Việt-Long
& Nguyễn-Xuân Nghĩa, Tư vấn Kinh tế của RFA
2015-01-13
Việt-Long: Trong loạt
bài tổng kết về năm 2014 và dự báo kinh tế năm 2015 mà ông kết thúc hôm Thứ Tư
24 tháng trước, ông nói rằng kinh tế toàn cầu năm 2015 bị đứt neo và có thể đối
mặt với nạm giảm phát. Thế rồi hôm mùng chín vừa qua, Cục Thống kê của Trung Quốc
cho biết cả chí số giá tiêu dùng lẫn chỉ số hàng công nghiệp đều giảm trong
tháng 12 và người ta nói đến nguy cơ giảm phát của kinh tế Trung Quốc. Tuần trước
ông phân tích viễn ảnh kinh tế u ám của Châu Âu, chưa nói gì đến nguy cơ
khủng bố Hồi giáo. Bây giờ trong chương trình hôm nay, xin đề nghị ông trình
bày về nguy cơ giảm phát ở Trung Quốc. Trước hết, ông vui lòng nhắc giúp định
nghĩa của giảm phát. Giảm phát là gì?
Nguyễn-Xuân
Nghĩa:
- Trước hết tôi cũng muốn nói về định nghĩa và ngôn từ để mình cùng hiểu là
đang nói về chuyện gì.
-
Chúng ta đều có nghe nói đến nạn lạm phát vì Việt Nam đã từng bị tai họa này
vào những năm 1985-1986 khi vật giá leo thang đến 700% vì những sai lầm về
chính sách thời đó. Lạm phát là khi đồng tiền bị mất giá khi giá hàng hóa gia
tăng mạnh. Lý do thì có nhiều loại, và người ta thường đo lường mức lạm phát ấy
ở chỉ số giá tiêu dùng, viết tắt là CPI, tức là giá cả của các sản phẩm hoàn tất
được bán cho nhà tiêu thụ sau cùng. Một cách cụ thể thì người ta so sánh dị biệt
của giá tiêu dùng giữa hai thời điểm và có thể từ đó quy ra toàn năm thì có tỷ
lệ lạm phát. Nếu kinh tế tăng trưởng hài hòa thì một tỷ lệ lạm phát chừng 2% một
năm được coi là điều tốt đẹp.
-
Khi mức lạm phát lại không tăng mà giảm dần thì ta gặp hiện tượng chuyển tiếp
mà tôi xin gọi là "thiểu phát", tức là có lạm phát mà ít hơn, chậm
hơn. Đấy là cách dịch chữ "disinflation" khá thông dụng. Bây
giờ, nếu giá tiêu dùng không tăng chậm mà còn sụt thì ta có nạn giảm phát, là
"deflation", nguy kịch hơn nạn thiểu phát. Giảm phát là khi
giá hàng sụt giảm, dù hàng đã hạ giá mà vẫn ế và dẫn đến hậu quả là hàng sản xuất
sẽ giảm. Khi sản lượng giảm thì lợi tức sụt theo và thất nghiệp tăng. Thế giới
cứ quen nhìn vào nạn lạm phát mà ít thấy ra một nguy cơ trái ngược là giảm
phát, với hậu quả thật ra còn tai hại hơn lạm phát vì mọi người đều nghèo đi, cả
nhà sản xuất lẫn giới tiêu thụ, cả khách nợ lẫn chủ nợ. Trong vụ Tổng khủng hoảng
năm 1929-1933, chính là nạn giảm phát sau đó mới gây ra lầm than và là một
nguyên nhân dẫn tới đại chiến.
-
Nói vắn tắt cho thính giả của chúng ta dễ nhớ là khi số cầu cao mạnh hơn số
cung thì kinh tế bị lạm phát. Ngược lại, khi cung lại cao hơn cầu thì đấy là giảm
phát. Từ lạm phát kinh tế có thể bị thiểu phát rồi mới trôi vào giảm phát.
Việt-Long:
Sau
khi tóm tắt vấn đề, chúng ta trở lại hồ sơ kinh tế của Trung Quốc. Liệu kinh tế
xứ này có bị nguy cơ giảm phát không và nếu gặp cái nạn này thì có cách gì đối
phó?
Nguyễn-Xuân
Nghĩa: -
Nói về cách đo đếm để trà lời cho câu hỏi đó, thống kê Trung Quốc hôm Thứ Sáu
tuần trước cho biết chỉ số giá tiêu dùng là giá bán lẻ chỉ tăng có 2% so với
tiêu chí do lãnh đạo đề ra cho toàn năm 2014 là 3,5%. Nếu so với đà tăng giá
năm 2013 là 2,6% thì tăng số vừa qua còn chậm hơn nữa. Nghĩa là kinh tế xứ này
đang bị nạn thiểu phát, giá có tăng mà chậm. Nếu suy ngược lên tiến trình sản xuất
ở trên mà nhìn vào giá cả của các mặt hàng công nghiệp, tức là giá bán sỉ để dự
báo về giá bán lẻ sau này, thì thống kê của Bắc Kinh cho biết chỉ số PPI trong
Tháng 12 quy ra toàn năm đã sụt mất 3,3%. Đấy mới là dấu hiệu đáng ngại nhất vì
năm qua, chỉ số này là 1,9%. Nói đơn giản thì kinh tế Trung Quốc đang từ nạn
thiểu phát gặp nguy cơ giảm phát, vì vậy mà các thị trường thế giới gióng
chuông báo động rằng Trung Quốc có thể gặp giảm phát như Nhật Bản đã từng bị từ
năm 1990 mà nay vẫn chưa thoát khỏi.
