Friday 6 February 2015

Phê Bình Văn Nghệ - Về phim "American Spiner" (Nguyễn Đạt Thịnh)





Nguyễn Đạt Thịnh
VienDongDaily.Com - 05/02/2015

Phê bình văn chương và nghệ thuật là nhận xét cái hay, cái đẹp, hoặc nêu lên những khiếm khuyết, vụng về của một quyển sách, một bức tranh, một cuốn phim, một pho tượng, một kiến trúc, và những sản phẩm văn nghệ khác.

Trong số báo phát hành ngày Chủ Nhật mùng 1 tháng Hai 2015, tờ New York Daily News phê bình quyển sách và cuốn phim mang cái tựa 'American Sniper' (Người Lính Bắn Sẻ); tác giả cả quyển sách lẫn chuyện phim là anh người nhái Chris Kyle, và tác phẩm 'Người Lính Bắn Sẻ' được viết theo thể hồi ký -tác giả và nhân vật là cùng một người.

Anh Kyle phục vụ hải quân Hoa Kỳ 10 năm - từ 1999 đến 2009- trong toán Người Nhái 3, thuộc trung đội Charlie; anh được gửi vào chiến trường Iraq 4 lần, mỗi lần trên dưới 1 năm, và tham dự rất nhiều trận đánh gay go trong cuộc chiến tranh không bao giờ chiến thắng.

Trong công tác bắn sẻ, Kyle là người phá kỷ lục bắn chính xác, giết địch quân trong tầm bắn xa đến 1,920 thước. Quân kháng chiến Iraq đặt cho anh cái hỗn danh là Shaitan Ar-Ramadi - tên Ác Quỷ trận Ramadi, và treo giải thưởng 80,000 mỹ kim cho bất cứ ai hạ sát được anh.

Trong quyển Người Lính Bắn Sẻ, anh kể lại chiến công đầu tiên của anh là bắn chết một phụ nữ Iraq, một tay bồng con, tay kia ôm quả mìn chạy đến gần một toán lính TQLC Hoa Kỳ.
Kể lại chiến công cứu sống 40 người chiến binh TQLC đồng đội, thuộc trung đội mục tiêu của quả bom người, Kyle viết, “tôi bắn bà ta - một người đang tự tử- và bắn đứa bé bà bồng trên tay -một nạn nhân sắp bị giết; tôi chỉ làm cho 2 nhân mạng chết sớm hơn nửa phút.”

Câu chuyện tàn nhẫn trên 2 điểm: MỘT LÀ người lính Mỹ bắn một người đàn bà bồng một đứa trẻ; và HAI LÀ anh không có quyền do dự trong hành động đó, hành động giết đàn bà, trẻ con mà anh không muốn làm.

Là một quân nhân, anh phải trình bộ Quốc Phòng bản thảo quyển Người Lính Bắn Sẻ trước khi xuất bản, câu chuyện thương tâm này bị kiểm duyệt bỏ; nhưng lại không bị cắt bỏ trong phim Người Lính Bắn Sẻ vì hãng phim Warner Bros không cần xin sự đồng ý của bộ Quốc Phòng.

Khẩu súng anh sử dụng để bắn xa và bắn chính xác là khẩu .338 Lapua Magnum; thành tích bắn sẻ của Kyle là hạ sát có kiểm chứng 160 địch quân, và hạ sát 255 địch quân khác trong những hoàn cảnh không chính thức kiểm chứng được.

Chê 'Người Lính Bắn Sẻ' là “chưa ổn”, tờ New York Daily News viết, “Quyển sách 'Người Lính Bắn Sẻ' đã viết theo kiểu 'chuyện nhà binh', giờ này lại đến cuốn phim 'Người Lính Bắn Sẻ' trình bày như để ca tụng cuộc chiến tranh Trung Đông, cuộc chiến cũng đã “không ổn” ngay từ phút khai chiến.”

Tờ báo viết tiếp, “Trở lại thời điểm 2003, thời điểm mà Bạch Cung quyết liệt chủ trương việc tấn công Iraq, họ quyết liệt đến nỗi Quốc Hội cũng phải theo, truyền thông cũng phải theo, không ai dám chống lại chủ trương tấn công Iraq, vì chống là không yêu nước. Kinh nghiệm chiến trường như tướng Colin Powell - người lính Mũ Xanh từng phục vụ trên chiến trường Việt Nam- cũng phải cúi đầu trước quyền lực của Dick Cheney; trong lúc ông này chỉ tấn công Iraq cho vui, và tấn công Iraq để làm giầu.”

Tờ New York Daily News không phê bình tác phẩm 'Người Lính Bắn Sẻ', mà lại phê bình cuộc chiến tranh Iraq mà tác giả -anh Kyle- tham dự; Kyle chỉ là một người lính, như hàng triệu người lính Mỹ khác, đã xách súng bước vào chiến trường, mà không hề được góp ý xem có nên tấn công Iraq hay không. Nhiều nhà phê bình khác nhận định tờ New York Daily News đã sai ngay từ căn bản trong việc phê bình tác phẩm 'Người Lính Bắn Sẻ'.

Tác giả quyển sách -anh Kyle- không phải là một chính khách, hoặc một viên chức có trách nhiệm quốc phòng, hay một ký giả, một bình luận gia có quyền và có bổn phận góp tiếng nói trong mọi quốc sách, do đó việc tấn công Iraq đúng hay không đúng, không phải là trách nhiệm của anh.

