Wednesday, 21 January 2015

VIỆT NAM THÀNH VIÊN HỘI ĐỒNG NHÂN QUYỀN LIÊN HIỆP QUỐC và VI PHẠM NHÂN QUYỀN 2014 - Phần 3 (VNTB)





VIỆT NAM THÀNH VIÊN HỘI ĐỒNG NHÂN QUYỀN LIÊN HIỆP QUỐC và VI PHẠM NHÂN QUYỀN 2014 (phần 3)

Hệ thống tư pháp VN là nhằm bảo vệ chế độ XHCN chứ không phải công lý. Các phiên tòa xét xử người bất đồng chính kiến đều vi phạm các nguyên tắc xét xử công minh. Thẩm phán đều là đảng viên ĐCS và ra phán quyết đối với những người bị xem là “chống lại đảng”.

(tiếp theo phần 2)

3. Xét xử không công minh trong phiên tòa

Hệ thống tư pháp VN là nhằm bảo vệ chế độ XHCN chứ không phải công lý. Các phiên tòa xét xử người bất đồng chính kiến đều vi phạm các nguyên tắc xét xử công minh. Thẩm phán đều là đảng viên ĐCS và ra phán quyết đối với những người bị xem là “chống lại đảng”.

Khuyến nghị 127. Đẩy nhanh việc thực thi cải cách hệ thống tư pháp và xây dựng một cách có hệ thống văn hóa tôn trọng nhân quyền (Cabo Verde);

Khuyến nghị 128. Tiếp tục tiến hành các biện pháp đảm bảo pháp quyền, bao gồm thiết lập một hệ thống tư pháp hình sự có chú trọng đầy đủ đến nhân quyền (Nhật Bản);

Khuyến nghị 130. Tiếp tục kiện toàn hệ thống tư pháp trên các nguyên tắc về tính độc lập của thẩm phán và công tố và đảm bảo tiếp cận bình đẳng với hệ thống công lý cho tất cả mọi người (Serbia);

3.1 Trương Duy Nhất, một blogger trú ngụ tại thành phố miền trung Đà Nẵng bị giam giữ từ tháng 5 năm 2013, đã bị kết án hai năm tù về tội danh Điều 258 “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước và quyền lợi chính đáng và lợi ích của tổ chức và công dân.” Vào 4/3/2014. Ông khăng khăng nói mình vô tội cho dù thừa nhận có chỉ trích chính phủ.

Phiên phúc thẩm vụ án Trương Duy Nhất đã diễn ra tại tòa án tối cao Đà Nẵng sáng ngày 26/6/2014. Phiên tòa bắt đầu từ 8h30, gần như không có tranh biện và kết thúc chóng vánh vào lúc 10h kém 15. Trương Duy Nhất vẫn bị tòa phúc thẩm tuyên y án với 2 năm tù giam theo điều 258 Bộ luật hình sự.

3.2 Hoàng Văn Sang bị tòa án nhân dân huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang tuyên án 18 tháng tù giam theo điều 258 Bộ Luật hình sự Việt Nam vào ngày 14/3/2014. Ông là một trong những người H’mong theo ông Dương Văn Mình cải cách những hủ tục ma chay, cưới xin. Một số bà con H’mong tập hợp nhau lại xây một cái nhà gọi là ‘nhà đòn’, tên gọi khác là ‘nhà bé’. Cái nhà này chỉ có mấy mét vuông thôi để chứa những đồ thờ cúng để khi có người chết: gồm có một con cóc, một con én, một cái bàn và một cây Thánh giá bằng gỗ.

3.3 Tòa án Nhân dân TP Hà Nội ngày 19/3 vừa tuyên án nhà văn, blogger Phạm Viết Đào 15 tháng tù vì tội ‘Lợi dụng các quyền tự do dân chủ’ theo Điều 258 Bộ Luật Hình sự.

Ông Phạm Viết Đào từng công tác tại Vụ Điện ảnh của Bộ Văn hóa và sau đó làm Thanh tra của bộ này cho tới năm 2007. Sau đó ông làm Trưởng phòng Thanh tra hành chính và phòng chống tham nhũng của Bộ Văn hóa–Thể thao và Du lịch. Ông là Hội viên Hội nhà văn và cũng từng dịch nhiều tác phẩm sang tiếng Romania, nước ông đã du học và tốt nghiệp đại học ngành văn chương.

Thứ Hai ngày 9/6/2014 tòa phúc thẩm đã lén xử kín và y án sơ thẩm, tức là án tù 15 tháng cho nhà văn Phạm Viết Đào. Tòa không báo cho vợ con ông biết, nên cả vợ và con đều không có mặt, cũng không có luật sư, vì ông tự bào chữa.

3.4 Sáng 20/3/2014, phiên tòa sơ thẩm xét xử hai ông Lý Văn Dinh và Dương Văn Tu tại huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang với tội danh vi phạm điều 258 bộ luật hình sự.

Ông Dương Văn Tu bị kết án 21 tháng tù giam, còn ông Lý Văn Dinh thì 15. Ông Lý Văn Dinh sinh năm 1963 bị bắt ngày 19 tháng 11 năm 2013 và ông Dương Văn Tu sinh năm 1967 bị bắt ngày 10 tháng 10 năm 2013. Cả hai là người dân tộc H’Mong theo ông Dương Văn Mình kêu gọi người H’Mong từ bỏ các thủ tục lạc hậu về ma chay và cách sống thiếu vệ sinh.

Ngày 27 tháng 5 năm 2014 phiên tòa phúc thẩm Ông Lý Văn Dinh bị xử y án sơ thẩm 15 tháng tù giam. Ông Dương Văn Tu được giảm hai tháng tù từ 21 tháng xuống còn 19 tháng.

3.5 Ông Thào Quán Mua bị Tòa án nhân dân huyện Hàm Yên, Tuyên Quang tuyên phạt 18 tháng tù theo Điều 258, khoản 1 của BLHS. Theo cáo trạng tại phiên tòa: Từ ngày 16/5/2013 đến ngày 19/5/2013 Thào Quán Mua, sinh năm 1964, trú tại thôn 9 Minh Tiến, xã Minh Hương, huyện Hàm Yên, có hành vi lợi dụng quyền tự do tín ngưỡng xâm phạm lợi ích của nhà nước bằng việc tổ chức xây dựng nhà đòn trái phép trên phần đất quy hoạch xây dựng nhà văn hóa thôn 6 Minh Tiến, xã Minh Hương.

3.6 Tòa phúc thẩm thành phố Cần Thơ xử y án ba năm tù giam của chị Nguyễn Thị Ánh Nguyệt và giảm bản án sơ thẩm hai năm rưỡi của chị Nguyễn Thị Tuyền xuống còn hai năm vào ngày 22/4/2014.

3.7 Ngày 06/05/2014, anh Vừ A Sử (SN 1989) người dân tộc H’Mông, sống ở xóm Nà Phéo, Vĩnh Quang, Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng, bị kết án 24 tháng tù giam theo Điều 258 BLHS trong một phiên tòa không có luật sư tham gia bào chữa, tại Tòa án Nhân dân tỉnh Cao Bằng. Anh Vừ A Sử bị bắt ngày 24/11/2013, vào thời điểm hàng trăm lực lượng công quyền cưỡng chế ngôi nhà tang lễ của bà con.

