Thursday, 5 February 2015

Giá dầu thô sụt giảm, Bắc Kinh tiến thoái lưỡng nan (Nguyễn Văn Huy - Thông Luận)





Được đăng ngày Thứ tư, 04 Tháng 2 2015 19:11

Giá dầu thô đã không ngừng sụt giảm từ hơn 7 tháng qua buộc những cường quốc kinh tế và quân sự phải điều chỉnh lại chiến lược phát triển năng lượng, đặc biệt là Trung Quốc, một quốc gia có chung thềm lục địa với Việt Nam.

Vì có chung thềm lục địa với Việt Nam, Biển Đông là hàn thử biểu đo lường tham vọng về năng lượng của Trung Quốc trong hiện tại và trong tương lai.

Chiến lược phát triển năng lượng của Trung Quốc

Cho đến cuối thập niên 1990, nhu cầu tiêu thụ xăng dầu của Trung Quốc không nhiều, nguồn dầu thô nội địa như mỏ dầu Đại Khánh cũng đủ đáp ứng nhu cầu trong nước. Nhưng bước vào thiên niên kỷ thứ ba, nhu cầu tiêu thụ xăng dầu của Trung Quốc đột ngột gia tăng, do tăng trưởng kinh tế quá nhanh trong khi những mỏ dầu trong nước ngày càng cạn kiệt (250 triệu thùng/năm, khoảng 16% lượng dầu tiêu thụ trong nước). Trung Quốc phải nhập khẩu thêm gần 60% trong tổng lượng dầu thô tiêu thụ trong nước từ Trung Đông và trở thành quốc gia tiêu thụ dầu lớn thứ hai trên thế giới (10,8 triệu thùng/ngày, khoảng 4 tỷ thùng/năm) sau Hoa Kỳ (18,9 triệu thùng/ngày) và cũng là quốc gia đứng đầu thế giới về lượng dầu nhập khẩu (tương đương với 40% tổng số dầu xuất khẩu trên toàn thế giới).

Nhưng Trung Đông là một khu vực đầy bất trắc và tuyến đường vận chuyển cũng không an toàn. Xây dựng những ống dẫn dầu khí từ Trung Đông, Nam Á hay Siberia đòi hỏi một kinh phí rất lớn và phải mất nhiều năm mới hoàn thành và cũng không chắc gì được an toàn. Do đó hoạch định một chiến lược phát triển năng lượng ổn định là một chiến lược lâu dài mà Bắc Kinh bắt buộc phải làm để tồn tại và giữ vững đà phát triển kinh tế.

Ngày 19/11/2014, Bắc Kinh ban hành "Kế hoạch hành động chiến lược phát triển năng lượng 2014-2020". Đây là một mệnh lệnh chỉ đạo các cấp chính quyền từ trung ương đến địa phương, từ trong nước ra hải ngoại, phải thực hiện cho bằng được những nhiệm vụ chiến lược và cách thực hiện.

Kế hoạch này có 5 nhiệm vụ chiến lược chính, đó là : 1/tăng cường năng lực đảm bảo tự chủ năng lượng, 2/thúc đẩy cách mạng tiêu dùng năng lượng, 3/ưu việt hóa kết cấu năng lượng, 4/mở rộng hợp tác quốc tế năng lượng và 5/thúc đẩy sáng tạo khoa học kỹ thuật năng lượng. Để thực hiện, kế hoạch đã ra lệnh cho các bộ ngành, các khu vực cần phải từng bước đi sâu cải cách thể chế năng lượng, kiện toàn và hoàn thiện chính sách năng lượng, các bộ ngành, làm tốt công tác kiểm tra, giám sát và tổ chức thực hiện.

Trong 5 nhiệm vụ chiến lược kể trên, nhiệm vụ 1 và 4 là quan trọng nhất và có liên quan không nhiều thì ít đến Việt Nam.

Nhiệm vụ 1 : Tăng cường năng lực đảm bảo tự chủ năng lượng, nghĩa là phải tìm những nguồn năng lượng thay thế như nguyên tử, thủy điện, đá phiến, mặt trời, quạt gió, khí méthane… Nhưng quan trọng nhất vẫn là dò tìm nguồn dầu khí ngoài khơi Biển Đông mà những kỹ sư Trung Quốc nắm vững kỹ thuật khai thác và nhất là ở cạnh lãnh thổ Trung Quốc.

