Friday, 6 February 2015

Quân đội Ukraina cần trang thiết bị hiện đại (RFI / BBC / VOA)





Thanh Hà  -  RFI
Đăng ngày 05-02-2015 Sửa đổi ngày 05-02-2015 14:48

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (phải) gặp Tổng thống Ukraina Petro Poreshenko tại Kiev ngày 5/02/2015.REUTERS/Jim Watson/Pool

Ukraina đang cần được trang bị vũ khí hiện đại. Mỹ và châu Âu đang thảo luận có nên cung cấp vũ khí cho Ukraina hay không. Tuy nhiên có một câu hỏi được đặt ra là Ukraina cần loại vũ khí gì ?

Từ nhiều tháng qua, chính quyền thân phương Tây của tổng thống Porochenko liên tục yêu cầu Âu, Mỹ cấp vũ khí để đối đối phó với các lực lượng nổi dậy thân Nga ở miền Đông Ukraina.

Cho đến tận hôm qua, tổng thống Ukraina vẫn kêu gọi Liên minh Bắc Đại Tây Dương hỗ trợ để chống lại « quân xâm lược ». Pháp và Đức đã lập tức bác bỏ khả năng giao vũ khí cho Ukraina. Mọi hy vọng của Kiev đang hướng về phía Hoa Kỳ. Từ tháng 11/2014 Mỹ đã giải ngân 118 triệu đô la để hỗ trợ cho quân Ukraina, chủ yếu là cung cấp áo chống đạn, một số trang thiết bị y tế và radar cho quân đội nước này.

Vài giờ trước khi tiếp John Kerry, Ngoại trưởng Ukraina Pavlo Klimkine đánh tiếng, quân đội Ukraina đang cần được trang bị những loại vũ khí tối tân để đương đầu với phe nổi dậy được Nga yểm trợ. Ngoại trưởng Ukraina không vòng vo : « Đương đầu với Nga, Ukraina không thể giành được chiến thắng, nhưng Kiev không thể đầu hàng ».

Ông Klimkine nêu lên những khó khăn cụ thể của quân đội Ukraina hiện nay.Đó là quân nổi dậy đã có khả năng theo dõi những trao đổi thông tin của bên quân đội, để từ đó điều chỉnh chiến lược.

Một bản báo cáo độc lập được nhiều nhóm nghiên cứu Mỹ công bố hôm đầu tuần (02/02/2015) kêu gọi Hoa Kỳ cung cấp vũ khí cho Ukraina, trực tiếp hỗ trợ cho quân đội nước này với những phương tiện quan trọng hơn (…) so với những gì đã được thực hiện tới nay (…) kể cả việc cung cấp vũ khí sát thương. Báo cáo nói trên nêu lên khả năng viện trợ quân sự của Mỹ cho Ukraina có thể lên tới ba tỷ đô la.

Cũng bản báo cáo này ghi nhận quân đội Ukraina đang thiếu một cách nghiêm trọng các phương tiện tối tân, từ radar chống pháo tới máy bay không người lái, từ các phương tiện gây nhiễu sóng của đối phương tới tên lửa chống xe thiết giáp.

Trước mắt, các nhà quan sát cho rằng, Washington đang nghiên cứu khả năng cấp tên lửa chống tăng Javelin cho Kiev. Đây là một lại vũ khí lợi hại, đã từng được sử dụng trong thời kỳ chiến tranh Irak hồi năm 2003, để đối phó với loại xe tăng T-72 mà Nga đã trang bị cho quân đội Irak.

Vẫn theo báo cáo nói trên, Hoa Kỳ cũng cần cung cấp hệ thống radar cho quân đội Ukraina để định vị các giàn phóng rocket Grad hiện đang được quân nổi dậy sử dụng rộng rãi. Ngoài ra, quân đội Ukraina cũng rất cần được trang bị máy bay không người lái hay các loại xe tải hiện đại. Tuy nhiên báo cáo của các chuyên gia Mỹ nhìn nhận : bên cạnh việc hỗ trợ về các phương tiện quân sự, quốc tế cũng cần phải tiếp tay với Ukraina về mặt y tế và nhân đạo, do cơ sở y tế của quân đội Ukraina quá yếu kém.

