Saturday, 14 February 2015

Ông Nguyễn Bá Thanh và những dấu ấn không thể nào quên (Anh Vũ - RFA)





Anh Vũ, thông tín viên RFA
2015-02-13

Ông Nguyễn Bá Thanh, trưởng Ban Nội chính Trung ương Đảng CSVN, nguyên bí thư thành ủy Đà Nẵng, vừa qua đời trưa nay 13.2.2015 tại Bệnh viện Đà nẵng sau một thời gian mắc bạo bệnh và được điều trị bệnh rối loạn sinh tủy ở Singapore, Hoa Kỳ và Việt Nam. Lúc còn sống, ông Nguyễn Bá Thanh là một chính trị gia đã để lại nhiều dấu ấn trong dân chúng.

Bị “kẻ thù” đầu độc?

Trước đó, trang mạng Chân Dung Quyền Lực đã loan tin về tình trạng sức khỏe của ông Nguyễn Bá Thanh và cho rằng ông đã bị đối thủ chính trị của mình đầu độc bằng phóng xạ.
Là một con người năng động, kiên quyết chống tham nhũng, nên ông Nguyễn Bá Thanh đã được lãnh đạo Đảng CSVN thuyên chuyển ra Hà nội giữ chức trưởng Ban Nội chính Trung ương, kiêm phó trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người đứng đầu.

Lúc còn sống và đang công tác, ông Nguyễn Bá Thanh là một chính khách đồng thời là đối thủ của nhiều quan chức lãnh đạo cao cấp trong Đảng. Đó là lý do đã khiến cho dư luận tin rằng ông đã bị “kẻ thù” của mình đầu độc bằng phóng xạ.

Trong thời gian làm bí thư thành ủy Đà Nẵng, ông Nguyễn Bá Thanh đã có công đưa thành phố Đà nẵng trở thành một đô thị phát triển, được người cho là đáng sống, đẹp và hiện đại nhất ở VN, cùng với với nhiều chính sách được lòng dân chúng. Ở cương vị Trưởng ban Nội chính TƯ, ông được người dân kỳ vọng sẽ tác động mạnh mẽ vào công cuộc chống tham nhũng.

Vì thế ông Nguyễn Bá Thanh đã được rất nhiều người dân thành phố Đà nẵng yêu mến và coi như người thân của mình. Bà Trần Thị Mai Hoa ở Thanh khê, Đà nẵng cho biết suy nghĩ của bà về ông Nguyễn Bá Thanh. Bà nói:
“Nói chung thời gian qua ở TP Đà nẵng thì thấy có rất nhiều chính sách rất ưu đãi và còn nhiều các chính sách khác mà ông ấy đã làm, ví dụ như giúp dân rồi là đưa những người tài giỏi về phục vụ cho Đà nẵng,  nói chung là nhiều lắm. Những đời trước cũng có nhiều người làm chủ tịch, cũng làm nọ kia, nhưng mà thấy họ không làm được như ông ấy, ông ấy đã làm được rất nhiều việc. Cho nên bây giờ mình thấy rất là buồn, cả lo lắng nữa, tức là coi ông ấy như người thân trong gia đình mình.”

Tuy vậy, sự phát triển của thành phố Đà nẵng dưới thời lãnh đạo của ông Nguyễn Bá Thanh cũng đã làm cho vô số người đã lâm vào cảnh mất đất, mất nhà, không công ăn việc làm thậm chí còn phải đi ăn xin để sống.

Một cựu chiến binh lão thành trên 80 tuổi từng tham gia 2 cuộc chiến tranh ở VN nói với RFA về những điều mà theo ông này là những việc làm ‘khổ dân’ trong thời ông Nguyễn Bá Thanh làm lãnh đạo Đà Nẵng. Ông nói:
“Theo tôi nghĩ những kẻ tham nhũng, đồng tình ăn đất thì nói ông Nguyễn Bá Thanh đúng. Còn những người mất đất, mất nhà phải đi kiện như chúng tôi thì ông Nguyễn Bá Thanh chẳng qua là kẻ làm khổ dân.
Về sự phát triển Đà Nẵng, trước đây khi ông Thanh tiếp dân tôi phát biểu trước ông ta rằng nếu tôi được cho quyền như ông: lấy đất của dân đền 19 nghìn 300 đồng rồi đem bán 7 triệu đồng một mét (vuông) thì tôi làm cũng được chứ không đợi gì ông Thanh. Tôi già hơn 80 tuổi vẫn làm được chuyện đó chứ có gì khó đâu. Lúc đó tôi nói trước mặt ông Thanh chứ có nói sau lưng ông ta đâu và ông làm thinh.
Thành phố Đà Nẵng nay khang trang, đẹp đẽ hơn trước năm 75 nhưng của là của ai? Dân bây giờ còn gì đâu: bao nhiêu người thất nghiệp, bao nhiêu người không có công ăn việc làm, bao nhiêu người không có mảnh đất cắm dùi như tôi. Nếu đừng lấy 3000 mét đất khai hoang phục hóa của tôi thì tôi có đầy đủ chứ có phải đi xin ăn đâu!”