3.8 Ngày 27 tháng 5 năm 2014 diễn ra phiên tòa xử 3 người H’mông là ông Thào Quán Mua, Lý Văn Dinh, Dương Văn Tu tại công an tỉnh Tuyên Quang, xóm 22 xã Kim Phú, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang. Ông Thào Quán Mua bị xử 18 tháng tù giam, còn ông Lý Văn Dinh bị xử y án sơ thẩm 15 tháng tù giam. Ông Dương Văn Tu được giảm hai tháng tù từ 21 tháng xuống còn 19 tháng.

3.9 Vụ Hội đồng công luật công án Bia Sơn đã truy tố 22 người theo Điều 79 BLHS từ 2012. Ngày 17/7/2014 thêm ba người nữa bị bắt, gồm Nguyễn Văn Hữu (1957) án 4 năm tù giam, Huỳnh Đức Minh (1958) án 3 năm và Võ Văn Phụng (1950) án 3 năm. Cả ba bị kết tội tàng trữ, sử dụng, mua bán trái phép vật liệu nổ theo Điều 230 BLHS.

3.10 Ba người H’mong bị tòa án huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn đưa ra xét xử về tội theo điều 258 Bộ Luật Hình sự Việt Nam ngày 30/7/2014. Ba ông Dương Văn Thành, Hoàng Văn Sử và Hoàng Văn Sinh bị bắt hồi tháng 2 năm nay.Vào lúc 3 giờ chiều, tòa tuyên án ông Thành 24 tháng tù giam, Sự 18 tháng tù giam, Sinh 15 tháng tù giam.

Phúc thẩm ngày 15/10/2014 chỉ có ông Hoàng Văn Sự được giảm án từ 18 tháng xuống còn 15 tháng. Ông Thành và Sinh giữ y án là 24 và 15 tháng.

3.11 Chiều 26/3/2014, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Thuận Nam (Ninh Thuận) đã tống đạt quyết định khởi tố vụ án, khởi tố 6 bị can bao gồm ông Dương Văn Phước (52t), Đỗ Văn Đức(62t), Nguyễn Văn Song (66t), Dương Thủ Đức (26t), Dương Thủ Hiền (24t) và Dương Thủ Dũng (23t), cùng ngụ xã Phước Dinh, về tội “chống người thi hành công vụ”. Ông Phước và Đức bị tam giam 3 tháng, 4 bị cáo kia thì bị cấm ra khỏi nơi cư trú, tại ngoại điều tra.

Phía công an cáo buộc: lúc 6g ngày 20-3, ông Dương Văn Phước xe máy chở ông Đỗ Văn Đức cầm loa tay chạy khắp hai thôn Sơn Hải 1 và Sơn Hải 2 vận động hơn 300 người dân lên công trường khai thác titan-zircon của Công ty TNHH MTV Quang Thuận – Ninh Thuận để ngăn cản hoạt động khai thác và đập phá tài sản, nhà xưởng, thiết bị đãi quặng. Khi lực lượng công an huyện Thuận Nam, công an xã Phước Dinh vào vận động, ngăn cản hành động đập phá thì 6 bị can đã chống trả lại lực lượng thi hành công vụ. Nhưng theo thông tin trung thực từ báo giới, sau khi UBND xã Phước Dinh họp dân thông báo Công ty Quang Thuận tái khai thác titan-zircon vào ngày 19-3 thì liên tiếp các ngày sau đó, hơn 700 người dân hai thôn Sơn Hải 1 và Sơn Hải 2 đã kéo đến trụ sở xã để phản đối vì việc khai thác gây ảnh hưởng môi trường, làm sụt giảm mạch nước ngầm sinh hoạt của người dân.
Theo quan điểm của Hội Cựu tù nhân lương tâm Việt Nam, tương tự việc khai thác quặng Bauxite từ nhiều năm qua đã gây ảnh hưởng trầm trọng đến môi trường tự nhiên, dân kế và dân sinh của người dân, một số nơi vùng duyên hải như Ninh Thuận, Bình Thuận vẫn thường xuyên xảy ra hoạt động khai thác titan gây ô nhiễm nặng nề cho môi trường sinh hoạt của nhân dân. Đáng bức xúc và phẫn nộ hơn là hoạt động khai thác titan đã kéo dài từ nhiều năm qua, người dân khiếu nại nại rất nhiều lần đến các cấp thẩm quyền, nhưng đã không được hồi âm hoặc trả lời chưa thỏa đáng.

Ngày 1/8, tại xã Phước Ninh, huyện Thuận Nam (tỉnh Ninh Thuận), Tòa án nhân dân huyện đã mở phiên tòa sơ thẩm. Tòa tuyên phạt bị cáo Dương Văn Phước mức án 22 tháng tù giam; Đỗ Văn Đức 20 tháng tù cho hưởng án treo; Nguyễn Văn Song 20 tháng tù cho hưởng án treo; Dương Thủ Dũng 30 tháng tù cho hưởng án treo; Dương Thủ Đức và Dương Thủ Hiền cùng chịu mức án 15 tháng tù cho hưởng án treo.

Không đồng tình với mức án của tòa sơ thẩm, Dương Văn Phước làm đơn kháng cáo lên tòa phúc thẩm. Hội đồng xét xử phúc thẩm đã quyết định bác đơn kháng cáo, giữ nguyên mức hình phạt 22 tháng tù giam về tội chống người thi hành công vụ đối với Dương Văn Phước.

3.12 Nhà bất đồng chính kiến 50 tuổi Bùi Thị Minh Hằng đã bị kết án 3 năm tù giam trong phiên xử sơ thẩm ngày 26/8/2014 tại Tòa án Nhân dân tỉnh Đồng Tháp với tội danh ‘gây rối trật tự công cộng’ theo điều 245 Bộ Luật hình sự. Bà Hằng bị đưa ra xét xử cùng với hai người khác là ông Nguyễn Văn Minh và bà Nguyễn Thị Thúy Quỳnh, và hai bị cáo này bị tuyên án theo thứ tự là 2,5 năm năm tù và 2 năm tù. Phiên phúc thẩm ngày 12/12/2014, tòa đã giữ y án tất cả ba người.

3.13 Chiều ngày 18/6/2013, chính quyền thị xã Từ Sơn đã huy động một lực lượng đông đảo cảnh sát cơ động, dân phòng, công an sắc phục và an ninh thường phục… có trang bị vũ khí, đổ bộ vào khu đất dự án. Bị dân chúng ngăn cản, họ thẳng tay đánh đập người dân trong đó có cả người già, phụ nữ và trẻ em. Sau vụ việc này nhiều người dân bị thương nặng phải đi cấp cứu.

