Phạm Đình Trọng
Thứ Ba, ngày 27 tháng 1 năm 2015
1.
Khi chưa có chính quyền, những người cộng sản liền vu cho chính phủ hợp pháp và
là chính phủ tập hợp được những trí thức có trí tuệ uyên bác và mặn nồng yêu nước,
chính phủ Trần Trọng Kim là tay sai của giặc Nhật rồi kích động bạo lực nhân
dân cướp quyền của chính phủ hợp pháp đó. Suốt 70 năm qua, tất cả tài liệu,
sách báo của đảng và nhà nước cộng sản Việt Nam đều phải thú nhận với lịch sử rằng
cuộc cách mạng tháng tám năm 1945 là cuộc cướp chính quyền. Hành xử kẻ cướp tất
nhiên là bất chính và bất minh.
Có
chính quyền cướp được trong tay, những người cộng sản cầm quyền lại vu cho những
người Việt Nam có tài sản vật chất và tài sản trí tuệ, thành phần ưu tú nhất của
dân tộc Việt Nam là kẻ thù của giai cấp vô sản rồi dùng bạo lực nhà nước thẳng
tay đàn áp, tiêu diệt. Những chiến dịch đấu tố, bỏ tù, giết hại những người Việt
Nam yêu nước, lương thiện và tài năng diễn ra dồn dập gối đầu sóng từ khi mới
có chính quyền Xô Viết ở một miền quê Nghệ Tĩnh đến tận hôm nay. Khi dữ dằn
hung bạo như cuộc truy lùng tận diệt của gậy gộc giáo mác “Trí phú địa hào, đào
tận gốc, trốc tận rễ” trong Xô Viết Nghệ Tĩnh. Khi sôi sục hận thù giết cho đủ
tỉ lệ qui định như trong phát động cải cách ruộng đất. Khi âm thầm mà tàn khốc
như cuộc tạo dựng vụ án xét lại chống đảng. Khi ồn ào lu loa đánh hội đồng như
vụ Nhân Văn, Giai Phẩm. Khi đại trà lùa hàng trăm ngàn người Việt đối lập ý thức
hệ cộng sản vào vòng tù tội trong các trại cải tạo khắc nghiệt. Khi bất ngờ đưa
lực lượng đông đảo bạo lực nhà nước xông vào nhà dân bắt lẻ từng người, từng
người một.
Một nhà
nước say bạo lực, nghiện bạo lực như con bệnh nghiện ma túy. Một nhà nước có
duyên nghiệp với bạo lực, là nghiệp chướng của bạo lực. Một nhà nước độc quyền
lòng yêu nước, độc quyền cả chân lí, coi những tiếng nói thẳng thắn, chân
thành, đúng đắn nhưng trái với lí tưởng của đảng cầm quyền đều là sai trái, là
suy thoái tư tưởng, đạo đức, lối sống, là thế lực thù địch và luôn ứng xử với
tiếng nói của lẽ phải, của lòng dân bằng bạo lực chuyên chính vô sản thì bạo lực
nhà nước nay bắt người ngay thẳng này, mai bắt người chân thành kia đã là chuyện
thường ngày suốt bảy chục năm qua và chín mươi triệu người dân lương thiện chỉ
là những người tù, hoặc người tù chính thức đang trong các trại giam, hoặc người
tù dự bị còn ở ngoài cổng trại giam mà thôi!
Riêng
việc gần đây công cụ bạo lực nhà nước cộng sản Việt Nam cấp tập bắt ba bloggers
và người viết báo mạng nổi tiếng được rất nhiều người tìm đọc là Hồng Lê Thọ,
Nguyễn Quang Lập, Nguyễn Đình Ngọc tạo nên một không khí trấn áp, căng thẳng ,
bất an trong xã hội có cơn cớ từ sự khủng hoảng lí tưởng của đảng cộng sản cầm
quyền.
Lí tưởng
cộng sản của học thuyết Mác Lê nin đã được thực tế lịch sử chứng minh là thảm họa
của loài người, đã ầm ầm sụp đổ dây chuyền trên phạm vi thế giới như một tất yếu.