Nhiệm vụ 4 : mở rộng hợp tác quốc tế năng lượng, nghĩa là ký kết những hợp đồng khai thác dầu khí chung, như tại Venezuela, Châu Phi và Việt Nam, và những ống dẫn dầu khí từ nơi sản xuất đến tận Trung Quốc, như từ Iran, Myanmar và Siberia.

Hiểu rõ hai nhiệm vụ này, người ta sẽ không ngạc nhiên khi Bắc Kinh tìm mọi cách để dò tìm và khai thác dầu thô trên Biển Đông, bất chấp chủ quyền của các quốc gia liên hệ.
Đối với Việt Nam, chiến lược phát triển năng lượng của Trung Quốc không phải mới đây, nó bắt đầu từ cuối thập niên 1990 và được cụ thể hóa từ năm 2000. Chiến lược này thể hiện qua hai văn bản : hiệp ước biên giới  đất liền 1999 và hiệp định phân định Vịnh Bắc bộ năm 2000.

Và gần đây hơn là hai Tuyên bố chung Trung Quốc - Việt Nam ngày 21/06/2013 tại Bắc Kinh và Tuyên bố chung Việt Nam - Trung Quốc ngày 15/10/2013 tại Hà Nội, theo đó :
"Hai bên nhất trí dựa trên nguyên tắc dễ trước khó sau, tuần tự tiệm tiến, gia tăng cường độ đàm phán của Nhóm công tác về vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ, vững bước thúc đẩy đàm phán phân định vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ và tích cực thúc đẩy hợp tác cùng phát triển tại vùng biển này, trong năm nay khởi động khảo sát chung tại vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ, sớm xác định khu vực và lĩnh vực hợp tác để thực hiện nhiệm vụ đàm phán của Nhóm công tác về vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ. Hai bên hoan nghênh Thỏa thuận sửa đổi liên quan tới Thỏa thuận thăm dò chung trong khu vực thỏa thuận ngoài khơi trong Vịnh Bắc Bộ được ký kết giữa doanh nghiệp hữu quan hai nước, nhất trí mở rộng diện tích khu vực thỏa thuận, kéo dài thời hạn thỏa thuận, cùng nhau thúc đẩy hoạt động thăm dò chung đối với cấu tạo dầu khí vắt ngang đường phân định trong Vịnh Bắc Bộ sớm đạt được tiến triển tích cực".

Nếu áp dụng đúng nội dung hai Tuyên bố chung này, phía Trung Quốc phải đưa giàn khoan vào vùng biển Việt Nam từ cuối năm 2013 chứ không phải chờ đến tháng 5/2014 giàn khoan Haiyang Shiyou 981 mới được đưa đến để thử nghiệm dò tìm. Chỉ những ai không đọc hay không hiểu nội dung hai Tuyên bố này mới bày tỏ sự phẫn nộ chủ quyền bị xâm phạm, nhưng những người trong cuộc (ban lãnh đạo hai Đảng Cộng sản Việt Nam và Trung Quốc) đều lặng lẽ để vụ việc tiến hành.

Năm 2014 đã qua đi và năm 2015 đang tiến đến. Trên nguyên tắc, phía Trung Quốc phải đưa thêm giàn khoan vào Biển Đông dò tìm dầu khi nhưng cho đến nay, mặc dù mùa bão trên Biển Đông đã qua đi, Bắc Kinh vẫn chưa điều động giàn khoan nào đến công tác. Cái gì đã xảy ra ?

Chưa sẵn sàng hay vì lý do gì khác ?

1. Lý do "chưa sẵn sàng" không đúng vì, theo công ty Dịch vụ xử lý thông tin hàng hải, gọi tắt là IHS Maritime (Information Handling Services), của Hoa Kỳ thì các công ty, từ Tập đoàn dầu khí xa bờ quốc gia Trung Quốc (China National Offshore Oil Company, gọi tắt là CNOOC) đến các nhà cung ứng dịch vụ nhỏ hơn đều đã mua thêm tàu và giàn khoan để khai thác xa bờ trong năm 2014, nhiều hơn bất kỳ năm nào kể từ năm 2010 và nếu không có gì trở ngại sẽ còn đặt mua thêm vô số tàu và giàn khoan trong những năm sắp tới.

