18/02/15
Miền
Nam, với những ai yêu dòng nhạc bolero, chắc không thể quên được cái tên Đài Phương Trang, người nhạc sĩ lừng
danh với những ca khúc lừng danh như Hai Mùa Noel, Hoa Mười Giờ, Trái Tim Sỏi
Đá, Người Yêu Cô Đơn… Mùa xuân 2015 này cũng là dịp đánh dấu nửa thế kỷ của một
người viết những bản tình ca Sài Gòn, viết lại những những câu chuyện đô thị đã
là ký ức và nỗi niềm của nhiều thế hệ.
Đài Phương Trang - Phạm
Văn Tứ
Người
dạy sử viết nhạc tình
Khi
có dịp đối diện với nhạc sĩ Đài Phương Trang, nhiều khán giả đã bất ngờ với
dáng vẻ hiền lành và nhỏ nhẹ của ông. Những bài hát tình yêu lâm ly bi đát của
ông đã từng làm rung động các thế hệ yêu âm nhạc ở thập niên 60, 70… dường như
không có chút gì gần gũi với phong cách của ông, khiến ai cũng dễ dàng ngỡ
ngàng thốt lên “Ô, tác giả của Người Yêu Cô Đơn đây sao?”
Không
giống với các nhạc sĩ cùng thời khi chọn âm nhạc như là một sự nghiệp chính,
chàng thanh niên Phạm Văn Tứ (tên thật của nhạc sĩ Đài Phương Trang) lại chọn
nghề thầy giáo môn học Việt Sử là sự nghiệp chính. Âm nhạc đến với anh thanh
niên mê sáng tác này như một sở thích không có chủ đích, nhưng rồi lại bất ngờ
làm nên tên tuổi của anh từ giữa thập niên 60.
Thời
còn đi dạy học ở trường trung học cộng đồng Phú Định, (quận 6 ngày nay), ít ai
tin rằng người thầy giáo có vẻ rất nghiêm nghị ấy, lại là tác giả của những bài
hát mà các cô nữ sinh trong trường cứ chuyền tay nhau chép lời và nghêu ngao
trong sân trường. Ai hỏi thăm, ông chỉ cười cười, không nhận cũng không chối đó
là những tác phẩm của mình. Thậm chí, khi biết chính ông là tác giả của các bài
hát tình yêu thịnh hành đó, các đồng nghiệp cũng phải trợn mắt vì không tin nổi.
Trong suy nghĩ của nhiều người, nghệ sĩ phải là một dạng người phong lưu hoặc rất
giang hồ, chứ đâu lại có kiểu như nhạc sĩ Đài Phương Trang vậy.
Âm
nhạc đến với nhạc sĩ Đài Phương Trang thật tình cờ. Thời thiếu niên lúc đang học
lớp 5, ông luôn bị hấp dẫn bởi một người hàng xóm hay chơi đàn mandolin. Mỗi
khi đi làm về, người đàn ông đó lại ngồi trước cửa nhà dạo lên những khúc nhạc
réo rắt mà có lúc nghe sao thật vui tươi, nhưng có lúc nghe sao lại buồn bã lạ
kỳ. Tâm hồn của một thiếu niên mới lớn bị lay động bởi những điều xao xuyến khó
tả. Chú Mành, tên của người đàn ông đó, cũng chú ý đến thằng bé hàng xóm hay đứng
ở cửa nhìn vào, im lặng nghe hàng giờ không biết chán. Rồi một ngày, chú Mành dừng
tay đàn, ngoắc thằng nhỏ vô, hỏi là có thích học madolin không, thì “về xin tiền
má để mua một cây đờn, qua đây chú dạy”. Điều đơn sơ đó đã dắt tay nhạc sĩ Đài
Phương Trang vào lâu đài của bolero, từ đó về sau. Cho tới giờ này, khi thấy ai
ôm cây đàn nhỏ dây đôi đó, những ký ức đẹp nhất lại hiện về trong trí nhớ của
ông.