Lí tưởng cộng sản được thực hiện bằng đấu tranh giai cấp không còn đạo lí,
không còn tính người và đấu tranh giai cấp đã vạch trận tuyến chiến tranh một mất
một còn trong từng con người, từng gia đình, trong lòng cả dân tộc Việt Nam, đẩy
dân tộc Việt Nam vào cuộc chiến tranh người Việt giết người Việt kéo dài nhiều
thế hệ. Cả chục triệu người Việt đã chết trong cuộc nội chiến ý thức hệ vì lợi
ích của nước khác.
Học
thuyết Mác Lê nin đưa giai cấp vô sản hão huyền lên trên dân tộc thiết thực làm
cho dân tộc Việt Nam tuy bé nhỏ nhưng “Vốn xưng nền văn hiến đã lâu .
. . Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời xây nền độc lập / Cùng Hán, Đường, Tống,
Nguyên mỗi bên xưng đế một phương” (Nguyễn Trãi. Bình Ngô đại cáo) nay thực sự
không còn độc lập, tự chủ, phải cam phận chư hầu tủi nhục. Phải cắn răng cắt đất
biên ải của lịch sử hào hùng cho nước cộng sản đàn anh Trung Cộng tham tàn. Phải
“giữ nguyên hiện trạng” mất đất, mất biển, mất đảo cho nước cộng sản đàn anh
Trung Cộng tham tàn làm chủ quần đảo Hoàng Sa, làm chủ dải đảo Garma, làm chủ
biển đông của Việt Nam.
Học
thuyết Mác Lê nin là nguyên nhân làm cho đất nước Việt Nam trì trệ, ngày càng tụt
lại sau, người dân nghèo đói, đạo lí suy đồi, xã hội bất an, mọi giá trị đảo lộn.
Ê chề, mất mát, đau khổ, tủi nhục do học thuyết Mác Lê nin tàn bạo, sắt máu
mang lại, dòng người Việt lũ lượt bỏ nước ra đi kéo dài suốt nửa thế kỉ đến nay
vẫn chưa chấm dứt. Tiếng than trời, lời chối bỏ của người dân với học thuyết
Mác Lê nin tràn ngập trên các trang mạng xã hội lề dân. 61 trí thức đảng viên cộng
sản trung thực đã thẳng thắn viết thư gửi lãnh đạo đảng cộng sản cầm quyền yêu
cầu từ bỏ chủ nghĩa Mác Lê nin tai họa.
Đảng cộng
sản cầm quyền đang gấp rút làm công việc chuẩn bị cho đại hội đảng lần thứ XII
trong không khí và tình thế đó. Trong khi những người thực sự nắm quyền trong đảng
cộng sản đều muốn khư khư duy trì học thuyết Mác Lê nin để duy trì quyền lực độc
tài, duy trì vị thế thống trị xã hội của họ, bảo toàn khối tài sản khổng lồ nhờ
có học thuyết Mác Lê nin, nhờ có độc tài đảng trị họ mới có được. Vì thế họ phải
vận hành bộ máy công cụ bạo lực nhà nước bắt bớ chủ những trang mạng và người
viết báo mạng lề dân gây dư luận rộng rãi phản ứng bất lợi với học thuyết Mác
Lê nin và đảng cộng sản, để đảng cộng sản bước vào đại hội tiếp tục kiên trì học
thuyết Mác Lê nin.
2. Lịch sử viết bằng
máu của cha ông dạy rằng: Trước sức mạnh xâm lược thường trực suốt mấy ngàn năm
của đế quốc phương Bắc khổng lồ, dân tộc Việt Nam bé nhỏ chỉ có đoàn kết dân tộc
mới giữ được bản sắc văn hóa riêng, mới tạo ra sức mạnh để tồn tại và phát triển.
Nhưng những người cộng sản đã rước về mớ lí luận đấu tranh giai cấp xằng bậy của
học thuyết Mác Lê nin, ngón đòn độc địa, thâm hiểm của Mao Đại Hán, lấy giai cấp
thống trị dân tộc, lấy giai cấp đánh phá tan nát dân tộc, làm yếu hèn dân tộc
Việt Nam để dân tộc Việt Nam phải an phận núp bóng Đại Hán, an phận chịu nô dịch
Bắc thuộc.