Lúc 9h sáng ngày 4/7/2013, bọn xã hội đen dùng axit tạt vào bà Đỗ Thị Thiêm khi bà đi thăm nhà mẹ đẻ. Bà Thiêm là người rất kiên cường và can đảm, có thể nói bà là thủ lĩnh tinh thần bà con nhân dân Trịnh Nguyễn. Tại bệnh viện bà nói rằng sự việc này có bàn tay của chính quyền chỉ đạo trả thù bà vì trước hôm bà gặp nạn, họ gây sức ép buộc bà rút đơn. Khoảng tháng 10 năm 2013, Viện kiểm sát thị xã Từ Sơn đã khởi tố 12 người có liên quan trong việc giữ đất không cho chính quyền giải tỏa để làm dự án tội “gây rối trật tự công cộng”. 12 người này được tại ngoại điều tra và bị triệu tập ra tòa đúng ngày xét xử. Đáng chú ý, trước khi phiên tòa diễn ra, 12 người đều bị ép phải ký tên nhận tội. Bà Ngô Thị Đức vì quá uất ức nên đã chặt đứt một ngón tay để phản đối.

Sau nhiều lần bị hoãn không có lý do, đến ngày 4 tháng 9, phiên tòa đã diễn ra với rất ít sự quan tâm của công luận. Kết quả: Đỗ Thị Thiêm, Đỗ Văn Quý, Đỗ Văn Hào bị kết án 28 tháng tù giam. Ngô Thị Toan, Đặng Thị Mỳ và Ngô Thị Như (bà này bị điếc và mù chữ) bị kết án 26 tháng tù giam. Ngô Thị Đức, và Đặng Văn Nhu chịu 28 tháng tù treo. Đỗ Thị Thiêm (một bà Thiêm khác, với tên khác là Trinh), Nguyễn Thị Chiến, Vũ Thị Thảo, Ngô Thị Thoa chịu 36 tháng tù treo.

3.14 Sáng ngày 15/9/2014 tòa án nhân dân quận Hà Đông, thành phố Hà Nội đã đưa 2 người nông dân thuộc phường Dương Nội là bà Nguyễn Thị Ngân và Nguyễn Thị Toàn ra xét xử với tội danh “Chống người thi hành công vụ”. Phiên tòa được diễn ra mà không thông báo cho người nhà của hai “bị can” cũng như cho họ quyền được mời luật sư. Tòa tuyên 6 tháng tù giam cho mỗi người.

3.15 Bà Cấn Thị Thêu, Trịnh Bá Khiêm và Lê Văn Thanh bị đưa ra xét xử tại tòa án nhân dân quận Hà Đông, thành phố Hà Nội về tội chống người thi hành công vụ vào ngày 19/9/2014. Tòa kết án bà Cấn Thị Thêu 15 tháng tù, chồng bà ông Trịnh Bá Khiêm 18 tháng tù và ông Lê Văn Thanh 12 tháng tù.
Ngày 25/11 tòa phúc thẩm giảm án cho Lê Văn Thanh còn 7 tháng, Trịnh Bá Khiêm còn 15 tháng. Cấn Thị Thêu và Trần Văn Sang giữ y án.

3.16 Ông Trần Văn Miên và Trần Văn Sang đã bị tuyên án tù theo thứ tự là 22 tháng tù và 20 tháng tù vì tội “Gây rối trật tự công cộng” ngày 25/9/2014 tại Hà Nội.

Ông Trần Thu Nam, luật sư bào chữa cho các bị cáo, nói với VOA Việt Ngữ rằng: “Quan điểm của luật sư cũng như các bị cáo đều cho rằng không có tội. Bản án kết tội thì đương nhiên không có một sự hài lòng trong vụ án này cả. Có sự việc là cháy máy xúc, máy ủi và cháy cả chòi canh, nhưng trong vụ án này họ lại không kết tội, không truy tố về tội hủy hoại tài sản đó mà chỉ họ chỉ truy tố và xét xử về hành vi gây rối trật tự công cộng với việc là một số người, trong đó có hai bị cáo, có hành vi ném đá vào hàng rào tôn, hàng rào mà ngăn cách khu công trường và khu ruộng của người dân. Họ đưa ra một số bằng chứng có liên quan tới việc là có mặt của những người đó và có hành vi ném đá. Và họ cho đó là phạm tội gây rối trật tự công cộng theo khoản 2, điều 245, Bộ luật hình sự. Nó không bình thường, và bản án đưa ra không đúng với lời nhận tội”.

Phúc thẩm ngày 25/11 ông Sang bị giữ y án.


4. Tra tấn, đánh đập phạm nhân, nghi can, người vi phạm

Khuyến nghị 62. Tiếp tục làm việc để giới thiệu các chương trình nâng cao nhận thức và giáo dục về nhân quyền vào chương trình phổ thông và đại học và tổ chức các chương trình phù hợp cho công chức viên chức (Belarus);

Khuyến nghị 65. Tăng cường giáo dục nhân quyền bằng các chương trình đặc biệt cho những cán bộ hành pháp và tư pháp (Morocco);

Công an, an ninh tra tấn, nhục hình nghi can, người vi phạm xảy ra ở mức độ không thể kiểm soát và không thể thống kê. Dưới đây là các vụ việc đã được báo chí đưa tin (mục số 4 và 5 trong chương này). Một số vụ cán bộ liên quan đã bị xử lý nhưng chỉ là biện pháp ứng phó tình thế khi báo chi đưa tin. Giải pháp cho vấn nạn tra tấn nhục hình chính là giáo dục nhân quyền cho công an an ninh, cải cách các quy định theo hướng tôn trọng nhân quyền liên quan đến tạm giam tạm giữ và chế độ tù giam.

4.1 Anh Lê Thanh Hải (SN 1983, ngụ tại thôn 3, xã Tế Nông, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa), cho biết vào khoảng 21 giờ ngày 21-11-2014, anh cùng với cháu Toàn (khoảng 10 tuổi), đang chơi đùa trước nhà chị Đỗ Thị Huế (hàng xóm của anh Hải và cháu Toàn). Lúc này, anh Hải có nói dùng bật lửa đốt cháu Toàn và gọi chị Huế mượn bật lửa để dọa nạt Toàn.

Theo anh Hải, nghe thấy thế chị Huế liền từ trong nhà đi ra và có những lời lẽ không hay ho với anh Hải. Thiếu kiềm chế, anh Hải đã tát chị Huế một cái vào mặt. Được mọi người vào can ngăn, hai bên ai về nhà nấy. Đến khoảng 22 giờ, ông Mã Lâm Trường, Phó công an xã là chồng chị Huế có sang nhà anh Hải gọi hỏi chuyện. Theo anh Hải, vì nhận ra mình đã sai nên đã sang nhà xin lỗi chị Huế.
Vừa sang tới nhà, ông Trường đã chỉ tay vào mặt mắng anh Hải và kéo cổ ghì mặt xuống bàn, đồng thời bẻ quặp tay ra phía sau. Lúc này, ông Lê Thành Kế, Trưởng công an xã, cũng đang ngồi ở đây song không có động thái can ngăn. Theo anh Hải, ông Kế còn dùng điếu cày vụt liên tiếp 2 cái vào gáy và trán anh Hải. Người đàn ông 31 tuổi sợ quá bỏ chạy nhưng còn bị 2 ông Kế và Trường xông vào đánh tiếp cho đến khi nhiều người ở gần đó tới can ngăn mới dừng tay.


