Gia
Minh, PGĐ Ban Việt ngữ RFA
2015-01-14
2015-01-14
Nhà nguyện giáo xứ Dak
Jak tại huyện Dak Glei của tỉnh Kon Tum. Courtesy giaophankontum.com
Nhu cầu
tín ngưỡng
Kon
Tum thuộc vùng Tây Nguyên với nhiều người sắc tộc thiểu số sinh sống. Vùng đất
này cũng là nơi mà trước đây nhiều giáo sĩ Công giáo đến để truyền đạo và nhiều
người địa phương đã tin theo trong đó có những người thiểu số sắc tộc Chẻ,
Sedang. Tuy nhiên do chiến tranh, sau năm 1975 nhiều người phải đi tứ tán và
trong những năm gần đây một số trở về cũng như có người từ vùng đất khác đến lập
nghiệp làm ăn. Số người Công giáo hiện có mặt tại ba xã Dak Mon, Dak Ang, Dak
Long, huyện Dak Glei thuộc giáo xứ Dak Jak được cho biết lên đến hơn 5 ngàn người.
Một giáo dân cho biết tình hình nhà thờ mà
giáo dân dựng lên để thờ tự trong những năm qua như sau:
“Nguyên
gốc từ sau năm 75 người ta đã có nhóm giáo xứ này rồi. Đến bây giờ Nhà thờ chưa
có, chẳng qua là cái nhà tạm thôi; người ta làm một nhà đơn giản với cột tròn
nho nhỏ bằng cổ tay, cổ chân thôi; chứ không phải cái nhà.”
Trước
nhu cầu của hơn 5 ngàn giáo dân Công giáo tại ba xã vùng xa như thế, Tòa Giám mục
Kon tum cử linh mục Đa Minh Trần Văn Vũ
về phụ trách giáo xứ từ năm 2011. Ông cho biết về tình hình hiện nay về ngôi
nhà thờ tạm của giáo xứ mà ông đang phụ trách:
“‘Cái
nhà’ của chúng tôi được dựng lên vào cuối tháng tư năm 2013. Nhà dựng cột tròn,
đơn sơ thôi, lợp tôn. Chúng tôi có lễ đài, sau lễ đài có thân vách với trang
trí, còn ba phía trống hết không có chỗ nào có thân vách. Diện tích được 1.000
mét vuông kể cả lễ đài luôn. Từ tháng 5 năm 2013, chính quyền huyện Dak Glei và
chính quyền tỉnh Kon Tum ra quyết định tháo dỡ, và giằng co cho đến bây giờ. Hiện
giờ, nhà nguyện/nhà thờ tạm của chúng tôi vẫn còn đứng đó. Bao nhiêu năm nay phải
đứng dưới nắng, dưới mưa nên phải dựng tạm nhà đó dù nhiều lần xin phép mà
chính quyền không cho.”
Nhà thờ tạm của giáo
dân Công giáo thuộc giáo xứ Dak Jak tại huyện Dak Glei của tỉnh Kon Tum.
Bất nhất
trong ý kiến của chính quyền
Đối
với chính quyền địa phương thì sự hiện diện của linh mục chính xứ Đa Minh Trần
Văn Vũ và ngôi nhà thờ tạm là không theo đúng qui định của Nhà nước. Tuy nhiên
theo người giáo dân xứ Dak Jak thì tín hữu và giáo quyền từng làm đơn nhiều lần
về nhu cầu tâm linh của cả ngàn con người tại địa phương, thế nhưng họ chỉ nhận
được lời hứa suông của chính quyền.
Gần
đây nhất lệnh buộc tháo dỡ ngôi nhà thờ tạm là điều thất hứa khiến các tín hữu
mất niềm tin hoàn toàn vào phía chính quyền. Người giáo dân trình bày:
“Thời
điểm hứa vào tháng chín, trong khi hứa có chủ tịch huyện, bí thư huyện, có phó
sở Nội Vụ cùng với giám mục địa phận. Nếu giám mục địa phận cho tháo dỡ nhà đó
thì cho phép làm một nhà tạm khác khoảng 200 mét vuông. Hai bên thống nhất như
vậy rồi và Đức Giám mục nói nếu hai bên thỏa thuận như vậy thì làm văn bản ký rồi
đôi bên thực hiện theo văn bản. Nhưng đến giờ này họ không thực hiện theo tinh
thần đó. Họ tuyên bố phải dỡ nhà này, còn việc cho hay không còn phải xem xét.
