Sunday, 4 January 2015

Nhìn lại 2014 - Dự phóng 2015 : Việt Nam ngày càng lún sâu vào lệ thuộc (Nguyễn Văn Huy - Thông Luận)





Được đăng ngày Thứ bảy, 03 Tháng 1 2015 18:59

Năm 2014, Việt Nam đã chứng kiến nhiều diễn biến chính trị, quân sự, kinh tế, xã hội, văn hóa và nhân quyền quan trọng. Những nhà bình luận thời cuộc đã bình chọn một số dữ kiện điễn hình để bình luận và để cùng nhau... ngậm ngùi, vì không có giải pháp cho bài toán bế tắc của đất nước. Càng ít ai tiên đoán hay phác họa những gì sẽ xảy ra trong năm 2015.
Tuơng lai của Việt Nam vẫn là một dấu hỏi lớn. Nhưng nếu được hướng dẫn đúng đắn, người đọc sẽ thấy những gì đã xảy ra trong năm 2014 sẽ xảy ra cho năm 2015 và sẽ còn tiếp tục trong những năm kế tiếp, ít nhất tới năm 2017, đúng theo một lộ trình đã được hoạch định trước.

Kiểm điểm sự kiện

Giàn khoan HD981 và Hội nghị Thành Đô
Đầu tháng 5/2014, dư luận người Việt đã khá sửng sờ trước sự kiện Trung Quốc đưa giàn khoan HD981 vào khu vực Biển Đông, cách đảo Tri Tôn của Việt Nam trong quần đảo Hoàng Sa 30 km, khảo sát dầu khí dưới lòng biển.

Trước sự xâm phạm lãnh hải trắng trợn này, phản ứng của chính quyền và quần chúng đã hoàn toàn khác nhau. Ngay khi vừa hay tin, dân chúng Việt Nam liền xuống đường biểu tình phản đối. Lo sợ phong trào biểu tình tự phát chống Trung Quốc vượt tầm kiểm soát, chính quyền đã gián tiếp đứng ra tổ chức và hướng dẫn người biểu tình vào những địa điểm đã được chọn sẵn. Lợi dụng sự bực tức này, lực lượng an ninh đã hướng đoàn người bất mãn vào những khu chế xuất tại Bình Dương và Hà Tĩnh đốt phá với hậu ý làm nản lòng giới đầu tư Đài Loan, Singapore và Hàn Quốc để rời bỏ Việt Nam và sau đo để doanh nghiệp Trung Quốc nhảy vào thay thế. Không ngờ, ý đồ này không thành công và không những thế, giới đầu tư Đông Á còn gia tăng vốn đầu tư để biểu lộ quyết chí ở lại Việt Nam, như Samsung chẳng hạn. Cuối cùng chính quyền Việt Nam phải chấp nhận bồi thường thiệt hại cho doanh nghiệp nước ngoài. Chỉ riêng tại Vũng Áng (Hà Tĩnh), nơi có doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư đã xảy ra án mạng vì công nhân Trung Quốc tại đây đã chống trả người biểu tình bằng vũ lực.

Điều lạ lùng trong vụ này là trong suốt tháng 5, không một cấp lãnh đạo nào trong Đảng, Chính quyền, Quốc hội hay Quân đội lên tiếng phản đối. Lạ lùng hơn là việc chính quyền xúi giục báo chí thay mình lên án Trung Quốc xâm phạm lãnh hải. Nhưng điều không thể tưởng tượng là chính bộ trưởng quốc phòng Phùng Quang Thanh kêu gọi ngư dân đưa tàu đánh cá ra biển ngăn chặn đoàn tàu bảo vệ giàn khoan hùng hậu của Trung Quốc. Giữa tháng 7, sự chống đối chấm dứt vì Trung Quốc rút giàn khoan về nước để tránh bão.

Liền sau đó trong nước dấy lên phong trào đòi giải mật những thỏa thuận đã ký trong Hội nghị Thành Đô 1990. Không biết bao nhiêu bài viết lên tiếng về sự kiện này, với những lời lẽ và lập luận không lấy gì làm vinh quang cho chế độ. Nhưng phong trào này đã như một ngọn đèn dầu, chợt bùng lên vào tháng 6 rồi tự chìm tắt trong tháng 10/2014.

Trong khi đó, Trung Quốc vẫn tiếp tục cuộc hành trình bành trướng ra Biển Đông một cách bình thường. Khi mùa bão vừa chấm dứt vào tháng 9, hải quân Trung Quốc tiến hành xây dựng gấp rút kiện toàn đường băng phi đạo cho phi cơ quân sự đáp xuống trên đảo Phú Lâm trong quần đảo Hoàng Sa và mở rộng bãi đá Gạc Ma và Chữ Thập thành đảo nhân tạo để lập căn cứ quân sự với những đường băng ngắn cho máy bay quân sự đáp xuống. Trong tháng 12, dư luận quốc tế tố cáo Bắc Kinh đã âm thầm thiết đặt Khu vực nhận dạng phòng không (ADIZ) trên Biển Đông. Trước những diễn biến này, Bộ ngoại giao Việt Nam chỉ phản đối chiếu lệ trong khi dư luận người Việt trong và ngoài nước gần như im tiếng vì thiếu thông tin.

Hèn nhát hay đồng lõa ? Trong suốt năm 2014, Hà Nội đã có nhiều cơ hội để tố cáo hành vi xâm chiếm và vi phạm lãnh hải của Trung Quốc trên các diễn đàn quốc tế nhưng đã không làm. Các cấp lãnh đạo cộng sản Việt Nam đã gần như không hề nhắc tới hay lên án hành vi lấn át của Trung Quốc trên Biển Đông trong các diễn đàn đa phương như Liên Hợp Quốc (ONU), Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Diễn đàn Hợp tác kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương (APEC), Diễn đàn Hợp tác Á-Âu (ASEM), Diễn đàn khu vực ASEAN, Hội nghị Cấp cao ASEAN-Trung Quốc, Hội nghị Cấp cao ASEAN+3 với Trung-Nhật-Hàn, Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS)… Chỉ khi bị chất vấn, những cấp lãnh đạo cộng sản Việt Nam chỉ miễn cưỡng trả lời chiếu lệ, như trường hợp Đại tướng Phùng Quang Thanh tại Shangri-la hồi đầu tháng 6/2014. Giới quan sát quốc tế đặt khá nhiều câu hỏi về thái độ của chính quyền cộng sản Việt Nam về chủ quyền trên Biển Đông.

Những vụ bắt-thả người chống đối, TPP và nhân quyền
Có lẽ vì không có đủ dữ kiện để giải mật Hội nghị Thành Đô và thông tin về những diễn biến trên Biển Đông, những người đấu tranh cho tự do và nhân quyền tập trung chú ý vào những vụ việc đàn áp, bắt giữ và xét xử những người bất đồng chính kiến.

Đã có hàng trăm bài viết, phóng sự về những cuộc trấn áp này, qua đó tên tuổi những người bất đồng chính kiến bị hành hung, giam cầm và xét xử trở thành nổi tiếng và quen thuộc. Đáng chú ý nhất là hình ảnh những phụ nữ Việt Nam đi đầu trong các vụ xuống đường đòi công lý và tố cáo Trung Quốc xâm lăng. Tên tuổi những người như Nguyễn Phương Uyên, Đỗ Minh Hạnh, Bùi Thị Minh Hằng, Nguyễn Thị Thúy Quỳnh, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (Mẹ Nấm), Nguyễn Hoàng Vi, Huỳnh Thục Vy, Đoan Trang, Lê Thị Phương Anh, Kim Chi, Trần Thị Nga, Cấn Thị Thêu… đã trở thành quen thuộc và được yêu mến. Về phía đối lập, có người vừa ra khỏi tù liền bị chết như thầy giáo Đinh Đăng Định và Huỳnh Anh Trí vì bị đày đọa trong nhà lao. Nhiều người đã bị đuổi ra khỏi nước ngay khi vừa ra khỏi tù như Cù Huy Hà Vũ, Nguyễn Văn Hải (Điếu Cày). Những vụ hành hung và đánh trọng thương những nhà báo độc lập như Huyền Trang, Trương Minh Đức, Huỳnh Ngọc Tuấn… đã được thông tin trực tuyến tới các tổ chức nhân quyền và truyền thông quốc tế để cảnh báo chính quyền cộng sản Việt Nam.

Chính nhờ những thông tin này mà chính quyền cộng sản Việt Nam buộc phải làm một số nhượng bộ như thỏa mãn 182/227 khuyến nghị về nhân quyền của UPR (Universal Periodic Review-Kiểm điểm định kỳ phổ quát), trả tự do cho một số người chống đối trong cố gắng tranh thủ cảm tình của giới lập pháp Mỹ để được chấp nhận vào Hiệp định đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP-Trans-Pacific Partnership). Khi biết cơ hội gia nhập TPP bị đình hoãn, chính quyền cộng sản Việt Nam liền để lộ bản chất chống tự do : tình trạng nhân quyền trong nước không những không được cải thiện mà còn xử nặng thêm những người chống Trung Quốc. Đến gần cuối năm đợt trấn áp đột ngột gia tăng, những người đã từng một thời là con cưng của chế độ đã lần lượt bị bắt như các ông Hồng Lê Thọ, Nguyễn Quang Lập (Quê Choa), Nguyễn Ngọc Già (Nguyễn Đình Ngọc) về tội xuyên tạc.

