Monday, 9 February 2015

Trung Quốc: Bóng ma Cách mạng văn hóa ám ảnh hệ thống tòa án (Rachel Lu - Foreign Policy)





Rachel Lu   -  Foreign Policy
05/02/2015

Dịch từ bài viết: China’s Raises Eyebrows with Sharp Rhetoric on Rule of Law (Tạp chí Foreign Policy, ngày 3/2/2015)

Việc đảng cầm quyền ở Trung Quốc tiếp tục xem tòa án là một công cụ trong tay mình đang làm dấy lên những quan ngại về vị thế trung lập của ngành tư pháp nước này cũng như hoài nghi về những phát biểu nhấn mạnh vai trò của nền pháp trị (rule of law) từ Chủ tịch Xi Jinping (Tập Cận Bình) thời gian qua.

Sự trở lại của “cái cán dao”

Một trong những mối lưu tâm hàng đầu vào thời điểm này của Chủ tịch nước Trung Quốc Xi Jinping là thể chế pháp trị. Bằng chứng là từ sau Hội nghị Trung ương 4 của Đảng Cộng sản Trung Quốc hồi tháng 10 năm ngoái – sự kiện được Xinhua News (Tân Hoa Xã) đánh giá là “bước ngoặt trong tiến trình cải cách chính trị ở Trung Quốc” – vị nguyên thủ quốc gia nước này thường xuyên nhắc đến cụm từ trên trong các bài phát biểu trước truyền thông. Theo số liệu do một trang báo quốc doanh địa phương tổng hợp, ông Xi đã đề cập đến “thể chế pháp trị” tại 27 sự kiện khác nhau từ tháng 11/2012 đến tháng 10/2014. Trong bài phát biểu chúc mừng năm mới vừa qua, chính trị gia 61 tuổi này một lần nữa cũng không quên đưa nó vào thông điệp của mình.

Trước xu hướng trên, nhiều người kỳ vọng Trung Quốc sẽ từng bước tiến đến việc thừa nhận một nhà nước với tam quyền phân lập. Tuy nhiên, phát biểu gần đây của ông Xi Jinping đã dội một gáo nước lạnh vào những hi vọng đó, kể cả những mong muốn dè dặt về một mô hình phân quyền ở mức độ hạn chế. Trong một cuộc họp quan trọng vào đầu tháng Giêng, vị Chủ tịch khẳng định: “Đảng [Cộng sản Trung Quốc] phải luôn cầm chắc cán dao trong tay mình và nhân dân”.

Cho đến nay, đây là lần đầu tiên đương kiêm Chủ tịch nước Trung Quốc sử dụng cụm từ “cán dao”. Dẫu vậy, nếu xét nguồn gốc lịch sử của nó vốn xuất phát từ cố Tổng bí thư Mao Zedong  (Mao Trạch Đông), chỉ một lần nhắc đến của ông Xi cũng đủ khiến dư luận phải xôn xao. Từ năm 1926 – 23 năm trước khi nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ra đời – Mao đã dùng hình ảnh cái cán dao để ấn định chức năng của tòa án và cảnh sát. Kể từ đó, cụm từ “cán dao” được hệ thống tuyên truyền nhà nước cũng như các đảng viên sử dụng suốt thời kỳ Mao nắm quyền, nhằm nhắc nhở tòa án và cảnh sát về nhiệm vụ bảo vệ tầng lớp vô sản chống lại “kẻ thù giai cấp”. Nhưng đến cuối những năm 1970 khi Trung Quốc bắt đầu tiến hành các cải cách kinh tế, thuật ngữ này dần biến mất.

Theo đánh giá từ giới quan sát, phát biểu hồi tháng Một của Chủ tịch Xi Jinping cùng những ồn ào trên báo chí chính thống nhà nước về sự trở lại của hình ảnh cán dao cho thấy rõ đảng cầm quyền hiện tại ở Trung Quốc vẫn xem cảnh sát và tòa án là vũ khí bảo vệ, thay vì những chủ thể thực thi luật pháp một cách độc lập.

Trong một bài viết đăng ngày 20/1 vừa qua, tờ Nhân dân Nhật báo cảnh báo hiện một số người đang kêu gọi bãi bỏ Ủy ban Chính trị và Pháp luật, một cơ quan trực thuộc Đảng Cộng sản Trung Quốc được cơ cấu trong mỗi tòa án với nhiệm vụ đảm bảo tòa án chấp hành chủ trương và chính sách của đảng này. Để củng cố cho những lập luận trong bài, hình ảnh cái cán dao cũng được nhắc đến với mục đích nhắc nhở tòa án và cảnh sát nước này có nghĩa vụ “làm theo đường lối của Đảng trong mọi hoạt động.”

