Saturday, 3 January 2015

Trung Quốc 2015: Địa ốc tuột dốc (Vũ Hoàng & Nguyễn-Xuân Nghĩa, RFA)





Vũ Hoàng & Nguyễn-Xuân Nghĩa, RFA
2014-12-31

Ngày nay, thế giới đã công nhận rằng đà tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc không thể khả quan như xưa. Nhưng bên dưới tình trạng suy trầm trì trệ ấy còn có nhiều vấn đề khác nữa mà người ta cần nhìn ra. Diễn đàn Kinh tế sẽ khởi đầu cho năm 2015 qua việc phân tích những vấn đề này. Xin quý vị theo dõi phần trao đổi với chuyên gia Nguyễn-Xuân Nghĩa do Vũ Hoàng thực hiện sau đây.

Chiến dịch bài trừ buôn lậu nông sản

Vũ Hoàng: Xin kính chào tái ngộ ông Nguyễn-Xuân Nghĩa. Thưa ông, sau loạt tổng kết cho 2014 và dự báo cho năm mới, kỳ này xin đề nghị ông phân tích cho tình hình kinh tế Trung Quốc trong năm 2015. Theo giới quan sát quốc tế thì kinh tế Trung Quốc khó đạt chỉ tiêu tăng trưởng khoảng 7% cho năm 2015, nhưng ngoài ra, xứ này còn có những vấn đề gì khác nữa?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Trước hết, chúng ta nên đọc vài tin nhỏ mà kém vui vì chúng liên hệ đến kinh tế Việt Nam. Hôm 30, tại Việt Nam, Trung tâm Tư vấn của Tổ chức Thương mại Thế giới WTO cùng Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam vừa ra một báo cáo có tính khuyến nghị, rằng Việt Nam cần giới hạn dần và chấm dứt việc trao đổi qua biên giới với Trung Quốc để chỉ còn cơ chế xuất nhập khẩu thông thường mà thôi. Việc mua bán qua biên giới, hay mậu biên hoặc xuất nhập khẩu tiểu ngạch, là hiện tượng quá phổ biến, gây thất thu về thuế khóa và đào sâu tình trạng nhập siêu quá nặng của kinh tế Việt Nam với Trung Quốc. Trong năm qua, số nhập siêu này lên tới gần 30 tỷ đô la, tăng gần 22% so với năm ngoái.
Trước đó hai ngày, tờ The Wall Street Journal bên Mỹ lại có cái tin mang tính chất bổ sung. Đó là nạn nhập lậu khá phổ biến tại Trung Quốc. Nhưng chuyện ly kỳ họ nói tới không là nhập lậu các mặt hàng công nghiệp tiêu dùng mà là nhập gạo từ Việt Nam. Con số gây giật mình là số gạo lậu từ ta bán cho Tầu trong 11 tháng đầu năm lên ít nhất là một triệu 200 nghìn tấn, bằng một phần tư của số gạo tiêu thụ tại Hoa Kỳ. Việt Nam đứng đầu trong các nước bán gạo cho Tầu và cung cấp hơn phân nửa số gạo nhập khẩu chính thức vào xứ láng giềng này. Vì giá gạo bên Tầu quá cao, lên tới khoảng 643 đô la một tấn so với giá 498 đô la của Việt Nam, nên trong luồng giao dịch gọi là mậu biên này mới có tình trạng buôn lậu.
Những tin đó từ Việt Nam và bên Mỹ xác nhận điều mà Cục Hải quan Toàn quốc nhắc đền từ đầu tháng 11. Đó là thi hành quyết định của Hội nghị Ban chấp hành kỳ bốn vừa qua, Quốc vụ viện là Hội đồng Bộ trưởng của Trung Quốc phát động chiến dịch bài trừ buôn lậu nông sản và ma túy gọi là Lục Phong, làm gió xanh lục.