Đến
năm học đệ thất, tức đến lớp 6 hiện nay, nhạc sĩ Đài Phương Trang chuyển trường,
và lại may mắn được học với thầy dạy nhạc Trần Anh Tuấn, vốn cũng đang là thầy
giáo của trường Quốc Gia Âm Nhạc và Kịch Nghệ. Âm nhạc với nhạc sĩ Đài Phương
Trang lại được dịp nâng cao và chuyên nghiệp hơn. Ít lâu sau, ông lại học thêm
guitar. Đến năm lớp 11, nhạc sĩ Đài Phương Trang đã là một người chơi đàn hấp dẫn
trong lớp, khiến nhiều bạn trai cùng lứa phải ghen tị, còn các bạn gái thì đi
ngang phải liếc mắt nhìn.
Vang
danh trong bóng tối
Năm
1966 là năm tác phẩm của nhạc sĩ Đài Phương Trang ra mắt, nhưng thực tế, ông bắt
đầu viết nhạc từ năm 1965. Nhắc lại, nhạc sĩ Đài Phương Trang vẫn còn nhớ kỷ niệm
này, khi ông ra mắt tác phẩm viết chung với nhạc sĩ Anh Thy (tác giả ca khúc
Hoa Biển) có tên là Bốn Màu Áo, bút danh khởi đầu là Thanh Viên.
Do
không quen biết ai trong giới sản xuất, những sáng tác của ông cứ nằm trong
ngăn kéo. Người khán giả thưởng thức đầu tiên các bài hát đó không ai khác hơn
là người vợ trẻ của ông. Rồi khi được cả gia đình khuyến khích, nhạc sĩ Đài
Phương Trang tìm cách tiếp cận các hãng đĩa, mong giới thiệu các tác phẩm của
mình. Chọn một ngày nghỉ, ông cưỡi chiếc mobylette của mình đi đến trung tâm
Sài Gòn, kêu ly cà phê ở quán Kim Sơn ở đường Lê Lợi để quan sát tình hình.
Ngày đó, quán Kim Sơn rất nổi tiếng vì là nơi hẹn gặp nhau của danh nhân tài tử
văn nghệ như nhạc sĩ Mặc Thế Nhân, Hoàng Trang, Anh Việt Thu, Thanh Sơn… hơn nữa,
cạnh đó lại có nhà phát hành nhạc bản Minh Phát rất có tiếng.
Tính
tình rụt rè, nên nhạc sĩ Đài Phương Trang cũng không biết bắt đầu từ đâu. May
sao, khi nhìn thấy nhạc sĩ Anh Thy ngồi đối diện đang soạn lại những bài nhạc,
nhạc sĩ Đài Phương Trang bèn lân la hỏi thăm. Cuộc trò chuyện ngẫu nhiên đó, dẫn
đến một tình bạn giữa hai người nhạc sĩ, khiến một ngày nọ, nhạc sĩ Anh Thy bèn
đề nghị hai người cùng viết chung một bài hát làm kỷ niệm. Vậy là bài hát Bốn
Màu Áo ra đời từ đó với ca sĩ Carol Kim là người trình bày đầu tiên. Ngay lập tức,
tác phẩm này được khán giả đón nhận nồng nhiệt.
Nhạc
sĩ Đài Phương Trang kể rằng đó là một kỷ niệm không thể quên. Khi cầm 10 ngàn đồng
phát hành băng nhạc và nhạc bản đầu tiên, ông chưa thể tin nổi rằng mình làm ra
nhiều tiền như vậy. Thời đó, 12 ngàn đồng đã có thể mua được chiếc Honda đỏ đời
đầu, một gia sản với nghề thầy giáo trung học. Khi cầm trọn số tiền làm ra về
đưa cho vợ, ông được vợ “thưởng” lại bằng cách trích số tiền đó để mua cho ông
chiếc đồng hồ đeo tay Seiko-5, tức kiểu đồng hồ thời trang thịnh hành nhất của
thập niên 60.