Đặc biệt trong năm 2014, CNOOC đã đặt đóng một giàn khoan lớn hơn HYSY-981 (Việt Nam gọi là HD-981) với tải trọng 30.000 tấn để đưa xuống phía nam Biển Đông khai thác vào năm 2016, dưới tên gọi Haiyang Shiyou 982. Giàn khoan này có thể hoạt động ở độ sâu hơn 1.500 m và có thể chịu được sóng lớn và giông bão. Bên cạnh đó, nhiều giàn khoan có quy mô tương đương giàn khoan nước sâu 981 cũng được lên kế hoạch đặt hàng. Việc này cho thấy Bắc Kinh đang đẩy nhanh việc tăng cường thiết bị cho kế hoạch khai thác dầu ngoài khơi, và tăng cường các tàu bảo vệ, mạo hiểm hơn ở vùng nước giàu tài nguyên Biển Đông. 
Đơn đặt hàng tàu và giàn khoan dầu trong năm 2014 đạt tổng cộng 126.300 tấn, gồm nhiều tàu cho hoạt động xa bờ lớn, như tàu kho nổi (FPSO), tàu sà lan, tàu công trình định vị nước sâu, tàu đặt ống nước sâu, tàu công tác nước sâu, tàu địa vật lý, giàn khoan tự nâng ở vùng nước nông và trung bình, giàn nửa chìm ở vùng nước sâu, tàu nghiên cứu dư chấn ở vùng nước sâu và tàu hậu cần. Đây rõ ràng là sự triển khai chiến lược năng lượng có tầm vóc lớn nhất thế giới nhằm chiếm toàn bộ vùng Biển Đông.

Một nỗ lực song song với việc triển khai các giàn khoan là sự gia tăng số tàu tuần duyên nhằm tăng cường sức mạnh cho lực lượng bảo vệ lãnh hải, cải thiện công tác bảo vệ nguồn tài nguyên biển, bảo vệ quyền lợi biển. Năm 2014, lực lượng này đã được tổ chức lại với việc sáp nhập những tàu cảnh sát biển, tàu đánh cá và các cơ quan luật biển đã có sẵn thành một đơn vị gồm hơn 100 tàu. Bên cạnh đó, lực lượng này đã đặt đóng mới 40 tàu và dự kiến nhận 15 tàu khác trong năm 2014. Đây là một đội tàu chiến kinh tế để bảo vệ những giàn khoan ngoài khơi Biển Đông và Hoa Đông.

Nói chung, Bắc Kinh đã bằng mọi cách tìm nguồn năng lượng dầu khí mới để thay thế những mỏ dầu nằm sâu trong nội địa đang cạn dần và sẵn sàng triển khai "hạm đội" dầu khí ra Biển Đông để khai thác. Sự triển khai này nhắm hai mục đích : Một là giúp Trung Quốc thêm khả năng và phương tiện để khai thác nguồn dầu thô có trữ lượng khoảng 11 tỷ thùng dầu, và nguồn khí đốt nằm sâu dưới đáy biển với khoảng 190.000 tỷ m3. Hai là thực hiện "giấc mơ Trung Hoa", nghĩa là thu tóm một vùng lãnh thổ rộng lớn trong đất liền (9,6 km2) cũng như ngoài biển cả (3,5 triệu km2) vào tay Bắc Kinh.

Số lượng tàu đặt hàng của Trung Quốc tính theo tổng tải trọng (trái) và sản lượng dầu của CNOOC từ năm 2010. Đồ họa: The Australian

2. Vậy chỉ còn "vì lý do gì khác". Lý do khác ở đây chỉ giản dị là sự sụt giá dầu thô trên toàn thế giới. Sự tụt giá này đã vượt ra ngoài mọi dự đoán chiến lược.Chỉ trong vòng hơn 7 tháng, giá dầu thô đã từ hơn 100 USD/thùng (tháng 07/2014) xuống dưới 50 USD/thùng (01/2015).

Sự sụt giảm này đã làm đảo lộn mọi dự đoán trong chiến lược phát triển năng lượng của Trung Quốc vừa được ban hành giữa tháng 11/2014. Bắc Kinh buộc phải đình chỉ các chính sách phát triển liên quan năng lượng để xét lại.