Chính sách ngoại giao tàu chiến
Về ngoại giao, người ta thấy trong năm 2014 đã khởi động một phong trào viếng thăm và tiếp đón tàu chiến và phái đoàn quân sự cao cấp đến từ các cường quốc hùng mạnh nhất thế giới, đặc biệt là Hoa Kỳ và Ấn Độ, trong những quân cảng và hải cảng lớn của Việt Nam. Cũng nên biết Mỹ và Ấn Độ là hai quốc gia chống đối mạnh mẽ nhất chính sách bá quyền của Trung Quốc trên Biển Đông. Việt Nam cũng đón tiếp những phái đoàn quân sự đến từ ASEAN, Nhật Bản, Nam Hàn và Pháp, nhiều hợp đồng mua bán vũ khí đã được ký kết. Dư luận trong nước đã rất hồ hởi trước những cuộc thăm viếng này, người dân hy vọng các cấp lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam Việt Nam trở nên sáng suốt và sớm đưa đất nước thoát khỏi sự kềm chế của Trung Quốc.

Nhật Bản và Ấn Độ còn hứa trang bị và bán cho Việt Nam những loại tàu tuần tra biển lớn hơn. Bộ ngoại giao Mỹ tuyên bố sẽ tháo gở những rào cảng để bán cho Việt Nam các loại vũ khí sát thương.

Thật ra chọn lựa của Đảng Cộng sản Việt Nam đã khá rõ ràng. Trung Quốc là đối tác chiến lược toàn diện. Nga vừa là đối tác chiến lược quân sự vừa là nhà cung cấp vũ khí lớn nhất của Việt Nam. Hà Nội đã nhường cho Nga quyền xây dựng và khai thác quân cảng chiến lược Cam Ranh, huấn luyện lực lượng tàu ngầm và tàu tên lửa của hải quân, huấn luyện biệt đội tiêm kích Sukhoi và tổ hợp tên lửa phòng không. Ấn Độ chỉ là đối tác quan trọng trong vai trò đào tạo chuyên viên sử dụng tàu ngầm, tàu chiến và máy bay tiêm kích do Nga chế tạo.

Với Hoa Kỳ, nghi ngại còn quá lớn. Sự hợp tác về quân sự, nếu có, không phải do tự nguyện mà chỉ có thể xuất phát từ yêu cầu của ban lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc, cơ quan đỡ đầu Đảng Cộng sản Việt Nam từ ngày thành lập đến nay.

Giải mã những sự kiện trong năm 2014

Giải mật Hội nghị Thành Đô 1990
Khi dư luận đòi chính quyền cộng sản Việt Nam giải mã Hội nghị Thành Đô tháng 09/1990, không một thông tin nào đã được đưa ra. Đảng và chính quyền cộng sản Việt Nam rất lo sợ vì nếu tiết lộ, Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ không còn lý do tồn tại và không những thế còn mang tội "bán nước".

Tuy nhiên vào tháng 10/2014, một số chi tiết về Hội nghị Thành Đô đã được báo chí ngoài luồn tiết lộ, theo đó hội nghị đã diễn ra trong một hoàn cảnh bất lợi cho Đảng Cộng sản Việt Nam : Lời nói đầu của Hiến pháp 1980 đã được sửa lại (không còn coi Trung Quốc là kẻ thù), buộc phải rút quân ra khỏi Campuchia không điều kiện, thừa nhận chủ quyền của Trung Quốc trên một số lãnh thổ dọc vùng biên giới và lãnh hải, chấp nhận vai trò chủ động của doanh nghiệp Trung Quốc trong mọi sinh hoạt tại Việt Nam. Nội dung của Hội nghị Thành Đô là một chuỗi dài những thỏa thuận hợo tác chiến lược được đúc kết và thi hành từ sau 1990 đến nay giữa hai đảng cộng sản. Một cách tóm tắt, sau Hội nghị Thành Đô, Đảng Cộng sản Việt Nam hoàn toàn nằm dưới tay sự chỉ đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc, toàn bộ mọi sinh hoạt chính quyền, quân sự, ngoại gia, kinh tế và văn hóa của Việt Nam đều do các cố vấn Trung Quốc chỉ đạo.

Và nếu quan sát kỹ, nội dung của Hội nghị Thành Đô đã được công khai hóa qua hai Tuyên bố chung ngày 21/06/2013 ở cấp Lãnh đạo và 15/10/2013 ở cấp Hành pháp [cf. Bài đọc thêm ở phần cuối], theo đó hai bên nhất trí làm sâu sắc thêm hợp tác chiến lược toàn diện trên mọi lĩnh vực, từ chính trị, quốc phòng, ngoại giao, an ninh đến kinh tế, tài chánh, xây dựng, giao thông và văn hóa. Nội dung của hai Tuyên bố này là kết quả hơn 20 năm làm việc của những ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương và nhóm công tác do hai đảng cộng sản Việt Nam và Trung Quốc chỉ đạo. Có thể nói tất cả những chương trình hợp tác và hiệp định ký kết giữa hai nước từ 1990 đến nay đều xuất phát từ đề xướng của những ủy ban này. Kim chỉ nam hợp tác là phương châm 16 chữ vàng ("ổn định lâu dài, hướng tới tương lai, láng giềng hữu hảo, hợp tác toàn diện") và tinh thần 4 tốt ("láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt") mà phía Việt Nam cam kết triệt để tôn trọng.

Có thể khẳng định không sợ sai rằng tất cả những sự kiện quan trọng tại Việt Nam trong năm 2014 đều diễn ra đúng theo lộ trình đã vạch ra trong hai Tuyên bố chung năm 2013.

Giàn khoan HD981 và chính sách ngoại giao tàu chiến
Sự hiện diện của giàn khoan Trung Quốc trên Biển Đông tuy gây kinh ngạc cho dư luận người Việt và quốc tế nhưng không phải là một bất ngờ đối với chính quyền cộng sản Việt Nam.

Điểm 7 trong Tuyên bố chung cấp Lãnh đạo (21/06/2013) cho biết hai bên đã ký "Thỏa thuận sửa đổi lần thứ 4 giữa Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PetroVietnam) và Tổng công ty dầu khí ngoài khơi quốc gia của Trung Quốc (China National Offshore Oil Corporation - CNOOC) liên quan tới Thỏa thuận thăm dò chung trong khu vực thỏa thuận ngoải khơi trong vịnh Bắc bộ.

Theo Điểm 5c của Tuyên bố chung cấp Thủ tướng ngày 15/10/2013 về hợp tác trên biển: "Hai bên nhất trí tăng cường chỉ đạo đối với các cơ chế đàm phán và tham vấn hiện có, gia tăng cường độ làm việc của Nhóm công tác vùng biển ngoài cửa vịnh Bắc Bộ và Nhóm công tác cấp chuyên viên về hợp tác trong các lĩnh vực ít nhạy cảm trên biển. Trên nguyên tắc dễ trước khó sau, tuần tự tiệm tiến, vững bước thúc đẩy đàm phán phân định vùng biển ngoài cửa vịnh Bắc Bộ, đồng thời tích cực thúc đẩy hợp tác cùng phát triển tại vùng biển này và trong năm nay [2013] khởi động khảo sát chung ở khu vực ngoài cửa vịnh Bắc Bộ để thực hiện nhiệm vụ đàm phán của Nhóm công tác về vùng biển ngoài cửa vịnh Bắc Bộ"... Điều này cho thấy phía Trung Quốc đã có phần chậm trễ trong việc đưa giàn khoan HD981 tới vùng biển Việt Nam để thăm dò.

Chính vì thế sự im lặng của chính quyền cộng sản Việt Nam trong suốt tháng 5/2014 là "bình thường", vì phía Trung Quốc chỉ triển khai đúng theo những gì đã thỏa thuận. Chuyện giàn khoan sở dĩ nổ to vì dư luận trong nước muốn biết rõ sự thật nên chính quyền cộng sản Việt Nam buộc phải lên tiếng.

Việc Trung Quốc xây dựng thêm đường băng trên các bãi đá Gác Ma và Chữ Thập cũng chỉ là sự thi hành nội dung Điểm 4 của Tuyên bố chung cấp Lãnh đạo 21/06/2013 và Điểm 5c của Tuyên bố chung cấp Thủ tướng 15/10/2013 : "Hai bên nhất trí dựa trên nguyên tắc dễ trước khó sau, tuần tự tiệm tiến, gia tăng cường độ đàm phán của Nhóm công tác về vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ, vững bước thúc đẩy đàm phán phân định vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ và tích cực thúc đẩy hợp tác cùng phát triển tại vùng biển này, trong năm nay khởi động khảo sát chung tại vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ, sớm xác định khu vực và lĩnh vực hợp tác để thực hiện nhiệm vụ đàm phán của Nhóm công tác về vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ". Qua đó phía Việt Nam chỉ lên tiếng chiếu lệ rồi để sự kiện chìm vào quên lãng.

Về việc bắt bớ, giam cầm những tiếng nói bất đồng và chính sách ngoại giao tàu chiến
Trong năm 2014, Hà Nội đã không ngừng sử dụng những điều 88 và 258 của Bộ Luật hình sự để bắt bớ, giam cầm và kết án những người bất đồng chính kiến, đặc biệt là những người chống Trung Quốc triệt để nhất.