Từ bỏ học
thuyết Mác Lê nin bạo liệt sắt máu gây hận thù, li tán dân tộc, từ bỏ lí tưởng
xã hội chủ nghĩa huyễn hoặc, vô vọng “đến cuối thế kỉ này cũng chưa chắc đã có
chủ nghĩa xã hội hoàn thiện” như lời thú nhận của ông Tổng bí thư đảng cộng sản
Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, từ bỏ độc quyền chân lí, độc tài cai trị đất nước bằng
bạo lực chuyên chính vô sản là lẽ sống còn của dân tộc Việt Nam. Đó là đòi hỏi
nghiêm khắc của lịch sử hào hùng Việt Nam, là tiếng nói khẩn thiết của cả dân tộc
Việt Nam. Tiếng nói đó được Hồng Lê Thọ thể hiện bằng trang mạng “Người Lót Gạch”,
được nhà văn Nguyễn Quang Lập diễn đạt bằng giọng điệu “Quê Choa”, được Nguyễn
Đình Ngọc viết bằng văn phong Nguyễn Ngọc Già.
Bạo lực
nhà nước chuyên chính vô sản có thể bắt ba người ngay thẳng đó, có thể bắt ba
ngàn người, ba triệu người Việt Nam yêu nước, dũng cảm nói tiếng nói của cuộc sống,
của nhân dân nhưng không thể bắt cả dân tộc Việt Nam đòi quyền làm người, đòi lại
những giá trị làm nên sự bền vững và trường tồn của dân tộc Việt Nam. Bạo lực
cường quyền dù mạnh, dù hung hãn đến đâu cũng không thể khuất phục được khát vọng
chính đáng của nhân dân, không thể chống lại đòi hỏi khẩn thiết của lịch sử,
không thể đi ngược xu thế tất yếu của thời đại dân chủ hóa.
Với bộ
máy công cụ công an khổng lồ, cuồng tín, chỉ biết có đảng, với nền tư pháp xã hội
chủ nghĩa mà hệ thống luật pháp chỉ để bảo đảm sự độc tôn thống trị xã hội của
đảng cộng sản và tòa án xử theo bản án có sẵn trong hồ sơ do cấp ủy đảng ban
hành. Đó là không gian vô cùng rộng lớn cho bạo lực chuyên chính vô sản mặc sức
hoành hành.
Cha
Chính Vinh ở nhà thờ lớn Hà Nội chỉ vì ngăn cản nhóm người ngạo ngược, đường đột
xâm phạm không gian tôn giáo, tự tiện bắc thang leo lên hai tòa tháp nhà thờ lớn
treo cờ, giăng khẩu hiệu mà bị tù mút mùa ở địa ngục Cắn Tỷ, Cổng Trời, Hà
Giang từ năm 1958 cho đến chết vì đói khổ suy kiệt, năm 1971.
Nhà thơ
Hoàng Hưng chỉ vì cầm tập thơ chép tay Về Kinh Bắc do nhà thơ Hoàng Cầm tặng mà
bị bắt khẩn cấp giữa đường. Về Kinh Bắc viết về những hoài niệm thời ấu thơ thấm
đẫm chất folklore, văn hóa dân gian Kinh Bắc, thấm đẫm tình yêu quê hương: “Ta
con chim cu về gù dặng tre / Đưa nắng ấu thơ về trưa đất trắng / Đưa mây lành
những phương trời lạ / Về tụ nóc cây rơm”. Năm 1994 tập thơ mang hồn dân gian
đó được nhà xuất bản Văn Học ở Hà Nội xuất bản và phát hành rộng rãi nhưng năm
1982, vì có trong tay tập thơ đó, nhà thơ Hoàng Hưng bị kết tội “lưu truyền văn
hóa phẩm phản động” và bị truy bức, đày đọa ba mươi chín tháng trong ngục tù!
Ôi,
trong nhà nước độc tài cộng sản Việt Nam, việc bắt dân, tống người dân lương
thiện vào ngục tù quá đơn giản, dễ dàng và mạng người dân quá rẻ mạt!
3. Suốt mấy chục
năm cầm quyền, nhà nước cộng sản Việt Nam đã bắt bớ, tù đày, giết hại hàng triệu
người Việt Nam lương thiện. Sẽ có những nhà nghiên cứu, những nhà làm sử chân
chính tập hợp tư liệu, thống kê đầy đủ để có con số chính xác số người dân
lương thiện bị nhà nước chuyên chính vô sản Việt Nam tù đày, giết hại. Con số
dòng dòng máu đó sẽ đi vào lịch sử là bằng chứng về một thời ngục tù đau đớn nhất
của dân tộc Việt Nam và lịch sử sẽ phán xét cái thể chế khẳng định sự có mặt,
duy trì sự tồn tại bằng lạnh lùng, mê mải, bền bỉ giam cầm thân xác, giam cầm
trí tuệ, giam cầm tư tưởng người dân và say máu dân lành.