Tại Biển Đông, kinh phí mà Bắc Kinh đã bỏ ra để đầu tư vào những đại công trình khai thác (giàn khoan) và hỗ trợ khai thác (đội tàu bảo vệ) đều được tính toán trên giá dầu thô ở mức 100 USD/thùng, nghĩa là rất cao, với hy vọng sẽ được khấu hao sau khi tìm và khai thác được trữ lượng 7 tỷ thùng dầu dưới đáy biển trong một thời gian dài. Trước viễn ảnh lạc quan đó, chỉ riêng hai tập đoàn dầu khí quốc doanh lớn của Trung Quốc là CNOOC (China National Offshore Oil Company-Tập đoàn dầu khí xa bờ quốc gia Trung Quốc) và Công ty Dịch vụ dầu mỏ Trung Quốc (COSL-China Oilfield Services Limited) sẽ đầu tư 30 tỷ USD cho các dự án nước sâu trong 20 năm (2009-2029). 

Cũng nên biết giá trung bình của một giàn khoan nửa chìm nước sâu, như HD-981, gần 1 tỷ USD (970 triệu USD cộng thêm chi phí điều hành), giá một giàn khoan tự nâng khoảng 250 triệu USD. Đó là chưa kể chi phí mua kỹ thuật thăm dò và khai thác vùng nước sâu mà CNOOC phải trả cho công ty Nexen Canada với giá 15,8 tỷ USD. Khi tìm thấy được mỏ dầu, phải kể thêm chi phí xây dựng hạ tầng cơ sở để đặt ống hút và bơm dầu cũng rất cao. Thêm vào đó là những chi phí về xăng dầu, vật liệu và nhân sự điều hành "hạm đội" bảo vệ giàn khoan. Chỉ riêng một giàn khoan HD-981 trong vùng biển Việt Nam thôi đã có 6 tàu chiến, 40 tàu cảnh sát biển, hơn 30 tàu vận tải và tàu kéo, 34-40 tàu đánh cá bọc thép, 1 tiêm kích cơ Su-27, 1 máy bay do thám Shaanxi Y-8 đi theo hộ tống trong suốt thời gian hoạt động. Và khi tranh chấp chủ quyền trở nên gây cấn, lực lượng tàu ngầm chắc chắn sẽ được điều vào để răn đe hay làm áp lực. Số tiền mà Bắc Kinh bỏ ra cho mỗi công tác dò tìm phải tính bằng trăm tiệu USD hay một vài tỷ USD, nói chung là rất tốn kém.

Trong giả thuyết lạc quan nhất, nếu tìm được mỏ dầu thô trên Biển Đông đúng tiêu chuẩn để khai thác, mỗi giàn khoan phải sản xuất ít nhất 40.000 thùng mỗi ngày với giá trung bình từ 70 đến 75 USD/thùng thì mới huề vốn. Thấp lớn sẽ lỗ nặng.

Từ hơn bốn năm qua, những công ty dầu khí lớn của Trung Quốc đã chi ra nhiều chục tỷ USD để đầu tư vào hạm đội dầu khí Biển Đông và chưa thu được một USD nào về, một lo âu lớn.

Với giá dầu thô sụt giảm dưới 50 USD/thùng như hiện nay, Bắc Kinh đang chần chừ chưa quyết định đưa giàn khoang nước sâu và đoàn tàu bảo vệ vào Biển Đông dò tìm dầu khí vì quá tốn kém. Những dự đoán trong 6 tháng tới cho biết giá dầu thô sẽ đứng yên dưới 50 USD/thùng, chiến lược phát triển năng lượng của Trung Quốc bắt buộc phải được xét lại.

Xét lại chiến lược phát triển năng lượng

Một cách tổng quát, từ năm 2009 đến nay các công ty Trung Quốc đã bỏ ra hơn 130 tỷ USD để mua lại tích sản trong lĩnh vực dầu khí ở nước ngoài và tiếp cận các nguồn tài nguyên và các nguồn cung cấp để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước.

Ngoài ra Ngân hàng Trung ương Trung Quốc còn cho các quốc gia sản xuất dầu mỏ bất ổn về chính trị như Venezuela, Iran, Libya, Nigeria, Sudan và Nam Sudan vay những khoảng tiền lớn để bảo đảm sự lệ thuộc. Rõ ràng đây là một canh bạc đầy bất trắc. Riêng tại Libya năm 2012, phía Trung Quốc đã mất trắng 20 tỷ USD sau cuộc nổi dậy chống Khadafi và không có hy vọng gì lấy lại được số tiền đã bỏ ra. Tại những nơi khác, những công ty khai thác dầu của Trung Quốc đang rất khốn đốn trước nạn khủng bố và bắt cóc người đòi tiền chuộc tại các quốc gia sản xuất dầu thô như Ethiopia, Angola, Cameroon và Nigeria ; số phận của hơn một triệu công nhân Trung Quốc tại Châu Phi rất là bấp bênh. Một vài quốc gia còn đòi các công ty dầu khí Trung Quốc bổi thường thiệt hại như Gabon (400 triệu USD), hay đình chỉ vô thời hạn sự khai thác như Tchad.

