Friday, 20 February 2015

Vài suy nghĩ về Câu Lạc Bộ Nhà Báo Tự Do (Caubay Thiem)





08:40:am 18/02/15

3 thành viên của CLB nhà báo tự do bị tù đày

Tháng 4 năm 1975 tôi đang học năm thứ 2 tại trường Đại học Kỹ thuật Phú Thọ tại Sài Gòn thì Cộng sản Bắc Việt chiếm Miền Nam. Những tháng sau đó sinh viên tất cả các trường đại học đều bị huy động vào các “công tác xã hội.” Tôi thuộc vào một toán công tác kiểm tra tài sản của các gia đình bỏ chạy tại Bình Thới, Quận 11, Sài Gòn. Toán trưởng nhóm tôi là một anh bộ đội từ miền Bắc vào. Dáng anh cao cao, mặt mày trông cũng sáng sủa, có vẻ là dân thành thị chứ không đến nỗi ngô nghê như đa số các “anh bộ đội cụ Hồ” khác. Anh lại là người tương đối cởi mở, nhờ vậy những đêm nằm bên anh trong căn nhà vắng chủ, chúng tôi thường “tranh luận” về nhiều vấn đề. Nói tranh luận thì cũng quá đáng, vì lúc đó chúng tôi rất đề phòng những người chiến thắng; đúng hơn tôi thường đặt những câu hỏi có tính thăm dò. Thăm dò “người giải phóng” về những kiến thức hết sức phổ thông, về xã hội Miền Nam và về chế độ “ưu việt” của các anh. Tôi vẫn nhớ một trong những điều “trao đổi” ấy là sự tự do báo chí.

Tác giả Caubay Thiêm ở giữa, bên cạnh là 2 thành viên CLB Nhà Báo Tự Do: Điếu Cày và Uyên Vũ (Ảnh chụp tại California 1/ 2015. Nguồn Facebook tác giả)

Trả lời câu hỏi trong chế độ mới tôi có thể ra một tờ báo tư nhân được không thì anh hỏi ngược lại, “Các cậu muốn ra báo để làm gì?” Rồi thêm:
“Nếu là thanh niên có báo Thanh niên, thiếu niên có báo Thiếu niên, phụ nữ có báo Phụ nữ, công nhân có báo Lao động, nếu là quần chúng nhân dân thì có báo Nhân dân, báo Sài gòn Giải phóng… Tha hồ viết, tha hồ đọc. Đảng ta quan tâm chu đáo cả!”

Nhìn cách anh nói, tôi biết anh thật tình nghĩ như thế và tất nhiên chúng tôi chỉ biết nhìn nhau… cười trừ. Lúc đó chưa đủ gan để… #ĐMCS như các bạn blogger bây giờ! Tôi tin không chỉ riêng anh mà hầu hết người lớn lên tại Miền Bắc đều được giáo dục để mặc nhiên chấp nhận suy nghĩ ấy. Đảng quang vinh, tuyệt vời, thần thánh, là mẹ hiền chăm lo tất cả. Và người dân chỉ việc tuân theo, xếp hàng thứ tự bước đi trong đoàn ngũ ấy mà trong đầu không hề có ý đặt bất kỳ nghi vấn nào. Chế độ độc tài đã biến người dân thành những con cừu. Với chế độ công an trị cùng hệ thống tuyên truyền đồ sộ , đảng Cộng sản đã thành công trong việc quản lý chặt chẽ người dân trong một thời gian khá dài.

Tất nhiên trong chế độ cộng sản vẫn có người nhận ra “sự thật dối trá” ấy nhưng con số không nhiều; ít nhất điều đó đúng khi mạng internet chưa phổ biến. Số người nhận ra sự bịp bợm của “bác đảng” vốn đã ít mà số người dám lên tiếng, dám hành động để phá bỏ sự tuyên truyền độc quyền sai lạc ấy lại càng hiếm hoi.

Trong những người hiếm hoi ấy có anh Điếu Cày và các bạn của anh trong Câu Lạc Bộ Nhà Báo Tự Do (CLBNBTD.)

Anh Điếu Cày có nhiều điểm tương đồng với người bộ đội tôi đã gặp năm xưa. Có lẽ cũng trạc tuổi nhau, cùng là (cựu) bộ đội, dáng người cao cao, nét mặt cởi mở. Chỉ có một điều hoàn toàn khác; đó là quan điểm về một nền tự do báo chí cho nuớc nhà. Thay vì chấp nhận một hệ thống báo chí một chiều do đảng cộng sản quản lý (như anh bộ đội kia), anh Điếu Cày đòi hỏi một nền báo chí hoàn toàn độc lập và vì thế anh dấn thân cùng các bạn thành lập Câu Lạc Bộ Nhà Báo Tự Do vào năm 2007 tại Sài Gòn. Anh đã trả giá cho sự dấn thân ấy bằng nhiều năm tù và cuối cùng bị truc xuất khỏi quê hương.

