Trọng Thành - RFI
Đăng
ngày 10-01-2015 Sửa đổi ngày 10-01-2015 16:26
Để chuẩn bị cho hội
nghị thượng đỉnh tại Kazakhtan, tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng Ukraina, hôm
qua 09/01/2015, các Ngoại trưởng của bốn quốc gia Ukraina, Nga, Pháp và Đức đã
thỏa thuận sẽ hội kiến tại Berlin vào ngày thứ Hai, 12/01. Bộ Ngoại giao Đức và
Ba Lan đã ra thông báo về diễn biến nói trên.
Ngoại
trưởng Đức Franck-Walter Steinmeir tuyên bố, trong một thông điệp được đưa ra
sau cuộc điện đàm giữa bốn ngoại trưởng : « chúng tôi sẽ nỗ lực làm tất cả
trong khả năng để tạo điều kiện cho một thỏa hiệp chính trị, cho phép giải tỏa
tình trạng hiện nay ở miền Đông Ukraina ». Ngoại trưởng Đức nhấn mạnh là
con đường đạt đến một giải pháp như vậy còn « dài và khó khăn », và mọi
bước tiến cần phải lấy « kim chỉ nam » là thỏa thuận ngưng bắn về nguyên
tắc đã đạt được tại Minsk (Belarus) hồi tháng 9/2014.
Về
phần mình, người đồng nhiệm Ukraina Pavlo Klimkine cũng đưa ra thông tin về cuộc
hội kiến tại Berlin qua Twitter. Ngoại trưởng Ukraina thừa nhận « tiến bộ
duy nhất » đạt được trong cuộc điện đàm bốn bên hôm qua là thỏa thuận về cuộc
hội kiến này.
Cuộc
gặp bốn Ngoại trưởng nói trên được coi là bước chuẩn bị cho thượng đỉnh Astana,
Kazhkhstan với sự tham gia của nguyên thủ bốn nước (Ukraina, Nga, Pháp, Đức).
Theo thông báo của Tổng thống Ukraina Petro Porochenko hồi cuối tháng 12/2014,
thời gian dự kiến là ngày 15/01/2015. Tuy nhiên, mốc thời gian này không được bất
cứ bên liên quan nào khẳng định cho đến nay.
Theo
Thủ tướng Đức Angela Merkel, hôm thứ Năm 07/01, thời gian tổ chức hội nghị thượng
đỉnh này sẽ được khẳng định « sau các cuộc gặp trong những ngày tới ». Ngoại trưởng
Đức lưu ý : « nếu không đạt được một thỏa thuận bền vững về ngừng bắn, rút
vũ khí nặng khỏi vùng tranh chấp và cho phép cứu trợ nhân đạo vào khu vực xung
đột, thì việc thực thi thỏa thuận Minsk sẽ khó lòng chuyển sang các bước mới ».
Thủ
tướng Đức : trừng phạt Nga chỉ được dỡ bỏ, nếu hòa bình trở lại Ukraina
Trước
thượng đỉnh bốn bên về Ukraina, hôm thứ Năm, 07/01, trong thời gian Thủ tướng
Ukraina Arseny Yatseniuk công du Đức, Thủ tướng Đức Angela Merkel tuyên bố Liên
Hiệp Châu Âu chỉ chấp nhận bỏ trừng phạt, nếu hòa bình trở lại với Ukraina.
Cùng
ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraina Stepan Poltorak đưa ra con số ước tính 7.500
chiến binh Nga đang có mặt tại vùng Donbass, miền Đông Ukraina. Bạo lực tại miền
Đông ngày hôm qua bùng phát ở mức chưa từng có kể từ khi thỏa thuận ngừng bắn mới
được thực thi ngày 09/12/2014, với 4 binh sĩ quân đội Ukraina và 4 thường dân
thiệt mạng.
Tuy
nhiên, Liên Hiệp Châu Âu cũng ghi nhận « những dấu hiệu tích cực dù có giới
hạn » từ phía Matxcơva. Hôm thứ Tư, 06/01, lãnh đạo Ngoại giao Châu Âu
Federica Mogherini cho rằng Nga đã "cởi mở hơn" trong việc tìm
giải pháp cho xung đột. Dù sao, theo bà Federica Mogherini, quan điểm của
Châu Âu là lắng nghe trước hết các phản ứng từ Kiev.
Ukraina
tiếp tục sa lầy vì chiến tranh và khủng hoảng kinh tế. 2014 là năm tồi tệ nhất
của nền kinh tế Ukraina kể từ 2014, với GDP giảm 7,5% và đồng tiền mất giá 50%.
Ngày thứ Năm, Ủy ban Châu Âu thông báo sẽ giải ngân thêm 1,8 tỷ euro cho Kiev,
tuy nhiên khoản viện trợ này còn phải được Nghị viện Châu Âu và các quốc gia
thành viên phê chuẩn, và được đưa vào chương trình trợ giúp Ukraina do Quỹ Tiền
tệ Quốc tế chủ trì. Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Jean-Claude Juncker khẳng định : « Ukraina
không đơn độc. Châu Âu đoàn kết với Ukraina và ủng hộ chương trình cải cách của
tân chính phủ ».
No comments:
Post a Comment