Hành vi đàn áp những tiếng nói bất đồng cũng chỉ là sự áp dụng nội dung Điểm 3, mục vi của Tuyên bố chung 21/06/2013 : "Hai bên nhất trí làm sâu sắc thêm hợp tác trong lĩnh vực thực thi pháp luật và an ninh, phát huy đầy đủ vai trò của cơ chế Hội nghị hợp tác phòng chống tội phạm giữa Bộ Công an hai nước, tăng cường các chuyến thăm cấp cao và đơn vị nghiệp vụ của cơ quan thực thi pháp luật hai bên, thúc đẩy hợp tác thực chất trong các lĩnh vực như phòng chống tội phạm xuyên biên giới, giữ gìn trật tự trị an xã hội cũng như xây dựng năng lực thực thi pháp luật, sớm triển khai các hoạt động thực thi pháp luật chung trên các lĩnh vực, duy trì an ninh và ổn định khu vực biên giới hai nước. Hai bên nhất trí thúc đẩy triển khai giao lưu hợp tác giữa cơ quan cảnh sát biển hai nước".Cũng nên biết, trong Bộ Công an Việt Nam, không một lãnh vực nào không có sự giám sát của cố vấn Trung Quốc : việc bắt bớ và phạt nặng những người chống Trung Quốc là đương nhiên.
Theo Điểm 4 của Tuyên bố chung ngày 15/10/2013, cơ cấu tổ chức của nhà nước Việt Nam hoàn toàn dựa vào Trung Quốc : "Hai bên nhất trí tiếp tục sử dụng tốt cơ chế của Ủy ban Chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam-Trung Quốc, thúc đẩy tổng thể hợp tác cùng có lợi trên các lĩnh vực; thực hiện tốt "Chương trình hành động triển khai Quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc"; sử dụng tốt các cơ chế giao lưu, hợp tác giữa các ngành Ngoại giao, Quốc phòng, Kinh tế, Thương mại, Công an, An ninh, Báo chí hai nước và giữa Ban Đối ngoại Trung ương, Ban Tuyên giáo của hai Đảng; tổ chức tốt Phiên họp Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam-Trung Quốc, Hội nghị hợp tác phòng chống tội phạm, Phiên họp Ủy ban hợp tác kinh tế thương mại, Hội thảo lý luận giữa hai Đảng; làm tốt các công tác như Tham vấn Ngoại giao thường niên, Tham vấn An ninh-Quốc phòng, đào tạo mở rộng cho cán bộ Đảng và Nhà nước; sử dụng hiệu quả đường dây điện thoại trực tiếp giữa Bộ Quốc phòng, tăng cường định hướng đúng đắn báo chí và dư luận... góp phần quan trọng cho việc tăng cường sự tin cậy giữa hai bên, duy trì phát triển ổn định quan hệ hai nước".

Điều này cho thấy những cuộc trấn áp tiếng nói bất đồng trong những năm qua đều có sự hợp tác của những cố vấn an ninh Trung Quốc. Sự kiện này làm nhớ lại thời kỳ 1946-1956, những cuộc đấu tố trong Cải cách ruộng đất và Nhân Văn - Giai Phẩm đều có sự can thiệp của những cố vấn Trung Quốc. Những người xuống đường chống Trung Quốc thường lãnh những án tù nặng nề hơn những tội phạm khác.

Cũng qua Điểm 4 này, tất cả mọi sinh hoạt chính trị, ngoại giao, an ninh, quốc phòng, đào tạo cán bộ và truyền thông của Việt Nam đều có sự tham vấn của chuyên viên Trung Quốc. Nhắc lại, trước khi Tuyên bố chung cấp Lãnh đạo ngày 21/6/2013 được ban hành, ngày 06/06/2013, đoàn cán bộ cao cấp chính trị của Quân đội nhân dân Việt Nam gồm 22 tuớng lĩnh và sĩ quan  cao cấp là cán bộ chủ trì công tác Đảng, công tác chính trị tại các đơn vị cấp chiến lược, chiến dịch toàn quân, được đào tạo cơ bản, có nhiều kinh nghiệm thực tiễn và là nguồn quy hoạch cho nhiệm kỳ tới. Theo chương trình khóa học, đoàn cán bộ chính trị cấp cao của Quân đội Nhân dân Việt Nam sẽ nghiên cứu 10 chuyên đề về các vấn đề lý luận và thực tiễn trong công tác Đảng, công tác chính trị của Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc. Cũng nên biết, theo cách tổ chức của đảng cộng sản và bộ quốc phòng cộng sản Việt Nam, các chính ủy viên, nghĩa là những cán bộ làm công tác đảng, mới là những cấp lãnh đạo thực sự.

Để nắm chắc sự trung thành của quân đội Việt Nam đối với Trung Quốc, việc đào tạo sĩ quan đều do Trung Quốc đảm nhận. Trong năm 2014, nhiều phái đoàn sĩ quan trẻ trong những binh chũng chiến lược (hải quân, không quân, phòng không, thông tin và và tình báo) của Việt Nam đã được cử sang Trung Quốc tập huấn. Còn trông cậy gì vào những cấp lãnh đạo đảng, quân đội và công an do Trung Quốc đào tạo này ?

Một sự kiện khó chối cãi là tất cả mọi hoạt động quân sự mang tính ngoại giao hay quân sự nào của Việt Nam cũng đều phải thông báo Trung Quốc biết trước để nhận huấn thị. Chẳng hạn những cuộc gặp gỡ quân sự và ngoại giao cấp cao giữa Việt Nam và Hoa Kỳ trong và ngoài nước. Cuộc viếng thăm xã giao 3 nước ASEAN hồi cupối năm 2014 của hai tàu phóng tên lửa tiến tiến nhất của hải quân Việt Nam, HQ-011 và HQ-012 đã chỉ thực hiện sau khi ghé Trạm Đông, nơi đặt bộ chỉ huy Hạm Đội Nam Hải của Trung Quốc, để được huấn luyện về tuần tra trên biển tháng 06/2013.

Vì đã chọn Trung Quốc làm đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, Đảng Cộng sản Việt Nam không thể đi ngược với những cam kết thành văn này trong hai Tuyên bố chung năm 2013. Những cuộc thăm viếng xã giao hay tập trận chung của tàu chiến Việt Nam chỉ là một hình thức ủy nhiệm nhằm thu thập thông tin mà bộ quốc phòng và hải quân Trung Quốc chưa có. Những cường quốc quân sự như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Ấn Độ và Châu Âu biết rõ sự lệ thuộc này nhưng đang quan sát, thăm dò và tìm cách hóa giải.

Dự phóng nào cho năm 2015 ?
Theo nội dung hai Tuyên bố cung Việt Nam - Trung Quốc năm 2013, Việt Nam và Trung Quốc sẽ tiếp tục triển khai "Chương trình hành động triển khai Quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc". Một cách cụ thể, quan hệ hợp tác chiến lược toàn diện giữa hai nước sẽ tiếp tục trong năm 2015 và có thể sẽ gia tăng cường độ vì nhiều cam kết chưa được thực hiện hay chưa hoàn tất đúng thời hạn.

Về tổ chức nội bộ Đảng Cộng sản Việt Nam : cố vấn Trung Quốc đảm nhiệm vai trò đào tạo cán bộ đảng và nhà nước về lý luận và tuyên truyền, thanh lọc nhân sự kém phẩm chất. Chiến dịch bài trừ và phòng chống tham nhũng tại Trung Quốc sẽ tiếp tục xúc tiến đồng thời ở Việt Nam, đặc biệt nhắm vào những cấp lãnh đạo và đại gia không chấp nhận đặt dưới quyền chỉ đạo của Trung Quốc.

Về ngoại giao : cố vấn Trung Quốc sẽ giúp các cấp lãnh đạo trong Bộ Ngoại giao Việt Nam trả lời trước các vấn đề nhạy cảm liên quan đến chính sách bá quyền và hình ảnh Trung Quốc trên chính trường quốc tế. Dễ nhận thấy nhất là cách diễn giải của ông Lê Hải Bình, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Việt Nam, đúng theo trường phái ngoại giao Trung Quốc. Trong khi đó Hà Nội sẽ tiếp tục ủng hộ lập trường của Bắc Kinh trước các vấn dề lớn của thế giới..

Về quốc phòng : cố vấn Trung Quốc sẽ tăng cường vai trò tham vấn chiến lược, đào tạo sĩ quan cao cấp chính ủy và quân ủy tr quân đội, huấn nghiệp sĩ quan trẻ thuộc các binh chũng trong quân đội Việt Nam. Nhiều cuộc tập trung chung trên đất liền và trên biển giữa hai nước sẽ được tiến hành dưới các tên gọi chống khủng bố và chống đỏ bộ. Trung Quốc sẽ phản đối chiếu lệ những  cuộc tập trận chung giữa quân đội Việt Nam với các nước bạn như ASEAN hay ANZUS và Hoa Kỳ, vì sau đó sẽ có những buổi họp trao đổi kinh nghiệm với cố vấn Trung Quốc trong khuôn khỗ những ủy ban công tác song phương. Chuyến viễn dương đầu tiên của đội tàu ngầm Việt Nam, nếu có, chắc chắn sẽ là căn cứ tàu ngầm Du Lâm hoặc Tam Á trên đảo Hải Nàm để được hướng dẫn công tác cụ thể.