Hồng Lê
Thọ, Nguyễn Quang Lập, Nguyện Đình Ngọc đều là những trí thức, những nhà văn,
nhà báo có tư duy sắc sảo, có tâm hồn nhạy cảm. Những gì người viết đã nhận từ
cuộc đời không bao giờ mất đi vô tăm tích. Thân phận lầm than của đất nước,
thân phận bèo bọt của người dân những ngày bất an này đi vào những tâm hồn nhạy
cảm đó đã trở thành những bài viết lay động bao trái tim, thức tỉnh bao nhận thức.
Bây giờ chính những tâm hồn nhạy cảm, những trí thức chân chính giàu lòng tự trọng
đó phải mang thân phận người tù.
Trong
nhà nước độc tài cộng sản, nhà tù là nơi bộc lộ rõ nhất, đầy đủ nhất, khốc liệt
nhất, rùng rợn nhất bạo lực chuyên chính vô sản. Vì ngay khi còn sống đời thường
dân giữa xã hội, quyền con người của người dân đã không được nhìn nhận thì thân
phận người tù càng bị đối xử như con vật. Đó là một thực tế lớn với người viết,
làm sao có thể bỏ qua. Thực tế của Đêm Giữa Ban Ngày. Thực tế của Chuyện Kể Năm
2000. Thực tế của Quần Đảo Ngục Tù . . . Thực tế nhức nhối đó không
thể câm lặng trong những trái tim nhạy cảm với nỗi đau, không thể mất đi phí
hoài với những người viết giàu nội lực. Viết vừa như đòi hỏi của cái riêng, vừa
như trách nhiệm với cái chung. Viết vì những người đã chết chưa kịp viết như
Cha Chính Vinh. Viết cho mai sau về một thời ngục tù đau đớn của giống nòi Việt
Nam.
Năm
tháng qua đi nhưng thời ngục tù đau đớn này sẽ còn mãi trong trang sách lịch sử,
còn mãi trong trang sách văn chương. Những người vì lợi ích riêng, vì mê muội,
cuồng tín đã góp chủ trương, góp sức, góp tay tạo ra thời ngục tù độc ác với
nhân dân, tội lỗi với lịch sử Việt Nam không thể trốn tránh được sự phán xét của
lịch sử, sự phán xét của mai sau.
LỜI CUỐI. Viết để ghi lại
hiện thực một thời mình sống tuy chả vui sướng, thích thú gì khi phải viết những
điều cay đắng. Tôi đã kết thúc bài viết này từ cả tuần nay nhưng vẫn để đấy và
muốn quên nó đi. Nhưng có sự việc vừa diễn ra làm cho tôi lại phải nhớ đến bài
viết về sự cay đắng đó. Bốn giờ chiều thứ bảy, 24.1.2015, nắng đã nhạt, tôi đi
mua bịch phân bò khô về trồng cây. Ra đến chốt bảo vệ ngoài cùng của khu căn hộ,
giáp đường Lê Văn Lương, bỗng một người trẻ mặc áo thun, quần lửng từ hè đường
lao ra chặn xe tôi, vẫn giọng xấc xược: Đi Đâu? Tôi nói việc cần đi. Người trẻ
móc điện thoại từ túi quần ra gọi cho ai đó, báo cáo việc tôi cần đi rồi anh ta
lẳng lặng trở vào hè đường để cho tôi đi. Nhưng có tới bốn người trên hai xe
máy bám theo tôi suốt đường tôi đi và về.
Hôm sau
chủ nhật, 25.1.2015, từ sáng sớm, tôi đã nhận ra cả hai ngả đường trước hai khối
căn hộ tôi ở có đến cả chục bóng an ninh chốt chặn. Lại tái diễn cảnh mới ít
ngày trước, suốt nửa tháng trời, ngày nào cũng có cả chục công cụ bạo lực nhà
nước cộng sản đến phong tỏa khu căn hộ tôi ở, không cho tôi ra khỏi nhà.
Cái cảm
giác ngột ngạt ngục tù từ những ngày đó lại trở về đè nặng trên ngực tôi.
No comments:
Post a Comment