Việc
xin làm nhà thờ thì không phải bây giờ giáo xứ mới xin mà xin cách đây hằng chục
năm rồi mà phía chính quyền không giải quyết. Đến bây giờ nhu cầu của dân càng
ngày càng lớn, mà xin thì chính quyền không chấp thuận giải quyết. Rồi lúc nói
thế này, lúc nói thế kia. Nói chờ xem xét mà đến giờ này cứ vẫn diễn ra tình cảnh
như thế nên dân bức xúc. Bây giờ họ mất niềm tin (vào chính quyền).”
Linh mục chính xứ Đa
Minh Trần Văn Vũ
cũng cho biết về điều này:
“Tòa
Giám mục cũng làm việc với chính quyền nhiều lần: chính quyền huyện, chính quyền
tỉnh. Vào tháng 9 năm 2014, họ hứa với Đức Cha nếu đồng ý dỡ Nhà thờ thì họ cho
dựng một nhà tạm khác trên đất cố định. Còn nhà hiện giờ là dựng trên đất mượn
của dân. Đất cố định là đất mà chúng tôi mua để giới thiệu cho chính quyền để
làm Nhà thờ chứ không làm trên đất của dân. Đã có hứa như thế và hai bên cùng
ký; nhưng cuối cùng họ nói thẩm quyền đó không thuộc huyện, tỉnh mới quyết định.
Và tỉnh quyết định buộc phải dỡ Nhà thờ, và chuyển hết các linh mục trong địa hạt
Dak Glei, tức không cho linh mục lên với lý do trên đây không phải là cơ sở tôn
giáo không được phép có linh mục nên không được có linh mục tại đó. Trong khi
giáo dân của chúng tôi trên 5 ngàn người, mà chúng tôi ở xa cách 25 cây số thì
‘chăm sóc’ họ thế nào? Do vậy, chúng tôi buộc phải lên đây để ở, chăm sóc cho
dân. Điều duy nhất là nhu cầu thiết thực của người dân. Chúng tôi đã nhiều lần
đệ đơn yêu cầu chính quyền phải quan tâm. Nhưng đến bây giờ họ vẫn giữ cơ chế
xin-cho, luôn giữ quyền tối thượng ban phát ân huệ. Chúng tôi không chấp nhận
mâu thuẫn đó.”
Chính
bản thân linh mục Đa Minh Trần Văn Vũ cũng mấy lần nhận được văn bản của phía
chính quyền địa phương buộc ông phải rời khỏi giáo xứ Dak Jak. Tuy nhiên, linh
mục Đa Minh Trần Văn Vũ nói rõ ngoài bổn phận công dân, ông còn là một linh mục
được giáo hội sai đi phục vụ bổn đạo. Ông đã nhận lệnh của giám mục nên phải chấp
hành, còn chuyện qui định của chính quyền chưa phù hợp với nguyện vọng của người
dân thì cần phải linh động, Quốc hội phải sửa đổi những luật không phù hợp đó
vì quyền lợi chính đáng của dân chúng.
Người giáo dân tại xứ
Dak Jak,
huyện Dak Glei cho biết cuộc sống vật chất của tín hữu được cải thiện khi có
linh mục Đa Minh Trần Văn Vũ đến phục vụ:
“Đặc
biệt xứ này từ khi có linh mục Vũ đến bây giờ, có thể nói nguồn tài trợ từ những
nơi khác, từ những nhà hảo tâm giúp cho xứ đạo này rất nhiều; đặc biệt các hình
thức cứu đói, cứu trợ. Tôi muốn nói khi linh mục về đây người dân rất phấn khởi
vì linh mục được Chúa ban cho ơn ngoại giao, ngài sống rất tốt. Do đó các nguồn
tài trợ cũng như các nguồn mà các nhà hảo tâm giúp đỡ cũng giúp đỡ người dân lớn
lao, trong việc hỗ trợ cho dân.”
Chính
quyền Hà Nội luôn cho rằng bảo đảm quyền tự do tôn giáo cho người dân. Lập luận
được nêu ra để chứng minh là số chùa chiền, nhà thờ được xây mới tại nhiều nơi ở
các tỉnh thành.Tuy nhiên thực tế ở những địa phương xa xôi như xứ Dak Jak, huyện
Dak Glei, tỉnh Kon Tum thì thực tế tín hữu đang phải kiên quyết giữ lại ngôi
nhà thờ dựng tạm để thờ phụng sau bao nhiên đơn xin phép mà không được giải quyết.
-------------------------
No comments:
Post a Comment