Đặc biệt trong năm 2015, doanh nhân và nhà đầu tư Trung Quốc sẽ đổ thêm vốn vào Việt Nam để nắm vai trò chủ động trong sinh hoạt kinh tế của Việt Nam, đúng theo "Quy hoạch phát triển 5 năm hợp tác kinh tế thương mại Việt-Trung giai đoạn 2012-2016" và Danh mục các dự án hợp tác trọng điểm, thúc đẩy hơn nữa hợp tác trong các lĩnh vực như nông nghiệp, ngư nghiệp, giao thông vận tải, năng lượng, khoáng sản, công nghiệp chế tạo và phụ trợ, dịch vụ cũng như hợp tác khu vực "Hai hành lang, một vành đai". Cụ thể là việc khởi công xây dựng dự án đường bộ cao tốc Lạng Sơn-Hà Nội, dự án đường bộ cao tốc Móng Cái-Hạ Long và dự án đường sắt Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng, tất cả mọi kinh phí xây dựng do Trung Quốc đài thọ với ý đồ vận chuyển tài nguyên khoáng sản Việt Nam về Trung Quốc và đưa hàng hóa sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam. Điều này cho thấy chỉ có doanh nghiệp Trung Quốc được quyền đầu tư xây dựng và khai thác các tuyến giao thông chiến lược huyết mạch tại Việt Nam.

Một vài điểm mới sẽ tiến hành trong năm 2015 là tiền tệ và giáo dục. Ngoài việc có thể sử dụng đồng CNY (nhân dân tệ) làm đơn vị trao đổi tại vùng biên giới và vốn đầu tư thay vì đồng USD (đôla Mỹ), đồng CNY có thể sẽ đề nghị lưu hành song song với đồng VND ngay tại Việt Nam, và trên các thị trường chứng khoáng quốc tế đồng VND có thể sẽ được đề nghị xếp chung cùng giỏ với đồng CNY. Tiếng Quan thoại có thể sẽ là một trong hai sinh ngữ chính (tiếng Anh và tiếng Hoa) được giảng dạy trong chương trình giáo khoa như "Thỏa thuận hợp tác giáo dục giai đoạn 2011 - 2015""Kế hoạch hành động thực hiện Hiệp định Văn hóa Việt-Trung giai đoạn 2013-2015" đã nêu ra.

Về văn hóa, đúng như thỏa thuận đã ghi trong hai Điểm 6 và 9 của Tuyên bố chung cấp Thủ tướng 15/10/2013, Viện Khổng tử đầu tiên đã được hoàn tất trong khuôn viên Đại học Hà Nội hồi cuối năm 2014.

Nhưng điều có thể gây phẫn nộ là sự khuyến khích thành lập khu tự trị dọc vùng biên giới Việt - Trung.  Điểm 3, mục (xi) ghi : "Hai bên nhất trí tăng cường hơn nữa hợp tác giữa các tỉnh, khu tự trị biên giới hai nước, nhất là giữa 7 tỉnh của Việt Nam gồm Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh với 4 tỉnh (khu tự trị) của Trung Quốc gồm Quảng Đông, Quảng Tây, Hải Nam, Vân Nam; phát huy vai trò của cơ chế hợp tác liên quan giữa địa phương hai nước; tập trung thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế - thương mại, cơ sở hạ tầng giao thông, khoa học, giáo dục, văn hóa, y tế…; thúc đẩy các tỉnh, khu tự trị biên giới hai nước cùng phát triển". Rõ ràng đây là một âm mưu tách 7 tỉnh dọc vùng biên giới của Việt Nam, nơi có đông người thiểu số sinh sống ra khỏi lãnh thổ, để sát nhập vào Trung Quốc dưới chiêu bài "tăng cường hơn nữa hợp tác giữa các tỉnh, khu tự trị biên giới hai nước". Về điểm này, ủy ban hợp tác song phương do hai Đảng Cộng sản Việt Nam và Trung Quốc chỉ đạo đã xúc tiến những cuộc bàn thảo kỹ thuật nhưng chưa công khai nói ra. Trong thực tế, những cán bộ lãnh đạo người thiểu số thuộc các đảng ủy địa phương đã thường xuyên được đưa sang Trung Quốc, thực ra là Quảng Đông, huấn nghiệp. Có thể từ nay, tỉnh ủy Quảng Đông sẽ là cơ quan quản lý và chỉ đạo hành chính "khu tự trị" mới này.

Dư luận người Việt sẽ thêm bất mãn khi biết hai bên đã "thúc đẩy đàm phán về "Hiệp định hợp tác bảo vệ và khai thác nguồn tài nguyên du lịch khu vực thác Bản Giốc" sớm đạt được tiến triển thực chất, sớm khởi động vòng đàm phán mới và đạt nhất trí về "Hiệp định tàu thuyền tự do đi lại tại khu vực cửa sông Bắc Luân", sớm hoàn thành xây dựng các cầu qua biên giới như cầu đường bộ Bắc Luân 2, cầu đường bộ 2 Tà Lùng-Thủy Khẩu, tạo nền tảng cho sự ổn định và phát triển của khu vực biên giới hai nước", bất chấp chủ quyền của Việt Nam. Không chiếm được những thắng cảnh đẹp của Việt Nam bằng vũ lực, phía Trung Quốc đề nghị hợp tác chia đôi quyền lợi, quả là khôn ngoan.

Một vấn đề có thể gây thêm bất mãn khác nũa là "Hiệp định hợp tác nghề cá trong Vịnh Bắc Bộ". Hiệp định này đã là một tai họa về kinh tế và nhân mạng cho ngư dân Việt Nam sinh sống dọc vùng bờ biển, và còn là một chèn ép đối với sinh hoạt nghề cá tại Việt Nam vì ngư dân Trung Quốc có quyền đánh bắt cá trong lãnh hải Việt Nam trong khi ngư dân Việt Nam không được bén mãng tới khu vực đánh cá thuộc lãnh hải Trung Quốc.

Ngoài ra, trong quan hệ quốc tế, cho dù phía Trung Quốc có sai trái hay bị dư luận thế giới chỉ trích như thế nào, phía Việt Nam không những sẽ không lấy thái độ hay đưa ra những tuyên bố xúc phạm đến Trung Quốc, đặc biệt là trên các diễn đàn quốc tế, mà còn tìm cách bênh vực và bao che nếu có cơ hội.

Nói chung, dựa vào những gì đã xảy ra trong năm 2014 và đào sâu nội dung của Tuyên bố chung Việt Nam - Trung Quốc năm 2013, viễn ảnh Việt Nam trong năm 2015 không lấy gì làm sáng sũa : càng lún sâu vào sự lệ thuộc.

Đây là một sự lún sâu đầy chủ ý chứ không do bị cưỡng chế. Đảng Cộng sản Việt Nam quyết tâm gắn liền sinh mạng của nước Việt Nam vào Trung Quốc, bất chấp nguyện vọng của nhân dân Việt Nam. Quyết tâm này có thể là giải pháp thoát hiểm cho Đảng Cộng sản Việt Nam nhưng là một tội lớn đối với dân tộc : tội bán nước.

Nguyễn Văn Huy


Bài đọc thêm :

Thứ sáu, 21/6/2013
Việt Nam, Trung Quốc ra tuyên bố chung
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang hôm nay kết thúc chuyến thăm Trung Quốc theo lời mời của Chủ tịch Tập Cận Bình. Lãnh đạo hai nước đã ra Tuyên bố chung Việt Nam - Trung Quốc.

Sau đây là toàn văn Tuyên bố chung :

1. Nhận lời mời của Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Trương Tấn Sang đã thăm cấp Nhà nước nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa từ ngày 19 đến ngày 21 tháng 6 năm 2013.
Trong thời gian chuyến thăm, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã hội đàm với Chủ tịch nước Tập Cận Bình; lần lượt hội kiến Thủ tướng Quốc vụ viện Lý Khắc Cường, Ủy viên trưởng Ủy ban thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc Trương Đức Giang. Trong không khí thẳng thắn, hữu nghị, Lãnh đạo hai nước đã đi sâu trao đổi ý kiến và đạt nhận thức chung rộng rãi về việc làm sâu sắc thêm hợp tác chiến lược toàn diện Việt-Trung trong tình hình mới, cũng như về các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm. 
Ngoài Bắc Kinh, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã thăm tỉnh Quảng Đông.

2. Hai bên đã nhìn lại quá trình phát triển quan hệ Việt-Trung, nhất trí cho rằng tình hữu nghị Việt-Trung là tài sản chung quý báu của nhân dân hai nước, khẳng định sẽ tuân theo các nhận thức chung quan trọng mà Lãnh đạo hai nước đã đạt được trong những năm qua về phát triển quan hệ hữu nghị Việt-Trung, tiếp tục kiên trì phương châm "láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai" và tinh thần "láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt", không ngừng tăng cường tin cậy chiến lược, làm sâu sắc thêm hợp tác cùng có lợi trên các lĩnh vực, xử lý thỏa đáng các vấn đề còn tồn tại, tăng cường điều phối và phối hợp trong các vấn đề quốc tế và khu vực, thúc đẩy quan hệ Việt-Trung phát triển lành mạnh, ổn định lâu dài.

