Sunday, 1 February 2015

Hồng Kông : Biểu tình lớn đầu tiên kể từ phong trào dân chủ mùa thu (Trọng Thành - RFI)





Trọng Thành  -  RFI
Đăng ngày 01-02-2015 Sửa đổi ngày 01-02-2015 17:25

Tuần hành vì dân chủ tại Hồng Kông, 01/02/2015.  Reuters/Tyrone Siu

Hôm nay 01/02/2015, hơn hai tháng sau các cuộc biểu tình lớn tại Hồng Kông, lần đầu tiên những người tranh đấu dân chủ lại xuống đường. Theo báo chí địa phương, khoảng 2.000 cảnh sát được huy động để giữ gìn trật tự. Ban tổ chức thông báo 13.000 người tham gia biểu tình. Cảnh sát đưa ra con số 6.600 người có mặt vào lúc khởi đầu cuộc tuần hành. 

Giương cao những chiếc ô màu vàng – biểu tượng của phong trào đòi dân chủ - những người biểu tình tuần tự đi qua các đường phố chính ở trung tâm thành phố. Họ yêu cầu một « cuộc bầu cử dân chủ thực sự » trong đợt bỏ phiếu bầu người đứng đầu đặc khu hành chính Hồng Kông năm 2017.

Những người sáng lập phong trào « Chiếm giữ Trung tâm » (Occupy Central) như Benny Tai, cùng các lãnh đạo sinh viên như Joshua Wong (Hoàng Chi Phong), đều có mặt trong cuộc tuần hành. Những người tổ chức hy vọng khoảng 50.000 người tham gia hôm nay.

Theo các nhà quan sát, cuộc tuần hành này là một trắc nghiệm trong cuộc đối đầu giữa phong trào dân chủ với chính quyền đặc khu và Bắc Kinh. Cảnh sát Hồng Kông đe dọa can thiệp để chống lại mọi ý định « chiếm giữ trung tâm ». Về phần mình, các đại diện phong trào biểu tình cũng tuyên bố hoạt động này không phải là chủ trương của những người tổ chức.

Cuộc tuần hành hôm nay xảy ra sau biến cố ngày 24/01/2015, khi các sáng lập viên phong trào biểu tình đòi dân chủ Occupy Central cho biết họ bị câu lưu với tội danh « tổ chức và tham gia tập hợp trái phép », nhưng không bị truy tố. Họ đã được thả sau 3 giờ tạm giam.
Những người đấu tranh vì dân chủ Hồng Kông liên tục đối đầu với chính quyền từ nhiều năm nay, để đòi quyền tự do lựa chọn người lãnh đạo thành phố. Lần đầu tiên chính quyền Bắc Kinh chấp nhận bầu cử theo nguyên tắc phổ thông đầu phiếu đối với đặc khu hành chính Hồng Kông, tuy nhiên cử tri Hồng Kông phải lựa chọn người lãnh đạo trong số các ứng cử viên được Bắc Kinh chấp thuận.

Nhà bình luận Sonny Lo (Lô Triệu Hưng), trưởng Bộ môn Khoa học Xã hội Viện Giáo dục Hồng Kông, nhận xét : « Cuộc biểu tình hôm nay cho các công dân (Hồng Kông) thấy rằng động lực dân chủ không chết và phong trào sẽ tiếp tục ». Tuy nhiên, ông Sonny Lo cũng cảnh báo người biểu tình rằng các cư dân Hồng Kông đã kiệt sức và nhiều người hy vọng phong trào không có những hoạt động quá đà. Theo ông Sonny Lo, « mọi người đã khá mệt mỏi về chính trị. Những nhà tranh đấu cần phải suy nghĩ một cách thận trọng về chiến lược hành động » trong bối cảnh nhiều cư dân Hồng Kông có một thái độ « thực dụng về chính trị ».

