Monday, 26 January 2015

XÃ HỘI DÂN SỰ ASEAN RA TUYÊN BỐ CHUNG (Mạch Sống)





Nhiều điểm liên quan đến nhân quyền ở Việt Nam
Posted on Sunday, January 25, 2015 @ 15:15:06 EST

Hôm nay, Ban Điều Hợp của Hội Nghị XHDS và Diễn Đàn Người Dân ASEAN (ASEAN Civil Society Conferenc and ASEAN People's Forum, ACSC/APF) năm 2015 công bố bản Tuyên Bố Chung của cộng đồng các tổ chức XHDS toàn vùng Đông Nam Á. Trong suốt 10 năm qua, đây là lần đầu tiên nhiều tổ chức XHDS ở Việt Nam thực sự có tiếng nói trong tiến trình soạn thảo và thông qua bản Tuyên Bố Chung này.

Trong hai ngày 23 và 24 tháng 1 ở Kuala Lumpur, thủ đô Malaysia, đại diện của các phái đoàn XHDS của 10 nước ASEAN cùng với một số tổ chức khu vực đã làm việc liên tục để hoàn tất bản tuyên bố chung để nộp vào buổi họp của các bộ trưởng ASEAN tới đây.

Tính đại diện của phái đoàn do Việt Nam gởi đi đã trở thành một đề tài gay gắt trong suốt 2 ngày. Họ bao gồm một số tổ chức trực thuộc Mặt Trận Tổ Quốc. Trong 9 năm trước, kể từ ngày có Hội Nghị XHDS và Diễn Đàn Người Dân ASEAN, họ luôn tự nhận là tiếng nói của XHDS ở Việt Nam.

Trước sự bất ngờ của phái đoàn Việt Nam, một thành viên của Hiệp Hội Giáo Dân Cồn Dầu đã có mặt, đại diện cho 5 tổ chức XHDS ở Việt Nam. Cô Nhung đã lên tiếng phản bác tính đại diện của phái đoàn tự nhận là đại diện XHDS Việt Nam:

Các người tham dự chụp hình lưu niệm, Kuala Lumpur, Malaysia, 24/01/2015

"Việt Nam có một nhà nước độc đảng. Đảng Cộng Sản kiểm soát chính phủ và khống chế sự phát triển của XHDS và tiếng nói bất đồng chính kiến... Một phần công cụ đàn áp của họ là mạng lưới chính thức của những 'tổ chức phi chính phủ do chính phủ tổ chức' đặt dưới Mặt Trận Tổ Quốc."

Cô chỉ ra cho mọi người thấy rằng các thành phần trong phái đoàn Việt Nam đều thuộc mạng lưới này.

Phái đoàn Việt Nam đi dự các diễn đàn XHDS ASEAN, và cả quốc tế, luôn luôn nằm dưới sự kiểm soát của các đảng viên gộc của Đảng Cộng Sản. Người trưởng đoàn là thành viên của Trung Ương Đảng.

Hiện tượng chính quyền độc tài dùng các 'tổ chức phi chính phủ do chính phủ tổ chức', tiếng Anh gọi là GONGO (government-organized NGO), không là điều mới lạ. Trước đây hiện tượng này đã từng xẩy ra ở Miến Điện nhưng đã bị các tổ chức XHDS Miến Điện thực thụ lột mặt nạ ngay từ đầu nên trở thành vô hiệu.

Năm nay, các GONGO Việt Nam bị vô hiệu hoá. Họ liên tục tìm cách tháo gỡ những phần liên quan đến tình trạng vi phạm nhân quyền ở Việt Nam ra khỏi Tuyên Bố Chung nhưng đều thất bại -- tuyệt đại đa số các phái đoàn quốc gia và khu vực bỏ phiếu bác bỏ các đề nghị của phái đoàn GONGO Việt Nam.

Phái đoàn Việt Nam đã phát biểu lớn tiếng và gay gắt đòi loại bỏ cụm từ "hệ thống đa đảng, đa nguyên" trong Tuyên Bố Chung. Khi bỏ phiếu, tuyệt đại đa số trong Ban Điều Hợp đã bác bỏ yêu cầu của phái đoàn Việt Nam.

Tương tự, phái đoàn Việt Nam đòi hỏi phải xoá bỏ mọi nhắc nhở đến người Montagnard (dân tộc Tây Nguyên), Hmong và Khmer Krom trong phần nói về đàn áp các sắc dân bản địa. Lập luận của họ rằng không hề có sự đàn áp nào đối với các dân tộc bản địa này đã bị phản bác mạnh mẽ bởi nhiều người hiện diện, nhất là các thành phần đã từng hợp tác với Toán Trợ Giúp Pháp Lý của BPSOS ở Thái Lan, nơi có hàng trăm người Montagnard, Hmong và Khmer Krom từ Việt Nam đến lánh nạn.

