Nguyễn Trung Tôn
Đăng ngày: 01.02.2015
VRNs (01.02.2015) – Nhận được tin chị Hồ Thị Bích Khương đã bị chuyển
trại ra Thủ đô Hà Nội từ ngày 16/01/2015, ngày 21/01/2015 tôi và cháu Nguyễn
Trung Đức đã lên đường ra thăm gặp chị. Đường xá xa xôi lại chưa biết rõ họ
giam giữ chị ở K nào của trại giam Thanh Xuân, nên xuống bến xe Giáp Bát, Hà Nội,
chúng tôi bắt taxi để đi cho tiện vì người tài xế nói rằng anh ta biết khu trại
giam đó. Khoảng 11h trưa chiếc xe chở chúng tôi dừng lại tại một ngôi làng thuộc
xã Mỹ Hưng huyện Thanh Oai tp Hà Nội. Bước xuống xe chúng tôi trả 250.000đ tiền
lộ phí. Tôi vào cổng trại giam đưa giấy tờ tùy thân để xin được gặp tù nhân. Một
công an gác cổng trả lời rằng đã hết giờ làm việc buổi sáng, anh ta bảo tôi hãy
đợi tới giờ làm việc buổi chiều. Hai chú cháu đi tìm chỗ ăn và nghỉ trưa, nhưng
khu vực này rất ít quán ăn. Chúng tôi vào một quán nhỏ ăn tạm bát bún và ngồi đợi
cho thời gian trôi đi.
Trong khi ngồi đợi trong quán, cô chủ quán đã cho
tôi biết rằng ở trại giam này không giam giữ các tù nhân nữ, có chăng chỉ có
vài cô bán căn-tin. Nghe nói vậy tôi lại đi về phía cổng trại để hỏi thăm người
gác cổng cho chắc. Chú công an gác cổng cho tôi biết tù nhân nữ tên Hồ Thị Bích
Khương đã được chuyển tới K3 của trại Thanh Xuân, thuộc xã Xuân Dương, huyện
Thanh Oai. Vây là chúng tôi lại phải thuê một người làm nghề xe ôm đưa 2 chú
cháu tới K3 của trại giam. Tới nơi, ngươi chạy xe không đứng đợi chúng tôi mà
anh ta lấy 120.000đ tiền công rồi đi luôn. Tiến về cổng trại, tôi xuất trình giấy
tờ tùy thân, nhưng người gác cổng trả lời rằng tôi không có mối quan hệ gia
đình với tù nhân nên không được vào. Cháu Đức lại quên không mang theo Chứng
minh thư nhân dân nên cũng không được vào. Vây là cả 2 chú cháu lại phải quay về
trong sự thất vọng. Đoạn đường từ cổng trại ra ngã tư Vác rất xa mà lại không
có người nào chạy xe ôm đứng ở đó, rất may là có một người thợ xây đang làm xây
dựng trong khu vực gần trại, thấy chúng tôi đi bộ nên thương tình, anh ta tranh
thủ chở chúng tôi ra ngã tư Vác để bắt xe về bến xe Mỹ Đình. Từ đó chúng tôi bắt
xe trờ lại quê nhà.
Hôm qua ngày 30/01/2015, tôi lại cùng chị Hồ Thị Lan
(chị gái của tù nhân Hồ Thị Bích Khương) và cháu Nguyễn Trung Đức (con trại tù
nhân Hồ Thị Bích Khương) tiếp tục lên đường ra Hà Nội thăm chị Khương. Trên đường
đi chúng tôi có ghé vào nhà Cựu tù nhân lương tâm Phạm Văn Trội để thăm anh,
nhân tiện ăn cơm trưa rồi nhờ anh gọi xe taxi để đi vào trại giam. Tới trại
giam tôi không được vào mà chỉ có chị Lan và cháu Đức vào bên trong thăm gặp chị
Khương. Tôi và người lái xe phải đứng phía ngoài một bốt gác cách cổng trại khoảng
chừng 500m. Sau khi thăm gặp chị Khương xong chúng tôi lại trở về nhà cựu tù
nhân lương tâm Phạm Văn Trội ở huyện Thường Tín, Hà Nội để nghỉ ngơi. Thông qua
lời kể của chị Lan thì hiện tại chị Hồ Thị Bích Khương đã tuyệt thực 15 ngày (kể
từ ngày 16/01/2015 tới ngày 30/01/2015); để phản đối việc trước khi chuyển chị
tới trại giam Thanh Xuân thì trại giam số 5 Yên Định, Thanh hóa đã tịch thu
toàn bộ các giấy tờ, đơn thư mà chị Hồ Thị Bích Khương đã viết để gửi qua trại
giam gửi tới các cơ quan chức năng nhà nước khiếu nại về bản án, cùng với những
chế độ ăn uống sinh hoạt, lao động… ở trong trại giam.