Vũ Hoàng: Ông nghĩ thế nào về những vấn đề rất ly kỳ này, thí dụ như Việt Nam là nước bán gạo nhiều nhất cho Trung Quốc mà lại còn bán lậu nữa?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Những tin ấy thấy hơi buồn, buồn nhất là cho người Việt trong cuộc là nông gia. Xứ này nằm dưới chế độ kiểm soát rất khắc nghiệt vậy mà vẫn để xảy ra nạn buôn lậu thì hiển nhiên là các cấp chính quyền địa phương không làm tròm nhiệm vụ, có khi còn trực tiếp nhúng tay vào nghề buôn lậu nữa. Nhân loại đã bước qua năm thứ 15 của thế kỷ 21 rồi mà hai quốc gia tự xưng xã hội chủ nghĩa lại còn hiện tượng lạc hậu đó. Việt Nam hiện dư gạo, nông dân vẫn là nạn nhân vì không hưởng kết quả lao động của mình với giá gạo quá thấp, lại còn buôn lậu qua một xứ đói ăn, khát dầu và thiếu nước mà lại có hành vi áp bức với quốc gia mình.
Chuyện ấy khiến ta nhớ đến một vấn đề khác. Tháng Tư vừa qua, hai bộ Bảo vệ Môi sinh và Tài nguyên Quốc thổ của Bắc Kinh cho biết là một phần năm diện tích đất đai bị nhiễm độc vì hóa chất từ công nghiệp khiến hàng năm họ mất 12 triệu tấn hoa màu, và 30% sản lượng gạo của họ có độ chì cao hơn mức an toàn cho sức khoẻ. Một ví dụ khác là từ nhiều năm rồi, tỉnh Hồ Nam cố khắc phục tình trạng ruộng lúa bị nhiễm chất cadmium mà không xong vì thiếu nước. Và hậu quả là gạo tại Quảng Đông bên cạnh nước ta bị nhiễm cadmium chính là gạo từ Hồ Nam.
Chúng ta biết diện tích canh tác của Trung Quốc chỉ bằng một phần ba của bình quân thế giới, bây giờ số đất hiếm hoi ấy lại thiếu nước cho canh tác, rồi còn bị ô nhiễm vì quy cách sản xuất vô trách nhiệm, nên việc nhập khẩu lương thực còn kéo dài mãi mãi. Mà lương thực là sản phẩm còn sinh tử hơn dầu khí nên tất nhiên họ có tư tưởng cướp đất để trồng gạo bên cạnh một quốc gia như Việt Nam mà lãnh đạo có thói quen là cái gì cũng bán, kể cả bán nước.

Viễn ảnh 2015 của kinh tế TQ

Vũ Hoàng: Trở lại viễn ảnh 2015 của kinh tế Trung Quốc thì giới quan sát nhận định thế nào?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Nói chung, người ta cho là kinh tế Trung Quốc sẽ bị suy trầm và giảm phát, với đà tăng trưởng không thể là 7%, có khi chỉ 5% mà thôi. Tuy nhiên, từ chuyện đất đai sang nhà cửa thì tôi nghĩ là ta nên tìm hiểu về một quyết định mới của Quốc vụ viện Bắc Kinh.
Hôm 22 vừa qua, họ vừa ra một thông tư sơ khởi để sẽ bắt đầu áp dụng từ đầu Tháng Ba này. Đó là các chính quyền địa phương từ cấp quận huyện trở lên phải lập ra hệ thống kiểm kê và đăng ký mọi loại tài sản gia cư, địa ốc và quyền sử dụng đất trên toàn quốc.

Vũ Hoàng: Thưa ông, vì sao ông lại cho quyết định này là quan trọng?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Việc các địa phương phải lập hệ thống kiểm tra tài sản địa ốc bằng điện tử lẫn ghi trên số sẽ mất nhiều năm mới hoàn thành nhưng trước mắt thì khiến giá nhà tại nhiều nơi sút giảm hơn nữa ngay năm nay. Điều ấy lập tức ảnh hưởng đến sản lượng kinh tế năm 2015.
Nhìn về căn bản thì quyết định này còn có ý nghĩa sâu xa hơn. Đây là trận đánh lâu dài về ngân sách giữa chính quyền trung ương và các địa phương, lồng trong chiến dịch diệt trừ tham nhũng ở cấp địa phương, và sẽ giới hạn được nạn cướp đất của dân để đầu cơ và thổi lên bong bóng.

Vũ Hoàng: Xin ông lần lượt trình bày cho thính giả của chúng ta những ý nghĩa quả thật là nghiêm trọng mà rắc rối này.
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Trước hết là về bối cảnh thì như diễn đàn của chúng ta đã trình bày từ mấy năm trước, chính sách quản lý đất đai và cấp phát tín dụng để kích thích kinh tế đã dẫn đến hai chuyện. Thứ nhất, các chính quyền địa phương lợi dụng quyền quản lý để ban phát lợi lộc cho tay chân khiến dân oán hận. Lý do là họ thu được 40% ngân sách chi dụng là nhờ số đất thật ra lại rất ít hỏi đó. Thứ hai, chính sách kích thích kinh tế bằng tín dụng ào ạt lại trút tiền vào các doanh nghiệp nhà nước ở trung ương và địa phương và chạy vào túi các đại gia có quan hệ với đảng viên cán bộ. Rồi tiền quá dư thừa với lãi suất rẻ mới thổi lên nạn đầu cơ địa ốc và trái bóng đầu cơ bị bể từ mấy năm nay. Hậu quả là ngoài mấy thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải hay Quảng Châu, Nam Kinh, tại tất cả các thành phố khác giá nhà đều sụt và các tay đầu cơ có thể phá sản, ngân hàng mất nợ và ngành xây cất bị khủng hoảng, công nhân mất việc.
Trong bối cảnh ấy, chính quyền trung ương bèn ra chỉ thị thành lập hệ thống kiểm tra này để vừa nắm vững tình hình thật, vừa tránh nạn địa phương lạm quyền rồi báo cáo sai lên trên và từ đó có hy vọng đẩy lui nạn đầu cơ trên thị trường gia cư.