3. Việt Nam và Trung Quốc đều đang ở trong thời kỳ then chốt của công cuộc phát triển kinh tế-xã hội. Hai bên coi sự phát triển của nước kia là cơ hội phát triển của nước mình, nhất trí làm sâu sắc thêm hợp tác chiến lược toàn diện với trọng tâm là các lĩnh vực dưới đây :

(i) Duy trì tiếp xúc cấp cao thông qua các hình thức linh hoạt, đa dạng như thăm song phương, điện đàm qua đường dây nóng, gặp gỡ bên lề các diễn đàn đa phương... để tăng cường trao đổi chiến lược, nắm vững phương hướng đúng đắn phát triển quan hệ hai nước. Phía Việt Nam hoan nghênh lãnh đạo Trung Quốc sớm sang thăm Việt Nam, phía Trung Quốc hoan nghênh Lãnh đạo Việt Nam sang thăm và tham dự các Hội nghị tại Trung Quốc. 

(ii) Hai bên đánh giá tích cực kết quả Phiên họp lần 6 Ủy ban Chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam-Trung Quốc, nhất trí tiếp tục sử dụng tốt cơ chế quan trọng này, thúc đẩy tổng thể hợp tác cùng có lợi trên các lĩnh vực, mang lại nhiều lợi ích hơn cho nhân dân hai nước. Hai bên nhất trí cùng nhau thực hiện tốt "Chương trình hành động triển khai Quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc" được ký kết trong chuyến thăm này, thúc đẩy hợp tác thực chất giữa hai nước đạt được tiến triển mới.

(iii) Hai bên hài lòng trước sự phát triển của quan hệ hai Đảng trong những năm qua, nhất trí làm sâu sắc thêm hợp tác giữa hai Đảng, thúc đẩy cơ chế giao lưu hợp tác giữa hai Ban Đối ngoại và Ban Tuyên giáo, Tuyên truyền của hai Đảng vận hành thuận lợi, tăng cường hợp tác trong lĩnh vực đào tạo cán bộ Đảng và Nhà nước. Hai bên nhất trí phối hợp chặt chẽ, cùng nhau tổ chức tốt Hội thảo lý luận hai Đảng lần thứ 9, tăng cường hơn nữa trao đổi kinh nghiệm về xây dựng Đảng và quản lý đất nước, thúc đẩy xây dựng Đảng và đất nước ở mỗi nước.

(iv) Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác giữa Bộ Ngoại giao hai nước, thực hiện tốt Nghị định thư hợp tác giữa hai Bộ Ngoại giao, duy trì trao đổi thường xuyên giữa lãnh đạo hai Bộ Ngoại giao, tổ chức Tham vấn Ngoại giao thường niên và tăng cường giao lưu cấp Cục, Vụ giữa hai Bộ Ngoại giao.

(v) Hai bên đánh giá tích cực kết quả Đối thoại chiến lược quốc phòng cấp Thứ trưởng Bộ Quốc phòng lần thứ 4, nhất trí duy trì tiếp xúc cấp cao giữa quân đội hai nước, phát huy tốt vai trò của cơ chế Đối thoại chiến lược quốc phòng và đường dây điện thoại trực tiếp giữa hai Bộ Quốc phòng để tăng cường tin cậy lẫn nhau. Đi sâu trao đổi kinh nghiệm công tác Đảng và chính trị trong quân đội, tăng cường đào tạo cán bộ và giao lưu sĩ quan trẻ. Thực hiện tốt "Thỏa thuận hợp tác biên phòng giữa Bộ Quốc phòng hai nước Việt Nam-Trung Quốc" (sửa đổi) ký kết trong chuyến thăm này, tiếp tục triển khai tuần tra chung biên giới trên đất liền. Làm sâu sắc thêm hợp tác biên phòng trên đất liền và trên biển, trong năm nay triển khai hai đợt tuần tra chung giữa hải quân hai nước trong Vịnh Bắc Bộ. Tăng cường trao đổi và điều phối trong các vấn đề an ninh đa phương khu vực. Trao đổi nghiên cứu hình thức mới, nội dung mới trong triển khai hợp tác quốc phòng, làm sâu sắc thêm hợp tác giữa quân đội hai nước.

(vi) Hai bên nhất trí làm sâu sắc thêm hợp tác trong lĩnh vực thực thi pháp luật và an ninh, phát huy đầy đủ vai trò của cơ chế Hội nghị hợp tác phòng chống tội phạm giữa Bộ Công an hai nước, tăng cường các chuyến thăm cấp cao và đơn vị nghiệp vụ của cơ quan thực thi pháp luật hai bên, thúc đẩy hợp tác thực chất trong các lĩnh vực như phòng chống tội phạm xuyên biên giới, giữ gìn trật tự trị an xã hội cũng như xây dựng năng lực thực thi pháp luật, sớm triển khai các hoạt động thực thi pháp luật chung trên các lĩnh vực, duy trì an ninh và ổn định khu vực biên giới hai nước. Hai bên nhất trí thúc đẩy triển khai giao lưu hợp tác giữa cơ quan cảnh sát biển hai nước. Hai bên nhất trí sớm khởi động đàm phán về "Hiệp định dẫn độ Việt-Trung" trong nửa cuối năm nay.

(vii) Hai bên nhất trí tăng cường điều phối chiến lược về phát triển kinh tế, thực hiện tốt "Quy hoạch phát triển 5 năm hợp tác kinh tế thương mại Việt-Trung giai đoạn 2012-2016" và Danh mục các dự án hợp tác trọng điểm, thúc đẩy hơn nữa hợp tác trong các lĩnh vực như nông nghiệp, ngư nghiệp, giao thông vận tải, năng lượng, khoáng sản, công nghiệp chế tạo và phụ trợ, dịch vụ cũng như hợp tác khu vực "Hai hành lang, một vành đai."
Hai bên sẽ sử dụng tốt cơ chế Ủy ban Hợp tác kinh tế-thương mại song phương, thực hiện tốt "Bản ghi nhớ hợp tác song phương trong lĩnh vực thương mại hàng nông sản giữa Bộ Công Thương Việt Nam với Bộ Thương mại Trung Quốc"; hai bên nhất trí tích cực áp dụng các biện pháp hữu hiệu, quyết liệt để thúc đẩy cân bằng thương mại song phương trên cơ sở đảm bảo thương mại song phương tăng trưởng ổn định, cố gắng hoàn thành trước thời hạn mục tiêu đến năm 2015 kim ngạch thương mại hai chiều đạt 60 tỷ USD. Tiếp tục thúc đẩy xây dựng các dự án hợp tác kinh tế - thương mại quan trọng trong các lĩnh vực năng lượng, khu công nghiệp, kết nối giao thông trên bộ, trong đó ưu tiên thúc đẩy xây dựng các dự án đường bộ và đường sắt kết nối khu vực biên giới trên bộ hai nước như tuyến đường bộ cao tốc Lạng Sơn-Hà Nội... 
Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác trong lĩnh vực tài chính, tích cực tạo điều kiện và khuyến khích các tổ chức tài chính hai bên hỗ trợ dịch vụ tài chính cho các dự án hợp tác song phương. Tiếp tục thúc đẩy tiện lợi hóa thương mại và đầu tư song phương, bao gồm khuyến khích thanh quyết toán bằng đồng bản tệ trong trao đổi mậu dịch tại khu vực biên giới. Khuyến khích doanh nghiệp nước mình sang nước kia đầu tư, tạo điều kiện an toàn và thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư. 

(viii) Hai bên nhất trí tiếp tục làm sâu sắc thêm hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp, hoàn thiện cơ chế hợp tác song phương về nông nghiệp, tăng cường giao lưu khoa học kỹ thuật nông nghiệp và nâng cao năng lực trong lĩnh vực nông nghiệp, nhân rộng các loại giống cây trồng nông nghiệp sản lượng cao và chất lượng tốt, bao gồm các loại giống lúa lai, thúc đẩy ngành chế biến và thương mại hàng nông sản phát triển, tập trung thúc đẩy xây dựng hệ thống phòng chống dịch bệnh động thực vật xuyên biên giới và an toàn thực phẩm xuất nhập khẩu, nâng cao khả năng dự báo và mức độ chia sẻ thông tin.

(ix) Tăng cường giao lưu và hợp tác trong lĩnh vực văn hóa, thực hiện tốt "Thỏa thuận hợp tác giáo dục giai đoạn 2011 - 2015", "Kế hoạch hành động thực hiện Hiệp định Văn hóa Việt-Trung giai đoạn 2013-2015", sớm hoàn thành việc xây dựng Trung tâm văn hóa của nước này ở nước kia, tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực sản nghiệp văn hóa, nguồn nhân lực. Hai bên nhất trí tổ chức Liên hoan Thanh niên Việt-Trung lần thứ 2 vào nửa cuối năm nay tại Trung Quốc, đồng thời tiếp tục tổ chức tốt các hoạt động như Gặp gỡ hữu nghị thanh niên Việt-Trung, Diễn đàn nhân dân Việt-Trung…, tăng cường tuyên truyền về tình hữu nghị Việt-Trung để gia tăng tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước.

