Monday 2 February 2015

Quan hệ chính trị xấu đi, tài sản Alibaba bốc hơi 30 tỷ USD (Lu Chen & Matthew Robertson, Epoch Times)





Lu Chen, Epoch Times & Matthew Robertson, Epoch Times
2 Tháng Hai , 2015

Chủ tịch Alibaba Jack Ma tại lễ khai mạc Hội nghị thế giới Internet ở Ô Trấn, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc hôm 19 Tháng 11 năm 2014. Giá trị vốn hóa thị trường của Alibaba đã bốc hơi 20 tỷ USD hôm thứ năm, ngày 29 tháng 1 năm 2015, sau khi đấu khẩu với một thanh tra Trung Quốc. Mối quan hệ với chính quyền trước đây vốn mang lại nhiều lợi ích thì nay lại đang ngáng đường đối với công ty này. (Fabrice Coffrini / Getty Images)

Alibaba – tập đoàn thương mại điện tử Trung Quốc đã thực hiện IPO (phát hành cổ phiếu lần đầu) lớn nhất trong lịch sử Hoa Kỳ vào tháng Chín năm ngoái – đã bị mất hơn $30 tỷ USD giá trị vốn hóa thị trường trong hai ngày kết thúc phiên hôm thứ Sáu, 30 tháng 1 năm 2015. Việc này xảy ra sau khi họ dính vào một cuộc ẩu đả công khai hiếm có với thanh tra Trung Quốc, một tín hiệu cho thấy vận may chính trị của Alibaba đã xoay chuyển dưới chính quyền điều hành của ông Tập Cận Bình.

Giá cổ phiếu của Alibaba sụt giảm có liên hệ đến khoản doanh thu không được như mong đợi, nhưng việc tranh chấp giữa một công ty lớn của Trung Quốc với chế độ của nó là thực sự hiếm xảy ra ở Trung Quốc, và điều này đã đủ để làm các nhà đầu tư phải sợ hãi.

“Các nhà đầu tư đang hoang mang khi chính phủ Trung Quốc cho rằng Alibaba bán những hàng hóa có thể không phải là hàng thật trên trang web của mình”, Gil Luria, một nhà phân tích tài chính của công ty chứng khoán Wedbush Securities cho biết trong một cuộc phỏng vấn với CNBC. “Tôi nghĩ rằng điều đó gây lo lắng cho các nhà đầu tư ngày hôm qua.”

Ông đã đề cập đến một “bạch thư” công bố vào ngày 28 Tháng 1 bởi Ủy ban Công nghiệp và Thương mại Trung Quốc (SAIC), một trong những cơ quan thanh tra chủ yếu về các công ty Trung Quốc đang niêm yết. Họ chỉ trích Alibaba đã bán hàng giả và thực hiện một loạt các hành vi vi phạm khác. Alibaba kiên quyết phản hồi và có kế hoạch khởi kiện ông Lưu Hồng Lượng – người đứng đầu bộ phận giám sát mạng lưới của SAIC và chịu trách nhiệm về thông báo này – vì đã hạ thấp uy tín của công ty.

Các mối quan hệ chính trị

Mối quan hệ giữa doanh nghiệp và chính trị hiện diện ở mọi nơi trong xã hội Trung Quốc, đặc biệt là trong các công ty cao cấp và lên sàn giá cao. Alibaba có tổng doanh thu 52,5 tỷ nhân dân tệ ( 8,46 tỷ đô la Mỹ) trong năm tài chính kết thúc tháng 3 năm 2014, là công ty thương mại điện tử lớn nhất ở Trung Quốc. Công ty này thường được xem là có giá trị tương đương với cả Ebay, Amazon và Paypal gộp lại.

Ở Trung Quốc, hầu như ai cũng biết một công ty đạt được một vị trí quyền lực như vậy là nhờ những mối quan hệ thân thiết với đúng người trong bộ máy Đảng.

Điều đó tất nhiên cũng có nghĩa là liên minh với không đúng phe phái cũng có thể gây không ít rắc rối.

Alibaba đã bắt tay với ai trong Đảng Cộng sản Trung Quốc?

Cháu trai của cựu lãnh đạo Đảng Cộng sản Giang Trạch Dân là một trong số ấy. Alvin Giang (Giang Chí Thành) và công ty cổ phần tư nhân của ông ta, Boyu Capital, đã hỗ trợ Alibaba mua lại một nửa số cổ phần sở hữu của Yahoo trong Alibaba, mà lúc đó Yahoo đang chiếm 40 phần trăm.

Trong một báo cáo của Reuters năm 2014, Boyu và các tập đoàn đầu tư (bao gồm cả các công ty tài chính liên kết khác như China Investment Corp) đã cùng nhau bỏ ra 7 tỉ USD trong thương vụ này, và đổi lại họ được 5,6% cổ phần trong Alibaba.

Vào thời điểm đó Alibaba có trị giá gần 40 tỷ USD, trong khi vốn hóa thị trường của nó vào ngày IPO là $230 tỷ đô la – tăng gần 600% lợi nhuận cho các cổ đông.

Ông Jack Ma, CEO của Alibaba, đã luôn luôn tin tưởng vào mối quan hệ của ông với các nhà chức trách Trung Quốc, mặc dù ông công khai xem nhẹ tầm quan trọng của nó.

