Monday 2 February 2015

Donetsk tổng động viên, Mỹ dự kiến viện trợ vũ khí (RFI)





Tú Anh  -  RFI
Đăng ngày 02-02-2015 Sửa đổi ngày 02-02-2015 15:26

Vào lúc chiến sự gia tăng, phiến quân ở Đông Ukraina hôm nay 02/02/2015 loan báo lệnh tổng động viên. Theo báo chí Mỹ, Washington nghiên cứu giải pháp viện trợ vũ khí cho quân đội Ukraina khoảng 3 tỉ đôla. Hầu hết giới chức Mỹ đều nghiêng về giải pháp này.

Theo hãng thông tấn Nga RIA, Alexandre Zakhartchenko, lãnh đạo của nước cộng hòa tự phong Donetsk hôm nay 02/02 cho biết đã ban hành lệnh tổng động viên. Kế hoạch đầu tiên, tiến hành trong 10 ngày tới đây, sẽ tăng thêm 10.000 quân cho phe nổi dậy. Phe thân Nga dự tính liên quân Donetsk và Lougansk hợp lại sẽ lên đến 100.000 người.

Trong 24 giờ qua phe ly khai thân Nga sử dụng đại bác, tên lửa và xe tăng pháo kích, tấn công gần 100 vụ vào phòng tuyến của quân đội chính phủ. Quân đội Ukraina lâm vào tình thế khó khăn. Theo báo Mỹ New York Times, một bản báo cáo của 8 nhân vật từng đảm nhiệm chức vụ quan trọng trong Bộ Quốc phòng sẽ được công bố hôm nay, yêu cầu chính phủ viện trợ cho Ukraina 3 tỉ đôla vũ khí.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Tổng tham mưu trưởng liên quân Martin Dempsey đã bàn thảo vấn đề này. Tư lệnh liên minh NATO, tướng Philip Breedlove cũng đã đồng ý cung cấp vũ khí sát thương cho quân đội Ukraina.

Theo Reuters, cố vấn an ninh Tổng thống Mỹ, Susan Rice, dường như cũng thay đổi lập trường do dự không muốn cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraina.

Từ khi tình hình Đông Ukraine căng thẳng dẫn đến xung đột võ trang, Hoa Kỳ chỉ cung cấp áo giáp chống đạn, quân phục mùa đông, ra-đa chống tên lửa và máy bay trinh sát không người láí cho Kiev.

----------------------

Thanh Hà  -  RFI
Đăng ngày 02-02-2015 Sửa đổi ngày 02-02-2015 17:10

Chiến sự không ngừng leo thang tại miền Đông Ukraina, các biện pháp trừng phạt kinh tế không làm Matxcơva thay đổi chính sách can thiệp vào Ukraina, các thỏa thuận ngưng bắn chưa bao giờ được tôn trọng. Đó là những lý do khiến phương Tây nêu lên khả năng cung cấp vũ khí cho Ukraina.
 
Cách nay không lâu, các nhà lãnh đạo của châu Âu và Hoa Kỳ đều hô hào không thể giải quyết khủng hoảng Ukraina bằng « giải pháp quân sự ». Nhưng giờ đây, theo như ghi nhận của Le Figaro, ngày càng có nhiều tiếng nói kêu gọi quốc tế cung cấp vũ khí cho Ukraina để đối phó với đường lối cứng rắn của Nga. Ở bên kia Đại Tây Dương, thượng nghị sĩ đảng Cộng Hòa John McCain trên mạng xã hội Twitter lấy làm tiếc là « Thảm sát tiếp diễn, nhưng vẫn không có vũ khí cho Ukraina ». Hai chuyên gia thuộc việc nghiên cứu độc lập về quan hệ quốc tế, Brookings Institution của Mỹ khẳng định « Giờ đây là thời điểm Ukraina cần được phương Tây hỗ trợ ».

Tại châu Âu, Ba Lan và các nước vùng Baltic không ngừng vận động để cấp vũ khí, giúp cho quân đội Ukraina « cân bằng hóa » tương quan lực lượng, đối phó với quân nổi dậy ở miền Đông thân Nga.

Về câu hỏi vì sao cần cung cấp vũ khí cho Ukraina, một cách gián tiếp, Le Figaro và Le Monde trả lời : Cảng Marioupol bị pháo kích ngày đêm, dân cư tại chỗ không còn phân biệt được ai là bạn, ai là thù. Tại hiện trường, chiến sự gia tăng cường độ. Thường dân và lính Ukraina trả giá đắt. Guồng máy quân đội Ukraina trong 25 năm vừa qua rệu rã và bị tham nhũng làm lũng đoạn. Khi nổ ra chiến tranh vào mùa xuân 2014, quân đội Ukraina không có khả năng phân phối lương thực cho lính. Nhờ sự đóng góp của dân chúng, và những tổ chức dân sự mà người lính Ukraina được trang bị áo giáp hay những trang thiết bị sơ đẳng nhất. Bước kế tiếp là Hoa Kỳ và Canada viện trợ một số trang thiết bị quân sự, nhưng trong đó không có vũ khí sát thương.

Riêng có Pháp, theo nhận xét của báo Le Figaro, đang trong thế khó xử. Paris luôn muốn là nhịp cầu giữa Nga với phương Tây để giải quyết khủng hoảng Ukraina bằng con đường ngoại giao. Pháp không mấy mặn mà trước viễn cảnh cung cấp vũ khí cho quân đội của chính quyền Kiev thân phương Tây.

Nhìn rộng ra hơn, Le Figaro cho rằng, nhiều nước châu Âu đang phải đương đầu với đe dọa của quân thánh chiến Hồi giáo, nên đang phần nào bất lực trước chính sách của ông Putin.

Trả lời trên báo La Croix, cựu đại sứ Pháp tại Ukraina Philippe de Suremain cho rằng, « cung cấp vũ khí cho quân đội Ukraina không phải là một giải pháp », bởi quyết định đó sẽ đẩy phương Tây và Nga vào « thế đối đầu trực tiếp », mà vẫn không giúp gì được cho chính quyền Kiev. Bản thân Ukraina « đang cần được hỗ trợ về phương diện kinh tế ». Giải pháp tốt nhất theo cựu địa sứ Pháp, Suremain, là mở ra viễn cảnh để Ukraina xích lại gần với Liên Hiệp Châu Âu và thuyết phục Matxcơva rằng, một nước Ukraina ổn định cũng sẽ có lợi cho nước Nga.

Vấn đề đặt ra là ở trên đỉnh cao quyền lực, Tổng thống Putin quên mất rằng, Liên Xô không còn nữa và Matxcơva không thể áp đặt với các nước chư hầu như trong quá khứ.




No comments:

Post a Comment

View My Stats