4.2 Khoảng 14 giờ ngày 7-2, anh Huỳnh Thế Anh, 24 tuổi ngụ xã Lương Hòa ngồi nhậu với nhóm bạn tại xã Lương Bình (Bến Lức). Sau đó, 2 người bạn của Anh chạy xe đi mua mồi thì bị va quẹt với tài xế xe tải tên Hà Tấn Bảo. Đôi bên xảy ra tranh cãi và đánh nhau. Nghe tin, Anh cùng 2 người bạn liền chạy đến hiện trường để giải cứu. Đến chiều tối, Anh bị công an huyện Đức Hòa bắt, đưa về trụ sở Công an xã Hựu Thạnh (Đức Hòa). Tại đây, Anh bị 4 công an viên dùng tay và dùi cui đánh vào lưng, bụng và đầu gối.
Anh tố cáo: “Tôi ngồi trên ghế, một tay bị còng vào chiếc xe máy. Rồi cứ thế mấy ảnh bạt tai, dùng cùi chỏ đánh vào ngực, lưng. Khi tỉnh dậy, tôi bị chích điện vào đầu ngón tay, ngón chân mấy lần nữa”, người này nói. Anh còn cho rằng bị dùng gậy cao su đánh liên tiếp vào hai đầu gối. Chưa hết, những người lấy lời khai còn dùng giày đạp vào chân, đập dập trái ớt rồi banh mắt chấm vào mắt nghi phạm? “Tôi đau quá chỉ biết kêu rên, gục đầu xuống bàn nhưng mấy anh đổ thừa rằng tôi say xỉn và tiếp tục đánh. Có anh công an vừa đánh vừa tuyên bố: “Tao đánh cho mày mang bệnh về sau mới hả dạ”. Họ còn lấy ớt xát vào vùng bộ hạ của tôi nữa..”

4.3 Theo ông Nguyễn Đinh Út (SN 1974, ngụ xã Hướng Thọ Phú, TP Tân An), lúc 22 giờ ngày 29-3, một nhóm công an xã Thái Bình Trung đến kiểm tra hành chính nơi nuôi vịt của ông tại ấp Trung Môn, xã Thái Bình Trung. Ông Út nuôi gần 10.000 con vịt thịt nên thuê thêm anh Thạch Nghiệu (SN 1980, ngụ Bạc Liêu) và hai người nữa phụ việc. Sau khi kiểm tra giấy CMND, nhận dạng người, công an xã Thái Bình Trung mời ông Út và anh Nghiệu về trụ sở làm việc.

Tại đây ông Út bị đánh chấn thương nặng, vợ ông Út gặp xin công an để chở ông đi bệnh viện huyện cấp cứu. Còn anh Nghiệu tiếp tục bị giữ cho đến sáng, sau đó cũng phải nhập viện do đa chấn thương.

4.4 Khoảng 19 giờ ngày 23-6, công an xã nhận tin báo có một vụ cãi vã giữa Nguyễn Tiến Thành (20t) và một nhóm thanh niên nên công an xã đến hiện trường. Đến nơi, công an viên và dân quân tự vệ đã xịt hơi cay, bắt giữ Thành.

Nhiều người dân chứng kiến sự việc bắt giữ Thành khẳng định công an viên và dân quân tự vệ đã đánh Thành. Họ xịt hơi cay vào mặt rồi đánh, đá vào mặt, vào bụng Thành. Khi anh này lả người, họ quát nạt, tiếp tục đánh trước mặt nhiều người dân. Khi trưởng công an xã tới nơi, họ mới thôi đánh, đá.

BV Bà Rịa với chẩn đoán Thành: Đau nửa bụng bên trái, mắt sưng tấy, bụng trướng, ổ bụng xuất hiện dịch, chấn thương lá lách…

4.5 Vào khoảng 23h30 ngày 3-7 tại thôn Xuân Hòa, xã Phú Xuân ông Nguyễn Hữu Thâu bị nghi là kẻ ăn trộm nên ông Lê Viết Hùng cùng 3 người thuộc lực lượng tự quản của thôn đến đưa nghi can về hội trường thôn Xuân Hòa để làm việc.

Sáng hôm sau (4-7), người nhà ông Thâu và cơ quan chức năng xã đến hội trường phát hiện nạn nhân nằm bất động dưới sàn nhà. Các bác sĩ xác định ông Thâu bị chấn thương sọ não. Gia đình tiếp tục đưa nạn nhân xuống bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM để cứu chữa, nhưng trên đường đi thì ông Thâu tử vong.

4.6 Cho rằng ông Nguyễn Văn Sửu chết bất thường trong phòng giam, sáng 18-10, người nhà kéo quan tài mang thi thể ông Sửu đến trụ sở công an TP Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh).

Ngày 11-10, tại khu vực biển Mũi Ngọc (khu 1, phường Bình Ngọc, Thành phố Móng Cái) giữa ông Sửu và anh Phạm Văn Mạnh (26 tuổi, trú tại khu 7 Phong Cốc, thị xã Quảng Yên, Quảng Ninh) có xảy ra xô xát. Ông Sửu đã dùng súng đạn ghém bắn anh Mạnh khiến nạn nhân bị tổn thương nặng vùng bụng.

Ngày 14-10, ông Sửu bị tạm giữ hình sự tại phòng giam công an thành phố Móng Cái, đến chiều 17-10, ông Sửu được phát hiện đã tắt thở trong tư thế treo cổ. Cơ quan chức năng cho biết đã tiến hành khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi và xác định ông Sửu đã dùng mảnh vải xé ở ống quấn nối thành dây vắt qua ô thoáng cửa vào buồng giam để tự tử.

4.7 Ngày 5-7-2013, tại xã Đại Ân II, huyện Trần Đề (Sóc Trăng) xảy ra án mạng, nạn nhân là anh Lý Văn Dũng, hành nghề chạy xe ôm ở địa phương, bị đâm chết. Sau đó, bảy thanh niên ở địa phương lần lượt bị bắt để điều tra về tội giết người. Quá trình điều tra, các bị can này nhận tội nhưng khi gần có kết luận điều tra thì có hai cô gái ra tự thú chính họ là hung thủ. Sau đó, bảy thanh niên được đình chỉ điều tra do không liên quan đến vụ án. Mới đây nhất, ngày 8-8, hai điều tra viên từng làm cho bảy thanh niên nhận tội (dù không gây án) bị khởi tố về tội dùng nhục hình (một người bị tạm giam), một kiểm sát viên bị khởi tố về tội thiếu trách nhiệm…

Theo Sô Phách- nạn nhân bị nhục hình thì kiểu đơn giản là “bợp tai” vào phía sau gáy, nắm tóc kéo đầu giằng xuống bàn, đập ma trắc vào lưng, vào đầu. Kiểu đáng sợ là treo tay nghi phạm lên cửa sổ trong tư thế đứng không được, treo không xong. Kinh khủng nhất là trò dùng nước đá ướp vô bộ phận sinh dục. Và sau nhiều bận bị treo, bị ướm đá, bị ăn gậy nhừ tử (theo Phách có những ngày anh bị đánh đến gần 200 gậy), Sô Phách quyết định chọn phương án nhận tội để “có chết cũng còn sướng hơn bị nhục hình”.

