Sun,
01/11/2015 - 08:17 — VietTuSaiGon
Khi
một số phận vĩnh viễn rời bỏ cuộc đời, một cái chết ảm đạm ghé đến và người ta
nhanh tay biến điều đó thành một vở tuồng với đầy đủ ý nghĩa khóc than, kể
công, tung hê, truy điệu… E rằng cái chết ấy không còn là cái chết của con người
nữa và số phận ấy nghiễm nhiên trở thành một loại bù nhìn, ma-nơ-canh của lịch
sử với đầy đủ ý nghĩa tương ứng.
Vở
tuồng?
Chuyện ông Nguyễn Bá Thanh trở về, nói rằng “Tao khỏe mà, có gì
đâu!” với ông Thân Đức Nam (đây cũng là nhân vật đặc biệt bởi tên thật của ông
ta là Thân Văn Thời, từng bị truy nã những năm 1980, sau đó người anh em chú
bác ruột ông Thời là Thân Đức Nam chết, người nhà đi báo tử Thân Văn Thời chết
và mọi thủ tục nhằm làm cho Thân Văn Thời đã biến khỏi mặt đất được hoàn tất,
Thân Văn Thời nghiễm nhiên làm Thân Đức Nam, tồn tại và phát triển cho đến bây
giờ, những bạn học cũ của Thời khi thấy Thời trên ti vi với tên Thân Đức Nam đều
té ngửa vì bất ngờ…) nghe ra giống một vở tuồng. Bởi ngay cả nhân vật phát biểu
ra câu nói ấy cũng là nhân vật “ảo”, thế mới hiểu là quyền biến của “đạo diễn”
đáng kinh tởm chừng nào!
Hiện nay, có hai giả
thuyết đặt ra: Ông Nguyễn Bá Thanh đã chết; Ông Nguyễn Bá Thanh vẫn còn sống và
đang tiếp tục điều trị tại Đà Nẵng. Và, cả hai giả thuyết này đều liên quan đến
một vấn đề tâm linh.
Ở
giả thuyết thứ nhất, một số hình ảnh trên chuyên cơ Gulfstream III, số hiệu
N183 – PA, chuyên cơ cứu thương đưa ông Nguyễn Bá Thanh về quê cho thấy những
chuyên viên y tế người Mỹ không mặc đồng phục y tế và không có khẩu trang chống
nhiễm. Hình ảnh phía sau lưng nhân viên người Mỹ trên máy bay là một chiếc hộp
màu trắng...
Xin
giải mã chỗ này, chiếc xe cứu thương chở ông Thanh cùng ê kíp y bác sĩ đã rời
khỏi hiện trường trước đó vài phút và các y bác sĩ có đeo khẩu trang, mặc đồ
cách ly người Mỹ cũng đã vào trong máy bay, nhường chỗ cho các nhân viên hộ lý,
bảo vệ mặc đồng phục đen ra khuân vác các thứ hành lý của ông Thanh đưa vào xe
chuyên chở hành lý màu đen như bức ảnh. Và hình ảnh giống như chiếc quan tài trắng
là phần đế sau khi đã lấy đi tấm đệm của giường cứu thương, chiếc quan tài nào
lại nhỏ xíu như thế? Ông Thanh to con, cũng ngang ngửa với tay nhân viên người
Mỹ vận đồ đen đứng bên cửa sao quan tài chứa ông chỉ thấp bé chưa đến đầu gối của
anh ta? Lại đặt chỏng chơ, không có chân đế?
Nhưng,
ông Thanh là người được đa phần nhân dân Đà Nẵng yêu mến, bản chất bình dân, gần
gũi với dân, tại sao không đưa ông ra cổng dân sự để ông được chứng kiến nhân
dân nồng nhiệt chào đón mình vì đó cũng là liều thuốc tinh thần rất mạnh, khiến
cho ông quyết tâm chống cự với cái chết, yên tâm điều trị để tiếp tục phục vụ
nhân dân, thực hiện những công cuộc còn dang dở?
