lê Văn Tài, Nguyễn Tôn Hiệt cũng vượt biển và đến Úc với tư cách một người tị nạn chính trị vào năm 1983. Khác với Lê Văn Tài vốn là một hoạ sĩ và làm thơ bằng cả tiếng Anh lẫn tiếng Việt, Nguyễn Tôn Hiệt vốn là một nhạc sĩ và chỉ làm thơ bằng tiếng Việt, sau đó, tự dịch sang tiếng Anh. Tuy nhiên, cả hai đều có một ám ảnh chung: Việt Nam. Nhưng Việt Nam, với Lê Văn Tài, chỉ là một di sản gắn liền với quá khứ và truyền thống, mang màu sắc chính trị và văn hoá, những cái anh cố gắng quên đi hoặc vượt qua; ở Nguyễn Tôn Hiệt, nó là thực tại, trong hiện tại và nặng màu sắc chính trị hơn. Ngoài chính trị, Nguyễn Tôn Hiệt còn một ám ảnh khác: thơ. Trong hai bài thơ “Diễn văn của một nhà thơ” và “Thơ: một cái gì lơ lửng”, anh tiếp cận những vấn đề nòng cốt của thơ như bản chất của thơ và việc đọc thơ, mối quan hệ giữa thơ và nhà thơ, giữa tác giả và độc giả cũng như giữa độc giả và thơ. Đó không phải là những quan hệ tuyến tính đơn giản và rõ ràng. Trong thuật ngữ ngôn ngữ học, một bài thơ không phải là cái được biểu đạt (signified) của những gì tác giả muốn diễn tả và cũng không phải là cái biểu đạt (signifier) được dùng để gửi gắm một thông điệp nào đó. Thơ, thật ra, là một tiến trình ký hiệu hoá (signification) với âm, vần, nhịp, hình tượng và ẩn dụ vốn có đời sống riêng của chúng không phải trên trang giấy mà trong việc đọc. Đọc một bài thơ không phải là để chụp bắt một ý nghĩa ẩn giấu đâu đó trong chữ nghĩa mà là để trải nghiệm bài thơ ấy.

Là một người am hiểu sâu sắc các lý thuyết văn học, Nguyễn Tôn Hiệt hoàn toàn có ý thức về các kỹ thuật mới mẻ đầy tính thử nghiệm trong việc làm thơ. Các bài thơ của anh như chiếc kính vạn hoa của các cách tiếp cận mỹ học. Hình thức và phong cách thơ của anh mới mẻ, thay đổi từ bài này sang bài khác, với chúng, anh được đánh giá là một trong những nhà thơ xuất sắc nhất không những chỉ ở Úc mà còn ở Việt Nam và hải ngoại nói chung.