Trận đánh về ngân sách

Vũ Hoàng: Hồi nãy ông có nói đến trận đánh về ngân sách giữa trung ương với địa phương, vì sao lại có tình trạng này?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Hệ thống ngân sách của Trung Quốc được thiết lập từ 20 năm trước nay đã bị lỗi thời, khi số thu và chi của trung ương và các địa phương đã có thay đổi. Vắn tắt cho dễ nhớ thì trung ương và địa phương thu được bằng nhau, nhưng các khoản chi của địa phương lại tăng mạnh, từ phân nửa của số tổng chi mấy chục năm trước nay đã lên tới khoảng 85%. Khi ấy, họ làm sao giải quyết được nhu cầu chi dụng? Họ cướp đất và bán đất và lập ra cả ngàn công ty mệnh danh là đầu tư để đi vay tiền bừa phứa từ các ngân hàng của nhà nước tại địa phương và đang chất lên một núi nợ rất cao, bên trong có nhiều nợ xấu sẽ mất. Cho đến nay, chưa ai tính được các khoản nợ này là bao nhiêu và bao giờ thì vỡ nợ.
Vì vậy, sau nhiều năm xoay trở, năm nay trung ương mới lập ra sắc thuế thổ trạch sẽ áp dụng năm tới. Loại thuế đánh trên tài sản địa ốc này nhắm vào việc giải trừ đầu cơ và đồng thời cho địa phương một nguồn thu rõ rệt hơn. Nhưng muốn vậy thì phải có hệ thống kiểm tra tài sản địa ốc.

Vũ Hoàng: Hồi nãy, ông có nói đến việc địa phương thiếu tiền chi dụng cho ngân sách nên mới lập ra những công ty đầu tư tại địa phương để hút tiền từ các ngân hàng của nhà nước tại địa phương và chất lên một núi nợ sẽ sụp đổ. Thế Bắc Kinh giải quyết vấn đề này như thế nào?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Để giải quyết chuyện này, từ ba năm truớc, lãnh đạo Bắc Kinh cho thử nghiệm trên 10 thí điểm thể thức trái phiếu địa phương, là các địa phương được vay tiền khi phát hành tờ công khố phiếu của từng địa phương để huy động tiền trong dân gian. Năm 2015 này, họ sẽ thống nhất áp dụng việc đó để các địa phương có tiền trả nợ, tránh nạn cướp đất và tạo cơ hội khác cho giới đầu tư. Nhưng muốn có một thị trường trái phiếu địa phương và đồng thời ban hành sắc thuế thổ trạch thì trước hết người ta cần có một hệ thống sổ sách phân minh và đáng tin cậy. Đấy là ý nghĩa của việc thành lập hệ thống kiểm tra tài sản gia cư địa ốc vừa mới ban hành.
Qua ngần ấy chuyện, ta thấy ra nhiều vấn đề chằng chịt và phức tạp của hệ thống công quyền thiếu dân chủ và chẳng áp dụng thế chế liên bang trên một đất nước quá rộng.

Vũ Hoàng: Câu hỏi cuối, thưa ông, liệu chính quyền Trung Quốc có thành công hay chăng khi một lúc phải giải quyết ít ra ba bốn vấn đề là chi thu ngân sách, tránh nạn đầu cơ và cướp đất và tránh nạn sụp đổ tài chính nếu các công ty đầu tư ở địa phương bị vỡ nợ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Năm nay họ mới có quyết định thành lập các cơ chế giải quyết nên phải mất nhiều năm nữa thì mới thấy kết quả. Một trong những kết quả tích cực là sau này, nông gia sẽ có đất canh tác mà khỏi bị nhà nước cướp mất và từ đó hy vọng khai thác theo lối văn minh hiện đại và lành mạnh hơn để kiếm ra nông sản cho thị trường nội địa.
Nhưng trước mắt thì những biện pháp ấy sẽ làm giá nhà suy sụp hơn nữa trong năm nay. Ngoài ra, ta không thể quên là chính sách mới sẽ xâm phạm quyền lợi của cường hào ác bá địa phương cùng các doanh gia đã mặc tình khai thác thị trường địa ốc cho lợi ích riêng dưới sự bao che của thân tộc trong đảng. Vì vậy, các thành phần này sẽ ra sức phá hoại chính sách mới. Đấy là lý do vì sao mình nên nghĩ đến chiến dịch diệt trừ tham nhũng. Mục tiêu vẫn là đánh tan các thế lực kinh tế chính trị thường cấu kết với nhau để trục lợi và còn thách đố chính quyền trung ương. Năm nay, ngoài nạn suy sụp kinh tế, chúng ta còn chứng kiến nhiều trận đánh ly kỳ ấy.

Vũ Hoàng: Xin cám ơn ông Nghĩa trong chương trình phát thanh cho một đầu năm dương lịch sẽ hứa hẹn nhiều sóng gió.

Tin, bài liên quan





No comments:

Post a Comment

View My Stats