Giới
nhạc sĩ bắt đầu tò mò về tay tác giả mới có những bài hát ăn khách, không thấy
mặt mũi đâu nhưng lại có nhiều bút danh như Thanh Viên, Phạm Vũ Anh Tứ… Cũng nhờ
việc tò mò đi tìm hiểu mà nhạc sĩ Ngọc Sơn (sinh năm 1934, tác giả Nét Son Buồn,
Nếu Mình Còn Yêu Nhau…) mới phát hiện ra Đài Phương Trang, chính là người cháu
họ của mình, cũng đang bước vào con đường âm nhạc.
Nhạc
sĩ Đài Phương Trang kể rằng những khi ngồi ở hàng quán, nghe người ta bàn tán hoặc
đi trên đường nghe phố phường vang lên những bài hát của mình, ông chỉ biết thầm
mỉm cười. Niềm hạnh phúc âm thầm được công chúng đón nhận là điều khích lệ ông
đi qua hơn nửa đời người với âm nhạc. Do bản tính dè dặt, đôi khi dù được hỏi,
nhạc sĩ Đài Phương Trang cũng ít khoe khoang đó là những thành công của mình.
Đó cũng là lý do vì sao, về sau này, người ta tìm thấy Đài Phương Trang có nhiều
bài hát viết chung với nhạc sĩ Ngọc Sơn (như các bài hát Có Những Đêm Buồn, Màu
Tím Pensée, Hoa Mười Giờ…) thật ra ông giao phó các bài hát của mình cho người
chú lo việc ra ngoài thương thảo với các nhà sản xuất và in ấn rồi để tên
chung, còn mình thì chỉ đi dạy rồi về nhà cắm cúi sáng tác.
Năm
1968, khi nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông gặp mặt chàng nhạc sĩ trẻ Đài Phương Trang,
ông hết sức ngạc nhiên vì đã nghe rất nhiều bài trên đài phát thanh mà nay mới
biết mặt. Lúc đó, nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông đang là giám đốc của nhiều hãng đĩa
nhạc và nhà in như Continental, Ngày Xanh, Sơn Ca… nên đã lập tức mời Đài
Phương Trang cùng cộng tác gửi bài. Tác phẩm đầu tiên nổi lên từ sự cộng tác
này, như bài Biết Ai Tâm Sự với tiếng hát ca sĩ Kim Loan, ngay lập tức cũng trở
thành hit trên thị trường và đài phát thanh lúc bấy giờ.
Hạnh
phúc của người sáng tác không đơn thuần là đứng trên sân khấu để người ta biết
mình. Những ngày mà các bài hát của ông trở thành hit trên làn sóng phát thanh
chiều. Cả gia đình dọn cơm rồi cùng nhau ngồi lắng nghe những bài hát của ông,
cùng bình phẩm, rồi vui cười. Niềm hạnh phúc với âm nhạc của nhạc sĩ Đài Phương
Trang, giản dị là vậy. Mỗi khi nhắc lại, ông vẫn luôn bồi hồi về những kỷ niệm
đó, như chỉ mới vừa qua.
Nửa
thế kỷ nối lời tình ca
Không
ít người thắc mắc về bút danh Đài Phương Trang, có vẻ rất nữ tính của ông. Cùng
với những bài tình ca não lòng ăn khách, ai cũng nghĩ rằng ông có cuộc đời tình
ái hết sức lãng mạn. Vì vậy nên có lời đồn rằng bút danh của ông được ghép lại
từ tên của 3 người tình trong đời.
Nhưng
thật ra không phải vậy. Bút danh đầy ẩn ý này được đặt theo một kỷ niệm thời học
sinh của ông. Khi đó, dù là một tay chơi đàn được các cô trong lớp mến mộ và
xin được nghe, nhưng ông lại ngại ngùng và chỉ đàn khi có các bạn trai yêu cầu.
“Đàn phương trai” là một cách nói lái và làm thành bút danh, với ý nhắc lại kỷ
niệm ngày xưa thời đi học, mà ông vốn vẫn bị mắng là “nhát gái”, chỉ biểu diễn
khi có bạn trai với nhau.
