Monday, 2 February 2015

Bắc Kinh bực tức vì Obama gặp Đạt lai Lạt Ma (RFI / VOA)





Tú Anh  -  RFI
Đăng ngày 02-02-2015 Sửa đổi ngày 02-02-2015 13:56

Trung Quốc khẳng định không muốn bất kỳ lãnh đạo quốc tế nào tiếp xúc với Đức Đạt Lai Lạt Ma, dù với bất kỳ hình thức nào. Bắc Kinh đang gia tăng biện pháp trấn áp tại Tây Tạng vì lo ngại phong trào đòi độc lập cũng như uy tín và ảnh hưởng của vị lãnh đạo tinh thần Tây Tạng lưu vong .

 
Khi hay tin Tổng thống Mỹ và Đức Đạt Lai Lạt Ma sẽ gặp nhau vào ngày 05/02 tới đây, cùng tham dự lễ cầu nguyện cho tự do tôn giáo , Bắc Kinh yêu cầu Hoa Kỳ phải " hành xử phù hợp với quyền lợi trong quan hệ Mỹ-Trung ".

Hôm nay 02/02/2015, tại Bắc Kinh, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi, tuyên bố " chống lại mọi cuộc gặp gỡ , bất cứ dưới hình thức nào, giữa một nhà lãnh đạo quốc tế với Đạt Lai Lạt Ma ".

Theo AFP, thứ Sáu tuần trước, Nhà Trắng cho biết Tổng thống Obama sẽ cùng Đức Đạt Lai Lạt Ma tham dự buổi lễ cầu nguyện cho tự do tôn giáo trên thế giới vào ngày 05/02. Ban tổ chức chọn khách mời năm nay là lãnh đạo tinh thần Tây Tạng lưu vong. Nhà Trắng thận trọng nhấn mạnh là trong chương trình không có dự kiến hai vị lãnh đạo sẽ gặp nhau.

Vì sao thái độ nhường nhịn của Mỹ không được Trung Quốc quan tâm ?

Theo giới phân tích, uy tín của Đức Đạt Lai Lạt Ma mà Trung Quốc xem là " thế lực thù địch " gây lo ngại cho Bắc Kinh. Do các chính sách đàn áp không mang lại kết quả, công an Trung Quốc công khai treo tiền thưởng tương đương với hơn 45 000 đôla cho những ai chỉ điểm " thành viên khủng bố " để truy bắt.

Kết quả đầu tiên là có 15 cán bộ của đảng Cộng sản bị tố cáo.

Thông tín viên Delphine Sureau từ Shanghai tường thuật :

" Cho đến nay, những kẻ điểm chỉ hợp tác với chính quyền Trung Quốc tại Tây Tạng được trả công một cách kín đáo. Khi thông báo chính thức sẽ thưởng tiền đến 300.000 nhân dân tệ cho mỗi vụ tố giác, Bắc Kinh nhắc lại rằng cuộc chiến chống khủng bố không chỉ liên quan đến người Duy Ngô Nhĩ theo đạo Hồi ở Tân Cương mà còn bao gồm cả những người chủ trương độc lập ở Tây Tạng mà chính quyền Trung Quốc gọi là " bọn tín đồ cuồng tín ".
Ở Tây Tạng chưa bao giờ xẩy ra những vụ tấn công đẫm máu như ở Tân Cương, nhưng không thiếu những vụ tự thiêu và biểu tình chống chính sách cai trị của Trung Quốc.

Chính quyền Trung Quốc tại thủ phủ Lhassa tuyên bố là họ truy tìm thông tin " liên quan đến các tổ chức khủng bố ngoại quốc và thành viên của các nhóm này hoạt động bên trong Trung Quốc ". Nói cách khác, Đức Đạt Lai Lạt Ma, tỵ nạn tại Ấn Độ và những hoạt động yểm trợ cho Tây Tạng bị đặt trong tầm nhắm của chính sách trấn áp mới này.

Vài ngày sau khi loan báo có một âm mưu phản loạn, 15 cán bộ quan trọng trong đảng Cộng sản bị bắt. Họ bị buộc tội bí mật tham gia các tố chức Tây Tạng tranh đấu đòi độc lập.
Hoàn Cầu Thời Báo bình luận : Những kẻ này phải trả giá cho hành động của họ, thật đáng đời. "

---------------------------------

VOA
02.02.2015

Trung Quốc nói họ chống đối bất cứ nước nào gặp Đức Đạt Lai Lạt Ma dưới bất kỳ hình thức nào, sau khi Tòa Bạch ốc cho hay Tổng Thống Barack Obama sẽ đến dự lễ cầu nguyện toàn quốc buổi sáng với lãnh đạo tinh thần của nhân dân Tây Tạng trong tuần này.

Tại một cuộc họp báo ở Bắc Kinh, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Hồng Lỗi, cũng kêu gọi Hoa Kỳ nên xử lý vấn đề này “dựa trên lợi ích của các quan hệ song phương.”
Tuần trước, Tòa Bạch Ốc loan báo rằng Tổng Thống Obama sẽ phát biểu về tầm quan trọng của quyền tự do tôn giáo tại lễ cầu nguyện buổi sáng ngày 5 tháng Hai ở Washington.

Theo chương trình, có sự tham gia của Đức Đạt Lai Lạt Ma. Tuy nhiên, chính quyền của Tổng Thống Obama cho tới giờ này chưa loan báo bất cứ cuộc gặp gỡ trực tiếp nào giữa Tổng thống và Đức Đạt Lai Lạt Ma.

Các giới chức Trung Quốc tỏ ra phẫn nộ khi Tổng Thống Obama mở cuộc họp thứ 3 với Đức Đạt Lai Lạt Ma tại Washington hồi tháng trước.

Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama và Đức Đạt Lai Lạt Ma.

Bắc Kinh coi Đức Đạt Lai Lạt Ma như một nhân vật nguy hiểm, cổ vũ cho phong trào đòi ly khai, và tìm cách thành lập một nước Tây Tạng độc lập.



No comments:

Post a Comment

View My Stats