(x) Hai bên nhất trí làm sâu sắc thêm giao lưu hợp tác trong lĩnh vực khoa học công nghệ, phát huy hơn nữa vai trò của Ủy ban hợp tác về khoa học công nghệ giữa Chính phủ hai nước, khuyến khích và ủng hộ giới nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ hai nước triển khai hợp tác với nhiều hình thức như cùng nghiên cứu và phát triển, cùng xây dựng phòng thí nghiệm chung, chuyển giao công nghệ… trong các lĩnh vực hai bên quan tâm như nông nghiệp, công nghệ thông tin, năng lượng mới, bảo vệ môi trường, quản lý, sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước…

(xi) Hai bên nhất trí tăng cường hơn nữa hợp tác giữa các tỉnh, khu tự trị biên giới hai nước, nhất là giữa 7 tỉnh của Việt Nam gồm Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh với 4 tỉnh (khu tự trị) của Trung Quốc gồm Quảng Đông, Quảng Tây, Hải Nam, Vân Nam; phát huy vai trò của cơ chế hợp tác liên quan giữa địa phương hai nước; tập trung thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế - thương mại, cơ sở hạ tầng giao thông, khoa học, giáo dục, văn hóa, y tế…; thúc đẩy các tỉnh, khu tự trị biên giới hai nước cùng phát triển. 

(xii) Hai bên nhất trí thực hiện nghiêm túc Kế hoạch công tác năm 2013 của Ủy ban Liên hợp biên giới trên đất liền hai nước; đánh giá tích cực việc hai nước thành lập Ủy ban hợp tác quản lý cửa khẩu biên giới trong chuyến thăm lần này; đồng ý thúc đẩy việc mở và nâng cấp các cửa khẩu biên giới giữa hai nước; tăng cường xây dựng và quản lý cơ sở hạ tầng của các cửa khẩu biên giới, cải thiện điều kiện và nâng cao hiệu quả thông hành cho người, hàng hóa, phương tiện qua cửa khẩu nhằm phục vụ việc qua lại và phát triển kinh tế - thương mại giữa hai nước. Sớm khởi động việc xây dựng cầu Bắc Luân II Việt-Trung. Hai bên nhất trí tổ chức vòng đàm phán mới "Hiệp định về quy chế tàu thuyền đi lại tự do tại khu vực cửa sông Bắc Luân" và "Hiệp định về hợp tác và khai thác phát triển du lịch khu vực thác Bản Giốc" vào nửa cuối năm nay, cố gắng sớm đạt được tiến triển thực chất. Hai bên sẽ tăng cường trao đổi và hợp tác kỹ thuật trong các lĩnh vực quản lý sông suối biên giới, phòng chống thiên tai lũ lụt, sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước trên sông suối xuyên biên giới.

(xiii) Hai bên sẽ tiếp tục thực hiện tốt "Hiệp định hợp tác nghề cá trong Vịnh Bắc Bộ"; tích cực nghiên cứu phương thức kiểm tra liên hợp mới tại khu vực đánh cá chung ở Vịnh Bắc Bộ. Hai bên đánh giá cao "Thỏa thuận giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Bộ Nông nghiệp Trung Quốc về việc thiết lập đường dây nóng về các vụ việc phát sinh đột xuất của hoạt động nghề cá trên biển" được ký kết trong chuyến thăm lần này, xử lý thỏa đáng các vụ việc phát sinh đột xuất của hoạt động nghề cá trên biển giữa hai nước phù hợp với quan hệ hai nước.

4. Hai bên trao đổi ý kiến chân thành, thẳng thắn về vấn đề trên biển, nhất trí việc Lãnh đạo hai Đảng, hai nước duy trì trao đổi và đối thoại thường xuyên về vấn đề trên biển Việt Nam-Trung Quốc, chỉ đạo và thúc đẩy giải quyết ổn thỏa vấn đề trên biển xuất phát từ tầm cao chiến lược và đại cục quan hệ hai nước. Hai bên sẽ nghiêm túc thực hiện "Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam-Trung Quốc", sử dụng tốt các cơ chế như đàm phán biên giới lãnh thổ cấp Chính phủ..., kiên trì thông qua hiệp thương và đàm phán hữu nghị, tìm kiếm giải pháp cơ bản và lâu dài mà hai bên đều có thể chấp nhận được, tích cực nghiên cứu giải pháp mang tính quá độ không ảnh hưởng đến lập trường và chủ trương của mỗi bên, bao gồm tích cực nghiên cứu và bàn bạc vấn đề hợp tác cùng phát triển.

Hai bên nhất trí dựa trên nguyên tắc dễ trước khó sau, tuần tự tiệm tiến, gia tăng cường độ đàm phán của Nhóm công tác về vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ, vững bước thúc đẩy đàm phán phân định vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ và tích cực thúc đẩy hợp tác cùng phát triển tại vùng biển này, trong năm nay khởi động khảo sát chung tại vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ, sớm xác định khu vực và lĩnh vực hợp tác để thực hiện nhiệm vụ đàm phán của Nhóm công tác về vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ. Hai bên hoan nghênh Thỏa thuận sửa đổi liên quan tới Thỏa thuận thăm dò chung trong khu vực thỏa thuận ngoài khơi trong Vịnh Bắc Bộ được ký kết giữa doanh nghiệp hữu quan hai nước, nhất trí mở rộng diện tích khu vực thỏa thuận, kéo dài thời hạn thỏa thuận, cùng nhau thúc đẩy hoạt động thăm dò chung đối với cấu tạo dầu khí vắt ngang đường phân định trong Vịnh Bắc Bộ sớm đạt được tiến triển tích cực. 

Hai bên nhất trí gia tăng mật độ đàm phán của Nhóm công tác chuyên viên về hợp tác trong các lĩnh vực ít nhạy cảm trên biển Việt-Trung, trong năm nay thực hiện một đến hai dự án hợp tác trong số ba dự án đã thỏa thuận, bao gồm Dự án về phối hợp tìm kiếm cứu nạn trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc, Dự án hợp tác nghiên cứu quản lý môi trường biển và hải đảo vùng Vịnh Bắc Bộ và Dự án nghiên cứu so sánh trầm tích thời kỳ Holocenne khu vực châu thổ sông Hồng và châu thổ sông Trường Giang; tiếp tục thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực bảo vệ môi trường biển, nghiên cứu khoa học biển, tìm kiếm cứu nạn trên biển, phòng chống thiên tai và kết nối giao thông trên biển.

Trước khi tranh chấp trên biển được giải quyết dứt điểm, hai bên nhất trí giữ bình tĩnh và kiềm chế, không có hành động làm phức tạp, mở rộng tranh chấp, đồng thời sử dụng tốt đường dây nóng quản lý, kiểm soát khủng hoảng trên biển giữa Bộ Ngoại giao hai nước, xử lý thỏa đáng các vấn đề nảy sinh với thái độ xây dựng, không để các vấn đề này ảnh hưởng đến đại cục quan hệ Việt-Trung cũng như hòa bình, ổn định tại Biển Đông. Hai bên nhất trí thực hiện toàn diện, có hiệu quả "Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông" (DOC), cùng nhau duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông. 

5. Phía Việt Nam khẳng định kiên trì thực hiện chính sách một nước Trung Quốc, ủng hộ quan hệ hai bờ eo biển Đài Loan phát triển hòa bình và sự nghiệp lớn thống nhất Trung Quốc, kiên quyết phản đối hành động chia rẽ "Đài Loan độc lập" dưới mọi hình thức. Việt Nam không phát triển bất cứ quan hệ chính thức nào với Đài Loan. Phía Trung Quốc hoan nghênh lập trường trên của Việt Nam.

6. Hai bên cho rằng, Việt Nam và Trung Quốc cùng là hai nước đang phát triển, có lập trường tương tự và gần nhau trong nhiều vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm. Hai bên nhất trí tăng cường điều phối và phối hợp tại các diễn đàn đa phương như Liên Hợp Quốc, Tổ chức Thương mại Thế giới, Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương, Diễn đàn hợp tác Á-Âu, Diễn đàn khu vực ASEAN, Hội nghị cấp cao ASEAN và Trung Quốc, Hội nghị cấp cao ASEAN và Trung-Nhật-Hàn, Hội nghị cấp cao Đông Á..., cùng nhau duy trì hòa bình, ổn định và thịnh vượng của thế giới.

Hai bên nhất trí lấy năm nay - năm kỷ niệm 10 năm ASEAN và Trung Quốc thiết lập quan hệ đối tác chiến lược, làm cơ hội để thực hiện toàn diện nhận thức chung mà Lãnh đạo các nước ASEAN và Lãnh đạo Trung Quốc đã đạt được, tổ chức tốt các hoạt động kỷ niệm 10 năm, không ngừng mở rộng và làm sâu sắc thêm hợp tác giữa ASEAN và Trung Quốc trong các lĩnh vực kinh tế-thương mại, kết nối giao thông, hải dương, xã hội nhân văn..., đóng góp nhiều hơn nữa cho hòa bình, ổn định và thịnh vượng của khu vực. 

7. Trong thời gian chuyến thăm, hai bên đã ký "Chương trình hành động giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Trung Quốc về việc triển khai quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc", "Thỏa thuận hợp tác biên phòng giữa Bộ Quốc phòng hai nước Việt Nam - Trung Quốc" (sửa đổi), "Thỏa thuận giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thông Việt Nam và Bộ Nông nghiệp Trung Quốc về việc thiết lập đường dây nóng về các vụ việc phát sinh đột xuất của hoạt động nghề cá trên biển", "Thỏa thuận giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Tổng cục giám sát chất lượng, kiểm nghiệm, kiểm dịch Trung Quốc về hợp tác trong lĩnh vực kiểm nghiệm, kiểm dịch động thực vật xuất nhập khẩu", "Điều lệ công tác của Ủy ban hợp tác quản lý cửa khẩu biên giới đất liền Việt Nam-Trung Quốc", "Bản ghi nhớ giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Trung Quốc về việc thành lập Trung tâm văn hóa tại hai nước", "Bản ghi nhớ về kế hoạch hợp tác giai đoạn 2013-2017 giữa Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam và Hội hữu nghị đối ngoại nhân dân Trung Quốc", "Thỏa thuận sửa đổi lần thứ 4 giữa Tập đoàn dầu khí Việt Nam và Tổng công ty dầu khí ngoài khơi quốc gia Trung Quốc liên quan tới Thỏa thuận thăm dò chung trong khu vực thỏa thuận ngoài khơi trong Vịnh Bắc Bộ" và nhiều văn kiện hợp tác kinh tế khác.

