Đoàn Hưng Quốc
02/02/2015
Hai khái niệm Dân chủ Tự do (Liberal Democracy) và
Dân chủ Xã hội (Social Democracy) cần nên phân biệt vì tuy có nhiều điểm trùng
hợp nhưng vẫn mang khác biệt khá xa. Dễ hiểu nhất khi nói Hoa Kỳ theo mô hình
Dân chủ Tự do trong lúc các nước Âu Châu xây dựng Dân chủ Xã hội.
Nền Dân chủ Tự do đặt quyền tự do của cá nhân làm
chính. Con người sinh ra được ban bố tự do tuyệt đối, nhưng rồi sau đó phải
đánh đổi một phần khi chọn sống trong tập thể để được bảo vệ. Xã hội một khi
thành hình cần có chính quyền để giữ trật tự ổn định, nhưng nhà nước không thể
lợi dụng danh nghĩa vì lợi ích chung nhằm tước đoạt quyền tự do của cá nhân vì
nhân loại không thể thăng hoa nếu đánh mất đi sáng tạo và tư tưởng.
Thí dụ dễ hiểu là người sống tiền sử có tự do tuyệt
đối muốn ăn uống ngủ thức lúc nào cũng được, bù lại họ bị thiên nhiên và thú dữ
đe dọa. Con người tiền sử chọn tập thể để bảo vệ lẩn nhau nên đành phải chấp nhận
một số luật lệ quy định hành vi, cử chỉ và trách nhiệm khi sống chung đụng. Nhà
nước được thành hình nhằm duy trì ổn định xã hội, nhưng lịch sử lại cho thấy
chính nhà cầm quyền đôi khi trở thành kẻ thù nguy hiểm nhất tước đoạt tự do,
tài sản và sinh mạng của công dân – người đối với người còn tàn ác hung hiểm
hơn cả loài thú dữ đối với nhau. Cho nên mô hình xã hội theo kiểu Dân chủ Tự do
đặt nặng việc kiểm soát ngăn ngừa không để nhà nước lạm dụng lý lẻ phục vụ lợi
ích chung mà cướp đi tự do của mỗi cá nhân khiến con người mất đi quyền mưu cầu
hạnh phúc cho chính mình.
Những người Âu Châu bị trù dập trốn bỏ nước ra đi đến
Bắc Mỹ, sau này nổi lên chống chính sách thuế khóa bất công của vua chúa nước
Anh mà thành hình Hiệp Chúng Quốc. Dòng lịch sử khiến người Mỹ mang tâm lý ngờ
vực không muốn xây dựng một chính quyền trung ương liên bang (federal
government) mạnh. Đất nước Hoa Kỳ lại được khai phá bởi các cộng đồng
(community) và từng cá nhân tiến về miền Tây trong khi nhà nước trợ giúp rất ít
cho nên dân Mỹ tự hào về ý chí tự lực của mình. Tinh thần này phù hợp với Chủ
nghĩa Tư bản vì tin rằng xã hội có được thịnh vượng chính là nhờ nổ lực của từng
cá nhân, đến khi thành công mang lại lợi ích chung cho mọi người khác. Tài sản
của cải chính do tư nhân tạo ra, còn chính quyền phải bị kềm chế vì nhà nước
càng tập trung quyền hạn chỉ thêm can thiệp phiền hà sách nhiễu đối với công ăn
việc làm của dân chúng mà thôi. Ai nắm túi tiền thì có quyền lực nên người Mỹ
chống chính sách sưu cao thuế nặng ngay cả khi mục tiêu dùng vào các chương
trình xã hội vì sẽ đem lại tính lười biếng ỷ lại. Sự trợ giúp lẫn nhau phải bắt
nguồn từ cộng đồng và ý thức của cá nhân chớ không phải công việc của nhà nước,
nên Hoa Kỳ mới thành hình truyền thống tự nguyện (volunteerism) và Xã hội Dân sự
(civic society) rất đa dạng. Đây chính là tính ưu việt (exceptionalism) mà người
Mỹ tự hào và được Tổng thống Ronald Reagan ví von như “a shining city on the
hill” - ngọn hải đăng cho nhân loại.
Trái lại lịch sử Âu Châu gồm nhiều khu vực cai quản
bởi các lãnh chúa, sau này mở mang thành nhiều quốc gia sống gần và luôn tranh chấp
với nhau khiến người dân quen đi việc nộp thuế để được bảo vệ an ninh. Vì bị đe
doạ thường trực nên dân chúng quen với quan niệm cho rằng quyền tự do cá nhân
phải được cân bằng với lợi ích tập thể, do đó môi trường Âu Châu thuận lợi cho
sự phát triển của nền Dân chủ Xã hội tức người dân cho phép nhà nước có nhiều
trách nhiệm và quyền hạn hơn là ở Mỹ.