4.8 Theo thông tin ban đầu, tháng 3-2013, Công an thị xã Gia Nghĩa triệu tập một số nghi can để xác minh, điều tra hành vi phá rừng. Trong số những nghi can này có ông H.V.N. (40 tuổi, trú phường Quảng Thành, thị xã Gia Nghĩa, Đắk Nông). Tuy nhiên, sáng hôm sau người nhà được báo ông N. đã tử vong tại nơi tạm giữ.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công An (C44) đã bắt khẩn cấp thiếu tá Lê Mạnh Nam để điều tra về hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Ông Nam (khi đó là thủ trưởng Cơ quan cảnh sát điều tra Công an thị xã Gia Nghĩa) chính là người ký lệnh triệu tập ông N.

4.9 Vào tháng 7, tại phiên tòa tại tỉnh Bắc Giang xét xử vụ án mua bán trái phép chất ma túy xảy ra tại Bắc Giang, bị cáo Nguyễn Thị Nguyệt Nga đã tố cáo bị bức cung, dùng nhục hình trong quá trình thẩm vấn. Kiểm tra tại tòa cho thấy trên người bị cáo Nga có nhiều vết bầm tím. TAND tỉnh Bắc Giang sau đó quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung đối với vụ án và yêu cầu các cơ quan tố tụng làm rõ nội dung tố cáo.

4.10 Đội Cảnh sát giao thông Công an Tp.Biên Hòa gồm tổ trưởng Nguyễn Bá Vĩnh, hai tổ viên Mai Quốc Long và Hồ Trung Quý được giao nhiệm vụ tuần tra kiểm soát đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên tuyến đường Bùi Hữu Nghĩa (xã Hóa An, Tp.Biên Hòa), thời gian từ 4g sáng đến 11g30 ngày 16-8.

Vào 11g30 cùng ngày, tổ tuần tra kiểm soát giao thông phát hiện anh Đỗ Văn Tiến (22 tuổi, ngụ huyện Trảng Bom, Đồng Nai) điều khiển xe môtô biển số 60B8-45473 chở bạn gái lưu thông trên cầu vượt Hóa An (hướng Biên Hòa - TP.HCM) rẽ phải đi ngược chiều vào đường một chiều.

Khi gặp tổ công tác trên, anh Tiến đã quay đầu xe bỏ chạy. Trung sĩ Hồ Trung Quý điều khiển môtô truy đuổi, dừng xe anh Tiến để xử lý. Trung sĩ Quý đã dùng tay đánh vào đầu anh Tiến (có nón bảo hiểm) và dùng gậy điều khiển giao thông đánh vào chân anh Tiến.

4.11 Khoảng 16g ngày 12-8-2014, anh Lê Văn Cương (25 tuổi, trú thôn Vân Cù, xã Hương Toàn, thị xã Hương Trà, Thừa Thiên - Huế) đang làm việc ở nhà thì ông Nguyễn Xuân Đạo (công an viên xã Hương Toàn) cùng một số người đàn ông mặc thường phục đến nhờ anh Cương đi mua giúp chim cút.
Sau đó, ông Đạo chở Cương lên trụ sở Công an xã Hương Toàn. Tại đây, Cương bị ba người đàn ông kéo vào phòng và đánh vào đầu, ngực và hai bên sườn. Tiếp đó, nhóm người này đưa ra giấy bút bắt anh Cương viết lời khai với nội dung đã lấy trộm máy vi tính. Cương bị còng tay treo lên, chỉ đứng nhón hai ngón chân và tiếp tục bị đánh.

Đến 18g30, Cương bị đánh quá đau, nói nếu đánh nữa là cắn lưỡi chết, nên công an thả cho về; sau đó được người thân đưa đi Bệnh viện Trung ương Huế điều trị.

5. Tuyên án oan và gây cái chết ám muội khi tạm giữ điều tra


Ngày 6/1/2015 yêu cầu chính quyền VN xóa án tử hình, 42 tổ chức XHDS trong và ngoài nước đồng loạt lên tiếng.

Bản lên tiếng viết: “Công lý, luật pháp và tòa án là nhằm giữ gìn xã hội trật tự và bảo vệ công dân vô tội, nhưng cũng nhằm giáo dục các công dân phạm tội, giúp họ hối lỗi và đền bù (sửa chữa), chứ không nhằm báo oán lên họ và gia đình họ.

Án tử hình do đó biểu hiện sự hung tàn của chế độ, vì là dấu nhà cầm quyền yếu kém trong điều hành xã hội; và thể hiện sự thất bại của luật pháp, vì mạng người mất đi thì không thể sửa chữa hậu quả. Ngoài ra, án phạt này chẳng tác dụng gì trong việc đấu tranh chống tội phạm. Tại các quốc gia bãi bỏ tử hình, trọng tội không thấy tăng, đang khi tại các quốc gia duy trì tử hình, trọng tội chẳng hề giảm, mà chỉ suy giảm ý thức tôn quý nhân mạng. Đấy là chưa kể xưa rày chẳng hệ thống tư pháp nào mà không có lúc sai lầm trong xét xử, khiến nhiều tử tội đã chết oan.”

Chính quyền VN đã cũng chấp nhận hai khuyến nghị của Thụy Sĩ và Ý liên quan đến án tử hình:
Khuyến nghị 92: Giảm danh sách các tội hình sự có thể bị trừng phạt bằng án tử hình, cụ thể với các tội phạm kinh tế và các tội liên quan đến ma túy, và xem xét khả năng đưa ra một luật hoãn áp dụng án tử hình (Thụy Sĩ);

Khuyến nghị 94: Cân nhắc ít nhất là hạn chế hơn nữa việc sử dụng án tử hình, chỉ áp dụng với các tội nghiêm trọng, như quy định trong điều 6 của Công ước quốc tế về các quyền Dân sự và Chính trị trên quan điểm nhanh chóng thông qua một lệnh hoãn áp dụng trên thực tế các cuộc xử tử (Italy);

Khuyến nghị 137: Đảm bảo quyền của gia đình được thăm và hỗ trợ pháp lý, đặc biệt trong quá trình điều tra của công an (Thụy Sỹ);

Dấu hiệu án oan và các cái chết mờ ám trong lúc giam giữ điều tra được thu thập trong năm 2014 sau đây:

5.1 Một thiếu tá công an ở Hải Phòng bị giết chết đêm. Vụ án có 3 bị cáo gồm Vũ Đoàn Trung, ở Hải Phòng, nhận tội, 23 năm tù giam; Đỗ Văn Hoàng, ở Hải Phòng, không nhận tội, tù chung thân; và Nguyễn Văn Chưởng, ở Hải Dương (bị Vũ Đoàn Trung tố cáo là chủ mưu), không nhận tội, tử hình.

Tháng 7 năm 2007, bị cáo Nguyễn Văn Chưởng cùng với em trai đang lao động ở Hải Phòng. Tuy nhiên, cả 2 không có mặt tại đó vào thời điểm xảy ra án mạng (vì họ thường về thăm nhà ở thôn 1, xã Bình Dân, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương mỗi cuối tuần). Nhiều người thân lẫn người dân trong thôn đã làm chứng về sự có mặt của 2 anh em đêm 14-7-2007, xa phạm trường tới 40km. Thế nhưng lời khai của các nhân chứng bị cơ quan điều tra hoặc xuyên tạc (như bà Nguyễn Thị Bích, mẹ bị cáo) hoặc dùng tra tấn để phải rút lại (như chị Nguyễn Thị Bảy, vợ bị cáo hoặc nhiều người dân trong làng). Các nhân chứng ấy lại không được ghi lời khai trong bản án cũng chẳng được triệu tập đến tòa trong ngày xử.