Cuộc
đón chào đầy vẻ bí ẩn, đi ra bằng cổng quân sự và vào bệnh viện Đà Nẵng thì
nguyên một khoa Ung Bướu được phong tỏa bằng cảnh sát 113, công an, chưa có người
dân nào được đến thăm ông vì lý do “cách ly, chống nhiễm trùng”. Đó là chưa kể
đến việc các giáo sư y khoa Hà Nội tuyên bố sẽ hội chẩn cho ông vào ngày 11
tháng 1. Tại sao lại ngày 11 tháng 1, trùng với ngày bế mạc hội nghị trung
ương?
Ở
giả thuyết ngược lại, ông Nguyễn Bá Thanh vẫn còn sống, đang khỏe mạnh và có
hai người dân tình nguyện hiến tủy cho ông Thanh. Giả thuyết này chưa có cơ sở
nào để tin là khả thể. Vì lẽ, khi nào ghép tủy xong, ông Thanh khỏe mạnh (hoặc
không được như thế), người ta công bố người hiến tủy, ông Thanh cám ơn, gia
đình và hội đồng y khoa xác nhận thì mới có thể tin rằng đó là sự thật.
Ngược
lại, nếu sức khỏe ông Thanh vẫn và một ẩn số, thậm chí sự sống của ông cũng là
một ẩn số thì việc công bố có 2 người (nghe dễ lọt tai!) hay hai ngàn người hiến
tủy cho ông Thanh cũng là chuyện quá dễ dàng, đơn giản. Vì những người này cũng
là ẩn số nốt! Hoặc là ca ghép tủy sẽ diễn ra vào ngày 20 tháng 1 hay ngày N nào
đó, chờ sức khỏe ông Thanh phục hồi để đáp ứng ca ghép tủy thì ông qua đời… Lúc
đó cũng không cần biết người hiến là ai vì họ chưa hiến cơ mà!
Chuyện
tâm linh?
Chỉ có một điều rất lạ là ông Thanh và ông Tân đều lâm bạo bệnh
vào mùa Đông, trùng với mùa các giáo dân Cồn Dầu bị đánh đập, hành hung, có người
chết, người sống sót phải chạy trốn sang Thái Lan. Vào mùa Đông năm ngoái, ông
Tân chết vì bệnh ung thư máu tại Đà Nẵng. Mùa Đông năm nay ông Thanh bị bệnh
liên quan đến máu. Mà ông Tân là ai?
Xin
thưa, ông Tân trước đây là một cán bộ ngành ngoại thương, khi ông Thanh lên làm
chủ tịch ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng, ông Tân thuyên chuyển sang ngành an
ninh. Ông Tân là người ngồi chung ca-bin điều hành với ông Thanh trong vụ Cồn Dầu.
Nghĩa là trong lúc vụ Cồn Dầu đang diễn ra, giáo dân bị đàn áp, ông Thanh ngồi ở
ghế chỉ huy tối cao, ông Tân ngồi ở ghế phó chỉ huy để điều hành lực lượng cảnh
sát 113 qua bộ đàm. Mọi diễn biến ở Cồn Dầu đều do bàn tay của hai ông này nhào
nặn. Kết cục của vụ Cồn Dầu như thế nào, thiết nghĩ không cần bàn thêm. Nhưng cả
hai ông tối cao trong vụ này đều thê thảm vào mùa Đông. Đó là một sự trùng lặp
khó thể giải thích.
