Monday 9 February 2015

Âu, Mỹ đụng độ về cách đối đầu Putin, chiến tranh leo thang tại Ukraine (VienDongDaily.Com)





VienDongDaily.Com
07/02/2015

MUNICH, Đức - Nữ thủ tướng Đức Angela Merkel đã cảnh cáo rằng việc viện trợ vũ khí cho Ukraine, để giúp nước này chống lại nhóm ly khai thân Nga, sẽ không giải quyết cuộc xung đột đang gia tăng ở đó. Lời cảnh cáo của bà đã khiến cho một nghị sĩ hàng đầu của Mỹ lên tiếng công kích kịch liệt. Nhà lập pháp này tố cáo chính phủ Berlin đang quay lưng lại với một nước đồng minh trong khối Liên Hiệp Âu Châu đang gặp cơn nguy khốn.

Vụ đụng độ sôi nỗi này xảy ra trong một cuộc hội nghị an ninh ở Munich hôm thứ Bảy. Nó cho thấy tính cách bấp bênh trong sự đồng thuận xuyên Đại Tây Dương, giữa Tây Âu và Hoa Kỳ, về cách thức đương đầu với Tổng Thống Nga Vladimir Putin, trong một cuộc xung đột càng ngày càng trầm trọng ở miền đông Ukraine. Có hơn 5,000 người đã bị giết chết trong cuộc xung đột ấy.

Nga sáp nhập bán đảo Crimean trong tháng Ba năm ngoái. Và có bằng chứng cho thấy Nga đang hỗ trợ cho các lực lượng ly khai ở phía đông của nước này, và bằng chứng ấy đã bị Nga phủ nhận. Hai điều này đã đẩy những mối quan hệ của Moscow với Tây Phương xuống một mức thấp sau thời Chiến Tranh Lạnh.

Một cuộc tấn công mới đây của phiến quân đã gây ra một loạt hoạt động ngoại giao giữa các nước Tây Phương. Nữ Thủ Tướng Merkel và Tổng Thống Pháp Francois Hollande đã bay sang Moscow vào hôm thứ Sáu, để tìm cách thuyết phục ông Putin tạo một thỏa thuận hòa bình.
Nhưng các giới chức Âu Châu nói rằng nhà lãnh đạo Nga có rất ít động lực để thương lượng vào lúc này, và ông ta thích ngồi theo dõi quân ly khai chiếm được những vùng lãnh thổ ở Ukraine. Những cuộc tiến chiếm này chế nhạo một thỏa thuận ngừng bắn từng được thỏa thuận trong tháng Chín năm ngoái ở Minsk, Belarus.

Theo quân đội Ukraine cho biết hôm thứ Bảy, phe ly khai thân Nga đã pháo kích nhiều hơn vào lực lượng chính phủ. Dường như phiến quân cũng đang tích lũy lực lượng cho những trận tấn công mới, đánh vào Debaltseve, thị trấn hỏa xa chính yếu, và đánh vào thành phố duyên hải Mariupol.

Nhà lãnh đạo của Đức đã trở về từ Moscow trong đêm khuya thứ Sáu. Sau đó ở Munich, bà nhìn nhận rằng không biết chắc một kế hoạch hòa bình Pháp- Đức sẽ thành công hay không. Kế hoạch này được trình bày cho Kiev và Moscow trong tuần. Nhưng bà Merkel thẳng thừng bác bỏ ý kiến cho rằng việc gởi vũ khí cho Kiev sẽ giúp giải quyết cuộc xung đột. Ý kiến này được xem là của Tổng Thống Barack Obama.

Bà Merkel là một nhân vật bảo thủ. Bà vận động cho một giải pháp của Tây Phương nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng thông qua đàm phán. Bà nói, “Tôi hiểu cuộc tranh cãi, nhưng tôi tin rằng việc gởi thêm vũ khí sẽ không dẫn đến bước tiến mà Ukraine đang cần. Tôi thực sự nghi ngờ điều đó.”

Bà Merkel nói, “Vấn đề là tôi không thể hình dung ra bất kỳ tình huống nào, trong đó một quân đội Ukraine được trang bị tốt hơn sẽ thuyết phục Tổng Thống Putin rằng ông có thể bị thua về mặt quân sự.”

Nghị Sĩ Lyndsey Graham là một người thuộc phe diều hâu của đảng Cộng hòa. Ông lên tiếng sau bà Merkel. Ông ca ngợi thủ tướng Đức về việc bà dấn thân để tìm cách giải quyết cuộc khủng hoảng này. Nhưng ông nói rằng đã đến lúc bà phải tỉnh táo trước thực tại mà ông gọi là cuộc xâm lăng của Moscow.

Nghị Sĩ Graham nói, “Vào cuối ngày, điều này không là hữu hiệu cho bạn bè Âu Châu của chúng ta. Bạn có thể đi đến Moscow, cho tới khi bạn tái xanh mặt đi. Hãy đứng lên và chống lại điều rõ ràng là một lời nói dối và một mối nguy hiểm (từ phía Nga).”

Ông tố cáo bà Merkel quay lưng lại với một nền dân chủ đang phải vất vả khốn đốn, bằng cách từ chối lời Kiev yêu cầu vũ khí. Ông nói, “Đó là chính là điều bạn đang làm.”

Ngoại Trưởng Nga Sergei Lavrov cũng có mặt ở Munich. Ông nói rằng có “những điều đáng để lạc quan,” về việc các cuộc đàm phán giữa Merkel, Putin và Hollande có thể đem lại một thỏa thuận.

Nhưng ông Lavrov cũng công kích các nước Tây Phương. Ông tố cáo Âu Châu và Hoa Kỳ ủng hộ một “cuộc đảo chính” chống lại Viktor Yanukovich, xảy ra cách đây một năm trước. Yanukovich là nhà lãnh đạo Ukraine đã bị lật đổ, và là một đồng minh của Moscow. Lavrov cũng tố cáo Âu Châu và Hoa Kỳ làm ngơ với nhóm theo chủ nghĩa dân tộc. Ông nói rằng nhóm này có ý định thanh lọc sắc tộc ở miền đông Ukraine.






No comments:

Post a Comment

View My Stats