Trong quân đội, “bắn sẻ” cũng là một chuyên môn, giống như truyền tin, quân cụ, pháo binh, hay thiết giáp, nhưng vì số chuyên viên bắn sẻ quá ít, nên “bắn sẻ” không được coi như một binh chủng. Chuyên viên bắn sẻ tác chiến đơn độc, thường hoạt động ngay giữa vùng địch quân kiểm soát, để chính xác nhắm bắn địch quân - một cấp chỉ huy, hoặc một tên phá hoại sắp châm ngòi nổ một quả mìn để đánh một chiếc thiết giáp, hay giết những người lính tuần đường.

Trong bản tin ngày thứ Hai mùng 2 tháng Hai 2015, đài CNN loan báo cuộn phim 'Người Lính Bắn Sẻ' đã thu được gần $250 triệu sau 3 tuần lễ trình chiếu; hãng phim Warner Bros, cho biết là khán giả vẫn tiếp tục làm đuôi mua vé; và mặc dù có sự cạnh tranh của Super Bowl trong cuối tuần vừa rồi; 'Người Lính Bắn Sẻ' vẫn đạt số thâu $30.8 triệu trong 3 ngày cuối tuần.

Số thu của phim 'Người Lính Bắn Sẻ' đang vượt số thu $216 triệu của “Saving Private Ryan,” cuốn phim chiến tranh ăn khách nhất từ 1990 đến nay.

Jeff Goldstein, phó giám đốc phân phối của hãng phim Warner Bros cho biết phim 'Người Lính Bắn Sẻ' ăn khách tại nhiều tỉnh nhỏ; số thu tại ngoại quốc cũng lên đến $67 triệu -cộng chung lại phim 'Người Lính Bắn Sẻ' đã thu được $316.2 triệu.

Warner Bros hy vọng phim 'Người Lính Bắn Sẻ' có thể đạt đến con số kỷ lục $370 triệu mà phim “The Passion of the Christ,” đã đạt được năm 2004.

Mặc dù đang thành công với đối tượng “giới trẻ Hoa Kỳ”, phim 'Người Lính Bắn Sẻ' bị phản đối tại Iraq, vì cuốn phim nhắc lại giai đoạn đầu của cuộc chiến tranh vô lý, kéo dài đã 12 năm mà vẫn chưa thật hết dây dưa.

Trên 100,000 người Iraq, và trên 4,000 người Mỹ đã bị súng đạn giao tranh giết, và ngay giờ này quân đội Mỹ vẫn phải tiếp tục ủng hộ một giáo phái Iraq chống lại một giáo phái khác.

Chỉ có một rạp tại Baghdad chiếu phim 'Người Lính Bắn Sẻ' nhưng đã phải rút bỏ vì khán giả phản đối cho là cuốn phim nhục mạ người Iraqis.

Anh Ahmed Kamal, một giáo viên 27 tuổi, người Iraq, nhận xét, “cuốn phim ca tụng người Mỹ và coi mỗi người Iraq là một tên khủng bố.” Kamal nói anh tiếc đã bỏ ra vài đồng bạc để ngồi nghe lính Mỹ gọi người Iraqis là “mọi rợ” (savages).

Tờ Washington Post viết, “thành tích chiến tranh và thái độ can đảm của anh Chris Kyle đáng ca tụng, nhưng tạo ra cuốn phim ca tụng anh lại là việc đần độn và một chiều.”

Một chi tiết quan trọng không thấy nhà phê bình nào nêu lên là cái chết của Kyle, 'Người Lính Bắn Sẻ' đã từng đánh trăm trận, từng bắn nổ hàng chục chiếc xe bom, hàng chục người mang bom trước khi người và xe lủi được vào một đoàn quân xa đang di chuyển, hay một tiền đồn chơ vơ giữa biển cát thù hận.

Anh và một người bạn -anh Chad Littlefield- bị anh Eddie Ray Routh, một cựu chiến binh TQLC 25 tuổi, mắc bệnh tâm thần, bắn chết hôm mùng 2 tháng Hai tại một sân tập bắn thuộc quận Erath, Texas.

Mẹ anh Routh nhờ Kyle giúp Routh, và Routh nói với Kyle là anh muốn bắn súng. Kyle từng dùng số tiền bán sách, bán bản quyền điện ảnh để giúp đỡ nhiều cựu chiến binh; lần này anh không thấy có gì đáng nghi ngại trong việc thèm nghe tiếng súng, thèm bóp cò súng của một người bạn đồng đội ngày trước.

Anh rủ Littlefield cùng đi, và 2 người chở Routh ra sân bắn; nhưng lúc nhận khẩu súng từ tay Kyle, anh Routh lại không bắn vào bia, mà quay súng bắn chết cả Kyle lẫn Littlefield, và sẽ ra tòa vào tháng Hai 2015 này.

Trở lại vấn đề phê bình văn học, nghệ thuật, người viết bài bình luận này nghĩ là, nếu ngoài nội dung của quyển sách và cuốn phim 'Người Lính Bắn Sẻ', mà những nhà phê bình vẫn còn thấy cần bàn xa hơn nữa về cuộc chiến tranh Iraq mà tác giả Kyle tham dự, thì việc nên làm là nêu lên và trả lời câu hỏi “tại sao độc giả, khán giả Mỹ vẫn thích loại người hùng kiểu nhân vật Kyle trên chiến trường Iraq?”

Có phải đó là dấu hiệu cho thấy dòng máu chinh phục của những thế hệ “Tây Tiến Đánh Mễ, Chiếm Đất Lập Quốc” vẫn còn trong mạch tuần hoàn của thế hệ trẻ hôm nay không? Hỏi và tìm câu trả lời là việc nằm trên địa hạt văn hóa, trong lúc chỉ trích ông Dick Cheney tạo ra chiến tranh Iraq để trục lợi lại là đề tài cho một bài bình luận thời cuộc nặng về chính trị hơn.

Nguyễn đạt Thịnh


No comments:

Post a Comment

View My Stats