Được
đăng ngày Thứ hai, 26 Tháng 1 2015 15:53
Place
de la République và chung quanh
Phải gọi
cuộc biểu tình tại Pháp ngày 11 tháng 01/2015 vừa qua là "Tuần Hành Cộng
Hòa" như chính quyền phủ Pháp gọi nó? Hay cuộc biểu tình vì tự do? Hay chỉ
giản dị là cuộc biểu tình bày tỏ sự phẫn nộ trước sự ngu xuẩn man rợ?
Điều chắc
chắn là nó đã là cuộc biểu tình lớn nhất trong lịch sử nước Pháp và có lẽ cũng
lớn nhất trong lịch sử thế giới về ý nghĩa và phẩm chất. Các thế hệ trước tôi
chưa được thấy, các thế hệ sau tôi chưa chắc đã có thể thấy. Trong số những người
đương thời với tôi chỉ một thiểu số không đáng kể có diễm phúc được thấy tận mắt
vì có tham dự.
Tôi
chưa từng cầm một tờ Charlie Hebdo nào trong tay bao giờ, chưa nói là đọc.
Một vài hình biếm họa của Charlie Hebdo mà các báo khác đăng lại hoặc
Tivi đưa lên vì gây sôi nổi thì tôi không thích. Mỗi người thích một cách châm
biếm và cách châm biếm của Charlie Hebdo không hợp với tôi. Nó là sự tiếp
nối không hối tiếc của tờ Hara Kiri, một tờ báo tự đánh giá là "ngu và
ác" (journal bête et méchant). Nhưng tôi thực sự sững sờ khi nghe
Tivi loan tin hai tên cuồng tín đã xông vào tòa báo tàn sát cả ban biên tập. Phải
một lúc sau tôi mới hiểu sự xúc động của mình. Không chỉ vì tự do phát biểu bị
xúc phạm và những con người vô tội bị tàn sát. Như thế đã là rất thô bạo, quá
thô bạo rồi, nhưng còn một cái gì ghê rợn hơn: những kẻ ngu dốt chỉ vì ngu dốt
mà tự thấy mình đúng đến độ có thể nhân danh cái "đúng" đó mà giết
người. Ghê rợn hơn nữa là chúng dám hy sinh tính mạng cho tội ác ngu xuẩn đó;
chúng biết trước rằng ngay sau đó chúng sẽ bị giết một cách dữ dội.
Một
phụ nữ vui vẻ chụp hình kỷ niệm với tôi khi biết tôi cũng đi tham dự. Từ nhà ga
cách trung tâm Paris 30 KM
Tôi quyết
định ngay là sẽ tham dự cuộc biểu tình ngày 11 tháng 1/2015. Tôi biết trước là
cuộc biểu tình này sẽ rất đông người, nhưng thú thực là tôi không thể ngờ nó
đông đến như thế. Nhà tôi ở cách trung tâm Paris khoảng ba mươi Km. Lộ trình dự
trù của chúng tôi, một anh bạn và tôi, là sẽ dùng RER (đường tốc hành vùng) để
tới trạm Châtelet Les Halles, sau đó sẽ lấy Metro đi tới trạm Strasbourg Saint
Denis rồi đi bộ thêm hơn một Km nữa tới Quảng trường République (Place de la
République), điểm tập trung của cuộc biểu tình và tuần hành. Ngay khi vào nhà
ga gần nhà tôi đã thấy nhiều người mang biển "Je Suis Charlie" đứng đợi
tầu. Một phụ nữ vui vẻ chụp hình kỷ niệm với tôi khi biết tôi cũng đi tham dự.
Trên xe cũng có rất nhiều người mang biển "Je Suis Charlie" (Tôi là
Charlie đây), hoặc "Liberté d'expression" (Tự Do Ngôn Luận) hoặc
"Liberté" (Tự Do). Tôi tin rằng đa số những người khác cũng đi biểu
tình bởi vì họ có cùng một thái độ và một nét mặt. Vả lại tôi đã quá quen đường
xe điện này, chiều chủ nhật bình thường đâu có đông như vậy. Chúng tôi may mắn
còn có được một chỗ ngồi vì lên xe ở khá xa địa điểm tập hợp, nhưng chỉ trạm
sau là những người mới lên phải đứng, rồi chen nhau mà đứng. Bây giờ thì quá rõ
ràng là họ đều đi biểu tình.