Theo các nhà quan sát, ngoài phong trào đòi bầu cử dân chủ mùa thu vừa qua, xã hội Hồng Kông – một cựu thuộc địa của Anh Quốc – đã khá quen thuộc với các cuộc xuống đường lớn, như cuộc tuần hành phản đối một điều luật về an ninh năm 2003, hay các cuộc biểu tình hàng năm tưởng niệm cuộc thảm sát Thiên An Môn ngày 4 tháng 6 năm 1989.

-----------------------

BBC
1 tháng 2 2015
Những người biểu tình vì dân chủ ở Hong Kong tiếp tục yêu sách đòi 'bầu cử hoàn toàn tự do' ở thành phố này.

Hàng ngàn nhà hoạt động ủng hộ dân chủ đã trở lại các con phố của Hong Kong tham dự cuộc diễu hành lớn đầu tiên của họ kể từ khi các cuộc biểu tình đông đảo diễn ra hồi năm ngoái.
Thế nhưng số lượng người biểu tình hôm 01/2/2015, vốn được các nhà tổ nói đạt mức 13.000, trong khi cảnh sát cho rằng chỉ bằng một nửa con số đó, tỏ ra thấp xa so với các cuộc biểu tình trước đó.
Yêu sách chính của những người xuống đường lần này là một cuộc bầu cử hoàn toàn dân chủ nhằm chọn ra nhà lãnh đạo của Hong Kong.
Một số lượng đông đảo cảnh sát đã hiện diện để ngăn chặn người biểu tình chiếm giữ những khu vực quan trọng của thành phố.
Nhưng những người biểu tình đã không lặp các vụ chiếm giữ đường phố như trước đây vốn đã làm chia cắt và tê liệt nhiều nơi ở Hong Kong trong suốt hơn hai tháng liền, năm ngoái.

Nhiều người phản đối chính quyền Hong Kong nói họ không chấp nhận 'ứng viên' lãnh đạo do Trung Quốc chọn.

'Rà soát ứng viên'

Năm ngoái, các cuộc biểu tình Chiếm đường phố đạt đỉnh cao với sự tham dự của hàng chục ngàn người từ tất cả các tầng lớp xã hội.
Sau đó, đã diễn ra nhiều cuộc đụng độ bạo lực với cảnh sát, và cuối cùng các trại của người biểu tình đã bị tháo dỡ hồi tháng Mười Hai.
Một nhà tổ chức của cuộc tuần hành mới nhất, Daisy Chan, nói với tờ Bưu điện Hoa nam Buổi sáng (South China Morning Post) rằng mặc dù số người xuống đường thấp hơn mong đợi thì:
"Nó chỉ càng cho thấy rằng người Hong Kong không còn hài lòng với những phương thức biểu tình, phản đối thông thường" và có nhiều người đã đề xuất "những cách thức mới nhằm gây áp lực với chính quyền".
Những người biểu tình đã được khoảng 2.000 nhân viên cảnh sát theo dõi, ngay sau khi họ bắt đầu diễu hành đi qua các khu phố mua bán hạng sang của thành phố cũng như các khu tài chính.
Trung Quốc đã hứa hẹn có bầu cử trực tiếp ở vùng lãnh thổ bán tự trị này vào năm 2017, thế nhưng nhà cầm quyền Trung Quốc lại phán quyết rằng các các ứng cử viên phải được Bắc Kinh rà soát, chọn lựa.
Các nhà lập pháp ủng hộ dân chủ, những người nắm giữ khoảng 40% số ghế trong Hội đồng Lập pháp của Hong Kong, đã mạnh mẽ phản đối động thái này.
Nhà cầm quyền đã lên tiếng hôm Chủ Nhật nói 'các cuộc biểu tình' nối lại cũng như trước đây là 'do các thế lực thù địch' nước ngoài 'giật dây', theo phóng viên của BBC từ Hong Kong.

Nhà cầm quyền lên tiếng nói các cuộc biểu tình nối lại cũng như trước đây là do 'các thế lực thù địch nước ngoài' giật dây.

----------------------------







No comments:

Post a Comment

View My Stats