Tại Venezuela, từ năm 2009 Bắc Kinh đã chi 16 tỷ USD để đầu tư khai thác nguồn dầu khí ngoài khơi Biển Caribbean, nhiều giàn khoan Haiyang Shiyou tự nâng đã được mang đến để khai thác. Giá dầu thô trung bình sản xuất ra là 80 USD/thùng. Nhưng từ khi giá dầu thô sụt giảm, Venezuela yêu cầu phía Trung Quốc đầu tư thêm 20 tỷ USD để cứu vãn công nghiệp dầu khí đang phá sản. Tổng cộng gần 40 tỷ USD đã bỏ ra nhưng phía Trung Quốc chưa thu về được bao nhiêu thùng dầu. Venezuela là quốc gia cung cấp dầu mỏ lớn thứ 7 cho Trung Quốc với khoảng 524.000 thùng/ngày. Điểm bất lợi của Venezuela là chi phí vận chuyển khá cao và phải điều động rất nhiều tàu chở dầu lớn.

Từ sau khi chiếm bán đảo Crimea hồi tháng 3/2014 và bị thế giới phương Tây cô lập, Nga tìm đến Trung Quốc bán dầu khí để cân bằng ngân sách. Tháng 5/2014, Tập đoàn dầu khí quốc gia của Trung Quốc (CNPC-China National Petroleum Corporation) đã ký kết với Tập đoàn khí đốt Gazprom của Nga một thỏa thuận khí đốt thế kỷ trị giá 400 tỷ USD trong 30 năm để cung cấp 30.000 tỷ m3 khí đốt. Bắt đầu từ năm 2018, Gazprom sẽ cung cấp cho Trung Quốc 38 tỷ m3 khí đốt/năm qua những ống dẫn sẽ được xây dựng tử Siberia vào Trung Quốc trong năm nay. Phấn khởi trước hợp tác chiến lược năng lượng mới này với Nga, Bắc Kinh đã cho ra đời "Kế hoạch hành động chiến lược phát triển năng lượng 2014-2020" như đã nói. Từ sau khi ký hợp đồng hợp tác với Nga, các công ty dầu mỏ lớn của Trung Quốc đã chi ra gần 100 tỷ USD để thanh toán trước cho công ty Rosneft của Nga. Nay với giá dầu thô giảm dưới 50 USD/thùng, cả Nga lẫn Trung Quốc đều bối rối vì những điều khoản trong hợp đồng hợp tác khí đốt dựa trên giá dầu thô 100 USD/thùng.

Bên cạnh đó, Trung Quốc cố gắng truy tìm những nguồn năng lượng mới trong nội địa để giảm chi phí nhập năng lượng từ nước ngoài. Năm 2012, khi Hoa Kỳ tuyên bố sẽ khai thác năng lượng từ đá phiến (schiste), giới lãnh đạo Trung Quốc cũng đã bỏ ra hàng trăm triệu USD để đầu tư và khai thác. Sau hai năm dò tìm, tổng sản lượng khí đá phiến tìm thấy ở Tứ Xuyên chỉ sản xuất khoảng 30 tỷ m3/năm, tương đương với 0,5% nhu cầu năng lượng trên toàn quốc. Kế hoạch này bị bỏ rơi vì không mang lại hiệu quả mong muốn.

Trước sự sụt giảm của giá dầu thô, chiến lược xanh hóa ngành năng lượng của Trung Quốc cũng đang khựng lại vì lý do tiền bạc và hiệu quả. Phát triển năng lượng xanh rất tốn kém và cần một thời gian dài sử dụng mới thấy hiệu quả, đó là những nhà máy điện hạt nhân thế hệ mới, những đập thủy điện cao áp, tạm năng lượng mặt trời, trạm điện sử dụng sức gió… mà các công ty Trung Quốc chưa có kinh nghiệm sản xuất và điều hành. Trong khi chờ đợi một tương lai năng lượng tươi sáng hơn, Trung Quốc tiếp tục sử dụng than đá để cung cấp 40% nguồn năng lượng trên cả nước, mặc dù vẫn biết là nguy hại đến sức khỏe con người và hủy hoại môi sinh.