Giải tỏa Giáo xứ Cồn Dầu

Việc chỉ đạo giải tỏa Giáo xứ Cồn Dầu, một khu vực có 100% giáo dân ở Đà nẵng, đặc biệt là vụ việc khi giáo dân giáo xứ Cồn Dầu quyết chôn một giáo dân trong nghĩa trang của giáo xứ vào tháng 5/2010, đã bị chính quyền Đà Nẵng ra tay đàn áp khốc liệt. Đã khiến cho 1 người thiệt mạng sau đó, 6 người bị truy tố và nhiều người dân phải bỏ trốn sang Thái lan đã khiến cho dư luận phẫn nộ.

Một giáo dân Giáo xứ Cồn Dầu đề nghị giấu danh tính cho biết, tình hình căng thẳng trên đã khiến cho các giáo dân ở đây rơi vào tình trạng hoảng sợ, lo lắng. Ông nói với RFA:
“Hắn làm cho người dân bây giờ rất hoảng sợ, thứ nhất là vấn đề áp lực, thứ hai là người ta cũng có một nguyện vọng rất chính đáng từ khi bắt đầu công việc giải tỏa. Vì đây là một giáo xứ tôn giáo (Công giáo) hết, có cuộc sống tổ tiên ở đây từ hơn 135 năm, họ có một ước muốn rất chính đáng. Vậy tại sao giáo dân ở đây phải mất nhà, mất đất, mất đi đời sống kinh tế của họ, buộc họ phải đi nơi khác, nơi không phải là quê hương của họ?
Hơn nữa, đi đến nơi khác thì họ làm gì để sống? Mà nếu chấp nhận 2 điều kiện đó thì ít ra người ta còn tình quê hương, tôn giáo của họ. Nếu buộc người dân phải đi nơi khác, không có nơi thờ phượng, mà đất này lại bán cho những người không tôn giáo được ở trên đất này, như vậy giáo xứ này có tồn tại được hay không?
Điều đó là một vấn đề quan tâm đối với họ, nhưng cái quan trọng nhất là người ta sống bằng cách nào và dùng phương tiện gì để đi nhà thờ nhà thánh? Khó cho các cụ già và rất khó khăn cho các em thơ.”

Đáng chú ý nhất là sau khi ông Nguyễn Bá Thanh được đưa từ Hoa Kỳ trở về VN, thì truyền thông nhà nước đã đưa tin ông còn khỏe, thậm chí theo lời của Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Thân Đức Nam cho biết ông Nguyễn Bá Thanh nói với ông rằng "Tau khỏe mà có chi mô". Vậy mà chỉ sau hơn một tháng trở về VN ông Nguyễn Bá Thanh đã nhanh chóng qua đời, trong biết bao sự đồn đoán khác nhau.

Ông Nguyễn Bá Thanh mất đi cùng với bao nhiêu dự án và những vấn đề ông còn đang ấp ủ, đặc biệt là vấn đề chống tham nhũng trong bộ máy của Đảng và Nhà nước. Tiếc rằng, với cơ chế kiểm soát và điều chỉnh quyền lực như ở VN hiện nay, thì những người như ông Nguyễn Bá Thanh có muốn cũng không có khả năng làm gì hơn được. Có chăng chỉ là sự mua thù, chuốc oán và mang vạ vào thân. Tuy nhiên ông cũng đã để lại trong dân chúng ở VN nhiều dấu ấn, như sự kiện Giáo xứ Cồn Dầu đã gắn chặt với tên tuổi của ông Nguyễn Bá Thanh.




No comments:

Post a Comment

View My Stats