Thiện Tùng
26/01/2015
Chuyện
lớn nhỏ, tốt xấu, nên hư… thường xuyên xảy ra trong đời. Nó tác động trực tiếp
hoặc gián tiếp đến cuộc sống của mỗi con người trong xã hội. Do vậy, nhu cầu về
thông tin đối với con người không thể thiếu. Để đáp ứng nhu cầu không thể thiếu
ấy, ngành Thông tin Truyền thông (4T) của nước ta ra đời với chức năng nắm bắt
và truyền tải thông đến công chúng.
Nếu
thông tin xác thực, kịp thời… sẽ giúp cho con người tránh thảm họa, nâng cao kiến
thức...; ngược lại, nếu thông tin không xác thực, không kịp thời sẽ đẩy con người
vào thảm họa, vào cõi u mê. Vậy là, thông tin xác thực, kịp thời như là thuốc bổ,
ngược lại là thuốc độc đối với con người.
Không
có thông tin nào là không chính thống – nếu không chính thông quốc gia thì cũng
chính thống của hãng, của phe nhóm nhất định nào đó? Ở góc độ Việt Nam, thông
tin chính thống còn gọi là thông tin trong luồng do nhà nước đương quyền tổ chức
và quản lý. Khi nói thông tin chính thống, trong luồng thì người ta biết ngay
bên cạnh nó có thông tin không chính thống, ngoài luồng của quốc gia hay hay
phe nhóm… nào đó không thuộc nhà nước VN quản lý?
Như vừa
nói, thông tin bổ ích cho con người là thông tin xác thực, kịp thời… Vì lẽ đó,
người hay ngành thông tin phải nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật – không
có/được ngoại lệ - một phần nào đó của sự thật chưa phải là sự thật.
Lâu nay, vì trong thể chế độc tài đảng
trị, hệ thống 4T của ta phải thông tin theo “định hướng” - theo sự chỉ dẫn, phải
lấy lợi ích đảng đương quyền đặt lên hàng đầu, cái gì có lợi cho đảng thì nói,
ngược lại tốt hơn hết là làm thinh, trân mình chịu, chờ chỉ thị. Do vậy, thông tin
chính thống của nước ta, do 4T quản lý, bị kẹt trong “định hướng” nên luôn
không kịp thời, một chiều, không đi vào bản chất sự vật, sự việc xảy ra, khiến
cho công chúng phải đau lòng quay lưng với 4T và ngày càng bất tín, bất tin về
nó.
Người
ta chối bỏ 4T là hành động cực chẳng đã phải bỏ của chạy lấy người, vì 4T không
làm tròn thiên chức – nhiệm vụ thiêng liêng xã hội giao phó. Xin mượn câu nói
thời Việt Nam Cộng hòa nói với phái đối lập, để lột tả chớ không hề có ác ý, 4T
đã thật sự “Ăn cơm quốc gia thờ ma cộng sản”. Không phải vậy sao: Chi
phí mọi mặt cho 4T từ tiền thuế của dân mà nó lại chơi áp-phe, mượn danh toàn bộ
phục vụ cục bộ, luôn nói binh cho giới cầm quyền?
Thời
toàn cầu hóa, thế giới phẳng, thông tin bùng nổ…, do đói thông tin, một bộ phận
không nhỏ công chúng buộc phải lên mạng Internet, tìm những trang được xem là tử
tế, săn tin trôi nổi kiếm sống qua ngày. Thật không dễ chút nào, phải dùng lý
trí xử lý thông tin theo kiểu gạn đục khơi trong, nếu không khéo “chạy đàng mồ
mắc đàng mả”, bị ngộ độc thông tin không chừng !?