Việt-Long: Liệu điều ấy có xảy
ra không?
Nguyễn-Xuân
Nghĩa:
- Nếu ta lùi lại để nhìn vào toàn cảnh thì Trung Quốc đang gặp vấn đề của các nền
kinh tế mắc nợ lớn sau khi bơm tiền kích thích kinh tế và ào ạt nâng số cung. Một
cách dễ hiểu thì Trung Quốc đi vay quá đà nên đến hồi trả nợ và tiến trình này
gây ra nạn suy trầm hay tệ hơn vậy, nạn suy thoái. Để kích thích kinh tế trong
một cơ chế lệch lạc, họ bơm tiền sai chỗ nên thổi lên bong bóng đầu tư, khi
bóng bể thì kinh tế khủng hoảng. Từ hai ba năm nay, ta đã thấy nguy cơ bể bóng
trong khu vực địa ốc trong khi đà tăng trưởng lại giảm dần.
-
Dù chưa biết là núi nợ cao đến đâu và bên trong bị ung thối đến cỡ nào, lãnh đạo
xứ này đã biết sợ nên muốn chủ động làm xì trái bóng trước khi nó bể. Nhưng nếu
làm như vậy thì lại bị rủi ro là đà tăng trưởng càng giảm. Họ phải cân nhắc kỹ
để khỏi trôi vào cái vòng luẩn quẩn là tăng trưởng thấp thì khó trả nợ mà không
trả được nợ thì vỡ nợ và khủng hoảng.
-
Chuyện thứ hai về bối cảnh, cơ chế kinh tế Trung Quốc sở dĩ lệch lạc là vì chiến
lược thúc đẩy tăng trưởng nhờ đầu tư quá nhiều và lại ức chế tiêu thụ. Vì vậy,
sau Đại hội 18 vào cuối năm 2012 nhất là sau Hội nghị Trung ương kỳ ba vào cuối
năm 2-13, lãnh đạo xứ này muốn chuyển hướng và dồn tiền qua khu vực tiêu thụ với
cái giá phải trả là sẽ tăng trưởng chậm hơn trong trung hạn dăm ba năm. Bây giờ
khi giá hàng sụt giảm như vậy do hiện tượng thiểu phát thì dân chúng càng chậm
tiêu xài để chờ giá thấp hơn cho nên nguy cơ giảm phát sẽ càng tăng và kinh tế
sẽ hạ cánh nặng nề chứ không nhịp nhàng như lãnh đạo mong muốn.
Việt-Long: Nói cách khác thì
kinh tế Trung Quốc có thể bị giảm phát như Nhật Bản hơn hai chục năm trước?
Nguyễn-Xuân
Nghĩa:
- Tôi thiển nghĩ rằng còn tệ hơn Nhật Bản với hậu quả trầm trọng gấp bội.
-
Hơn 20 năm trước, khung cảnh kinh tế toàn cầu thật ra còn khá hơn hiện nay vì
nhiều yếu tố. Hoa Kỳ mới khởi sự cuộc cách mạng về tín học với năng suất gia
tăng mạnh. Các nước đang phát triển và cả Mỹ châu La tinh thì vừa ra khỏi cả chục
năm khó khăn nên đồng loạt cải cách hay đổi mới, kể cả Việt Nam và Ấn Độ, và
không bị mắc nợ nhiều như bây giờ. Thời ấy, nguyên nhiên vật liệu chưa tăng giá
nhưng tương đối ổn định chứ không sa sút nặng như ngày nay. Trong hoàn cảnh đó,
kinh tế toàn cầu không sợ nạn thiểu phát hay giảm phát và vì vậy biến động tại
Nhật không gây họa cho xứ khác.
-
Bên trong, Nhật Bản có xã hội thuần chủng và đồng thuận, có cơ chế dân chủ và
ít dị biệt về lợi tức nên người dân chấp nhận khó khăn với tinh thần khắc khổ
theo lối "rau cháo có nhau". Nôm na là chính quyền có thể đổ mà xứ sở
không loạn. Trung Quốc thì khác mà tệ hơn nhiều vì không có dân chủ. Các thành
phần trục lợi nhờ cơ chế lệch lạc đó lại nắm thực quyền ở trên nên có thể cưỡng
chống việc chuyển hướng vì thế mà lãnh đạo mới phải mở chiến dịch diệt trừ tham
nhũng để đẩy lui sự cưỡng chống và phá hoại.
Việt-Long: Qua sự phân tích của
ông thì Trung Quốc rất khó đối phó nạn giảm phát này, như vậy thì nó kéo dài
bao lâu và gây ra những hậu quả gì?