Chúng
tôi xuống ở Châtelet để đổi xe điện nhưng thấy ngay là tuyệt vọng. Quá chen
chúc dù đây là trạm Metro lớn nhất Paris. Một nhân viên công ty chuyên chở
Paris bảo chúng tôi:
- Quí vị
phải đi bộ thôi, kẹt hết rồi, xe điện không chạy nữa. Cũng được. Lúc đó mới là
14 giờ 20, còn 40 phút nữa cuộc Tuần Hành Cộng Hòa, La Marche Républicaine như
các chính quyền và các báo, đài gọi, mới bắt đầu. Quảng trường République chỉ
còn cách khoảng ba Km. Chúng tôi thấy vui chứ không nản. Như vậy là cuộc biểu
tình này sẽ rất đông người như chúng tôi mong muốn.
Không
thể tưởng tượng được. Quảng trường Châtelet đã chật ních người, họ rẽ vào những
con đường khác nhau nhưng tất cả đều tìm cách đi đến Place de la République vì
các đường chính đã kẹt hết rồi. Nhưng đường nào thì cũng chỉ đi được một quãng
rồi cũng kẹt. Phải bon chen lắm - ít khi nào từ "bon chen" đúng hơn
lúc này - chúng tôi mới tới được cách quảng trường République khoảng 500 m. Rồi
không đi được nữa. Một cô bé bên cạnh tôi nói với bố mẹ: "Chúng ta sẽ
không thể tới chỗ biểu tình" và được bố trả lời: "Mình đã biểu
tình từ hơn hai giờ rồi". Qua cửa kính của một cửa hàng tôi nhìn thấy
trên màn ảnh Tivi quang cảnh cuộc biểu tình. Quảng trường République đã đặc người
nhưng tất cả những con đường đổ về hoặc bao quanh cũng đều chật cứng trong vòng
gần hai Km. Khu này tôi khá quen. Năm mươi năm về trước tôi theo học ở một trường
gần đây và đã đi tản bộ trên quảng trường République không biết bao nhiêu lần.
Quảng trường này mênh mang đủ chỗ cho vài trăm nghìn người, chính vì thế mà nó
là nơi biểu tình quen thuộc nhất nước Pháp. Nhưng hôm nay thì người ta phải
chen nhau mà đứng, không phải chỉ ở quảng trường mà trên khắp các con đường
chung quanh. Sau này sở cảnh sát Paris ước lượng con số người biểu tình tại
Paris là 1,7 triệu người nhưng họ cũng thú nhận là không thể ước lượng một cách
chính xác. Nếu kể cả các cuộc biểu tình cùng một lúc tại các thành phố khác thì
tổng số người biểu tình khoảng bốn triệu.
Tôi chợt
nhận ra là không biết từ bao giờ mọi người đều im lặng. Mới đầu còn có những
người hô "Charlie! Charlie!", rồi "Liberté!
Liberté!" và đám đông hô theo nhưng về sau người ta không còn hô khẩu
hiệu nữa. Không ai bảo ai nhưng mọi người đều nhận ra rằng hô khẩu hiệu là
không cần thiết. Người ta hô khẩu hiệu trong các cuộc biểu tình là để khẳng định
sự đoàn kết trong mục tiêu chung, nhưng hôm nay đã có đoàn kết hoàn toàn và mục
tiêu chung cũng đã quá rõ rệt thì cần gì hô khẩu hiệu nữa? Hơn nữa khẩu hiệu "Charlie!"
lại không chỉnh, nó chỉ là một cách nói bóng để khẳng định thái độ bảo vệ tự do
và chống bạo lực. Nếu các nạn nhân không phải là của báo Charlie Hebdo
thì người ta cũng sẽ phản ứng như thế, có khi còn mạnh hơn. Không phải ai mang
hay dán khẩu hiệu "Je Suis Charlie", như tôi, cũng ủng hộ tờ báo này.
"Liberté!" thì quá đúng đến độ không cần nói ra nữa. Ai cần
thuyết phục ai hôm nay rằng tự do là quí? Chính sự im lặng đoàn kết của khối
người to lớn này mới là kỳ diệu và mới đáng sợ cho bọn khủng bố.
Có lẽ bọn
khủng bố sợ thực, hoặc chúng đã hoàn toàn kiệt quệ. Nếu không thì cuộc biểu
tình này đã là dịp lý tưởng để chúng ra tay. Không hề có một sự kiểm soát nào cả.
Lực lượng an ninh hoàn toàn bị tràn ngập. Bất cứ ai có thể mang bất cứ gì vào
giữa đám đông và nếu có bom nổ thì không thể biết sẽ có bao nhiêu nạn nhân. Tuy
vậy đã không hề có bất cứ một sự cố nào, dù là nhỏ, tại Paris cũng như tại khắp
mọi nơi khác. Đúng là một phép mầu.