Nhiều tình tiết cho thấy công an đã áp đặt tội cho Nguyễn Văn Chưởng ngay từ khi khởi sự điều tra. Đó là bắt giam Nguyễn Trọng Đoàn (em của Chưởng) khi anh này đem đơn của mẹ kêu oan cho con (10-08-2007), sau đó kết án anh 2 năm tù vì “che giấu tội phạm”. Đó là tra tấn dã man bị cáo Chưởng và nhiều chứng nhân để hủy bằng cớ ngoại phạm của anh. Đó là trong hồ sơ vụ án, giấy tờ giám định thương tích của Chưởng, lời khai của nhiều nhân chứng không có; chữ ký của Đoàn bị giả mạo; lời khai của hai bị cáo Vũ Toàn Trung và Trần Thị Lan Phương (người yêu) rất mâu thuẫn nhau; yêu cầu của Chưởng xin được khôi phục các cuộc điện thoại của mình tối ngày 14 và sáng ngày 15-07-2007 cũng bị lờ hẳn.

5.2 Tòa Long An quyết định hoãn tử hình phạm nhân Hồ Duy Hải, người bị kết án tử hình với tội danh giết người, cướp tài sản năm 2008, ngay trước ngày bị xử tử.

Trước đó, Tòa án Nhân dân tỉnh Long An đã ký quyết định thi hành án tử hình đối với tử tù này vào ngày 5/12/2014. Ông Hải, 29 tuổi, đã bị tòa các cấp sơ thẩm và phúc thẩm tuyên án tử hình vì tội giết người và cướp tài sản liên quan đến vụ sát hại hai nhân viên bưu điện hồi năm 2008. Tuy nhiên kể từ khi án tử hình được đưa ra, gia đình ông Hải lẫn bản thân ông đã liên tục kêu oan.

Cơ quan điều tra đã không xác định được mẫu máu, không xác định được dấu vân tay thu tại hiện trường là của ông Hải. Các lời khai của nhân chứng cũng bị sửa chữa mà không có chữ ký xác nhận của người khai. Vũ khí gây án cũng không được phát hiện ra. Con dao được giao nộp là do cơ quan điều tra cho người khai đi mua để làm “vật mô phỏng”.


5.3 Bị khởi tố, bắt giam chưa đầy một tháng về tội cố ý làm trái quy định, ông Dương Lê Dũng (nguyên giám đốc công ty lương thực Vĩnh Long) đã chết rạng sáng ngày 5-12.

Vào sáng 11-11, Cục phòng chống tham nhũng C48 (Bộ Công an) phối hợp Công an tỉnh Vĩnh Long bắt tạm giam ông Dũng và hai nhân viên Công ty Lương thực Vĩnh Long để điều tra hành vi cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lí kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

5.4 Sáng 29-12, anh Trần Văn Tùng được phát hiện đã chết trong tư thế treo cổ trong nhà tạm giữ Công an huyện Đại Lộc, Quảng Nam.

Sáng 24-12, Công an xã Đại Hiệp và Công an huyện Đại Lộc bắt quả tang anh Trần Văn Tùng đang cắt trộm dây cáp điện thoại tại thôn Phú Hải xã Đại Hiệp. Ngay sau đó, Tùng được đưa về trụ sở công an huyện để lấy lời khai và đưa vào nhà tạm giữ lưu giam. Đến sáng 29-12 thì phát hiện anh Tùng đã chết trong tư thế treo cổ bằng dây thun quần.

Khóc ngất trước cổng Trung tâm Pháp y Đà Nẵng, bà Phạm Thị Vàng nói: “Mấy ngày trước (ngày 25-12), tôi còn mang áo quần, mì tôm… vào thăm, nó còn khỏe mạnh. Nó còn dặn em trai về phòng trọ ở Liên Chiểu (Đà Nẵng) lấy mấy bộ quần áo về, sao lại nói tự tử”. Bà Vàng cho biết thêm giờ gia đình bà chỉ có mong muốn làm sáng tỏ sự việc. “Nếu con tôi sai thì có pháp luật trừng trị chứ không thể chết không rõ nguyên nhân được”.


6. Trấn áp bách hại tù nhân lương tâm

Khuyến nghị 133. Tiến hành các biện pháp cần thiết để đảm bảo quyền của các công dân bình đẳng trước pháp luật, được suy đoán vô tội cho đến khi được chứng minh là có tội, và xét xử công bằng cũng như quyền tự do không bị bắt hoặc giam giữ sai trái (Canada);

Khuyến nghị 134. Đảm bảo quyền của tất cả mọi người về xét xử công bằng và đặc biệt là cho phép quan sát viên hiện diện không hạn chế tại các phiên xét xử của tòa án (Luxembourg);

Năm 2014 đã có ít nhất 18 TNLT tuyệt thực hoặc bị kỷ luật hoặc đánh đập.

6.1 Luật sư Lê Quốc Quân tuyệt thực từ ngày 2/2. Ông đòi sách luật để nghiên cứu bào chữa cho mình trước phiên phúc thẩm, đòi kinh thánh và được gặp linh mục để chịu các phép bí tích. Đang bị giam tại B14 Hà Nội.

• Ls Lê Quốc Quân bị bắt ngày 27/12/2012, đang chịu án 2.5 năm tù giam vì bị quy chụp tội “trốn thuế”.

6.2 Bùi Hằng, Nguyễn Thi Thúy Quỳnh và Nguyễn Văn Minh tuyệt thực 15 ngày phản đối dàn dựng bắt người vô cớ ngày 11/2/2014. Cả ba bị tạm giam tại Lấp Vò, Đồng Tháp. Ông Nguyễn Bắc Truyển tường thuật lại: “Sau 24 tiếng, ba người tiếp tục bị bắt giữ là chị Bùi Hằng, cô Nguyễn Thị Thúy Quỳnh và anh Nguyễn Văn Minh, 18 người được thả. Hiện nay tình trạng sức khỏe của cô Bùi Thị Minh Hằng, cô Nguyễn Thị Thúy Quỳnh hết sức đáng quan ngại vì họ đã tuyệt thực 15 ngày rồi. Theo tin mới nhất họ đã tuyệt thực 15 ngày trong tù để phản đối việc bắt giữ, giam giữ.”

• Bùi Hằng bị kết án 3 năm, Thúy Quỳnh 2.5 năm, Văn Minh 2 năm theo Điều 245 “gây rối trật tự công cộng” BLHS.

6.3 Đỗ Văn Hoa (nhà tù Ba Sao, tỉnh Hà Nam) vì không nhận tội anh bị ngược đãi và bị từ chối chăm sóc y tế. Vì tình trạng sinh hoạt bẩn thỉu, ăn uống thiếu thốn, không khí tăm tối ẩm ướt mấy ngày tết 2014 anh bị bệnh đường ruột bệnh xá của nhà tù không chữa được nên cán bộ của trại tù gọi điện báo vợ anh mang thức ăn tiếp tế và thuốc chữa bệnh vào tù cho anh. Hiện tại bệnh đường ruột của anh đã tạm ổn, sau lần bị bệnh này sức khỏe của anh bị suy sụp rất nhiều, nhà tù đã phải tăng thêm cho anh mỗi ngày thành 2 bữa cơm rau, một tuần được một lần 3 miếng thịt và một lần là một miếng cá. Mỗi lần vào thăm gặp chồng, chị Hà đều phản đối việc công an tùy tiện biệt giam và hành hạ thể xác và tinh thần của chồng chị. Bản thân anh Hoa trong tù cũng liên tục phản đối.