“Trung Quốc sẽ không đi theo mô hình tòa án độc lập của phương Tây”

Theo ông Qian Gang, giám đốc Dự án Truyền thông Trung Quốc (China Media Project) thuộc Đại học Hong Kong, các quan chức đại lục ngày càng có xu hướng cự tuyệt với quan niệm về một hệ thống tòa án không phụ thuộc. Trớ trêu là chỉ mới cách đây vài năm, cũng theo một khảo sát của Qian dựa trên các thông tin từ truyền thông đại lục, phần lớn giới chức Trung Quốc đánh giá việc xây dựng nền tư pháp độc lập là một mục tiêu trọng yếu. Nhưng từ khi Xi Jinping lên nắm quyền, những tư tưởng như nhà nước và quyền lực lãnh đạo cần được giới hạn trong phạm vi hiến pháp[1] hay một nền tư pháp độc lập bắt đầu gặp phải lực cản.
Trả lời trên Nhân dân Nhật báo hôm 7/1, ông Zhang Chunxian – Bí thư khu tự trị Xinjiang (Tân Cương), Ủy viên Bộ chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc – nói: “Chúng ta sẽ không đi theo mô hình ‘tòa án độc lập’ hay ‘tư pháp trung lập’ của phương Tây. Đây là vấn đề cần phải làm rõ.”

Sau phát biểu của ông Xi, lập tức trên các trang mạng xã hội ở Trung Quốc đã dấy lên những quan ngại về mối nguy tiềm ẩn đằng sau hình ảnh ẩn dụ của cái cán dao. Trong đó, những tiếng nói mạnh mẽ nhất đến từ cộng đồng những người cổ vũ cho tiến trình dân chủ hóa chính trị và ủng hộ một nhà nước tam quyền phân lập cùng một nền tư pháp không phụ thuộc.

“Khi dao đã kề cổ thì ai còn dám phản đối?” – Đó là câu hỏi được Ren Zhiqiang, một tài phiệt địa ốc, đăng trên blog Weibo của mình. Cũng trên trang Weibo, nhà văn Xiao Zhonghua viết: “Việc xem cảnh sát như một con dao cho thấy lực lượng này không phục vụ người dân mà chỉ nhằm duy trì nền độc tài bằng bạo lực.” Một người dùng ẩn danh của Weibo chia sẻ: “Lãnh đạo cao nhất của đất nước vừa hồi sinh một cụm từ vốn đã chết mục ruỗng cách đây 50 năm; phải chăng một mùa đông nữa lại sắp về?”

Thắc mắc trên sẽ chưa có lời đáp. Nhưng có một điều chắc chắn, việc Chủ tịch Xi Jinping thường xuyên nhắc đến tính pháp trị của nhà nước xuất phát từ chiến dịch chống tham nhũng mà ông đang mạnh tay tiến hành. Tòa án và cảnh sát là hai nhóm vốn có nguy cơ tham nhũng cao ở Trung Quốc. Chấn động từ những bê bối bị phanh phui về tham nhũng và lạm quyền của cựu Bộ trưởng Công an Zhou Yongkang (Chu Vĩnh Khang) và cựu Bí thư thành ủy Bo Xilai (Bạc Hy Lai) cho đến nay vẫn còn để lại những vị đắng trong dư luận nước này. Bo Xilai hiện đang chấp hành án tù, còn Zhou Yongkang đang bị tạm giam để điều tra. Có thể khi nhắc lại hình ảnh “cán dao”, vị Tổng bí thư họ Xi muốn nói ông dự định sẽ siết chặt sự quản lý của đảng mình đối với ngành tư pháp, sao cho hệ thống tòa án chỉ phục vụ lợi ích của trung ương, tránh tình trạng trở thành công cụ thao túng trong tay một vài cá nhân lũng đoạn.

Dẫu vậy, việc cụm từ “cán dao” được nhắc lại vẫn khơi dậy những ký ức đáng sợ về một giai đoạn u ám trong lịch sử Trung Quốc: thời kỳ mà dưới sự nắm quyền của Mao, hàng triệu người từng bị xem là “kẻ thù giai cấp” và bị hành quyết do có quan điểm chính trị khác biệt. Nếu qua bài phát biểu của mình, Xi Jinping cũng ngầm cảnh cáo những ai đang nuôi ước vọng về một nền tư pháp độc lập khỏi sự kiểm soát của Đảng Cộng sản Trung Quốc, rõ ràng thông điệp của ông đã làm tốt nhiệm vụ của nó.

Chú thích:

[1] Nguyên văn bài báo dùng thuật ngữ ‘constitutionalism’. Người dịch chọn cách giải nghĩa của Tiến sĩ Nguyễn Đăng Dung trong bài viết Chủ nghĩa Hiến pháp và những yếu tố cấu thành. Cụ thể ông định nghĩa: “Chủ nghĩa hiến pháp hay pháp quyền có nghĩa là quyền lực của lãnh đạo và các cơ quan Chính phủ bị giới hạn, và những giới hạn đó có thể được thực hiện thông qua những quy trình định sẵn”. 






No comments:

Post a Comment

View My Stats