Tóm lại, Kiev cần được Washington trang bị quân sự vào lúc mà quân đội Ukraina hãy còn phải sử dụng những thiết bị có từ thời Liên Xô cũ. Ở phía bên kia, thì quân nổi dậy lại được Nga yểm trở bằng những phương tiện tối tân.

Đối với Hoa Kỳ, quyết định cấp vũ khí cho Ukraina hay không sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quan hệ Mỹ- Nga. Còn đối với bản thân Ukraina, cho dù có thuyết phục được Washington đi chăng nữa, có được trang thiết bị quân sự hiện đại là một chuyện, đào tạo nhân sự để sử dụng được những trang thiết bị đó lại là một chuyện khác. Điều đó đòi hỏi thêm thời gian. Chính vì vậy mà Kiev đang kỳ vọng sẽ thảo luận với Ngoại trưởng Kerry không chỉ thuần túy về vế quân sự mà bao gồm luôn cả vế đào tạo nhân sự và kỹ thuật.

-------------------------------

BBC 
5-2-2015

Tổng thống Pháp Francois Hollande nói ông sẽ tới Ukraine cùng với Thủ tướng Đức Angela Merkel để đề xuất một sáng kiến hòa bình mới.
Ông nói họ sẽ đưa ra một kế hoạch mới trước khi họp với Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Moscow vào thứ Sáu.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry sắp có hội đàm ở Ukraine, trong khi Washington cân nhắc cung cấp vũ khí cho Kiev đánh phiến quân thân Nga.
Ashton Carter, người mà chính phủ Mỹ dự tính cho chức bộ trưởng quốc phòng, trước đó nói ông nghiêng về ý kiến cần bắt đầu cung cấp vũ khí.
Hiện tại Hoa Kỳ mới chỉ hỗ trợ phi sát thương cho Ukraine.

Trong khi đó, Nato chuẩn bị công bố điều mà lãnh đạo khối này gọi là "sự tăng cường mạnh mẽ nhất" trong quốc phòng tập thể của Nato kể từ sau Chiến tranh lạnh.
Tại một cuộc gặp sắp diễn ra ở Brussels, các bộ trưởng quốc phòng Nato sẽ tìm cách trấn an các quốc gia đồng minh ở Đông Âu và ngăn chặn đe dọa của Nga đối với các nước Baltic cùng các nước thành viên Nato trong trường hợp khủng hoảng Ukraine vượt ra khỏi vòng kiểm soát.
Trong kế hoạch của họ có việc thành lập một binh đoàn tiên phong với chừng 4.000-5.000 người. Các đơn vị chủ lực của binh đoàn này có khả năng tiến về phía Đông chỉ cần báo trước hai ngày.
Các trung tâm chỉ huy nhỏ cũng sẽ được thành lập ở Estonia, Lithuania, Latvia, Ba Lan, Bulgaria và Romania.

Nga bác bỏ cáo buộc của Ukraine và phương Tây rằng nước này đang cung cấp vũ khí cho phe ly khai tại miền Đông Ukraine và điều quân qua biên giới.

'Tổng thống quan tâm'

Ông Kerry sẽ gặp Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko và Thủ tướng Arseniy Yatseniuk tại thủ đô Kiev vào sáng thứ Năm 5/2, giờ địa phương.
Nằm cao trên nghị trình là vấn đề cung cấp vũ khí cho Ukraine và các khoản viện trợ khác của Mỹ.
Ông Kerry sau đó sẽ đi Munich để tham gia một hội nghị thường niên về an ninh.

Nhà Trắng cáo buộc Nga là điều khiển một cuộc chiến từ xa ở Ukraine, nhưng lo ngại rằng gửi vũ khí tới đó sẽ gây đối đầu với Nga và làm gia tăng xung đột.
Tuy nhiên, Tổng thống Barack Obama nay đang cân nhắc lại lập trường của mình, cáo buộc Nga là gây căng thẳng lên cao tại các khu vực Donetsk và Luhansk.