Các thành viên khác trong CLBNBTD cũng gặp rất nhiều khó khăn, sách nhiễu. Đặc biệt chị Tạ Phong Tần đã và đang chịu đựng những hậu quả hết sức đau đớn. Chị đang ngồi tù và mẹ chị uất ức đến nỗi đã tự thiêu! Đó là những cái giá quá cao cho những người lương thiện yêu tự do, yêu dân chủ. Điều đáng quí hơn là họ vẫn không sờn lòng, vẫn tiếp tục tranh đấu theo con đường đã chọn. Anh Điếu Cày trước đây và chị Tạ Phong Tần hiện nay là những người không khuất phục, không nhận tội do cộng sản gán ghép, dù trong hoàn cảnh khắc nghiệt của nhà tù.

Đấu tranh nhằm giành lại các quyền tự do cho người dân từ tay bọn cầm quyền độc tài luôn luôn là điều khó khăn. Trong đó điều khó khăn nhất là sự hiểu biết của kẻ bị trị, tức là người dân, về các quyền căn bản của con người, là sự nhận biết về các dối trá của kẻ cầm quyền. Sự thờ ơ của người dân trước các vấn đề sống còn của quốc gia một phần lớn cũng do nền giáo dục, thiếu thông tin, hoặc thông tin hời hợt, sai lạc về thực trạng đang xảy ra trên đất nước. Sức phản kháng của người dân đối với bọn độc tài tỷ lệ thuận với những sự hiểu biết ấy. Vì thế, tôi hoàn toàn đồng ý với chủ trương đem thông tin trung thực đến với người dân. Ngày nào người dân được thông tin đầy đủ, dân trí được nâng cao, thì ngày ấy chế độ cộng sản càng bị cô lập. Kẻ cầm quyền độc tài không bao giờ nới lỏng sự toàn trị cho đến khi nào người dân biết đòi những quyền làm người của mình.

Những ngày gần đây tôi có dịp gặp hai thành viên sáng lập của CLBNBTD là anh Điếu Cày và anh Uyên Vũ. Uyên Vũ cũng vừa đến định cư tại San Diego, nơi tôi ở, theo diện tỵ nạn chính trị. Tiếp xúc với họ cho tôi cảm nhận rằng đây là những người hiền hòa, trung thực và rất thiết tha với công cuộc tranh đấu cho một xã hội tự do, công bằng và dân chủ cho Việt Nam.

Để đi tiếp con đường ấy, việc cụ thể mà hai anh hôm nay có thể làm là khôi phục lại CLBNBTD vốn bị gián đoạn một thời gian. Lần này ngoài các bạn cũ, các ủng hộ viên ở trong nước, các anh mở rộng để đón nhận thành viên tại hải ngoại. Trong môi truờng mới còn lạ lẫm, tuy có những thuận lợi như không bị đàn áp khủng bố, nhưng cũng có những khó khăn không nhỏ. Khi còn trong nước hay trong nhà tù cộng sản, hầu như tất cả mọi người, mọi tổ chức đều ủng hộ các anh, đều hết lòng tranh đấu cho sự tự do của các anh; nhưng ngày nay những hoạt động của các anh sẽ được quan sát và phán xét tỷ mỉ hơn. Đó là chưa nói đến những người chưa hoàn toàn tin tưởng, thậm chí có thành kiến ác ý với các anh ở hải ngoại này. Một thực tiễn khó khăn mà CLBNBTD phải vượt qua là tìm sự thông cảm, đồng thuận của mọi người. Tôi có chia sẻ ý này cùng anh Điếu Cày và anh hồn nhiên trả lời rằng, “Nhà tù cộng sản anh còn vượt qua được thì những trở ngại ở đây cũng không lớn lắm!” Tôi ghi nhận ý chí , sự lạc quan của anh và cầu mong anh vượt qua mọi thử thách tuy trong lòng thầm nghĩ rằng những “đòn roi” của người cùng chiến tuyến lắm khi cũng rất nặng nề, đau đớn lắm! Đó là những khó khăn mà tôi tin rằng các anh sẽ gặp phải và cũng chính toa thuốc thử lòng kiên nhẫn và bản lĩnh của các anh.

Khi tôi hỏi đùa là để trở thành một thành viên có cần là một “nhà báo có thẻ” không thì anh Điếu Cày bảo “Là dân báo, báo của mọi người dân. Với một cái laptop, máy ảnh hay smart phone bạn đã có thể đóng góp chia sẻ cùng mọi người về những vấn đề liên quan đến đất nước ở khắp mọi miền.” Nói cách khác, đây là câu lạc bộ của những người cùng nhau chia sẻ thông tin trung thực đến đồng bào một cách vô vụ lợi! Tôi là một nguời viết tự do, không sống bằng nghề báo, cầm bút chỉ vì chút lòng trăn trở với quê hương nên cảm thấy rất gần gũi với những người bạn mới này.

Một mùa Xuân nữa lại trở về! Đây là cái Tết đầu tiên nơi quê người của CLBNBTD, tôi xin chúc các bạn Năm Mới thành công. Chúng ta đến từ các miền khác nhau của đất nước nhưng cùng một giấc mơ. Đó là mơ về một ngày quê hương Việt Nam tự do, dân chủ và không cộng sản!

San Diego, 2-16-2015
© Đàn Chim Việt




No comments:

Post a Comment

View My Stats