Một
phép mầu khác là cuộc biểu tình lớn nhất và thành công nhất này đã tuyệt đối
không có ban tổ chức. Không có diễn văn, không có khán đài, không có chỉ thị,
không có những người hướng dẫn, không có những biểu ngữ và những khẩu hiệu được
chuẩn bị sẵn, không có luôn cả hậu cần tối thiểu. Không ai điều khiển ai, không
ai quan trọng hơn ai. Các quan khách, trong đó có khoảng năm mươi nguyên thủ quốc
gia và hành pháp, đã chỉ xuất hiện một cách ngắn ngủi rồi ra đi. Họ không cần
thiết mà còn là một nốt nhạc sai trong cuộc hòa tấu vĩ đại này. Họ đại diện cho
quyền lực, luật pháp, kỷ luật, công an, quân đội v.v., những điều không có mặt
và cũng không nên nghĩ tới vào lúc này, trong một khoảng khắc của tự do, bình đẳng
và thân ái trọn vẹn. Hôm nay và tại đây mọi người đều như nhau và đều là thành
tố quan trọng nhất - vì quan trọng như nhau - của cuộc biểu tình vĩ đại này.
Hôm nay Paris là thủ đô của thế giới văn minh.
Cuộc biểu
tình này không lớn nhất trong lịch sử thế giới về số người tham dự (17 triệu
người đã xuống đường đòi lật đổ chính quyền Morsi tại Ai Cập ngày 30/06/2013)
nhưng là cuộc biểu tình lớn nhất và đẹp nhất trong lịch sử nước Pháp và thế giới
ở chỗ nó tuyệt đối không có hận thù và xô xát. Nó là cuộc biểu tình của những
người yêu tự do, đặc biệt là tự do ngôn luận, yêu hòa bình và quí trọng nhau.
Giữa
dòng suy nghĩ miên man tôi chợt nhận ra là người ta đang quay mặt và đi ngược lại.
Mới đầu một số người, rồi một nửa, rồi tất cả. Tôi hỏi một đám người đang chen
ngược trở lại lý do thì được trả lời: "Họ yêu cầu chúng ta đi ngược lại
vì đàng trước hết chỗ đứng rồi". "Họ" không phải là một ban
tổ chức nào mà chỉ là nhưng người đứng trước. Đi ngược trở lại, nghĩa là đi về?
Đàng
nào thì tôi cũng đã tham gia biểu tình gần ba giờ rồi. Tuy vậy cả bạn tôi và
tôi đều chưa muốn về. Chúng tôi đồng ý đi vòng qua quảng trường Bastille để đi
tới quảng trường Nation, địa điểm tập trung cuối cùng của cuộc biểu tình. Rất
nhiều người cũng làm như chúng tôi nên lộ trình dài hơn ba Km này cũng đầy người.
Chúng tôi tới quảng trường Nation khi trời đã tối, anh sáng chỉ còn là ánh sáng
đèn điện, quảng trường đã thưa người, cuộc biểu tình đã chính thức chấm dứt từ
lâu rồi, chỉ còn lại những người luyến tiếc khí thế của nó như những thanh niên
đang leo lên tượng đài hoặc quây quần quanh bồn nước, hoặc suy nghĩ miên man
như chúng tôi.
Tôi
nghĩ rằng nước Pháp sẽ thay đổi lớn kể từ hôm nay. Tôi tới Pháp đã hơn 50 năm
và vẫn thắc mắc tại sao nước Pháp không mạnh hơn dù có tất cả để vượt trội:
lãnh thổ rộng nhất Tây Âu, đất đai phì nhiêu, phong cảnh hùng vĩ, khí hậu tuyệt
vời, địa lý thuận lợi mở ra cả Đại Tây Dương lẫn Địa Trung Hải, con người thông
minh, văn hóa và tư tưởng phong phú, khoa học và kỹ thuật hàng đầu thế giới
v.v. Cho đến thế kỷ 18 Pháp là cường quốc số 1 thế giới, vượt xa mọi nước khác,
nhưng rồi cứ xuống dần và vừa nhường vị trí cường quốc kinh tế thứ năm cho Anh.
Chỉ cần đi về phía Bắc Paris hai trăm Km người ta sẽ gặp nước Bỉ đất hẹp người
đông nhưng lại phồn vinh hơn, càng đi về phía Bắc càng thấy Pháp thua sút. Chỉ
sau một thời gian dài sống và làm việc với người Pháp tôi mới hiểu được lý do.