• Đỗ Văn Hoa bị bắt ngày 16/6/2011 và bị tuyên án 4 năm tù giam 3 năm quản chế theo Điều 88 “tuyên truyền chống nhà nước”.

6.4 Ngô Hào bị cưỡng bức lao động đi phát rừng trên một diện tích lớn trong lúc tuổi đã trên 60 và bệnh tật. Anh Ngô Minh Tâm, con trai của ông Ngô Hào về tình trạng của cha mình, anh nói: “Sức khỏe của ba tôi hiện nay rất xấu, khi tham dự phiên tòa ông phải ngồi trên ghế để trả lời chứ không thể đứng được. Kể từ khi gặp ba trên tòa, từ đó đến nay, tôi không còn được gặp mặt ông nữa, trại giam không chấp nhận cho tôi vào thăm ông, mẹ tôi nói hiện nay ba tôi rất yếu, những lần gặp trước, tinh thần ba tôi khá vững vàng, nhưng không hiểu sao, lần này tinh thần của ba tôi bị khủng hoảng nghiêm trọng. Mẹ tôi đến thăm ba nhưng bị cán bộ quản lý rất chặt chẽ, ba tôi không dám nói gì khi có công an đứng xung quanh, ông rất lo sợ và tinh thần rất xấu”.

Mặc dù tình hình sức khỏe của ông Ngô Hào ngày càng xấu đi, nhưng trại giam vẫn áp dụng các biện pháp cưỡng bức lao động đối với ông, hiện nay trại giam bắt ông đi phát rừng trên một diện tích rất lớn.

• Ngô Hào bị bắt ngày 8/2/2013, chịu án 16 năm tù giam với tội danh “âm mưu lật đổ chính quyền” của Điều 79.

6.5 Tạ Phong Tần bị sỉ nhục trong buồng giam. Cô Tạ Minh Tú nói: “Từ trại giam Thanh Hóa, chị Tần gọi điện thoại về cho tôi, chị nói là, chị đang bị bệnh và ho rất nhiều. Có một số tù nhân mới vào ở chung phòng chị Tần, họ sỉ nhục chị Tần, nếu chị Tần chống cự lại thì sẽ bị họ đánh. Họ có hành vi phỉ báng di ảnh của mẹ là bà Đặng Thị Kim Liêng. Chị Tần đã làm đơn khiếu nại. Chị Tần nói, nếu tháng sau chị Tần không điện thoại về nhà tức là tụi nó đánh chị”.

• Tạ Phong Tần đang chịu án 10 năm tù giam 5 năm quản chế theo Điều 88 BLHS, tính từ ngày 5/9/2011.

6.6 Đơn thư tố cáo của MS Nguyễn Công Chính nói: “Vào lúc 5h sáng ngày 18-5-2012 trong lúc tôi đang ngồi cầu nguyện thì có khoảng 15 người trong ban quản giáo trại giam T20 cầm gậy cao su, roi điện, bình xịt hơi cay…xuống mở cửa buồng vào đánh đập tôi. Cấm không cho tôi cầu nguyện trong buồng giam. Trong số người đánh tôi, tôi biết tên chính xác những người có tên sau: Đại úy Nguyễn Anh Tuấn, Quách Thị Hạnh, Trung tá Nguyễn Đình Oanh, Nguyễn Văn Biên, Trung úy Trần Cao Cường.”

• MS Nguyễn Công Chính bị bắt ngày 28/4/2011, bị kết án 11 năm tù dưới tội danh “phá hoại chính sách đoàn kết dân tộc” của Điều 87 BLHS.

6.7 Ngày 9/4/2014 khi gia đình vào thăm Đặng Xuân Diệu thì biết anh đang tuyệt thực sang ngày thứ 16 vì đơn thư tố cáo của anh gửi cho trại giam ngày 24/12/2013 đã không được giải quyết. Anh cũng nhất quyết không mặc áo tù vì cho rằng mình vô tội.

• Ông Đặng Xuân Diệu là kỹ sư xây dựng, tốt nghiệp Đại học Bách Khoa Đà Nẵng. Trước khi bị bắt ngày 27/8/2011, ông từng ký tên chống khai thác bauxite ở Tây Nguyên, đòi thả luật gia Cù Huy Hà Vũ, biểu tình chống Trung Quốc xâm lược Hoàng Sa – Trường Sa…Ông bị kết án 13 năm tù giam với tội danh Điều 79 “âm mưu lật đổ chính quyền”.

6.8 Trần Minh Nhật và Trần Hữu Đức tuyệt thực đòi quyền tự do tôn giáo trong tù tại trại giam Phú Sơn, Thái Nguyên. Kinh Thánh và sách về tôn giáo hợp pháp không được đưa vào tù.

Người nhà của anh Trần Hữu Đức nói rằng các tù nhân lương tâm bị phân biệt đối xử, miệt thị, chèn ép từng tí từng tí một, không được học tập, đọc sách, báo chí, không được giữ Kinh Thánh, cả sách tôn giáo hợp pháp cũng không. Buồng giam thì chật chội, luôn bị nhốt trong buồng giam, khu vui chơi giải trí không có. Chế độ chính sách thì bớt xén, nước sinh hoạt luôn thiếu, hàng hóa căng tin thì đắt gấp 2-3-4 lần, mua rất khó khăn (mua đôi dép cũng phải làm đơn), thức ăn mua không đủ hàm lượng, làm không vệ sinh. Cơm khẩu phân ăn luôn thiếu so với hàm lượng của chính sách…

• Trần Minh Nhật bị bắt 27/8/2011 và bị kết án 4 năm tù giam 3 năm quản chế theo Điều 79. Trần Hữu Đức bị kết tội “tuyên truyền chống nhà nước” với 39 tháng tù giam 1 năm quản chế, tính từ ngày 2/8/2011.

6.9 Khi mẹ của Đinh Nguyên Kha vào thăm ngày 24/4/2014 thì Kha đang tuyệt thực phản đối sự ngược đãi tại trại tù Xuyên Mộc, tỉnh BRVT. Kha nói: “Họ khủng bố tinh thần con bằng mọi cách. Họ không cho con đọc sách báo của mẹ gửi vào tháng trước. Họ không cho con nhận xấp hình của gia đình mình gửi, không cho xem đĩa, TV, mặc dù mọi thứ đều có sẵn trong trại. Họ không cho con đi ra ngoài phòng đi lao động, mặc dù những người phòng bên cạnh được phép ra. Con thấy cách họ đối xử với tù nhân rất tệ, và vì quyền lợi của những người tù nên con đã phản đối họ gay gắt. Và con đã bị kỷ luật.”
• Đinh Nguyên Kha bị bắt ngày 11/10/2012, kết án 4 năm tù 3 năm quản chế theo Điều 88.

