Nguyễn Trần Sâm
07/09/2015
Tiến
trình phát triển của giáo dục VN từ 1975 đến nay có thể chia làm hai giai đoạn.
Giai đoạn 1 kéo dài đến gần cuối thể kỷ XX,
là giai đoạn Cổ Hủ, còn giai đoạn 2, khoảng
thời gian còn lại, là giai đoạn Điên Loạn. Điều đáng sợ là giai đoạn Điên Loạn
vẫn đang tiếp diễn với mức độ điên loạn “tăng dần đều”, và không biết còn kéo
dài đến bao giờ.
Giai đoạn Cổ Hủ, tiếp nối nền GD của VNDCCH, có những
đặc điểm chính sau đây:
1) Những quan chức chi phối ngành GD (trong ngành và
bên trên nó) không chấp nhận bất kỳ đề xuất thay đổi nào (về hệ thống và phương
cách quản lý GD cũng như nội dung GD).
2) Học sinh, sinh viên bị nhồi sọ rất nhiều thứ “ba
lăng nhăng”, không có tác dụng cho công việc sau này và cũng không giúp gì cho
việc làm người, thậm chí còn phản tác dụng, bóp méo nhân cách (ví dụ, những môn
“tư tưởng” này nọ).
3) Nội dung các môn học cần thiết thì lại xa rời thực
tế, học theo lối “học gạo”, không hiểu bản chất và không biết vận dụng vào công
việc và đời sống.
Ngay từ những ngày thuộc giai đoạn đó, đã có những
người hiểu biết và ít nhiều có tiếng tăm lên tiếng vạch ra sự sai lầm và lạc hậu
của nền GD nước nhà và hối thúc nhà nước cho thực hiện những cách tân hợp lý,
nhưng ý kiến của họ hầu không được tiếp thu. Nói đúng ra thì đầu thập niên 1980
đã diễn ra một vài đợt “cải cách” (trong đó có việc quy định viết những chữ cái
cụt), nhưng đó thực sự là những sự bày đặt thuần túy hình thức.
Tuy nhiên, cần nói rằng giai đoạn Cổ Hủ này ít nhiều
vẫn còn giữ được chút ít giá trị truyền thống của GD mà một bất kỳ một cuộc đổi
mới chân chính nào cũng không được phép vứt bỏ.
Cuối thập niên 1990 thì chính các quan chức bắt đầu
hô hào đổi mới. Với hệ thống “chân rết” do họ cài đặt vào các cấp của ngành GD,
những cuộc “cải cách” đã được tiến hành rầm rộ. Được thể, các tầng lớp “nửa
quan chức” mà nhiệm vụ được giao là tái định hình nội dung các môn học và tổ chức
“đổi mới phương pháp giảng dạy”, trong đó số đông là có bằng cấp trên đại học về
“phương pháp giảng dạy” và “quản lý giáo dục”, mở cuộc tấn công ào ạt vào các
“quan niệm cũ”. Và giai đoạn Điên Loạn bắt đầu.
Phải thừa nhận rằng trong việc phê phán các quan điểm
GD cũ có những cái đúng. Chẳng hạn, lối dạy theo kiểu “thầy đọc, trò chép”
đương nhiên là đáng bị chỉ trích và cần loại bỏ. Cái lối áp đặt chân lý vốn được
thực thi trong nhà trường và ngoài xã hội, làm tê liệt ý thức phản biện, cũng cần
chấm dứt. Nội dung các môn học mang tính quá “hàn lâm” cũng cần được điều chỉnh.
Tuy nhiên, có những quan điểm tuy mới và lạ nhưng không thể nào chấp nhận được,
lại đang thắng thế.
Để thay thế lối dạy “thầy đọc, trò chép”, người ta
“tổ chức” cho học sinh “tự phát hiện chân lý”, và những giờ học trở thành không
điều khiển được. (Một kiểu thay thế khác là thay cho “đọc-chép”, các thầy đánh
máy bài học trên máy tính rồi chiếu lên cho trò nhìn chép!). Trong khi phê phán
lối dạy theo kiểu rao giảng, người ta có thái độ cực đoan đến mức đòi bỏ hẳn việc
giảng bài, mà không hề thấy rằng mặc dù nghe giảng là tiếp thu kiến thức cách
thụ động, nhưng nó lại có ưu điểm là truyền thụ được lượng kiến thức lớn gấp
nhiều lần so với để học trò “tự phát hiện chân lý”, kể cả dưới sự hướng dẫn của
thầy. Cùng với việc lên án lối học gạo, người ta còn đòi bãi bỏ hoàn toàn việc
yêu cầu học trò học thuộc lòng. (Nói chung, việc học thuộc lòng mọi thứ là sai
lầm, và viết văn giống như bài mẫu là ngu xuẩn, nhưng với học trò phổ thông, việc
học thuộc lòng những văn bài thơ hay, thậm chí các mẫu phát biểu quy tắc hay định
lý toán học, là thực sự cần thiết cho việc học cách diễn đạt. Hãy thử tưởng tượng
một người muốn cảm thụ cái hay của tác phẩm Truyện Kiều mà không thuộc lấy bất
kỳ một câu “Kiều” nào!)
