Friday, 20 February 2015

Thắp Tạ nghĩa là gì? (Đỗ Quý Toàn)





Đỗ Quý Toàn
Wednesday, January 28, 2015 6:01:53 PM

Thi sĩ Tô Thùy Yên. (Hình: AFP)

Bà Tô Thùy Yên, tức là chị Huỳnh Diệu Bích, cũng không giải thích cho tôi hai chữ Thắp Tạ mà chỉ đọc hai câu trong bài thơ anh đề tặng chị:

“Thắp tạ càn khôn một vô tích
Thắp tạ nhân quần một luyến thương.”

Nếu như quý vị chưa thỏa mãn, thì xin trích dẫn thêm vài câu nữa trong bài Thắp Tạ, ngay trước hai câu thơ trên:

“Một mai nàng ra bãi vô định
Nhìn sông đổi lòng, nhìn núi chuyển chân.
Mây bay bay như những vẫy biệt ...
Nàng đứng cho tàn một nén nhang.”

Rồi sau đó là hai câu thơ bắt đầu bằng hai chữ Thắp Tạ. Tôi nghĩ rằng tự các câu thơ đó đã nói đủ. Nếu giải thích thêm nữa sẽ thành vô lễ với độc giả và tác giả. Và sẽ bị người hiểu biết chê cười là chẳng hiểu thơ là cái gì cả.

Một tập thơ, một bài thơ mới đem trình làng cũng giống như là làm bữa ăn đầy tháng cho một đứa con mới sinh. Có ai đi tới dự tiệc mừng mà lại đặt câu hỏi, “Thưa cháu bé là cháu trai hay cháu gái vậy?” Bố mẹ em bé chắc phải trợn mắt lên mà đáp: “Cứ nhìn kỹ thì biết, nhìn không thấy thì mở ra mà coi, hỏi gì nữa?”

Cái ý so sánh một cuốn sách mới với em bé sơ sinh là của thi sĩ Nguyễn Chí Thiện. Ông có mặt chiều Thứ Bảy đó ở phòng sinh hoạt nhật báo Người Việt để bắt tay Tô Thùy Yên. Hai người đều sống ở những nhà tù do cùng một chế độ cai quản, nhưng với các kinh nghiệm khác nhau và cảm xúc khác nhau. Các thi sĩ thật sự thì không ông nào giống bà nào.

Nguyễn Chí Thiện bảo rằng dự một buổi ra mắt sách cũng giống như đi ăn tiệc mừng một em bé đầy tháng. Chúng ta chỉ nhìn những nét nào đẹp nhất của em bé, những nét mạnh mẽ, bụ bẫm, mắt sáng, môi son, chứ không ai nên nhìn vào những chỗ mình không vừa ý cả.

Trong thời gian Nguyễn Chí Thiện một mình chiến đấu âm thầm ở trong nhà tù miền Bắc thì Tô Thùy Yên sống giữa cuộc chiến tranh thật ở miền Nam Việt Nam:

“Nhớ xưa thiên địa dấy binh lửa
Xứ xứ rần lên, người giết người...”

Hoặc là:

“Làng đã cháy, im lìm bất trắc...
Người nhớ người mà cũng sợ người.
Trời ơi những xác thây la liệt
Con ai, chồng ai, anh em ai?”

Những câu thơ đó là những suy niệm về chiến tranh, 20, 30 năm sau khi cuộc chiến đã chấm dứt. Cũng như những câu:

“Đêm trước, đại quân vừa hạ trại. (dấu chấm)
Chiều nay, lều cháy, xác thây phơi.”

Đọc hai câu này thì thấy Tô Thùy Yên rất cổ kính, rất Đường thi, vì chợt nhớ đến những câu thơ của Đặng Trần Côn:

“Kim triêu, Hán há Bạch Đăng thành.
Minh nhật, Hồ khuy Thanh Hải khúc.”
(Đoàn Thị Điểm dịch:
Nay Hán xuống Bạch Thành đóng lại.
Mai Hồ về Thanh Hải dòm qua.)

Rồi sau đó:
“Em về giồng dưới qua bưng gió,
Dạ bời bời, nỗi sậy niềm mây...”

Nghe như những lời ca dao mới cho bà con sông Tiền, sông Hậu sau này quẩy chèo ngâm nga. Tôi nghĩ những ý đó nhưng nghe lời khuyên của Nguyễn Chí Thiện không nói gì với Tô Thùy Yên. Nếu Đỗ Phủ sống qua thời đại này với Tô Thùy Yên chắc cũng nhìn thấy cảnh tiếp theo:

“Xa giá càn dân lấy lối chạy.
Trẻ giữa đường đứng khóc một mình.
Sau cùng có người lính chấp kích
Ra trước ngọ môn mà quyên sinh.”

Tô Thùy Yên đã ghi lại những hồi tưởng về chiến tranh. Một phần tư thế kỷ sau khi chiến tranh chấm dứt.

Trời ơi, những xác thây la liệt,
Con ai, chồng ai, anh em ai?

Nếu quý vị nghĩ đến làm một cái gì để đánh dấu 40 năm kể từ 1975 thì đọc tập thơ mới của Tô Thùy Yên cũng là một cách. Để thắp, tạ. Như thi sĩ viết:

“Thôi, ráng giữ gìn chút nước mắt,
Mai sau nhờ đó nhận ra nhau.
Sẽ mưa, trời sẽ mưa châu ngọc.
Ta sẽ về qua bãi lệ rào.”

Những người Việt Nam dưới lớp tuổi 30, 40 chắc không cảm động vì những lời nhắn gọi “mai sau nhờ đó nhận ra nhau.” Cũng không thể chia sẻ niềm hy vọng bùi ngùi “Sẽ mưa, trời sẽ mưa châu ngọc.”

Trong ngày Thứ Bảy ra mắt tập thơ mới, Tô Thùy Yên nhận xét rằng nếu trải qua một thế hệ mà dân tộc nào không sản xuất được một tác phẩm văn nghệ đáng kể thì dân tộc đó không còn sức sống. Trong 30 năm qua kể ra người Việt Nam ở khắp mười phương cũng đã sản xuất được nhiều tác phẩm đáng kể. Trong đó có những bài thơ của Tô Thùy Yên. Sự kiện có hàng trăm người họp mặt với nhau để chào đón một thi sĩ cũng chứng tỏ tiếng Việt Nam và dòng giống Việt Nam còn đầy sức sống. Các thi sĩ có mấy khi nói chuyện với nhau đâu?

Cũng trong tuần lễ đó, nhật báo New York Times đăng những lời phát biểu của tám thi sĩ người Mỹ về thơ của nước Mỹ bây giờ. Họ đặt câu hỏi là trong 25 năm qua, ông, bà thấy bài thơ nào hoặc tập thơ nào đáng đọc, đáng nhớ nhất đối với chính mình? Có lẽ chúng ta cũng nên tổ chức một diễn đàn để các thi sĩ nói tiếng Việt Nam phát biểu về một câu tương tự.

Một dân tộc, một cộng đồng mà không yêu tiếng nói của mình nữa thì chết.

“Nếu như hoa biết chiều nay rụng
Âu cũng vui mà nở sáng nay.”

Đọc những câu thơ như vậy mà không đem lòng yêu mến tiếng Việt Nam, người Việt Nam sao được?




No comments:

Post a Comment

View My Stats