Trước buổi họp, ngày 6 tháng 1 đã có 19 tổ chức XHDS ở Việt Nam gửi bản kiến nghị chung đến Ban Điều Hợp của ACSC/APF 2015, khẳng định:

"Các tổ chức mà chính phủ Việt Nam giao nhiệm vụ tham gia Cộng đồng các tổ chức XHDS ASEAN như VUFO, GREENID, VPDF và CRSCH…, tất cả đều được chính phủ thành lập và tài trợ. Nhân sự lãnh đạo của các tổ chức ấy là cán bộ công chức của đảng CS được cử sang. Mục tiêu và hoạt động của họ phải theo sự chỉ đạo của chính phủ hoặc cơ quan đảng CS. Về bản chất, họ không phải là các tổ chức XHDS độc lập mà chỉ là các cơ quan ngoại vi hay là cánh tay nối dài của đảng CS nhằm kiểm soát người dân, kiểm soát sinh hoạt xã hội và thực hiện nhiệm vụ đối ngoại cho đảng CS."

Kiến nghị này yêu cầu, "Quý Ban tạo kiều kiện để chúng tôi có thể tham gia hoặc trực tiếp hoặc qua Skype vào kỳ họp mặt sắp tới."

Ngay trước buổi họp, phái đoàn của BPSOS đến từ Thái Lan nhắc nhở Ban Điều Hợp về yêu cầu này. Ban Điều Hợp cho biết là họ không có phương tiện kỹ thuật để thực hiện: nếu chấp thuận cho các tổ chức ở Việt Nam thì cũng phải đáp ứng yêu cầu tương tự của không biết bao nhiêu tổ chức ở các quốc gia khác có khi muốn tham gia trực tuyến chỉ để tiết kiệm chi phí di chuyển.

Tuy nhiên, Ban Điều Hợp đồng ý để BPSOS mở đường dây Skype cho một số tổ chức XHDS ở Việt Nam tham dự; đó là những tổ chức đã gửi email yêu cầu được tham dự. Ban Điều Hợp cũng đồng ý để Cô Nhung đọc bản lên tiếng chung của 5 tổ chức XHDS, được gấp rút soạn thảo tại chỗ. Bản Kiến Nghị của 19 tổ chức XHDS được phân phối cùng với bản lên tiếng chung này đến các thành viên của buổi họp và cho báo chí tại buổi họp báo cuối ngày 24 tháng 1.

Kết quả của sự lên tiếng ồ ạt của các tổ chức XHDS thực thụ ở Việt Nam đã dẫn đến kết quả là Bản Tuyên Bố chung của XHDS ASEAN năm nay có rất nhiều điều khoản liên quan đến Việt Nam, như yêu cầu hệ thống chính trị đa đảng và đa nguyên; ngưng chính sách cưỡng chế đất đai của các dân tộc bản địa, của dân oan, của các cộng đồng tôn giáo; tôn trọng quyền lập nghiệp đoàn tự do và độc lập; bảo vệ công nhân bị xuất khẩu lao động, các cô dâu lấy chồng ngoại quốc, và những người làm ô sin; ngưng các dự án khai thác khoáng sản tàn phá môi sinh; xoá bỏ các điều luật mang tính áp bức như "phá hoại chính sách đoàn kết dân tộc", "tuyên truyền chống nhà nước", "lợi dụng quyền tự do dân chủ..."; tôn trọng quyền tư hữu đất đai; chống tra tấn và bạo hành bởi công an; ngưng chính sách kiểm soát hoạt động tôn giáo; và nhiều nữa.

BPSOS cũng đề nghị là từ nay Ban Điều Hợp chuyển thông tin về ACSC/APF trực tiếp cho các tổ chức XHDS ở Việt Nam, và đã cung cấp một danh dách các tổ chức có phương tiện truyền thông xã hội như trang mạng, trang blog, trang facebook...

Từ năm 2009 BPSOS và Liên Minh Bài Trừ Nô Lệ Mới Ở Á Châu (CAMSA) đã tham gia các hội nghị ACSC/APF trong tư cách tổ chức XHDS khu vực. BPSOS đã có văn phòng pháp lý ở Phi Luật Tân và Hồng Kông từ đầu thập nhiên 1990, và tiếp đó là văn phòng pháp lý ở Thái Lan. CAMSA bắt đầu hoạt động ở Malaysia từ năm 2008 và phối hợp với các tổ chức bạn ở khắp vùng Đông Nam Á.

Tài liệu liên quan:

(1) Tuyên Bố Chung (tiếng Anh): http://aseanpeople.org/reclaiming-the-asean-community/

(2) Bản lên tiếng của 5 tổ chức XHDS tại buổi họp ngày 23 tháng 1, 2015 (tiếng Anh): https://democraticvoicevn.files.wordpress.com/2014/08/vn-cso-statement-for-apf-acsc.pdf

(3) Bản lên tiếng của 19 tổ chức XHDS gởi đi từ Việt Nam ngày 6 tháng 1, 2015 (tiếng Việt): http://www.vietnamhumanrightsdefenders.net/2015/01/06/kien-nghi-cua-cac-chuc-xhds-doc-lap-vn-gui-hoi-nghi-xhds-asean-2015-kuala-lumpur/
 










No comments:

Post a Comment

View My Stats