Một xã
hội mà rối loạn thông tin là xã hội ấy bất an. Nếu xã hội bất an sớm muộn gì
cũng dẫn đến bất trị, bất trị sẽ làm lung lay chế độ hiện hành... Có lẽ những
người cầm quyền cao nhất đất nước đã nhận ra hệ quả ấy, đang thay phiên nhau
chê trách 4T và buộc nó phải đổi mới thông tin giành lại thế trận để “định hướng”
dư luận.
Người
viết quả quyết, với bộ máy đồ sộ và được trang bị từ môi đến răng, ngành 4T sẽ
sớm thực hiện được ý chỉ của lãnh đạo với điều kiện đơn giản: đừng bắt nó theo
“định hướng” nữa, và cho nó “nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật”.
Nếu không chấp nhận cho nó 2 điều kiện đơn giản này thì nó tiếp tục giương
cờ trắng mà lãnh đạo không thể quở phạt nó được – Rầy chi tội nghiệp đứa con
ngoan luôn vâng lời cha mẹ?!
Việc
loạn thông tin, suy cho cùng, lỗi chính bắt nguồn từ thể chế chính trị độc tôn
toàn trị
chớ đâu chỉ riêng 4T, chẳng qua nó là những người thừa hành; còn cư dân mạng
như những đưa con bị bỏ rơi tha phương cầu thực, ai cho gì nhận nấy, họ hoàn
toàn không có lỗi trong vụ này.
Đứng
góc độ người dân, họ có quyền nói thẳng với 4T: Các anh sống được nhờ vào tiền
thuế của dân, không phục vụ tốt cho dân, nhiều khi lại dựa quyền thế thóa mạ
dân –
nghỉ
chơi, đồ phản phúc.
Chuyện
lớn nhỏ, tốt xấu, nên hư… diễn ra thường xuyên, có những thông tin “động trời”
do Thông tin Truyền thông “ngoài luồng” tung ra, chẳng biết với dụng ý gì, có
điều mỗi thông tin họ đưa ra có kèm những chứng cứ khó cãi, gây xôn xao dư luận.
Nên chăng:
* Với sự
đôn đốc của mình, lãnh đạo 4T nên giao những chuyện “tiêu, hành, tỏi, ớt…” cho
báo giới nói chung, nhà báo và thông tín viên nói riêng có trách nhiệm tranh luận
qua lại với đối phương để phân rõ đúng sai, đáp ứng kịp thời nhu cầu của công
chúng.
* Lãnh
đạo 4T nên dành thời gian điều tra, phản biện công khai những thông tin “động
trời” liên quan đến quốc gia, dân tộc và thể chế chính trị hiện hành mà dư luận
xã hội đang đồn đoán, chẳng hạn như những vụ: Cải cách ruộng đất, Nhân
văn Giai phẩm, những phần tử xét lại chống Đảng, mật nghị Thành Đô, Hồ Chí Minh
giả, Bộ trưởng quốc phòng không cho nổ súng gây chết người để mất
đảo Gạc Ma … xảy ra đã lâu; hay việc thông
tin xúc phạm cán bộ lãnh đạo như những vụ: Nguyễn Bá Thanh, Nguyễn Xuân
Phúc, Phùng Quang Thanh, Nguyễn Sinh Hùng, Nguyễn Hòa Bình... vừa mới xảy
ra. Đây là những nhu cầu thiết yếu mà những người lãnh đạo và ngành 4T có nghĩa
vụ phải điều tra, thông báo rõ cho công chúng biết.
Ngày
nào 4T còn thông tin theo “định hướng”, không “nhìn thẳng vào sự thật,
nói rõ sự thật” thì ngày ấy còn tiếp tục thua cuộc trên mặt trận thông tin.
Mặc khác, nếu 4T còn tiếp tục thông tin theo “định hướng” và thiếu xác thực thì
đừng hoài công khuyên bảo những người con đang “tha phương cầu thực” trở về với
mình.
25/01/2015
T.T.
Tác giả
gửi BVN
Được
đăng bởi bauxitevn vào lúc 06:34
No comments:
Post a Comment