Trong một bài phát biểu tại Đại học Columbia năm 2011, ông Jack Ma đã khuyên Google nên “tôn trọng chính phủ” nếu họ muốn phát đạt ở Trung Quốc. Sau đó, ông ca ngợi những gì ông gọi là sự quyết đoán của Đảng Cộng sản Trung Quốc trong việc tấn công người dân, và nói thêm “Tôi đã bỏ ra rất nhiều thời gian nghiên cứu phương thức hoạt động của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Vì vậy, chúng tôi đang tiếp tục học-nâng cao, học tập và nâng cao”.
Trong một cuộc phỏng vấn năm 2013 với Thời báo Nam Hoa, ông Ma nói rằng quyết định thảm sát sinh viên ở quảng trường Thiên An Môn vào ngày 3 và 4 năm 1989, là “một quyết định đúng đắn nhất”.

Mặc dù vậy, các nhà quan sát chính trị Trung Quốc đang nhìn thấy nguyên nhân gây ra những rắc rối gần đây của Alibaba: các mối quan hệ thân mật với ông Giang Trạch Dân, một ông trùm trong Đảng, thông qua một mạng lưới các đồng minh và thân tín đã phủ bóng đen lên nền chính trị Trung Quốc trong gần một thập niên sau khi ông chính thức từ nhiệm chức Lãnh đạo Đảng năm 2002.

Kể từ khi lên nắm quyền, lãnh đạo Đảng Cộng Sản Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhắm mục tiêu vào các đồng minh của ông Giang trong một chiến dịch chống tham nhũng liên tục, tính đến nay đã được hai năm.

Ví dụ như, ông Chu Vĩnh Khang, chiến lược gia an ninh mới bị thanh trừng, là một đồng minh của ông Giang; cũng như cựu thành viên Bộ Chính trị Bạc Hy Lai, hiện đang ở trong tù. Cả hai đã lên kế hoạch âm mưu nhằm thay thế cơ cấu quyền lực hiện nay của Đảng theo hệ tư tưởng bạo lực chính trị của tân chủ nghĩa Mao.

Ông Từ Tài Hậu, cựu phó chủ tịch Ủy ban Quân sự Trung ương – một vị trí khiến ông trở thành quan chức quân đội quyền lực thứ hai ở Trung Quốc – cũng là một người được ông Giang Trạch Dân bổ nhiệm. Việc thanh trừng ông Từ là một cú sốc đối với giới chính trị ở Trung Quốc. Nó giống như là việc Tổng thống Obama công bố rằng Robert O. Work, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, đã bị kết tội tham nhũng và bị giải đi trong cùng một ngày, và không còn được nghe tin tức gì nữa.

Mức độ mối quan hệ giữa ông Jack Ma và Alibaba với các nhóm chính trị của ông Giang Trạch Dân không rõ ràng, nhưng cùng với việc trợ giúp gây vốn khổng lồ của Boyu, một công ty con của Boyu là Athena China Limited, cũng đã nhúng tay vào trong bảng cáo bạch IPO của công ty. Tài liệu này nói rằng công ty TNHH Athena China, được thành lập ở Virgin Islands của Anh, được kiểm soát bởi công ty TNHH Prosperous Wintersweet, cũng được thành lập ở Virgin Islands, và cũng là một công ty con của quỹ đầu tư Boyu Capital Fund I đăng ký ở quần đảo Cayman.

Các mắt xích lồng vào nhau giữa các công ty khiến người ngoài thấy thật khó biết chính xác những ai sở hữu bao nhiêu của Alibaba.

Tuy nhiên, rõ ràng rằng các thân thích của vị cựu lãnh đạo Đảng Cộng sản có đầu tư tài chính sâu rộng vào Alibaba.

Một công ty đầu tư được điều hành bởi con trai của cựu Thủ tướng Ôn Gia Bảo, Winston Wen (Ôn Vân Tùng), cũng kiểm soát cổ phần trong Alibaba; cũng như quỹ đầu tư tư nhân Trung Quốc Citic Capital, và quỹ đầu tư nhà nước Ngân hàng Phát triển Trung Quốc CDB Capital, mà phó chủ tịch tại thời điểm đầu tư là He Jinlei, con trai của cựu giám đốc chống tham nhũng He Guoqiang, theo Thời báo New York. Sau đó, Ngân hàng Phát triển Trung Quốc CDB, cũng là một công ty nhà nước, đã cho Alibaba vay 1 tỷ USD trong một đợt gây vốn tháng 9 năm 2012 mà Boyu cũng tham gia vào. Trần Nguyên (Chen Yuan), con trai của vị cựu lãnh đạo kinh tế lão thành Trần Vân (Chen Yun), đứng đầu Ngân hàng Phát triển Trung Quốc tại thời điểm đó.

Một công ty Trung Quốc như vậy với một danh sách bao gồm hàng loạt các vị cựu lãnh đạo có lợi ích to lớn trong đó – điển hình là những nhân vật thân Giang Trạch Dân – lại bị đả kích bởi một thanh tra Trung Quốc. Điều đó cho thấy biến động chính trị dưới quyền lãnh đạo của ông Tập Cận Bình đang ngày càng sâu sắc.

Các Bài Cùng Thể Loại

2 Tháng Hai , 2015




No comments:

Post a Comment

View My Stats