Nguyễn-Xuân
Nghĩa:
- Người ta rất khó đoán ra thời hạn và cường độ của sự hoạn nạn vì những lý do
sau đây. Trước tiên, Trung Quốc bước vào thời trả nợ và nếu lãnh đạo thành công
trong việc bắt các chính quyền địa phương mắc nợ phải bán tài sản qua tiến
trình cổ phần hóa để lấy tiền trả nợ thì sẽ sớm ra khỏi khó khăn. Nhưng lãnh đạo
có làm nổi việc đó không?
-
Thứ hai là khả năng tạm gọi là "tái phân lợi tức" để nâng mức tiêu thụ
và gia tăng số cầu hầu có một lực đẩy khác để ra khỏi nạn giảm phát. Việc tái
phân lợi tức ấy nghĩa là dồn tài sản từ khu vực kinh tế nhà nước về các hộ gia
đình cho người dân hưởng thành quả của lao động. Việc phân phối lợi tức như vậy
phải đạo về luân lý và hợp lý về kinh tế mà khó thi hành về chính trị!
-
Sau cùng, Bắc Kinh còn phải cải cách toàn bộ cơ chế tài chính ngân hàng để
tránh nạn úng thủy là khi tiền bơm vào các khu vực của nhà nước, từ trung ương
đến địa phương, lại thổi bong bóng và tham nhũng, trong khi các tiểu doanh
thương của tư nhân vẫn khó tìm ra tín dụng cho sản xuất. Cho nên, vì sự cưỡng
chống chính trị bên trong, Trung Quốc không thể sớm hoàn tất việc cải cách này.
Việt Nam cũng có cái tai họa ấy trong xương tủy nên chắc là phải biết vấn đề!
Việt-Long: Trong bối cảnh giá dầu
đang giảm, có lợi cho Trung Quốc, thì điều đó có giúp Trung Quốc chống được nạn
giảm phát không?
Nguyễn-Xuân
Nghĩa: - Cái
lợi thì có nhưng không đủ bù cho thiệt hại. Ví dụ giá dầu giúp Trung Quốc được
100 tỉ chẳng hạn, trong khi nền kinh tế thiệt hại hằng ngàn tỉ, thì cái lợi đó
không thấm tháp gì!
Việt-Long: Dù sao chúng ta cũng
không quên là Trung Quốc có nền kinh tế đứng hạng nhì thế giới, sau Mỹ và trước
Nhật, trong khi châu Âu chưa ra khỏi khủng hoảng và cũng có thể bị nạn giảm
phát. Nếu Trung Quốc bị giảm phát quá nặng và quá lâu vì lãnh đạo khó xoay trở
được do các vấn đề kinh tế đa diện lẫn những trở ngại chính trị trong nội bộ
như ông vừa phân tích thì hậu quả sẽ ra sao cho kinh tế thế giới trong năm nay
và nhiều năm tới?
Nguyễn-Xuân
Nghĩa: -
Tôi xin tóm lược như thế này để ta nhìn ra toàn cảnh của thế giới, bên trong có
kinh tế Trung Quốc sắp lâm nạn.
-
Thế giới bị cái nạn chung là có sức tiêu thụ quá thấp, khối tiết kiệm quá cao
và nhiều phương tiện sản xuất dư dôi. Bài toán khách quan ở đây là các nước phải
tăng số cầu bằng cách này hay cách khác. Cho tới nay, chỉ Mỹ là còn hy vọng
nâng mức cầu chứ các xứ khác như Âu, Nhật và Tầu thì đều rũ liệt. Trong tình huống
ấy mà Trung Quốc bị giảm phát thì chẳng thể mong gì ở thị trường bên ngoài mà
thế giới cũng chả có lợi gì khi xứ này lâm nạn. Cũng phải nói thêm là những gì
đang và sẽ xảy ra tại Trung Quốc sẽ không ảnh hưởng mạnh đến kinh tế thế giới vốn
dĩ đang có vấn đề riêng và phải giải quyết theo phương cách riêng. Trung Quốc
không có cái thế lực như người ta thường nghĩ.
Việt-Long: Câu hỏi cuối thưa
ông. Vì ta đang nói về kinh tế Trung Quốc, ông nghĩ sao về đề nghị là Việt Nam
nên dùng đồng Nhân dân tệ của xứ này để thanh toán việc giao dịch giữa hai nước?
Nguyễn-Xuân
Nghĩa:
- Tôi xin nói ngược với mọi người mà cho rằng đấy là một sáng kiến nay. Thứ nhất,
nó xác nhận điều ai cũng biết mà không được nói là Việt Nam không có chủ quyền.
Thứ hai, nó gây tai họa kinh tế khi tiền của Trung Quốc mất giá và sẽ còn mất
giá, làm cho những ai muốn lệ thuộc vào Trung Quốc dễ phá sản. Những chuyện ấy
sẽ thức tỉnh người dân khiến cho bên trong Việt Nam, nhiều người phải tìm ra giải
pháp khác.
Việt-Long: Xin cảm tạ ông Nghĩa
về nhận xét thâm thúy này!
Tin,
bài liên quan
No comments:
Post a Comment