8. Hai bên hài lòng trước những kết quả đạt được trong chuyến thăm Trung Quốc của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, nhất trí cho rằng chuyến thăm có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy quan hệ hai nước phát triển. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cảm ơn sự đón tiếp nhiệt tình, hữu nghị của phía Trung Quốc và mời Chủ tịch nước Tập Cận Bình thăm Việt Nam. Chủ tịch nước Tập Cận Bình bày tỏ cảm ơn.
Bắc Kinh, ngày 21 tháng 6 năm 2013
Theo TTXVN

Nguồn : vietnamplus.vn

***

Thứ Ba, 15/10/2013
Tuyên bố chung Việt Nam-Trung Quốc
Hôm nay (15/10), tại Hà Nội, Việt Nam và Trung Quốc đã ra Tuyên bố chung về chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Quốc vụ viện nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa Lý Khắc Cường.
Báo điện tử Chính phủ trân trọng giới thiệu toàn văn Tuyên bố chung :

1. Nhận lời mời của Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng Quốc vụ viện nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa Lý Khắc Cường đã thăm chính thức nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam từ ngày 13 đến ngày 15 tháng 10 năm 2013.
Trong thời gian chuyến thăm, Thủ tướng Lý Khắc Cường đã hội đàm với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng; hội kiến với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng.
Trong không khí chân thành, hữu nghị và hiểu biết lẫn nhau, hai bên đã đi sâu trao đổi ý kiến và đạt nhận thức chung rộng rãi về việc làm sâu sắc thêm hợp tác chiến lược toàn diện Việt-Trung trong tình hình mới, cũng như tình hình quốc tế, khu vực hiện nay và các vấn đề cùng quan tâm.

2. Hai bên đã nhìn lại và đánh giá cao sự phát triển quan hệ Việt Nam-Trung Quốc, khẳng định sẽ tuân theo những nhận thức chung quan trọng mà Lãnh đạo cấp cao hai nước đã đạt được, phát triển quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc theo phương châm "Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai" và tinh thần "Láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt".
Hai bên nhất trí cho rằng, trong tình hình kinh tế, chính trị quốc tế diễn biến phức tạp hiện nay, việc hai bên tăng cường trao đổi chiến lược, làm sâu sắc thêm hợp tác thực chất, xử lý thỏa đáng các vấn đề còn tồn tại, tăng cường điều phối và phối hợp trong các vấn đề quốc tế và khu vực, thúc đẩy quan hệ hai nước phát triển lành mạnh, ổn định lâu dài phù hợp lợi ích căn bản của hai Đảng, hai nước và nhân dân hai nước, có lợi cho hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực cũng như thế giới.

3. Hai bên đánh giá cao vai trò quan trọng không thể thay thế của tiếp xúc cấp cao giữa hai nước, nhất trí tiếp tục duy trì tiếp xúc và thăm viếng cấp cao, xuất phát từ tầm cao chiến lược nắm vững phương hướng phát triển quan hệ hai nước trong thời kỳ mới.
Đồng thời, thúc đẩy trao đổi cấp cao qua nhiều hình thức như gặp gỡ bên lề các diễn đàn đa phương, sử dụng tốt đường dây nóng giữa Lãnh đạo cấp cao để đi sâu trao đổi các vấn đề trọng đại trong quan hệ song phương cũng như các vấn đề cùng quan tâm.

4. Hai bên nhất trí tiếp tục sử dụng tốt cơ chế của Ủy ban Chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam-Trung Quốc, thúc đẩy tổng thể hợp tác cùng có lợi trên các lĩnh vực; thực hiện tốt "Chương trình hành động triển khai Quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc"; sử dụng tốt các cơ chế giao lưu, hợp tác giữa các ngành Ngoại giao, Quốc phòng, Kinh tế, Thương mại, Công an, An ninh, Báo chí hai nước và giữa Ban Đối ngoại Trung ương, Ban Tuyên giáo của hai Đảng; tổ chức tốt Phiên họp Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam-Trung Quốc, Hội nghị hợp tác phòng chống tội phạm, Phiên họp Ủy ban hợp tác kinh tế thương mại, Hội thảo lý luận giữa hai Đảng; làm tốt các công tác như Tham vấn Ngoại giao thường niên, Tham vấn An ninh-Quốc phòng, đào tạo mở rộng cho cán bộ Đảng và Nhà nước; sử dụng hiệu quả đường dây điện thoại trực tiếp giữa Bộ Quốc phòng, tăng cường định hướng đúng đắn báo chí và dư luận... góp phần quan trọng cho việc tăng cường sự tin cậy giữa hai bên, duy trì phát triển ổn định quan hệ hai nước. 

5. Hai bên cho rằng, Việt Nam và Trung Quốc là láng giềng và đối tác quan trọng của nhau, đều đang ở trong thời kỳ then chốt của công cuộc phát triển kinh tế-xã hội, xuất phát từ nhu cầu và lợi ích chung của hai nước, trên cơ sở bình đẳng, cùng có lợi, hai bên nhất trí làm sâu sắc thêm hợp tác chiến lược toàn diện với trọng tâm là các lĩnh vực dưới đây :

a. Về hợp tác trên bộ :

(i) Hai bên nhất trí nhanh chóng thực hiện "Quy hoạch phát triển 5 năm hợp tác kinh tế thương mại Việt-Trung giai đoạn 2012-2016" và Danh mục các dự án hợp tác trọng điểm; thành lập Nhóm công tác hợp tác về cơ sở hạ tầng giữa hai nước để quy hoạch và chỉ đạo thực hiện các dự án cụ thể; sớm đạt nhất trí về phương án thực hiện và huy động vốn đối với dự án đường bộ cao tốc Lạng Sơn-Hà Nội nhằm sớm khởi công xây dựng.
Hai bên sẽ tích cực thúc đẩy dự án đường bộ cao tốc Móng Cái-Hạ Long, phía Trung Quốc ủng hộ các doanh nghiệp có thực lực của Trung Quốc tham gia dự án này theo nguyên tắc thị trường, đồng thời sẵn sàng hỗ trợ về huy động vốn trong khả năng. Các bộ, ngành hữu quan hai nước đẩy nhanh công tác, sớm khởi động nghiên cứu khả thi dự án đường sắt Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng.
Hai bên nhất trí thực hiện tốt "Bản ghi nhớ về việc xây dựng các khu hợp tác kinh tế qua biên giới", tích cực nghiên cứu đàm phán ký kết "Hiệp định thương mại biên giới Việt-Trung" (sửa đổi) nhằm phát huy vai trò tích cực thúc đẩy hợp tác và phồn vinh ở khu vực biên giới hai nước.

(ii) Hai bên đồng ý tăng cường điều phối chính sách kinh tế thương mại, thực hiện tốt "Bản ghi nhớ hợp tác song phương trong lĩnh vực thương mại hàng nông sản" và "Hiệp định về việc mở Cơ quan xúc tiến Thương mại nước này tại nước kia", để thúc đẩy cân bằng thương mại song phương trên cơ sở bảo đảm thương mại tăng trưởng ổn định, phấn đấu hoàn thành trước thời hạn mục tiêu đến năm 2015 kim ngạch thương mại hai chiều đạt 60 tỷ USD.
Phía Trung Quốc khuyến khích doanh nghiệp Trung Quốc mở rộng nhập khẩu hàng hóa có tính cạnh tranh của Việt Nam, ủng hộ doanh nghiệp Trung Quốc vào Việt Nam đầu tư kinh doanh, đồng thời sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp Việt Nam sang Trung Quốc mở rộng thị trường.
Phía Việt Nam sẽ tạo thuận lợi, hỗ trợ sớm hoàn thành Khu công nghiệp Long Giang và Khu công nghiệp An Dương. Hai bên sẽ đẩy nhanh thi công, thúc đẩy sớm hoàn thành dự án Cung Hữu nghị Việt-Trung.