Trái hẳn với cả Lê Văn Tài lẫn Nguyễn Tôn Hiệt, Phan Quỳnh Trâm sinh vào đầu thập niên 1980, không hề có kinh nghiệm hay ký ức gì về chiến tranh Việt Nam vốn kết thúc vào năm 1975, gần 10 năm trước khi chị chào đời. Chị sang Úc du học và sau đó, chọn Úc làm quê hương thứ hai. Về phương diện kỹ thuật và nghệ thuật, Phan Quỳnh Trâm gần gũi với Nguyễn Tôn Hiệt hơn Lê Văn Tài: Mỗi bài thơ của chị là một thử nghiệm không những trong tư tưởng mà còn trong hình thức. Tuy nhiên, về phương diện ngôn ngữ, chị lại gần với Lê Văn Tài hơn Nguyễn Tôn Hiệt: Chị sáng tác vừa bằng tiếng Anh vừa bằng tiếng Việt. Nhưng trong khi Lê Văn Tài là một nhà thơ song ngữ (bilingual), Phan Quỳnh Trầm là một nhà thơ xuyên ngữ (translingual). Trong một bài phỏng vấn, chị nói:
“Tôi làm thơ bằng cả tiếng Việt lẫn tiếng Anh nhưng tôi phải thú nhận là tôi không có ý định trở thành một nhà thơ song ngữ. Nói chung, tôi không chọn ngôn ngữ trong các bài thơ của mình; các bài thơ ấy tự chọn ngôn ngữ cho chúng. Thỉnh thoảng, một bài thơ xuất hiện trong óc tôi với nhịp điệu hay giọng điệu tiếng Việt và tôi viết xuống bằng tiếng Việt; những lần khác, chúng lại xuất hiện với nhịp điệu và giọng điệu của tiếng Anh và tôi viết xuống bằng tiếng Anh. Tuy nhiên, có những lúc tôi ở một hoàn cảnh khác: sau khi viết xong bằng tiếng Anh hay tiếng Việt, tôi vẫn chưa thấy thoả mãn. Bài thơ đã kết thúc, cấu trúc của nó đã hoàn chỉnh, tôi không thể thêm thắt bất cứ điều gì khác nữa. Nhưng về phương diện cảm xúc hay tri thức, tôi vẫn còn một số điều cần nói thêm. Thế là tôi viết thêm văn bản thứ hai của bài thơ ấy bằng một ngôn ngữ khác. Dường như bài thơ chỉ tự đầy đủ trong cả hai ngôn ngữ, tiếng Anh và tiếng Việt. Trong những trường hợp đó, tôi không dịch các bài thơ của mình. Tôi chỉ viết lại bằng một thứ ngôn ngữ khác. Không phải ngôn ngữ này hay ngôn ngữ kia, mà bằng cả hai ngôn ngữ, bài thơ mới diễn tả hết những gì tôi cảm và nghĩ. Tôi không chắc có một loại đề tài nào đó phù hợp với ngôn ngữ này hơn là ngôn ngữ kia, nhưng đọc lại những bài thơ tôi đã viết, tôi có cảm tưởng những bài thơ tiếng Việt của tôi nặng về cảm xúc trong khi những bài thơ tiếng Anh lại thiên về ý niệm và thường có nhiều trò chơi về thi pháp hơn.” (6)

Có thể nói Lê Văn Tài và Nguyễn Tôn Hiệt, những người đến Úc với tư cách tị nạn chính trị, là những nhà thơ lưu vong, trong khi Phan Quỳnh Trâm, vốn là một du học sinh, là một nhà thơ xuyên quốc gia. Hai khái niệm này, lưu vong (diaspora) và xuyên quốc gia (transnationalism), vốn thường chồng lấp và có thể hoán đổi cho nhau, nhưng theo tôi, chúng vẫn có chút khác biệt ở độ nhấn: khái niệm lưu vong nhấn mạnh đến sự phân tán, xa nguồn cội, phần lớn đầy màu sắc bi kịch, trong khi xuyên quốc gia lại nhấn mạnh đến tiến trình vượt qua các biên giới. Trong tương lai, tôi nghĩ văn học Việt Nam tại Úc sẽ có nhiều tính chất xuyên quốc gia hơn là lưu vong (7).

***
Chú thích:
  1. Merill Findlay, “Redreaming the Earth” in Nguyễn Hưng Quốc (ed.) (2013),Thơ Lê Văn Tài, California: Văn Mới, p. 467.
  2. Mark Stevenson, “Le Van Tai and the Living Page: Review of Waiting the Waterfall Falls”, The Age 15.3.1997; printed in Nguyễn Hưng Quốc (ed.) (2013), op.cit., p. 452.
  3. Arnold Zable, “The Arts of Freedom”, The Age Saturday 15.4.1995; printed in Nguyễn Hưng Quốc (ed.) (2013), pp. 457-8.
  4. Merill Findlay, op. cit., p. 459.
  5. Lê Văn Tài (1996), Waiting the Waterfall Falls, Melbourse: Victoria University, p. xi.
  6. http://phanquynhtram.com/category/about/
  7. Đây là bản tiếng Việt của Lời giới thiệu in trong tập Poems of Lê Văn Tài, Nguyễn Tôn Hiệt & Phan Quỳnh Trâm do Vagabond Press tại Úc xuất bản vào đầu tháng 9, 2015. Chi tiết về tập thơ có thể xem tại link này:http://vagabondpress.net/collections/poetry/products/poems-of-le-van-tai-nguy-n-ton-hi-t-phan-qu-nh-tram








No comments:

Post a Comment

View My Stats