Trước kia, nền GD hầu như không chú trọng đến việc dạy
cho thế hệ trẻ biết làm người. Đến khi thấy đạo đức xã hội xuống cấp, người ta
bắt đầu hô hào câu khẩu hiệu cũ “tiên học lễ, hậu học văn”. (Nhưng kết quả là
“văn” cũng chẳng thành hình, “lễ” cũng không vực lại được.)
Trước kia, nhà trường chỉ chú trọng nhồi nhét cho
trò một ít kiến thức được gọi là “văn hóa cơ bản” mà không hề quan tâm đến việc
dạy những kỹ năng sống. Ngày nay thì người ta đang rao bán các thứ “kiến thức”
về “kỹ năng sống” và nhấn quá mạnh vào những thủ thuật vặt vãnh mang nhãn hiệu
“kỹ năng sống”, làm như những thứ đó mới là thứ cần thiết nhất cho công việc.
Nhưng nếu tìm hiểu kỹ các thứ “kỹ năng sống” hay “tri thức mềm” đó thì thấy rất
nhiều thứ trong số đó chỉ có lợi cho việc đào tạo những kẻ láu vặt, và kích động,
khuyến khích những ham muốn tầm thường. (Xin hãy tìm hiểu sơ sơ cái cuốn sách
(hay bộ sách?) dạy “kỹ năng sống” của một ông tiến sỹ nào đó mà bộ GD vừa miễn
cưỡng phải quyết định thu hồi vì nó quá ngu xuẩn và nhảm nhí.)
Kết quả của việc tùy tiện “nhảy” từ thái cực này
sang thái cực khác là gì thì hiện nay ai cũng thấy. Đó là một tình trạng nát
bét và chất lượng GD ngày càng kém. Nếu quý vị tìm hiểu tình trạng GD thông qua
giới giáo viên thì càng thấy rõ điều đó. Ở các trường, nhất là phổ thông, các
thầy cô đều ngao ngán vì phải liên tục làm những việc vô bổ và những điều dối
trá để làm ra vẻ GD đang “đi lên”.
Mặt khác, phải nói có những thứ cổ hủ đến mức phản động
lại vẫn chưa bị loại bỏ và có vẻ sẽ còn tồn tại lâu dài. Một trong những ví dụ
thuộc loại này là sự tồn tại của những môn học không liên quan gì đến khả năng
hành nghề của học trò sau này, khi chúng trở thành người lao động, và cũng
không giúp rèn giũa tư cách đạo đức con người. Đó là những “môn học” dạy người
ta nói dối một cách trơ trẽn, rao giảng những giáo điều mà loài người đã vứt
vào sọt rác từ lâu.
Vậy đằng sau cái việc nhảy hết từ thái cực này sang
thái cực khác của hệ thống GD nước nhà là cái gì? Động lực nào làm cho các quan
chức GD say sưa “đổi mới” đến vậy (trong khi vẫn cố bảo thủ những thứ phản động
và lạc hậu)? Phải chăng họ vô cùng tâm huyết với sự nghiệp GD của nước nhà, với
tương lai của dân tộc?
Để định hướng đúng trong việc tìm câu trả lời, hãy
nhớ đến những “đề án” nọ, “dự án” kia với những con số toàn là hàng trăm hàng
ngàn tỉ, trong đó có cái dự án thay SGK mà nếu dư luận không lên tiếng phản bác
dữ dội thì nó đã được thông qua với số tiền mấy chục ngàn tỉ. Ngay cả cái dự án
cải cách tuyển sinh mà năm 2015 đã bắt đầu thực hiện, chắc chắn ngân sách nhà
nước cũng phải chi cho nó hàng ngàn tỉ. (Phải nói là riêng trong chuyện tuyển
sinh thì lập trường của bộ GD chưa bao giờ chuyển sang thái cực ngược lại. Trừ
dăm bảy năm để cho các trường đại học tự lo chuyện tuyển sinh, còn nói chung bộ
GD vẫn “ôm” việc này rất chặt, có nhiều năm còn quản đến cả việc in và bán hồ
sơ tuyển sinh! Chỉ riêng công tác chỉ đạo tuyển sinh, chắc chắn bộ cũng phải
xài mỗi năm hàng trăm tỉ.)
Bài viết này CHƯA đưa ra kết luận rằng lãnh đạo bộ
GD say sưa với việc “cải cách liên tục” vì mờ mắt trước các khoản chi khổng lồ.
Nhưng hãy đặt một câu hỏi: Liệu các đồng chí lãnh đạo “bộ ta” có còn nhiệt tình
cải cách như thế chăng, nếu bắt buộc công khai trước toàn dân các bản quyết
toán thu chi, trong đó cho biết ai lãnh bao nhiêu tiền vào việc gì và trong thời
gian nào? Và trong việc đó, ông bộ trưởng, các vị thứ trưởng, từng quan chức
các cục, vụ được lãnh bao nhiêu?
NGUYỄN TRẦN SÂM
-----------------------------
Chuyện Vũ Thạch Tường Minh và giáo dục VN
.
Vấn nạn
Giáo dục: Nguyên nhân và Hậu quả (Nguyễn
Quang Dy 05/09/2015)
.
.
Trẻ em
và xã hội (Phạm Quang Tuấn -
21/08/2015)
.
.
.
.
.
.
.
.
.
.
No comments:
Post a Comment