Mỗi khi viết đơn thư gửi đi, chị đều lưu giữ lại một
bản để làm tư liệu chứng cứ về sau. Chắc có thể vì sợ những nội dung đơn thư
này chị Khương sẽ mang về nhà và trực tiếp gửi tới các cơ quan chức năng nhà nước
nên cán bộ trại giam đã cố tình thu giữ lại để phi tang. Không những thế, trại
giam còn không cho chị mang theo những đồ dùng cá nhân và những thức ăn đã mua
dự trữ, ngay cả tiền lưu ký chị cũng không được mang theo. Theo như trinh bày của chị Lan
thì hiện nay chị Hồ Thị Bích Khương rất yếu, gầy và xanh, trong khi nói chuyện
chị không còn đủ sức để nói, thỉnh thoảng chị lại thở dốc lên vì quá mệt. Nhìn
thấy em gái gầy yếu như vậy, chị Lan động viên em mình hãy ăn uống trở lại giữ
gìn sức khỏe để khi ra tù còn có thể đấu tranh, nhưng chị Khương khẳng định rằng
chị sẽ tuyệt thực cho tới khi nào trại giam số 5 Thanh Hóa gửi trả lại cho chị
những gì họ đã thu giữ, nếu không chị sẽ tuyệt thực tới chết.
Sáng nay khi mới khoảng 5h sáng, các chú an ninh huyện
Thường Tín và an ninh Thành phố Hà Nội đã lượn đi lượn lại trước nhà anh Phạm
Văn Trội như muốn tìm kiếm điều gì. Các chú tập trung ngồi ngay cổng trạm y tế
xã có hướng gần đối diện nhà anh Trội để (phóng mắt) vào trong nhà anh Trội.
Khoảng 7h sáng sau khi ăn sáng xong vợ chồng anh Trội lấy xe máy đèo chúng tôi
ra Quốc lộ 1A để bắt xe trở về quê. Vừa mới ra khỏi nhà được một đoạn, mấy chú
an ninh đuổi theo xe của anh Trôi, một chú vượt lên phía trước và hỏi: “Anh đi
đâu mà sớm thế? Anh làm em phải chạy theo.” Anh Trội nói: “Tôi đưa người bạn ra
đường để bắt xe.. Chú đi làm nhiệm vụ à?” Hai xe máy của công an chạy lên trước
không biết có mục đích gì! Anh Trội đi chậm lại và dừng hẳn, khi đi hết địa bàn
mà anh đang bị quản chế. Tôi và cháu Đức xuống xe đi bộ được vài bước thì hai
chú an ninh quay trở lại (Chắc họ thấy anh Trội đã dừng xe để quay về). Một an
ninh dừng xe và hỏi tôi: “Anh đi đâu, lên xe em đưa đi. Tôi nói: “Chú cháu tôi
ra đường để bắt xe thôi, có một đoạn để chúng tôi đi bộ cũng được. Chú an ninh
cứ nằng nặc chạy xe chầm chậm nài: Hai chú cháu lên đây em chở, đi bộ làm gì
cho mệt. Tôi đồng ý lên xe, cả cháu Đức cùng lên, xe chạy khoảng 100m thì tới
Quốc lộ 1A, nơi chúng tôi dự định đứng bắt xe. Chú dừng lại cho chúng tôi xuống
và hỏi: Anh là anh em họ hàng với anh Trội hả? Không tôi là bạn bè thôi! Tôi trả
lời. Mặc dù đã đưa chúng tôi tới nơi bắt xe nhưng chú an ninh cứ đứng đó mãi,
chú lấy điện thoại gọi đi đâu đó. Sau khi biết tôi là người Thanh Hóa, chú nói:
Vậy là em với bác là đồng hương rồi, em ở Yên Định bác ạ. Tôi nói: Vậy hả! Thế
chú là an ninh huyện Thường Tín hay an ninh tp Hà Nội? Chú cười nói: Bác biết rồi
con hỏi em làm gì. Thời tiết hôm nay hơi lạnh lại có thêm mưa phùn làm tôi ướt
hết cả đầu, chú an ninh phải lấy áo mưa ra mặc và đợi tôi bắt xe. Một lát sau
xe đi Vinh tới, chị Lan và cháu Đức lên xe, còn tôi đứng lại để đợi xe về đúng
tuyến huyện quê tôi. Chú an ninh hỏi tôi: Anh không về cùng à? Anh còn đi đâu nữa?
Tôi trả lời, tôi đợi xe khác đi cho thuận tiện. Một lát sau, lại thấy thêm một
chú an ninh khác tới đứng bên cạnh tôi. Chẳng biết tôi gặp anh Trội là chuyện
quá bình thường trong xã hội mà sao các chú an ninh cứ phải lo lắng, canh gác bảo
vệ cẩn thận thế làm gì? Chiếc xe mà tôi đợi đã tới, tôi lên xe về quê, chắc lúc
này các chú mới yên tâm trở về trước nhà anh Trội để tiếp tục làm nhiệm vụ bảo
vệ gì đó trước cổng nhà anh.
Thanh Hóa, ngày 31/01/2015
Nguyễn
Trung Tôn
No comments:
Post a Comment