6.10 Vợ MS Nguyễn Công Chính cho biết trong chuyến đi thăm nuôi chồng vào ngày 21/5/2014 bà được mục sư Chính cho biết ông đang bị hành hạ trong tù hết sức khắc nghiệt. Nguyên nhân vì thời gian lúc trước ông và 1 số tù nhân lên tiếng yêu cầu mở các cửa sổ phòng giam, cải thiện chế độ ăn uống cho phù hợp để đảm bảo sức khỏe tù nhân, chống phân biệt đối xử. Một số tù nhân lương tâm, có người sắc tộc gởi thư ra ngoài kèm danh sách kêu gọi sự giúp đỡ can thiệp cho họ. Nhưng sau đó bị công an phát giác, những người này nghe theo sự ép buộc, mua chuộc của công an và họ quay lại viết đơn tố cáo mục sư Chính lôi kéo họ làm việc này.

Ngày 17/5 Công An trại giam tổ chức 1 buổi đấu tố mục sư Chính trước tập thể tù nhân nhằm đe dọa những ai có hành vi đấu tranh. Tại buổi đấu tố, Mục sư Chính cho biết họ sỉ nhục, bêu xấu ông đủ mọi thứ theo suy diễn của họ.

6.11 TNLT Hồ Thị Bích Khương là một người thường hay tố cáo những hành vi sai phạm của cán bộ trại giam. Chị Khương liên tục bị đưa đi kỷ luật biệt giam, bị cắt khẩu phần ăn, nước uống và không được tắm giặt. Đặc biệt là vào ngày 29/3/2014. Tại buồng giam kỷ luật của phân trại, chị Hồ Thị Bích Khương đã bị cán bộ trực trại tên là Hà Thị Liên đã đánh đập tàn nhẫn và còn tuyên bố “Tao là công an, tao đánh cho mày chết. Tại sao mày dám tố cáo công an?” Trước khi bị đánh thì chị Hồ Thị Bích Khương đã nhin ăn 10 ngày nên phần vừa vì đói vừa bị đánh đập nên chị đã ngất do kiệt sức, trại giam đã phải đưa chị đi cấp cứu.

• Hồ Thị Bích Khương bị bắt ngày 15/1/2011 bị kết tội “tuyên truyền” 5 năm tù giam và 3 năm quản chế.

6.12 Mai Thị Dung bị ngược đãi, đàn áp. Bà Dung hiện đang bị các bệnh sỏi túi mật, suy tim, và suy nhược thần kinh, nhưng không được trại giam khám và chữa bệnh, mỗi lần ra thăm gặp thân nhân, bà Dung phải có người dìu ra.

Ông Bửu cho biết vừa ra thăm vợ ngày 01/08/2014. Sức khỏe của bà Dung rất kém. Ông Bửu bức xúc nhất là khi bà Dung gửi ra một mẫu giấy kể về triệu chứng bệnh, để khi về ông mua thuốc gửi vào cho bà, thì bị cán bộ trại giam giật lại và tịch thu không cho bà gửi ra.

• Mai Thị Dung bị kết án 11 năm tù “gây rối trật tự công cộng” tính từ ngày 5/8/2005.

6.13 Trong chuyến thăm nuôi ngày 12/8 của gia đình TNLT Đặng Xuân Diệu cho biết, gia đình vẫn không được gặp anh Đặng Xuân Diệu. Anh Diệu viết thư ra bên ngoài và thông báo: “142 ngày anh Diệu không được nhận cơm trưa, và hiện nay anh Diệu thiếu nước uống, mà nước uống được cung cấp thì rất là dơ bẩn.” Ông Đặng Xuân Hà, anh trai của TNLT Đặng Xuân Diệu cho hay: Diệu không ra gặp nhưng Diệu có viết ra Diệu bảo là: 10 ngày bị kỷ luật, bị còng chân vào bể đá, (dịp gần TẾT), 142 lần không được ăn cơm kể cả lúc tuyệt thực và không tuyệt thực, và thiếu nước uống, nước uống mất vệ sinh, bẩn thỉu. Diệu thống kê từ lúc vào trại giam số 5.

6.14 Trần Văn Sang bị đánh trong tù đến nỗi khi ra gặp luật sư phải ngồi xe lăn. Bà Đỗ Thị Luyện, 78 tuổi, mẹ của ông Trần Văn Sang, một trong những Dân oan Dương Nội, cho biết, ông Sang bị hành hạ trong trại giam: “Hôm trước, Luật sư Trần Thu Nam gặp con tôi, trực tiếp nói chuyện với con tôi và kể lại cho tôi nghe rằng, thằng Sang nhà tôi có người đưa ra [gặp luật sư] bằng xe lăn, nó [cán bộ trại giam] đánh con tôi hai bên sườn, đánh sau lưng con trai tôi… không đi được”.

• Trần Văn Sang bị bắt ngày 26/3/2014, án 20 tháng tù giam vì “chống người thi hành công vụ.

6.15 Gia đình Tù nhân Lương tâm Thanh niên Công giáo Nguyễn Đình Cương cho biết anh Cương đang tuyệt thực, anh đang bị kỷ luật và bị cùm chân: “Gia đình chúng tôi tiếp tục nhận được cuộc điện thoại thứ hai vào ngày 09.09 thì họ nói, anh Cương đã tuyệt thực đến ngày thứ ba rồi, anh vẫn bị kỷ luật và bị cùm chân. Họ cho biết lý do anh Cương bị cùm chân là, có một phạm nhân giam chung phòng với anh ấy bị quản giáo đánh đập, thế nên anh Cương đã lên tiếng bảo vệ người này…”

• Nguyễn Đình Cương bị bắt ngày 24/12/2011, chịu án 4 năm tù giam 3 năm quản chế theo Điều 79.

6.16 Nguyễn Đặng Minh Mẫn và Hồ Thị Bích Khương tuyệt thực phản đối kỷ luật trong Trai giam số 5, Thanh Hóa.

Chiều ngày 05.12.2014, từ trại giam TNLT Nguyễn Đặng Minh Mẫn gọi điện thoại về cho mẹ cô là bà Đặng Ngọc Minh trong vòng 5 phút, bà Mẫn cho biết: “Cán bộ trại giam đưa Mẫn vô khu kỷ luật ở. Họ đóng ba tầng cửa. Không được đi ra đi vào gần giống như biệt giam vậy. Mà trong khi không vi phạm cái gì. Mẫn và cô Bích Khương tuyệt thực được 8 ngày. Sức khỏe Mẫn yếu. Mẫn tuyệt thực đến khi nào họ mở cửa cho ra thì thôi, chứ như vầy, Mẫn sẽ không bao giờ ăn lại. Mẫn dặn tôi mua cho Mẫn một ít thuốc.”

• TNLT Nguyễn Đặng Minh Mẫn bị bắt giam vào ngày 21.07.2011. Cô bị kết án 8 năm tù giam và 5 năm quản chế theo Điều 79 Bộ luật Hình sự.


(Còn tiếp)


Xem lại phần 2


------------------------------


VIỆT NAM THÀNH VIÊN HỘI ĐỒNG NHÂN QUYỀN LIÊN HIỆP QUỐC và VI PHẠM NHÂN QUYỀN 2014









No comments:

Post a Comment

View My Stats