Đương
nhiên, khi viết bài này, tôi vẫn quí cả hai ông Thanh và Tân, vì ông Tân là bạn
cà phê “vong niên, vong xứ, biết tên nhưng không biết họ” của tôi, câu chuyện
hai ông Thanh, Tân ngồi trong ca-bin điều hành vụ Cồn Dầu là do ông Tân kể với
tôi trong chuyến đi chơi Sài Gòn của ông để thăm người em trai là ông Chu (hiện
đang là Công tố viên của viện kiểm sát nhân dân tối cao thành phố Hồ Chí Minh),
hai người, một sồn sồn, một trẻ ngồi cà phê bên bờ sông Sài Gòn, ông Tân đã
nói: “Lúc đó, anh (ông Tân) và đồng chí Chủ tịch (ông Thanh) ngồi điều hành tại
ca-bin, chính anh đã ra lệnh theo chỉ đạo của đồng chí Chủ tịch. Người Cồn Dầu
họ đã nhận tiền đền bù lâu rồi nhưng sau đó họ bị yếu tố nước ngoài và một nhóm
ở Hà Nội xúi giục nên làm thế… Họ sai!”.
Câu
chuyện ngồi trên ca-bin điều hành của hai ông đã khép lại, cuộc đời của ông Tân
cũng khép lại ngót nghét một năm rồi, cuộc đời ông Thanh vẫn còn là một ẩn số. Dường như giữa hai người và mùa Đông và Cồn
Dầu có một mối tương ứng nhân quả. Bình sinh, ông Thanh và ông Tân là hai
người đàn ông tốt, họ đối xử rất tốt với bằng hữu, bà con, cộng đồng. Nhưng vụ
Cồn Dầu là vết chàm rất nặng trong cuộc đời họ. Thật đáng buồn khi nghĩ rằng đó
là bài học cho những ai quan niệm rằng khi ta làm được việc tốt cho cộng đồng rộng
lớn và chí hướng không cùng của mình, để đạt mục đích, ta có thể đạp lên một
nhóm số phận nào đó…!
Qui
luật bù trừ không được dùng trong tình huống này, hoàn toàn không được vì anh
có thể làm giàu cho một thành phố hay một đất nước, điều đó rất tốt. Nhưng nếu
không có anh đứng ra làm giàu, người ta vẫn có thể sống ngắt ngoải, tồn tại qua
ngày đoạn tháng và sự sống của họ vẫn mang ý nghĩa trọn vẹn với cái nghèo khổ của
nó. Trong khi đó, anh ngắt đi sự sống, sinh mệnh của một ai đó thì vĩnh viễn họ
mất đi! Ông Thanh là một Phật tử, ông Tân cũng là một Phật tử. Chắc hai ông
cũng mơ hồ nhận ra luật nhân quả trong cuộc đời mình. Và dù sao, cả hai người đều
đáng thương trong một vở tuồng chế độ.
Và
tại sao sức khỏe của ông Thanh lại trở thành vở tuồng biến tấu nhịp nhàng trong
giai đoạn này? Có lẽ câu trả lời này chỉ có những đạo diễn của vở tuồng này mới
trả lời chuẩn xác nhất (nếu họ chịu nói thật một lần!). Và đỉnh điểm tài năng của
kẻ đạo diễn vở tuồng này là người ta khéo sắp xếp một nhân vật vừa thật vừa ảo,
đầy quyền lực như Thân Đức Nam tường thuật câu nói của ông Nguyễn Bá Thanh:
“Tao khỏe mà, có chi đâu!”. Bình sinh ông Thanh chỉ xưng “tui” với người chung
quanh, chuyện ông xưng “tao” là chuyện chỉ có duy nhất lần này.
Ông
Thanh phải vào vai trong vở tuồng mà ở đó ông được đón rước như một lãnh tụ tối
cao với mọi thứ phương tiện hiện đại nhất, thông thoáng nhất trong lúc nhiều trẻ
em, người lớn vẫn phải chen chúc, nằm ngủ vật vạ ngoài hiên bệnh viện để chầu
chực từng viên thuốc. Làm như vậy khác nào trét dơ vào danh phận ông Thanh?!
Và phải chăng máu Cồn
Dầu nay đang phải trả?
No comments:
Post a Comment