Liên
tục trong nhiều năm của thập niên 60,70 ở Sài Gòn, các tác phẩm của nhạc sĩ Đài
Phương Trang xuất hiện ngày càng thường xuyên và trở thành quen thuộc với người
yêu nhạc. Từ Biết Ai Tâm Sự, Người Quên Kẻ Nhớ đến Tình Yêu Tuyệt Đối, Chuyến
Xe Miền Tây… tên tuổi của ông thật sự trở thành một dấu ấn trong lịch sử âm nhạc
bolero, đặc thù của miền Nam với gia tài
hơn 600 ca khúc. Âm nhạc đã đưa ông bước đến những nẻo đường mới lạ, thay đổi
nhiều trong cuộc sống của mình. Từ anh nhà giáo nghèo lọc cọc với chiếc xe cũ,
nhạc sĩ Đài Phương Trang sắm sửa được chiếc xe Honda Dame, cuộc sống nhẹ nhàng
hơn trong gia đình nhỏ của mình với 3 con nhỏ. Từ một người chơi mandolin trở
thành một nhạc sĩ vang danh… Thế nhưng ông không bao giờ rời bỏ nghề dạy học và
môn Việt Sử mà mình đã chọn. Thầy giáo – nhạc sĩ Đài Phương Trang chỉ về hưu
vào cuối thập niên 90 và sau đó dành trọn thời gian cho việc thể nghiệm sáng
tác nhạc trẻ và các bài ca hài, như kiểu ban tam ca AVT thời thập niên 60, 70.
Giờ
đây, nhạc sĩ Đài Phương Trang cộng tác với nhạc sĩ Xuân Tường, lập thành ban nhạc
để cùng hát, cùng sáng tác và rong ruỗi trên nhiều nẻo đường. Hai mái đầu bạc vẫn
làm xúc động trái tim khán giả trong những khán phòng nhỏ và chia sẻ cảm xúc âm
nhạc thật sự.
Mùa
Noel vừa qua, cũng là dịp kỷ niệm 50 bài hát lừng danh Hai mùa Noel của ông.
Bài tình ca mà gần như đã gắn chặt với hình ảnh của một mùa cuối năm đầy kỷ niệm.
“Mùa Noel đó, chúng ta quen bên giáo đường…”. Khi nhắc về bài hát lừng danh
này, nhạc sĩ Đài Phương Trang vẫn nói rằng mình cứ áy náy khi viết một bài hát
rất buồn, dù đó chỉ là một câu chuyện tình mà ông tưởng tượng. Vì vậy nửa thế kỷ
sau, ông lại cho ra đời bài Hai mùa Noel 2, với nội dung nói rằng những điều
phiền muộn nhất rồi cũng sẽ qua đi, mọi thứ mãi là kỷ niệm đẹp. Bài hát nhân hậu
như chính con người ông, cũng như là một ước ao đẹp chất chứa trong tim, hơn nửa
thế kỷ mới có dịp tỏ bày.
Xuân Tường & Đài
Phương Trang
Kỷ
niệm 50 năm sự nghiệp âm nhạc Sài Gòn, mùa xuân này, nhạc sĩ Đài Phương Trang
cũng vừa giới thiệu phần 2 của bài Người Yêu Cô Đơn, một bài bolero mà ở hang
cùng ngõ hẻm hay nhà tranh vách núi… đâu đâu người yêu nhạc cũng biết, ai cũng
có thể hát nghêu ngao.
Cũng
giống như những bài hát đầu tiên mà ông xuất hiện trên đời sống, nhạc sĩ Đài
Phương Trang lại mời một vài bạn đến nghe ông hát Người Yêu Cô Đơn 2. Tất cả mọi
người im lặng nghe và xúc động. Người nhạc sĩ cất tiếng hát run run để nối lại
một vòng thời gian nửa thế kỷ âm nhạc của mình như một cuộc tái sinh. Và với
tình ca, ông tìm thấy sự tái sinh thầm lặng và quý giá của một đời nghệ sĩ, một
đời hạnh phúc được cống hiến cho lời yêu thương.
No comments:
Post a Comment