Trong nền Dân chủ Xã hội thì quyền tự do và tư hữu của
mỗi cá nhân vẫn được tôn trọng, nhưng nhà nước dùng chính sách thuế khóa để san
bằng phần nào chênh lệch giàu nghèo trong xã hội. Do đó thuế ở Âu Châu cao hơn
tại Hoa Kỳ, bù lại dân chúng được học hành miễn phí và hưởng nhiều lợi ích an
sinh xã hội khác.
Không ít dân Mỹ chống lại quan điểm nói trên vì Khế
ước Xã hội chẳng bao giờ cho phép nhà nước can thiệp để giới hạn tình trạng
giàu nghèo chênh lệch. Trái lại ai làm nấy hưởng, lợi ít chung chỉ đến khi mỗi
cá nhân có toàn quyền tự do sáng tạo và mưu cầu hạnh phúc, đến khi doanh nghiệp
thành công mở mang mướn thêm công nhân thì xã hội được chia sẻ phúc lợi. Hơn nửa
nhà nước càng nhiều quyền hành lại ưa lạm dụng. Trái với điều nhiều người thường
nghĩ, dân Mỹ tuy theo cá nhân chủ nghĩa nhưng không ích kỷ bởi vì họ đóng góp
giúp đỡ lẫn nhau qua tổ chức tôn giáo hay Xã hội Dân sự, tức là bằng sự tự nguyện
và ý thức dân sự chớ không phải do nhà nước dạy dỗ hay ép buộc. Cho nên nhiều
nhà tư bản như Bill Gates sắt thép trong kinh doanh nhưng sau đó lại để gần hết
gia tài gần 50 tỷ USD cho từ thiện!
Tưởng cũng nên nhắc đến sự khác biệt giữa Dân chủ Xã
hội và Xã hội Chủ nghĩa (Socialism). Xã hội Chủ nghĩa cũng bắt đầu từ chống bất
công với phương án là tước đoạt quyền tư hữu của mọi người dân để rồi ai cũng
giống ai không thể bóc lột lẫn nhau, nhà nước nắm trong tay mọi của cải xã hội
sau đó ban phát phúc lợi đồng đều cho dân chúng. Trong thực tế nhà nước nắm mọi
quyền hạn và tài sản nên giai cấp cầm quyền hưởng lợi trước, còn dân chúng làm
theo năng suất hưởng theo nhu cầu nên chẳng ai dại gì làm hết sức mình cho người
khác hưởng!
Sau khi Chiến Tranh Lạnh chấm dứt thì mô hình Tư bản
Nhà nước (State Capitalism) lại được nhắc đến nhiều, chính yếu theo đà thành
công vượt bực ở Trung Quốc (cho dù nhiều nước khác như Saudi Arabia từ trước đến
nay vẫn theo mô hình này). Trong xã hội kiểu này người dân có được quyền tư hữu
và kinh doanh nhưng nhà nước điều hướng nền kinh tế và cai quản các tài sản
cùng lợì tức quan trọng trong quốc gia. Đến khi áp dụng vào thực tế thì Tư bản
Nhà nước đi đôi với độc quyền lãnh đạo – ngay cả khi đa đảng thì vẫn một đảng cầm
quyền vĩnh viễn - lý do bởi thế lực hay khối lợi ích nào đã nắm được tài sản quốc
gia cũng chẳng dại gì chia sẻ cho cánh khác. Hơn thế đảng cầm quyền còn giới hạn
quyền tự do của dân chúng để không bị chỉ trích phê phán. Ưu điểm của mô hình
xã hội nói trên ở nơi huy động được nhân vật lực vào những mục tiêu chung nên tạo
được nhiều bước tiến nhảy vọt nhất là trong khoảng thời gian đầu, do vậy thu
hút được không ít trong số các quốc gia đang phát triển và các nhà độc tài.
Khuyết điểm chính nơi không thể giải quyết được mâu thuẩn cơ bản một khi một
nhà nước giữ nhiều quyền hạn liệu có sẽ bóp nghẹt tự do sáng tạo của cá nhân và
sức sống của xã hội hay không để khiến đất nước rơi vào độc tài, bè phái, bất
công và trì trệ dài lâu.
Đ.H.Q.
Tác giả gửi BVN
Được đăng bởi bauxitevn vào lúc 01:37
No comments:
Post a Comment