(iii) Hai bên nhất trí làm sâu sắc thêm giao lưu hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp, khoa học công nghệ, giáo dục, văn hóa, thể thao, du lịch, y tế…

(iv) Hai bên nhất trí tiếp tục phát huy vai trò của Ủy ban liên hợp biên giới trên đất liền giữa hai nước, thực hiện nghiêm túc Kế hoạch công tác hằng năm; tiến hành Hội nghị lần thứ nhất Ủy ban hợp tác quản lý cửa khẩu giữa hai nước, thúc đẩy công tác mở cửa, nâng cấp một số cặp cửa khẩu biên giới trên bộ, sớm chính thức mở cặp cửa khẩu quốc gia Hoành Mô-Động Trung; thúc đẩy đàm phán về "Hiệp định hợp tác bảo vệ và khai thác nguồn tài nguyên du lịch khu vực thác Bản Giốc" sớm đạt được tiến triển thực chất, sớm khởi động vòng đàm phán mới và đạt nhất trí về "Hiệp định tàu thuyền tự do đi lại tại khu vực cửa sông Bắc Luân", sớm hoàn thành xây dựng các cầu qua biên giới như cầu đường bộ Bắc Luân 2, cầu đường bộ 2 Tà Lùng-Thủy Khẩu, tạo nền tảng cho sự ổn định và phát triển của khu vực biên giới hai nước.
Hai bên nhất trí tăng cường hơn nữa hợp tác giữa các địa phương, nhất là giữa các tỉnh, khu tự trị biên giới hai nước; phát huy vai trò của cơ chế hợp tác liên quan giữa địa phương hai nước.

b. Về hợp tác tiền tệ :

Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác trong lĩnh vực tài chính, tích cực tạo điều kiện và khuyến khích các tổ chức tài chính hai bên hỗ trợ dịch vụ tài chính cho các dự án hợp tác song phương về thương mại và đầu tư. Trên cơ sở Hiệp định thanh toán bằng đồng bản tệ song phương trong thương mại biên giới ký giữa ngân hàng Trung ương hai nước năm 2003, tiếp tục nghiên cứu việc mở rộng phạm vi thanh toán bằng đồng bản tệ, thúc đẩy trao đổi thương mại và đầu tư hai bên.
Hai bên quyết định thành lập Nhóm công tác về hợp tác tiền tệ giữa hai nước, để nâng cao khả năng phòng ngừa rủi ro tài chính tiền tệ của hai bên, duy trì ổn định và phát triển kinh tế hai nước và khu vực. Tăng cường điều phối và phối hợp đa phương, cùng nhau thúc đẩy hợp tác tài chính tiền tệ khu vực Đông Á.

c. Về hợp tác trên biển :

Hai bên nhất trí tuân thủ nhận thức chung của Lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước, nghiêm túc thực hiện "Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam-Trung Quốc", sử dụng tốt cơ chế đàm phán cấp Chính phủ về biên giới lãnh thổ Việt Nam-Trung Quốc, kiên trì thông qua hiệp thương và đàm phán hữu nghị, tìm kiếm giải pháp cơ bản và lâu dài mà hai bên đều có thể chấp nhận được, tích cực nghiên cứu giải pháp mang tính quá độ không ảnh hưởng đến lập trường và chủ trương của mỗi bên bao gồm tích cực nghiên cứu và bàn bạc về vấn đề hợp tác cùng phát triển. Theo tinh thần đó, hai bên đồng ý thành lập Nhóm công tác bàn bạc về hợp tác cùng phát triển trên biển trong khuôn khổ Đoàn đàm phán cấp Chính phủ về biên giới lãnh thổ Việt Nam-Trung Quốc.

Hai bên nhất trí tăng cường chỉ đạo đối với các cơ chế đàm phán và tham vấn hiện có, gia tăng cường độ làm việc của Nhóm công tác vùng biển ngoài cửa vịnh Bắc Bộ và Nhóm công tác cấp chuyên viên về hợp tác trong các lĩnh vực ít nhạy cảm trên biển. Trên nguyên tắc dễ trước khó sau, tuần tự tiệm tiến, vững bước thúc đẩy đàm phán phân định vùng biển ngoài cửa vịnh Bắc Bộ, đồng thời tích cực thúc đẩy hợp tác cùng phát triển tại vùng biển này và trong năm nay khởi động khảo sát chung ở khu vực ngoài cửa vịnh Bắc Bộ để thực hiện nhiệm vụ đàm phán của Nhóm công tác về vùng biển ngoài cửa vịnh Bắc Bộ. Nhanh chóng thực hiện các Dự án hợp tác trong các lĩnh vực ít nhạy cảm trên biển như hợp tác nghiên cứu quản lý môi trường biển và hải đảo vùng vịnh Bắc Bộ; nghiên cứu so sánh trầm tích thời kỳ Holocenne khu vực châu thổ sông Hồng và châu thổ sông Trường Giang…, tiếp tục thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực bảo vệ môi trường biển, nghiên cứu khoa học biển, tìm kiếm cứu nạn trên biển, phòng chống thiên tai và kết nối giao thông trên biển.

Hai bên nhất trí kiểm soát tốt những bất đồng trên biển, không có hành động làm phức tạp, mở rộng tranh chấp, sử dụng tốt đường dây nóng quản lý, kiểm soát tranh chấp trên biển giữa Bộ Ngoại giao hai nước, đường dây nóng về các vụ việc phát sinh đột xuất của hoạt động nghề cá trên biển giữa Bộ Nông nghiệp hai nước, xử lý kịp thời, thỏa đáng các vấn đề nảy sinh, đồng thời tiếp tục tích cực trao đổi và tìm kiếm các biện pháp có hiệu quả để kiểm soát tranh chấp, duy trì đại cục quan hệ Việt-Trung và hòa bình, ổn định trên Biển Đông.
6. Hai bên nhất trí tổ chức tốt các hoạt động như Liên hoan Thanh niên Việt-Trung lần thứ hai; Gặp gỡ hữu nghị thanh niên Việt-Trung; Liên hoan nhân dân Việt-Trung… nhằm bồi dưỡng ngày càng nhiều thế hệ tiếp nối sự nghiệp hữu nghị Việt Nam-Trung Quốc. Hai bên nhất trí thành lập Viện Khổng Tử tại Việt Nam và đẩy nhanh việc thành lập Trung tâm văn hóa của nước này ở nước kia, thiết thực tăng cường tuyên truyền về quan hệ hữu nghị Việt-Trung, làm sâu sắc sự hiểu biết và hữu nghị giữa người dân hai nước.

7. Phía Việt Nam khẳng định kiên trì thực hiện chính sách một nước Trung Quốc, ủng hộ quan hệ hai bờ eo biển Đài Loan phát triển hòa bình và sự nghiệp lớn thống nhất Trung Quốc, kiên quyết phản đối hành động chia rẽ "Đài Loan độc lập" dưới mọi hình thức. Việt Nam không phát triển bất cứ quan hệ chính thức nào với Đài Loan. Phía Trung Quốc hoan nghênh lập trường trên của Việt Nam.

8. Hai bên nhất trí tăng cường điều phối và phối hợp tại các diễn đàn đa phương như Liên Hợp Quốc, Tổ chức Thương mại thế giới, Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương, Diễn đàn Hợp tác Á-Âu, Diễn đàn khu vực ASEAN, Hội nghị Cấp cao ASEAN-Trung Quốc, Hội nghị Cấp cao ASEAN+3 với Trung-Nhật-Hàn, Hội nghị Cấp cao Đông Á… cùng nhau nỗ lực duy trì hòa bình, ổn định và thịnh vượng của thế giới.
Hai bên đánh giá cao những thành tựu to lớn đạt được trong phát triển quan hệ ASEAN-Trung Quốc, nhất trí lấy dịp kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ đối tác chiến lược ASEAN-Trung Quốc làm cơ hội tăng cường hơn nữa tin cậy chiến lược. Phía Việt Nam hoan nghênh đề xuất của Trung Quốc về việc ký kết "Điều ước hợp tác láng giềng hữu nghị giữa các nước ASEAN và Trung Quốc", nâng cấp Khu mậu dịch tự do ASEAN-Trung Quốc, thành lập Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á. Việc ASEAN và Trung Quốc triển khai hợp tác rộng rãi có vai trò hết sức quan trọng đối với thúc đẩy hòa bình, ổn định, tôn trọng và tin cậy lẫn nhau tại khu vực Đông Nam Á.
Hai bên nhất trí thực hiện đầy đủ, hiệu quả "Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông" (DOC), tăng cường tin cậy, thúc đẩy hợp tác, cùng nhau duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông, theo tinh thần và nguyên tắc của "Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông" (DOC), trên cơ sở đồng thuận, nỗ lực hướng tới thông qua "Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông" (COC).

9. Trong thời gian chuyến thăm, hai bên đã ký "Hiệp định về việc mở Cơ quan Xúc tiến thương mại nước này tại nước kia", "Bản ghi nhớ về xây dựng khu hợp tác kinh tế qua biên giới", "Bản ghi nhớ về việc thành lập Nhóm công tác hỗn hợp hỗ trợ các dự án do doanh nghiệp Trung Quốc thực hiện tại Việt Nam", "Hiệp định về việc xây dựng cầu đường bộ 2 Tà Lùng-Thủy Khẩu" và Nghị định thư kèm theo, "Dự án hợp tác nghiên cứu quản lý môi trường biển và hải đảo vùng vịnh Bắc Bộ", "Dự án nghiên cứu so sánh trầm tích thời kỳ Holocenne khu vực châu thổ sông Hồng và châu thổ sông Trường Giang", "Thỏa thuận về việc thành lập Viện Khổng Tử tại Trường Đại học Hà Nội" và một số văn kiện hợp tác kinh tế. 
10. Hai bên bày tỏ hài lòng về kết quả chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, nhất trí cho rằng chuyến thăm lần này có ý nghĩa quan trọng đối với việc thúc đẩy quan hệ hai nước phát triển và hợp tác thiết thực trên các lĩnh vực.
Hà Nội, ngày 15 tháng 10 năm 2013

Theo TTXN
Nguồn : baodientu.chinhphu.vn





No comments:

Post a Comment

View My Stats