Suy cho cùng, dầu mỏ vẫn là nguồn năng lượng rẽ hơn năng lượng xanh và sạch hơn than đá mà Bắc Kinh buộc phải theo đuổi cho dù phải đầu tư với những giá rất cao. Bắc Kinh không chỉ đầu tư trực tiếp vào những phương tiện và công cụ khai thác dầu mà còn chi ra những khoảng tiền khổng lồ để xây dưng một lực lượng quốc phòng bảo vệ các nguồn dầu khí.

Phát triển công nghiệp quốc phòng chỉ vì dầu khí

Chỉ cần nhìn lại chiến lược quốc phòng của Trung Quốc từ hơn 30 năm trước mới thấy quyết tâm truy tìm năng lượng dầu mỏ của Bắc Kinh. Trong bốn hiện đại hóa mà Đặng Tiểu Bình đưa ra từ năm 1978 trong các lãnh vực nông nghiệp, khoa học và công nghệ, hiện đại hóa quốc phòng được coi là tốn kém nhất và không thể thực hiện trong ngắn hạn, trong đó hai lực lượng chiến lược là hải quân và không quân cần được ưu tiên phát triển. Với hai lực lượng này, Trung Quốc có thể làm chủ được Biển Đông, nơi có trữ lượng dầu thô và khí đốt lớn mà nền công nghiệp Trung Quốc rất cần để duy trì đà phát triển kinh tế.

Từ 25 năm trở lại đây, các công ty quốc phòng của Trung Quốc đã không ngừng bỏ tiền mua bản quyền, trang thiết bị quốc phòng hiện đại, và nhất là kêu gọi chuyển giao kỹ thuật. Với những cố gắng phi thường, hai lực lượng hải và không quân của Trung Quốc ngày nay được xếp vào hạng tiên tiến nhất, nhưng với một giá rất đắt (hàng ngàn tỷ USD) trong một mục tiêu duy nhất : làm chủ vùng biển phía đông (Bắc Hải, Đông Hải và Nam Hải), bảo vệ những kho dự trữ xăng dầu chiến lược và đường ống dẫn dầu khí vào trong nội địa.

Hiện nay lực lượng hải quân của Trung Quốc được xếp hạng nhì thế giới, sau Hoa Kỳ, với một hàng không mẫu hạm (Liêu Ninh) khá lỗi thời, 14 khu trục hạm (destroyer) đủ loại, 28 khinh hạm (frigate) đủ loại, 35 tàu hộ vệ tên lửa (corvette), 119 tàu tên lửa (guided missile boats), 5 tàu ngầm trang bị đầu đạn nguyên tử, 8 tàu ngầm năng lượng nguyên tử tấn công, 54 tàu ngầm điện-diesel và 37 tàu đổ bộ đủ loại. Trong tương lại, lực lượng hải quân sẽ còn phát triển thêm hơn nữa với những tàu chiến đa năng và hiện đại hơn, đủ để tranh hùng với các cường quốc hải quân khác, đặc biệt là Hoa Kỳ, Nhật Bản và Ấn Độ trên các đại dương. Tranh hùng ở đây không có nghĩa là tranh tiếng mà là tranh giành những khu vực có tiềm năng dầu khí ngoài khơi.

Về không quân, Trung Quốc cũng có trên 1.000 máy bay tiêm kích đang còn hoạt động, trong đó có hơn 600 tiêm kích đa nhiệm vụ hiện đại nhất thế giới, hơn 330 máy bay ném bom đủ loại, khoảng 20 máy bay tiếp nhiên liệu trên không, gần 500 máy bay vận tải, hơn 800 trực thăng… Với lực lượng này, không quân Trung Quốc đủ khả năng răn đe những quốc gia trong vùng nhỏ bé hơn.

Làm chủ một lực lượng hải và không quân lớn và hùng hậu như vậy rất là tốn kém, không những về trang thiết bị mà cả về nhân sự và đào tạo (hơn phân nửa ngân sách quốc phòng dùng để trả lương). Hơn nữa cuộc chạy đua vũ trang giống như chạy trên một đường dài không có đích đến, nghĩa là đổ tiền vào một thùng không đáy, không biết bao nhiêu mới đủ.