Chiến sự gia tăng trong những tuần qua, khiến thỏa thuận ngừng bắn các bên ký hồi tháng Chín gần như tan vỡ.
Hồi đầu tuần, một nhóm quan chức và sỹ quan cao cấp của Hoa Kỳ kêu gọi tăng hỗ trợ quân sự cho Ukraine, bao gồm cả hỏa tiễn chống tăng và thiết xa.
Thứ Ba 3/2 một nhóm thượng nghị sỹ Mỹ cũng kêu gọi ông Obama và Nato "nhanh chóng mở rộng hỗ trợ quân sự cho Ukraine để bảo vệ biên giới chủ quyền của nước này trước sự xâm lăng của Nga".

Chiến sự bùng nổ ở miền Đông Ukraine hồi tháng Tư năm ngoái, quân ly khai chiếm các trụ sở chính quyền sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea.
Hơn 5.000 người đã thiệt mạng trong cuộc xung đột.

------------------------

VOA
05.02.2015

Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry hôm nay họp tại Kyiv với Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko, là người mới đây đã lên tiếng yêu cầu các nước Tây phương cung cấp vũ khí để giúp nước ông chiến đấu chống lại phiến quân thân Nga. Thông tín viên VOA Michael Brown tường thuật.

Chính phủ của Tổng thống Barack Obama cho tới nay chỉ cung cấp viện trợ phi sát thương cho quân đội Ukraine, nhưng các giới chức Mỹ mới đây cho biết họ đang xem xét tới việc cung cấp vũ khí để giúp mang lại một sự kết thúc nhanh chóng hơn cho cuộc xung đột ở Ukraine.

Ông Ashton Carter, người được Tổng thống Obama đề cử để thay ông Chuck Hagel làm bộ trưởng quốc phòng, nói với một ủy ban của quốc hội là ông ủng hộ việc cung cấp vũ khí cho Ukraine.

"Tôi nghĩ rằng chúng ta nên hỗ trợ cho người Ukraine để họ có thể tự vệ. Hiện giờ tôi chưa nói được là bản chất của những loại vũ khí đó là như thế nào, bởi vì tôi chưa tham khảo ý kiến các nhà lãnh đạo quân sự của chúng ta hay các nhà lãnh đạo của Ukraine, nhưng tôi ngã về hướng cung cấp vũ khí cho họ, kể cả các loại vũ khí sát thương."

Mặc dù vậy, ông Carter sau đó cũng nói với ủy ban này rằng những áp lực chính trị và kinh tế đối với Moscow nên tiếp tục là trọng tâm của những nỗ lực của các nước phương Tây nhằm ngăn không cho điện Kremlin hỗ trợ cho các lực lượng nổi dậy ở Ukraine.

Tại Tòa thánh Vatican hôm thứ tư, Đức Giáo hoàng Phanxicô kêu gọi tăng cường sự can thiệp của quốc tế để bắt đầu cuộc đàm phán hòa bình Ukraine. Nhà lãnh đạo Giáo hội Công giáo nói rằng giao tranh giữa những người Cơ đốc giáo là “một vụ tai tiếng.”

"Khi tôi nghe những chữ 'chiến thắng' hay 'đánh bại' tôi cảm thấy một sự đau đớn cực kỳ và một sự buồn rầu vô tả trong trái tim của tôi. Đó không phải là những chữ đúng đắn. Chữ đúng duy nhất là 'hòa bình'. Đây là chữ đúng duy nhất."

Vụ giao tranh mới nhất tại thị trấn Debaltsev do chính phủ Ukraine kiểm soát đã bùng ra thành một cuộc chiến toàn diện giữa lúc vòng đàm phán hòa bình mới nhất nhằm chấm dứt cuộc nổi dậy kéo dài 9 tháng nay dã bị thất bại hồi tuần trước.






No comments:

Post a Comment

View My Stats