Nước Pháp đã không gượng dậy được sau Cách Mạng 1789, những cuộc chiến tranh của
Napoléon và cuộc nội chiến Công Xã Paris mùa xuân 1870. Và lý do khiến Pháp
không gượng dậy được là vì đã hoàn toàn không có cố gắng hòa giải dân tộc sau
những xung đột. Mỗi lần kẻ thắng đã dành tất cả vinh quang và quyền lợi và chà
đạp kẻ thua. Cuối cùng tinh thần "được ăn cả, ngã về không" đó đã ăn
sâu vào tâm lý người Pháp và khiến nước Pháp sống trong tâm lý nội chiến thường
trực. Công nhân nhìn chủ nhân như những kẻ bóc lột, chủ nhân nhìn công nhân như
bọn phá hoại, những gì một chính phủ cánh hữu làm thì đối lập cánh tả phải kêu
gọi nhân dân chống lại, dù nếu mình cầm quyền cũng không thể làm khác, và ngược
lại. Pháp không có tinh thần quốc gia dù nhiều tự hào dân tộc. Pháp đã không hiểu
rằng hòa giải dân tộc không chỉ là hàn gắn những vết thương sau xung đột mà còn
là một triết lý điều hành quốc gia bởi vì hai khái niệm quốc gia và hòa giải gắn
bó chặt chẽ với nhau. Chính vì thế mà Pháp không đoàn kết được dân tộc trong một
cố gắng chung và đã không thể thành công như đáng lẽ phải thành công. Tuy
nhiên, với thời gian, sau Mùa Xuân 1968 và nhất là sau khi bức tường Berlin sụp
đổ, người Pháp đã hiểu ra rằng xung đột tả - hữu là vô nghĩa và phải đoàn kết với
nhau trong một cố gắng quốc gia chung. Chính trị nước Pháp đã thay đổi, dần dần
hòa giải dân tộc đã trở thành một giá trị và đã thay đổi sinh hoạt chính trị. Đảng
cực hữu Le Pen chế nhạo hai đảng Xã Hội (PS) và Liên Hiệp Vì Một Phong Trào Quần
Chúng (UMP) là không khác gì nhau mà không hiểu răng đó là một chuyển hóa cần
thiết cho nước Pháp. François Hollande gần như chắc chắn sẽ không tái đắc cử
nhưng ông đã đóng góp khai thông tâm lý nước Pháp một cách quan trọng. Là một tổng
thống cánh tả theo đuổi một chính sách kinh tế cánh hữu ông đã chứng tỏ một
chính sách kinh tế chỉ đúng hay sai chứ không tả hay hữu. Cuộc biểu tình này đã
qui tụ cả cánh tả lẫn cánh hữu, nó đã khiến sự phân chia tả - hữu trở thành nhạt
nhẽo. Nó đã đánh dấu một cột mốc. Nước Pháp đã thay đổi.
Place
de la Nation, một giờ sau khi cuôc biểu tình chính thức chấm dứt.
Tôi
cũng nghĩ tới nước Việt Nam của tôi.
Chính
quyền Việt Nam đã không gửi đại diện tham dự cuộc biểu tình lịch sử này, như
Trung Quốc, Triều Tiên, Cuba. Lý do dễ hiểu là nó đang chống cự lại những giá
trị mà cuộc biểu tình này tôn vinh và đòi hỏi: tự do, tự do tư tưởng, tự do
ngôn luận. Sự thành công mỹ mãn của cuộc biểu tình này cũng là đòn nặng cho các
chế độ bạo ngược còn lại.
Chế độ
CSVN thực ra không khác bọn khủng bố Hồi giáo về bản chất. Cả hai đều là những
lực lượng khủng bố, dù là khủng bố phá hoại hay khủng bố nhà nước; cả hai đều
cùng ngoan cố theo đuổi một ý thức hệ không chỉ lỗi thời mà còn đã quá sai, dù
là thần quyền Hồi Giáo hay chủ nghĩa Mac-Lenin; cả hai đều sợ tự do, đặc biệt
là tự do ngôn luận, và dùng bạo lực để chống lại tự do. Cả hai đều tuyệt vọng
và càng cựa quậy bao nhiêu càng lún nhanh bấy nhiêu. Sự khác biệt duy nhất chỉ
là lực lượng khủng bố Hồi Giáo ít ra còn có sức mạnh của sự mê cuồng tuyệt vọng.
Chính
quyền cộng sản Việt Nam không có cả sức mạnh của sự tuyệt vọng bởi vì họ biết
là họ sai và sắp bị đào thải; họ chỉ cố kéo dài thời gian nhưng cũng thừa biết
là hạn kỳ đã tới. Nói theo tiếng Pháp thì họ đã mang cái chết ở trong lòng, la
mort dans l'âme. Tôi tự hỏi tại sao vẫn còn có những người chưa dứt khoát với
chế độ này. Phải chăng vì đã quá kiệt quệ sau một thời gian quá dài bị dày xéo
- và tự dày xéo nhân cách của chính mình để cam chịu - đến nỗi không còn ngay cả
ý chí để rời một con tầu đang chìm?
Nguyễn
Gia Kiểng
(01/2015)
(01/2015)
No comments:
Post a Comment