Xây dựng thêm những kho trữ dầu chiến lược

Để phòng hờ những tình huống bất ngờ có thể xảy ra gây trở ngại cho sự phát triển kinh tế, Bắc Kinh đã bỏ ra nhiều khoảng tiền lớn để xây dựng những kho trữ dầu chiến lược (SPR-Strategic Petroleum Reserve) trên khắp lãnh thổ. Ngày 18/12/2007, Trung tâm dự trữ dầu mỏ quốc gia Trung Quốc được chính thức thành lập để xây dựng những kho dự trữ trong 15 năm gồm 3 giai đoạn : Giai đoạn 1với một tổng khả năng dự trữ lên đến 16,4 triệu m3 (103 triệu thùng), tương đương với 10 ngày tiêu thụ. Giai đoạn 2 bắt đầu từ năm 2012, với khả năng dự trữ 170 triệu thùng. Giai đoạn 3 dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2020 với 500 triệu thùng dầu dự trữ, tương đương với 90 ngày tiêu thụ. Ước muốn là một chuyện nhưng thực hiện được hay không là chuyện khác, vì chi phí xây dựng các khi dự trữ rất tốn kém và phần lớn không ở gần vùng bờ biển và hải cảng lớn.

Khuyết điểm của các kho trữ dầu này là phải thường xuyên thay đổi lượng dầu dự trữ, nghĩa là phải thường xuyên bơm ra và nhập vào lượng dầu mới chứ không thể để nguồn dầu dự trữ nằm vô thời hạn trong kho. Hiện nay tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc đã chậm lại, nhu cầu tiêu thụ xăng dầu cũng giảm theo, các công ty dầu khí Trung Quốc đang tìm cách cân bằng lượng dầu nhập và xuất từ các kho dự trữ. Vấn đề là khối lượng dầu nhập vào với giá 100 USD/thùng, nay giá dầu đã giảm xuống dưới 50 USD/thùng, các công ty dầu khí phải bán ra theo giá thị trường nên đã lỗ nặng. Hơn nữa khi giá dầu vừa giảm, các công ty dầu khí của Trung Quốc đã liền mua thêm để trữ nên khi giá dầu giảm xuống 50 USD/thùng, các kho dầu đều đã đầy nên không thể mua thêm vì nhu cầu trong nước không tăng. Chỉ lỗ và lỗ lớn.

Kết luận

Trước sự sụt giảm dầu thô như hiện nay, nếu phải làm một bản kết toán giản lược về những số tiền đã bỏ ra và những hiệu quả mang vào từ việc dò tìm, khai thác và tồn trữ dầu khí, chính quyền và những công ty dầu khí quốc doanh Trung Quốc đều lỗ nặng. Hàng ngàn tỷ USD đã bỏ ra đã chỉ thu về được vài chục tỷ. Đây là một bài toán lỗ lã không có lời giải an toàn. Và như kiếp tằm giăng tơ, Bắc Kinh phải tiếp tục bằng mọi cách tìm cho ra những nguồn dầu khí mới để bù đắp những khoảng chi tiêu khổng lồ liên quan đến công tác dò tìm, khai thác và bảo vệ phương tiện khai thác.

Như con thú dữ săn mồi, Bắc Kinh sẵn sàng sử dụng vũ lực cho dù phải chịu rất nhiều tai tiếng và tốn kém để đạt mục tiêu. Nhưng vì muốn bắt kịp đà tiến bộ chung của các quốc gia phát triển, Bắc Kinh đã bỏ qua giai đoạn đầu tư trí tuệ để phát minh những cái mới, một chặn đường không thể bỏ qua mà một cường quốc kinh tế như Trung Quốc hiện nay chưa đầu tư đủ để ngang hàng với chính mình.

Phát triển kinh tế không thể duy ý chí qua những kế hoạch hay nghị quyết mà bằng đầu tư vào những công trình nghiên cứu trí tuệ, như phát minh những nguồn năng lượng mới, chứ không phải dùng tiền để mua những gì đã có sẵn như phía Trung Quốc hiện nay đang làm. Một cường quốc kinh tế không có trong tay nguồn năng lượng cần và đủ để duy trì đà phát triển sẽ không tồn tại lâu. Rõ ràng Bắc Kinh đang bối rối trước bài toán năng lượng không có giải đáp giản đơn.

Nguyễn Văn Huy




No comments:

Post a Comment

View My Stats